Trang chủ    Quốc tế    Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại và các tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Thứ hai, 31 Tháng 12 2018 18:16
15301 Lượt xem

Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại và các tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương

(LLCT) - Trong những năm gần đây, công tác đối ngoại của Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao vị trí, vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước, củng cố quốc phòng - an ninh của nước này. Để tiếp tục duy trì thành quả đạt được, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX đã có những thay đổi nhất định với những ưu tiên hàng đầu là “ngoại giao nước lớn” và “ngoại giao láng giềng” nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX tác động đa chiều tới tình hình quốc tế nói chung và cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

1. Thực hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX

Sau Đại hội XIX, Ban lãnh đạo Trung Quốc đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại, với việc đặt ưu tiên hàng đầu là “ngoại giao nước lớn” và “ngoại giao láng giềng”. Công tác đối ngoại được Trung Quốc triển khai đồng bộ, toàn diện và bài bản; kết hợp linh hoạt ngoại giao thượng đỉnh, ngoại giao sân nhà với triển khai các sáng kiến nhằm giành vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt xu hướng toàn cầu hóa, củng cố vai trò lãnh đạo khu vực và tham gia sâu rộng hơn vào việc định hình trật tự thế giới mới(1).

Cụ thể là:

Thứ nhất, kiện toàn bộ máy và cơ chế ban hành quyết sách đối ngoại

Trung Quốc đã nâng cấp Tiểu tổ lãnh đạo Công tác đối ngoại Trung ương thành Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương do Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo; tăng cường vai trò, vị trí các lãnh đạo chuyên trách công tác đối ngoại (Dương Khiết Trì được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương; Vương Nghị được bầu giữ chức Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao); ngân sách đối ngoại được phân bổ ở mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, đạt 9,45 tỷ USD (tăng 15,5% so với năm 2017). Bên cạnh đó, Trung Quốc tích cực thúc đẩy “2 xây dựng” (gồm: xây dựng “quan hệ quốc tế kiểu mới” và xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”), với 4 trọng tâm là: duy trì quan hệ ổn định với các nước lớn; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng và các nước đang phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “Vành đai, Con đường”  (BRI) và tăng cường thể hiện vai trò “nước lớn có trách nhiệm” của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế(2).

Thứ hai, thực hiện “Ngoại giao nước lớn” trong quan hệ với các cường quốc và khu vực

Với Mỹ, Trung Quốc một mặt chủ động thúc đẩy xu thế đối thoại, hợp tác toàn diện qua việc tổ chức thành công chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống D. Trump (11-2017), liên tục cử 2 Ủy viên Bộ Chính trị (Lưu Hạc và Dương Khiết Trì) thăm Mỹ (3-2018), nhất là thúc đẩy Mỹ không tiến hành cuộc chiến thương mại và tiếp tục tăng thuế hàng hóa của Trung Quốc, bằng việc đồng ý mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cương quyết phản đối các hoạt động của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, Biển Đông; đưa ra các tuyên bố, biện pháp đáp trả tương xứng với các quyết định gây hấn thương mại của Tổng thống D. Trump. Ngày 15-6-2018, Mỹ quyết định áp thuế 25% đối với 1.333 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, trong đó sẽ áp dụng từ ngày 6-7-2018 đối với 818 mặt hàng trị giá 34 tỷ USD; ngày 16-6, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ trị giá 50 tỷ USD, trong đó sẽ áp dụng từ ngày 6-7-2018 đối với 545 mặt hàng trị giá 34 tỷ USD. Trung Quốc cũng gia tăng vai trò về giải quyết hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ảnh hưởng tại các thiết chế đa phương và khu vực “sân sau” của Mỹ - Mỹ Latinh nhằm từng bước xác lập địa vị “bình đẳng” với Mỹ.

Với Nga, việc Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thăm Nga ngay sau Kỳ họp Lưỡng hội 2018 nhấn mạnh tính chất đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai nước, nhằm hình thành một mặt trận thống nhất để xử lý các vấn đề quốc tế, nhất là đối trọng với Mỹ(3). Do vậy, quan hệ chính trị, kinh tế với Nga được tăng cường, hợp tác quân sự song phương đạt tiến triển thực chất hơn khi Trung Quốc tiếp nhận lô hàng đầu tiên trong tổ hợp tên lửa S-400 của Nga.

Với EU, Trung Quốc tiếp tục tận dụng thời cơ quan hệ Mỹ - EU có dấu hiệu rạn nứt để đẩy mạnh quan hệ với các nước chủ chốt trong EU, nhất là thắt chặt hơn quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại Trung Quốc - EU năm 2017 đạt 616,9 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 305 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017(4). Trung Quốc cũng tích cực phối hợp với EU tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 20 (từ ngày 16 đến 17-7-2018), trong đó đã cơ bản thúc đẩy EU thông qua nội dung tuyên bố chung với nhiều điểm đồng thuận trong một số lĩnh vực Trung Quốc có nhu cầu cao. Thí dụ như: kết nối BRI với chiến lược phát triển của EU, cải cách WTO, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, kêu gọi bảo vệ và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hòa bình Trung Đông, Syria, Iran, Lybia, Afghanistan.  

Thứ ba, thực hiện “Ngoại giao láng giềng” đạt nhiều kết quả, tạo bước đệm để thực hiện giai đoạn đầu của ý tưởng “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về mọi mặt với ASEAN, củng cố hợp tác tiểu vùng, thông qua các hoạt động ngoại giao nguyên thủ; nhận được sự ủng hộ của Lào và Campuchia về đề xuất “cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN”. Bên cạnh việc nâng cấp cơ chế hợp tác Lan Thương - Mê Công (giữa Trung Quốc với Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar), Trung Quốc công khai ý định thúc đẩy cơ chế 4 + 1 (giữa Trung Quốc với 4 nước Đông ASEAN - Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines) khiến ASEAN có nguy cơ bị tách li thành 2 nhóm: “ASEAN biển đảo” và “ASEAN lục địa”. Trung Quốc còn gây sức ép thành công để Hàn Quốc chủ động cải thiện quan hệ song phương, nhất là đạt nhận thức chung về việc xử lý những bất đồng liên quan hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Hàn Quốc. Mặt khác, Trung Quốc khiến Triều Tiên chủ động thể hiện thiện chí trong thúc đẩy quan hệ, nhất là tham vấn Trung Quốc trước khi tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Triều - Mỹ; thông báo kết quả các cuộc gặp này và phối hợp thực hiện các bước tiếp theo. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành 3 chuyến thăm đến Trung Quốc trong tháng 3-2018, 5-2018 và 6-2018. Bốn là, một mặt làm ấm lại quan hệ chính trị, tăng cường hợp tác, kết nối kinh tế - thương mại với Nhật Bản, Ấn Độ, song vẫn gây áp lực thường trực với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và tăng cường ảnh hưởng trong không gian chiến lược của Ấn Độ.

Thứ tư, thúc đẩy xây dựng mạng lưới kết nối trong khuôn khổ BRI

Trung Quốc cụ thể hóa công tác thực thi BRI thông qua việc tổ chức “Hội nghị công tác thúc đẩy xây dựng BRI” (16-1-2018); ban hành một loạt văn kiện quan trọng về các nhiệm vụ, lĩnh vực, quốc gia trọng điểm triển khai BRI. Trung Quốc tiếp tục nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước ASEAN, Trung Á, Trung Đông Âu, châu Mỹ Latinh và châu Phi về hợp tác triển khai BRI. Trong đó, tại Hội nghị Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 (6-2018), nguyên thủ 8 nước thành viên SCO đã nhất trí xác định xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” trở thành mục tiêu chung của SCO. Trong các chuyến thăm Lào, Campuchia của lãnh đạo Trung Quốc, phía Lào và Campuchia đều bày tỏ ủng hộ xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN”. Tổng đầu tư của Trung Quốc tại các nước dọc tuyến BRI trong năm 2017 đạt 14,36 tỷ USD, trong đó đã ký thêm 7.217 hợp đồng mới với tổng trị giá 144,3 tỷ USD; quý I năm 2018 đạt 3,61 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2017(5).   

Thứ năm, tạo ấn tượng bước đầu về vai trò “nước lớn có trách nhiệm”

Trung Quốc chủ động đề xuất các “phương án Trung Quốc” và làm trung gian hòa giải đối với một số vấn đề, điểm nóng quốc tế, nhất là giữa các nước xung quanh Trung Quốc, như vấn đề hạt nhân/tên lửa Triều Tiên, người Hồi giáo Rohingya (Myanamar), tiến trình hòa bình Trung Đông và căng thẳng giữa một số nước Trung Á. Đáng chú ý, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc điều chỉnh chiến thuật từ chủ động gây hấn sang ngấm ngầm củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng, quân sự hóa và triển khai lực lượng trên các thực thể chiếm đóng(6). Chiến thuật này vừa giúp Trung Quốc bảo đảm mục tiêu xác lập hiện trạng mới ở Biển Đông, vừa tránh kích động phản ứng của các nước liên quan; đồng thời tranh thủ bối cảnh khu vực đang có lợi cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; Philippines, Malaysia điều chỉnh chính sách có lợi cho Trung Quốc, nhất là Philippines đồng ý đàm phán song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông... Trung Quốc tạo dựng hình ảnh về “nước lớn có trách nhiệm” và tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh triển khai BRI. Trung Quốc cũng thể hiện sự “tích cực”, “thiện chí” trong thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng COC; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo ngộ nhận về sự “ổn định” ở Biển Đông và làm mờ phán quyết của Toà Trọng tài.

Tuy nhiên, triển khai chính sách đối ngoại của Trung Quốc xuất hiện nhiều yếu tố bất định.

Một là, Mỹ xác định Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thách thức vị thế của Mỹ trên thế giới. Gần đây, Chính quyền D.Trump tiếp tục đe dọa áp đặt khung thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, gây áp lực hơn đối với Trung Quốc khi phối hợp với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia thúc đẩy thực thi FOIP; khuyến khích, ủng hộ vai trò Nhật Bản và Australia trong các tập hợp kinh tế đa phương; gia tăng hiện diện quân sự và hỗ trợ các nước đồng minh và đối tác củng cố tiềm lực quốc phòng; triển khai các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông... để bao vây, kiềm tỏa Trung Quốc(7). 

Hai là, sáng kiến BRI vẫn gặp phải sự lo ngại từ một số nước châu Âu; một số dự án tại nhiều nước bị đình trệ do vấp phải sự phản đối của các đảng phái đối lập và người dân sở tại. Cụ thể: Thủ tướng Anh Theresa May (1-2018) từ chối ký Biên bản ghi nhớ về BRI; 27/28 Đại sứ EU tại Bắc Kinh, trừ Hungary (4-2018) đã ký vào tài liệu tố cáo BRI cản trở tự do thương mại và tạo lợi thế cho các công ty của Trung Quốc; Ấn Độ (6-2018) không ký nội dung ủng hộ BRI trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải 2018... Nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc ở khu vực hoặc đội vốn quá lớn, tiến độ chậm (đường sắt Hà Đông - Cát Linh của Việt Nam), hoặc bị đánh giá có tác động tiêu cực đến môi trường (dự án thủy điện Myitson và mỏ đồng Letpadaung ở Myanmar). Theo đánh giá của Ban Phối hợp đầu tư Indonesia thì chỉ có 7% các dự án được lên kế hoạch của Trung Quốc từ 2004 - 2014 được triển khai trên thực tế.

Ba là, việc tăng cường sức mạnh mềm và ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế gặp không ít khó khăn do sự nghi ngờ của nhiều nước đối với ý đồ của Trung Quốc tại các thể chế đa phương và cách hành xử thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thực thi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Ngoài các hội nghị do ASEAN chủ trì, vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề được nhiều nước lớn ngoài khu vực quan tâm bàn thảo, trong đó Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển - G7 những năm gần đây đều chỉ trích các hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông lần đầu tiên được đề cập trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 20 (7-2018) với nội dung “EU hoan nghênh Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành thương lượng nhằm đạt được COC có hiệu lực, kêu gọi các bên liên quan triển khai đối thoại, giải quyết tranh chấp hòa bình, không áp dụng các hành vi khiến tình hình căng thẳng”.

2. Tác động tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Những điều chỉnh trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã trở thành quyết tâm chính trị của Ban lãnh đạo Trung Quốc, dưới vai trò “lãnh đạo hạt nhân” của Tập Cận Bình. Do vậy, Trung Quốc sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Điều này sẽ tác động đa chiều tới cục diện chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tạo ra những cơ hội lẫn thách thức mới đối với chủ quyền, lợi ích và an ninh khu vực cũng như các quốc gia thành viên.

Tác động tích cực

Một là, Trung Quốc vẫn có nhu cầu duy trì môi trường xung quanh ổn định để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành “Mục tiêu 100 năm thứ nhất” về xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020. Đặc biệt, Trung Quốc cần sự ủng hộ của các nước ASEAN trong việc thúc đẩy các sáng kiến đa phương ở khu vực, như: BRI, RCEP, FTAAP... và đối trọng với chiến lược FOIP của Mỹ. Do vậy, Trung Quốc sẽ tính toán, cân nhắc những lợi ích nhất định của ASEAN.

Hai là, việc Trung Quốc tranh thủ Mỹ rút khỏi nhiều thiết chế liên kết kinh tế đa phương, để giương cao ngọn cờ ủng hộ toàn cầu hóa, chống bảo hộ thương mại; tăng cường các cam kết về đầu tư, kết nối hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho các nước... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xu thế hội nhập, hợp tác cùng phát triển, nhất là tạo thêm cơ hội kết nối, mở rộng giao thương và nguồn vốn vay để phát triển kinh tế - xã hội của các nước nhỏ(8).

Ba là, việc Trung Quốc không ngừng mạnh lên và tìm cách thể hiện vai trò, hình ảnh của một “nước lớn có trách nhiệm” sẽ giúp nâng cao vị thế so sánh trong quan hệ với Mỹ, qua đó thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, góp phần kiềm chế tham vọng của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc khẳng định sức mạnh nước lớn một cách thiếu trách nhiệm, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Bốn là, ngoài việc ưu tiên thúc đẩy ngoại giao nước lớn, ngoại giao láng giềng, Trung Quốc cũng tiếp tục quan tâm, củng cố quan hệ với các nước đang phát triển để phục vụ các mục tiêu phát triển trong nước, cũng như phá thế bao vây, kiềm chế của Mỹ, mở đường vươn lên vị thế cường quốc toàn cầu. Điều này sẽ kích thích Mỹ và các nước lớn khác, như: Nhật Bản, Ấn Độ phải tìm cách gia tăng ảnh hưởng, hợp tác và kết nối với khu vực. Qua đó, nâng cao vị thế của các nước đang phát triển và các nước nhỏ trong khu vực(9).

Năm là, để vô hiệu hóa chiến dịch tuyên truyền của Mỹ và phương Tây về “sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc” hay “mối đe dọa Trung Quốc”; giảm sự quan ngại của các nước khác về xu hướng áp đặt chính sách, bành trướng bá quyền của mình và tuyên truyền, quảng bá về các quan điểm, như: “quan hệ quốc tế kiểu mới”, “cộng đồng chung vận mệnh”, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch xây dựng hình ảnh. Đây là cơ hội cho các nước lạc hậu, kém phát triển và những nước bị gạt ngoài lề tiến trình toàn cầu hóa nhanh chóng lên “chuyến tàu phát triển” của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng buộc phải tăng cường thể hiện vai trò của một “nước lớn có trách nhiệm”, cho dù là chỉ ở mức độ nhất định.

Sáu là, việc Trung Quốc đề xuất xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh XHCN”, góp phần tác động đến nhận thức của nhiều nước về vai trò, vị thế của các nước XHCN trong cục diện mới của thế giới, khu vực, cũng như vị thế, uy tín của các Đảng Cộng sản và các phong trào cánh tả trên thế giới.

Tác động tiêu cực

Một là, tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không thay đổi. Trung Quốc ráo riết tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh quân sự hóa các thực thể chiếm đóng ở Biển Đông sẽ đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định và kích thích chạy đua vũ trang mới ở khu vực; gây khó khăn lớn hơn cho việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của những nước có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc.

Hai là, việc Trung Quốc tìm cách tác động đến định hướng chính sách của các nước láng giềng khiến tình hình chính trị nội bộ của nhiều nước bị phân hóa và diễn biến khó lường. Điều này cũng gây phức tạp trong quan hệ giữa các nước, nhất là gây phân hóa quan điểm giữa các nước và và chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vai trò của Mỹ, Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực; làm giảm “vai trò trung tâm” và sự đoàn kết, thống nhất nội khối ASEAN. Tại Thái Lan, đề xuất “đổi gạo lấy đường sắt” của Trung Quốc và các kế hoạch nhập khẩu gạo kèm theo đã tạo nên tham nhũng, dẫn tới cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tại Myanmar, quyền sở hữu mang tính chi phối của Trung Quốc đối với cảng nước sâu Kyaukpyu đã làm căng thẳng giữa quân đội Myanmar với Trung Quốc xấu đi khi họ quan ngại về các vấn đề chủ quyền, an ninh và chính quyền dân sự Myanmar. Đây là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tương lai chính trị của nước này.

Ba là, cạnh tranh, cọ sát giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực sẽ gay gắt hơn khiến các nước nhỏ thường xuyên rơi vào các tình huống “khó xử” trong việc bảo đảm cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trước các đề nghị hợp tác với Mỹ, như: tập trận chung, mua sắm vũ khí, hợp tác khai thác dầu khí; xung đột, cọ xát thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đề nghị tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”...

Việc các nước lớn dàn xếp, “mặc cả” lợi ích với nhau sẽ khiến vai trò của các tổ chức đa phương, như: WTO, Liên hợp quốc, ASEAN suy giảm, thậm chí bị các nước lớn sử dụng làm công cụ để tập hợp lực lượng hoặc gây sức ép với nhau(10).

Đặc biệt, các tổ chức đa phương cấp khu vực gần Trung Quốc, như ASEAN, với đặc thù phức tạp về thành phần, lợi ích, sẽ chịu tác động mạnh hơn từ bên ngoài. Điều này gây khó khăn cho ứng xử của các nước ASEAN và toàn Khối, thậm chí khiến một số nước có thể trở thành nạn nhân của cạnh tranh, thỏa hiệp giữa Trung Quốc với các nước lớn.

_______________________________

(1) http://www.fmprc.gov.cn

(2) http://www.vietnamplus.vn

(3) Quốc Vụ viện Trung Quốc, 俄罗斯总统普京会见妄议. http://www.gov.cn, 4-2018.

(4) Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 中华人民共和国2017年过国民经济和社会发展统计公报http://www.stats.gov.cn, 12/2017.

(5) Bộ Thương mại Trung Quốc, 2017, 年我对“一带一路”沿线国家投资合作情, http://www.mofcom.gov.cn, 1-2018.

(6) Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông,  http://vnics.org.vn.

(7) PGS,TS Nguyễn Hữu Cát, TS Nguyễn Thị Thanh Vân, “Chính sách Biển Đông của chính quyền D. Trump và những vấn đề trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5- 2018.

(8) TS Đinh Hiền Lương, “Chính sách của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á: Những thuận lợi và thách thức”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9-2017.

(9) PGS, TS Nguyễn Thái Yên Hương, Quan hệ Mỹ - Trung hợp tác và cạnh tranh luận giải dưới góc độ cân bằng quyền lực, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.241-243.

(10) Kishore Mahbubani, Bán cầu châu Á mới, sự chuyển giao tất yếu quyền lực toàn cầu sang phương Đông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.276-280.

 

PGS, TS NGUYỄN HỮU CÁT

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

VŨ QUANG ĐỨC

Học viên cao học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền