Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - Thực trạng và giải pháp
Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 08:57
2082 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Ngày 26-10-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào long trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - Thực trạng và giải pháp. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Bun Không Lạ Khăm Xải, Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào và TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

(Toàn cảnh Hội thảo, nguồn: hcma.vn)

Dự Hội thảo có ThS Vi Lay Văn Pheng Sa Vắt, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc Học viện cùng đông đảo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.  

Hơn 25 tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam và Lào, đồng thời thống nhất các phương hướng, giải pháp thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phát triển và đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của mỗi nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc Việt - Lào luôn được gìn giữ, phát triển về chiều rộng và chiều sâu, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó rất đáng trân trọng là sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đó là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó, thủy chung, bền vững, ngày càng phát triển, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc…

Những kết quả nghiên cứu về quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã được thể hiện ở nhiều cấp độ, nhiều khía cạnh và nhiều lĩnh vực khác nhau. Song hiện nay, trong điều kiện tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở mỗi nước, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu quan hệ hợp tác giữa hai Đảng về đào tạo và bồi dưỡng để có được đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với yêu cầu mới của cách mạng ở mỗi nước hiện nay đòi hỏi nội dung các công trình nghiên cứu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải không ngừng được nâng cao về chất lượng, qua đó làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách trong quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa hai nước. Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học hai nước cùng đi đến thống nhất chung về các giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi nước cũng như quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa Việt Nam và Lào.   

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Bun Không Lạ Khăm Xải khái quát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị Lào qua các thời kỳ; đồng thời đưa ra các nguyên tắc, mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ để công tác đào tạo và sử dụng cán bộ đạt hiệu quả. Theo đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ trong quá trình thực thi phải bảo đảm các nguyên tắc: 1) Trung thành với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 2) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận, văn hóa, khoa học, chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ và tác phong làm việc đối với mỗi cấp cán bộ; 3) Đào tạo gắn với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cán bộ, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ và quần chúng nhân dân; 4) Cung cấp tư duy mới cho đội ngũ cán bộ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng...

Phân tích những quan điểm tiêu biểu của các nhà lãnh đạo, quản lý và khoa học Lào về cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, GS, TS Bun Thi Khưa My Xay nêu bật một số luận điểm: Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng, do đó phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất cách mạng; Đào tạo, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, việc đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn; Đào tạo cán bộ phải trên tinh thần, quan điểm của giai cấp công nhân, của chủ nghĩa Mác - Lênin gắn liền với việc phát huy sức mạnh truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc; Đào tạo cán bộ phải gắn với việc củng cố, tổ chức; Đào tạo cán bộ phải gắn liền với phong trào cách mạng, hoạt động thực tiễn của nhân dân;...

Trình bày tham luận “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các giai đoạn cách mạng”, PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn (Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích làm rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý với từng giai đoạn cách mạng cụ thể (trước khi thành lập Đảng, từ khi thành lập Đảng đến khi có chính quyền, từ khi giành được chính quyền đến khi có ban hành chiến lược trong Nghị quyết Trung ương ba khóa VIII (1997), thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước); qua đó khẳng định tính đúng đắn, khoa học, kịp thời, sáng suốt trong mỗi điều chỉnh trong công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng ta. 

Bàn về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam và Lào, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của đại biểu tham dự.

Tham luận của PGS, TS Lưu Đạt Thuyết, PGS, TS Đinh Ngọc Giang, PGS, TS Phạm Thị Khanh, PGS, TS Bùi Văn Huyền, TS Lê Văn Lợi (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); TS Pheng Sỏn Khun Thoong Khăm (Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào), ThS Vi Lay Văn Pheng Sa Vắt (Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) phân tích làm rõ thực trạng quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hai nước. Quan hệ Việt - Lào trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý được hình thành từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc hai nước, từ nước thuộc địa trở thành quốc gia độc lập, từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước trong chiến tranh đến khi hòa bình và xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam và Lào đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các loại lớp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam, Lào ngày càng được đa dạng hóa gắn với mở rộng quy mô hợp lý ở tất cả các hệ lớp. Nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng tiến bộ, hiện đại và chủ động hội nhập quốc tế, qua 2 giai đoạn: Một là: Đổi mới và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị - hành chính và cử nhân chính trị chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW; Hai là: Đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quyết định số 1677, bảo đảm nội dung chương trình giảng dạy khoa học, hiện đại và sát thực tiễn; với thời gian đào tạo được rút ngắn hợp lý. Đội ngũ giảng viên từng bước được tăng cường và trẻ hóa, thuận lợi cho đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chủ động, tích cực. Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có sự chuyển biến rõ nét. Việc phối hợp giữa các bộ phận chức năng với các viện chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa, trên tinh thần tiếp thu có chọn lọc những phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của hai nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Làm rõ vấn đề này, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nêu bật một số hạn chế: Đội ngũ giảng viên thiếu, hẫng hụt và ngày càng hiếm cán bộ đầu đàn về khoa học trong nhiều chuyên ngành đào tạo; Nội dung chương trình, giáo trình phục vụ công tác đào tạo trong toàn hệ thống trường chính trị tuy có bước tiến mới, song, nhìn chung chất lượng chưa cao; Công tác quản lý đào tạo còn những bất cập; khả năng phối hợp giữa Học viện với Ban Tổ chức Trung ương; giữa các đơn vị đào tạo trong toàn hệ thống với các bộ, ban ngành trung ương, địa phương chưa hiệu quả; Cơ sở vật chất chưa bảo đảm tốt cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và học viên; Đời sống của giảng viên nói riêng, cán bộ công nhân viên chức trong hệ thống trường chính trị nói riêng còn hạn chế...

Tại Hội thảo, nhiều tham luận đưa ra các phướng hướng, giải pháp nhằm xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu số lượng và chất lượng của cán bộ phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.

Đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố, PGS, TS Trương Thị Thông đưa ra một số giải pháp: 1) Đổi mới căn bản chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo; 2) Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; 3)Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ phụ cấp hợp lý đối với người dạy và người học; 4) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 5) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đối với việc bồi dưỡng năng lực tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay, PGS, TS Trần Văn Phòng (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Mịnh) phân tích và đưa ra một số giải pháp: Giải pháp về xây dựng nội dung, chương trình; Bồi dưỡng phương pháp biện chứng duy vật; Bồi dưỡng, rèn luyện năng lực tư duy chiến lược thông qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tri thức khoa học và công nghệ hiện đại cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; Dân chủ hóa đời sống xã hội và hoạt động lãnh đạo, quản lý; Tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho bồi dưỡng tư duy chiến lược.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao những ý kiến, tham luận tại Hội thảo, đã làm sáng rõ những thành tựu và các mặt còn hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hai nước, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược và có tính khả thi cao. Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của  hai nước ngày càng hiệu quả hơn. 

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

  

 

 

 

   

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền