Trang chủ    Quốc tế    Tư tưởng chính trị của tổng thống Hugo Chavez Frias - nguồn gốc và giá trị
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:27
2612 Lượt xem

Tư tưởng chính trị của tổng thống Hugo Chavez Frias - nguồn gốc và giá trị

(LLCT) - Sáng 26-4-2013, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán nước Cộng hòa Bôlivariana Vênêduêla tổ chức Tọa đàm khoa học Tư tưởng chính trị của Tổng thống Hugo chavez Frias và đánh giá tương lai của cuộc cách mạng Bôlivariana. Tạp chí trân trọng giới thiệu Báo cáo khoa học do ngài JORGE RONDON UZCATEGUI, Đại sứ Vênêduêla tại Việt Nam trình bày tại buổi tọa đàm.

Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế cuối những năm 80 thế kỷ XX, dưới hình thức này hay hình thức khác đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện và phát triển tư tưởng chính trị của lãnh tụ Hugo Chavez Frias. Xuất phát chủ yếu từ các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội đã dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu - Liên Xô và sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa, bắt đầu với sự hình thành của chính phủ không cộng sản đầu tiên ở Ba Lan vào mùa Hè năm 1989 và đỉnh điểm là tuyên bố tan rã của Liên bang Xôviết vào tháng 12 - 1991.            

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu dẫn đến sự kết thúc quyền lực hai cực và Chiến tranh lạnh. Điều này mở đường cho việc thành lập một trật tự thế giới mới dưới sự bảo trợ của chủ nghĩa tư bản. Với những nhà tư tưởng mới, bước chuyển quan trọng này dự báo "kết thúc của lịch sử" và kéo theo hậu quả là quyền bá chủ về kinh tế, đời sống chính trị và văn hóa trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, các tổ chức quốc tế sẽ thực thi nhiệm vụ như nhà quản lý của lịch sử phát triển toàn cầu. Chính vì vậy, họ tìm cách kiểm soát chính trị thông qua Liên hợp quốc, thông qua học thuyết chiến tranh phòng ngừa, thông qua Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế kiểm soát nền kinh tế, với mục đích áp đặt "quy luật thị trường" trên toàn thế giới.         

Những kẻ tham vọng độc quyền ngay lập tức nhận thấy sự xung đột trên các lĩnh vực quan trọng diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, từ việc bảo vệ các nguyên tắc tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo. Các hành động bảo tồn văn hóa dân tộc đã đưa đến việc đấu tranh bảo vệ nền độc lập chính trị của họ. Trong các nhóm này, chúng ta có thể nhận thấy Cách mạng Iran, phong trào Zapatista ở Mehico, và các đảng phái chính trị cánh tả ở Mỹ Latinh.      

Tại Vênêduêla, diễn ra cuộc khủng hoảng của nền dân chủ đại diện. Từ 1958-1998, hai đảng phái chính trị: Hành động Dân chủ với xu hướng xã hội và COPEI - Đảng Dân chủ định hướng, thay nhau lãnh đạo Vênêduêla. Hai đảng này đại diện cho các tầng lớp tư sản quốc gia và quan hệ với các trung tâm tư bản trên thế giới, chính là những tên maphia làm hao mòn tài nguyên quốc gia, bóc lột quần chúng lao động và làm giàu cho bản thân với các sản phẩm nông nghiệp.         

Kết quả tất yếu của bối cảnh xã hội trên khiến Chính phủ, mặc dù có sự hậu thuẫn của nguồn dầu mỏ, cũng không giải quyết được những vấn đề cơ bản của nhân dân lao động như y tế, nhà ở, giáo dục.       

Khởi nghĩa "El Caracazo". Ngày 27 - 2 - 1989, cả nước đã rung chuyển bởi một cuộc tổng nổi dậy chống lại Chính phủ Dân chủ xã hội của Carlos Andres Perez, người đã tìm cách áp đặt chương trình được thiết kế trọn vẹn bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, với mục đích giải quyết tình hình kinh tế nghiêm trọng trong nước - hậu quả của quản lý yếu kém từ các chính phủ khác nhau. Chương trình này bao gồm, tăng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, sa thải nhân viên hành chính công, tăng thuế và giá xăng dầu. Để ngăn chặn cuộc nổi dậy của quần chúng, Chính phủ Pérez sử dụng lực lượng vũ trang để đối đầu với thường dân, giết hại vô số người Vênêduêla.

Cuộc nổi loạn dân sự - quân sự. Ngày 4-2-1992, một nhóm sĩ quan trẻ, những người phẫn nộ Chính phủ đương nhiệm, những kẻ gây ra sự chết chóc cho nhân dân, đã nổi dậy chống lại Chính phủ Pérez. Cuộc nổi dậy thất bại, nhưng mở ra cơ hội cho nhà lãnh đạo Hugo Chavez đi vào lịch sử khi ông thừa nhận thất bại và hứa hẹn tiếp tục đấu tranh để cứu đất nước ra khỏi ách thuộc địa mà giai cấp tư sản và Hoa Kỳ tìm cách áp đặt trên quê hương của Bolivar.           

Sự xuất hiện 5 phút trên truyền hình của Trung tá Chavez đã làm cho người dân hiểu rằng đó không phải là một âm mưu đảo chính như nhiều cuộc đảo chính đã xảy ra ở Mỹ Latinh. Đó không phải là tham vọng cá nhân, ông đã phát biểu: "Cuộc nổi dậy ngày 4 tháng 2 là một tất yếu lịch sử; Vênêduêla không có lối thoát, cần phải cứu Tổ quốc, chỉ có thông qua cách mạng mới có thể đi qua vực thẳm mà chúng ta đang đứng”.       

Ngày 26 -3-1994, Hugo Chavez ra tù sau khi bị cựu Tổng thống Rafael Caldera kết tội vì cuộc nổi dậy 4 tháng 2. Sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị để rồi sau này trở thành lãnh tụ tối cao của cuộc Cách mạng Bolivaria, bắt đầu từ chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu vào năm 1998 và những chiến thắng tiếp theo trong năm 2000, 2006 và 2012.     

Do giành quyền lãnh đạo thông qua bầu cử nên Hugo Chavez không thể xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ để lập bộ máy chính quyền cách mạng mà thông qua Hiến pháp dần dỡ bỏ bộ máy chính quyền cũ, đồng thời xây dựng hệ thống quyền lực của nhân dân.  

Những tư tưởng chính trị của Tổng thống Hugo Chavez được phát triển trên nền tảng dân tộc chủ nghĩa, gồm ba nhánh: tư tưởng của Simon Bolivar về chính trị; tư tưởng về giáo dục và văn hóa của nhà triết học và thầy giáo của Boliva, ông Simon Rodriguez; tư tưởng về trật tự xã hội của ông Ezequiel Zamora, nhà lãnh đạo nông dân và bảo vệ quyền lợi của giai cấp nông dân nửa sau của thế kỷ XIX. Bộ ba tư tưởng này đã đem lại sức sống mới cho một quốc gia Kitô giáo và dầu mỏ và làm phong phú hơn các tư tưởng nhân văn và kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội.        

Các cơ sở trên giải thích cặn kẽ những định hướng của cuộc Cách mạng Bolivaria, cuộc cách mạng được định nghĩa như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội, Thiên chúa và chủ nghĩa quốc tế, với mục tiêu cuối cùng là đem lại hạnh phúc cho người dân.     

Phần lớn những tư tưởng của tư lệnh Tổng thống Chavez đã được đưa vào Hiến pháp năm 1999. Trong đó, thiết lập nền dân chủ tham gia và lãnh đạo, mở rộng quyền lực quần chúng quốc gia bằng cách thành lập Hội đồng đạo đức và Hội đồng bầu cử; bên cạnh quyền con người, quyền dân sự và chính trị, Hiến pháp đã bổ sung thêm tự do quan hệ đối tác và tham gia, và bên cạnh quyền bỏ phiếu và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó bao gồm giáo dục miễn phí và sức khỏe và các quyền môi trường có lợi cho phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên.     

Trong thực tế, ở Vênêduêla đã thúc đẩy nền dân chủ tham gia thông qua các hoạt động trực tiếp của các công dân trong vận mệnh quốc gia, thông qua trưng cầu dân ý. Phát triển các dự án xã hội khác nhau để đáp ứng nhu cấp bách nhất của người dân về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, thực phẩm, nhà ở và an ninh xã hội.            

Về kinh tế: thúc đẩy quyền sở hữu và định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế hợp tác xã, công nhận vai trò quan trọng của sở hữu tư nhân. Từng tiểu bang có vai trò của trọng tài, có quyền tự quyết định và tự chủ về kinh tế, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền quốc gia và các mối quan hệ quốc tế, ủng hộ một thế giới đa cực, dân chủ, tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước, hòa bình, đoàn kết với tất cả các dân tộc trên trái đất. Về vấn đề này, Tổng thống Chavez nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục theo đường lối này trong xã hội, chính trị, một nền dân chủ toàn diện, ngày càng mạnh mẽ, có sự tham gia hoạt động; về kinh tế: một dự án về mô hình mới hiệu quả, đa dạng và hiện đại để tiến tới một nền kinh tế đáp ứng cho nhân dân chứ không phải một nhóm thiểu số”, thông qua việc xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, một chủ nghĩa xã hội tươi mới, không giáo điều và linh hoạt".    

Ngày 11 - 6 - 2012, nhân dịp kêu gọi bầu cử Tổng thống của nước Cộng hòa, Tổng thống Chavez đã giới thiệu kế hoạch xã hội lần thứ hai 2013-2019, trong đó vạch ra năm mục tiêu để xác định hiện tại và tương lai của đất nước là một đất nước tự do và có chủ quyền:

1. Bảo vệ, mở rộng và củng cố điều quý giá nhất mà chúng ta đã chinh phục cách đây 200 năm: nền độc lập quốc gia.           

2. Tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vênêduêla, như một mô hình thay thế cho hình thức phá hoại và thù nghịch của chủ nghĩa tư bản và đảm bảo “hạnh phúc lớn nhất, an ninh xã hội và ổn định chính trị” cho người dân.

3. Đưa Vênêduêla thành một đất nước giàu mạnh về xã hội, kinh tế và chính trị của khối quyền lực xã hội, kinh tế và chính trị của các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và Caribê, để đảm bảo việc hình thành một khu vực hòa bình ở châu Mỹ. 

4. Đóng góp vào sự phát triển của khu vực địa lý chính trị quốc tế mới, trong đó bao gồm một thế giới đa cực và đa phương, bảo đảm sự cân bằng của thế giới và đảm bảo hòa bình của hành tinh. 

5. Bảo tồn sự sống trên hành tinh và nhân loại.

Chắc chắn, những ý tưởng chính trị của Tổng thống Hugo Chavez đã vượt ra khỏi phạm vi của Vênêzuêla và ngày càng trở nên hiệu quả. Những ý tưởng này đã đánh thức các dân tộc Mỹ Latinh, dẫn đến sự xuất hiện của các chính phủ quốc gia và các xu hướng cách mạng, sự hình thành các mô hình mới về hội nhập khu vực vì lợi ích của các dân tộc Mỹ Latinh và việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với tất cả các dân tộc trên thế giới. Đến nay, ý tưởng của ông đã trở nên mạnh mẽ, ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc bá quyền, thiết lập trật tự thế giới mới, một trật tự thế giới MỚI nhưng CŨ, bởi vì nó vẫn giữ nguyên bản chất: sự bóc lột giữa người, chủ nghĩa thực dân và tàn phá thiên nhiên. 

Tư tưởng Hugo Chavez được người kế nhiệm - tân Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định sẽ luôn trung thành, Chính phủ tiếp tục mở rộng thực hiện các chương trình xã hội vì người nghèo, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, giải quyết tình trạng mất an ninh, đấu tranh chống tham nhũng và nâng cao điều hành của Chính phủ.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

Jorge Rondon Uzcategui

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền