Trang chủ    Quốc tế    Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần hé lộ?
Thứ hai, 24 Tháng 4 2017 17:36
2537 Lượt xem

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần hé lộ?

(LLCT) - Sau thời gian đồn đoán về chính sách đối ngoại “khác lạ” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nay chính sách của Nhà Trắng, trong đó có quan hệ với đồng minh, đối tác và việc xử lý các điểm nóng ở Trung Đông, Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông cũng dần hé lộ. Tuy nhiên, sự “bất ngờ” vẫn có thể xảy ra, vì chính sách của ông Donad Trump còn đang trong giai đoạn định hình.

Từ quan hệ đồng minh…

Trong quá trình tranh cử, ông D.Trump đã từng tuyên bố: “NATO đã trở nên lỗi thời”(1), Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia là những nước giàu sao không trả tiền để đổi lại sự bảo vệ của Mỹ(2), và Mỹ có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh; rằngông “sẽ ném bom đến tận cùng để tiêu diệt IS”(3)…Ông Trump phàn nàn rằng, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương ứng. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách đối ngoại, Washington lại có sự điều chỉnh đáng kể, thể hiện ngay trong các chuyến thăm châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson.

Ngày 18-2-2017, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của Washington tại Hội nghị An ninh Quốc tế diễn ra tại thành phố Munich (Đức), ông Pence nêu rõ: “Tổng thống Trump đã yêu cầu tôi truyền đạt một thông điệp khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ NATO và chúng tôi sẽ không dao động trong cam kết của mình đối với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này”(4).

Ông Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, chính quyền mới vẫn coi trọng NATO, nhưng Mỹ không bám giữ vào NATO bằng mọi giá như từ trước tới nay mà đòi hỏi các thành viên phải chấp nhận trả giá đắt hơn. Còn Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson lại khẳng định: “Các cam kết của Mỹ đối với NATO vẫn sẽ vững vàng và liên minh này vẫn là nền tảng để đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi hiểu rằng một mối đe dọa đối với một trong các thành viên của NATO thì cũng là mối đe dọa đối với cả khối và do đó chúng tôi sẽ phản ứng”. Ông Tillerson nhấn mạnh rằng: “Tổng thống ủng hộ NATO. Quốc hội Mỹ ủng hộ NATO”(5).

Tuy nhiên, theo giới quan sát, một trong những quan điểm nhất quán của Washington đối với NATO là vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng của các thành viên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis cho rằng: “Sẽ không có chuyện người dân Mỹ è cổ đóng thuế để Chính phủ Mỹ đóng góp phần “lớn bất thường” trong việc bảo vệ các giá trị phương Tây”, rằng: “Mỹ không thể quan tâm đến việc bảo vệ an ninh cho thế hệ con cháu của các bạn hơn chính bản thân các bạn”(6).

Phó Tổng thống Mỹ Pence còn cảnh báo các đồng minh rằng họ phải đóng góp phần ngân sách thỏa đáng để hỗ trợ NATO, đồng thời lưu ý rằng nhiều nước thiếu “một đường lối rõ ràng và đáng tin cậy” để thực hiện việc này. Ông Mattis nhấn mạnh, Mỹ “sẽ phải thay đổi cam kết của mình” đối với NATO nếu các nước thành viên khác không đáp ứng được đòi hỏi về nghĩa vụ đóng góp. Tương tự như vậy, ông Tillerson cũng nhấn mạnh tất cả 28 thành viên của NATO phải chi ít nhất 2% trong GDP mỗi nước cho ngân sách hoạt động quân sự(7).

Trong một tuyên bố trên Twitter cá nhân, ông D.Trump cho biết đã có một cuộc gặp tuyệt vời với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, ông Trump viết rằng, Đức đang nợ NATO một khoản tiền lớn, Mỹ cũng phải được trả nhiều hơn vì sự bảo vệ mà nước này đang mang tới cho Đức. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel, ông D.Trump không chỉ yêu cầu các quốc gia như Đức tăng chi tiêu quân sự mà còn yêu cầu các nước này hoàn trả cho Mỹ vì những đóng góp trước đây. Vì thực tế, ngân sách quốc phòng Đức chỉ đạt 1,2%, trong khi con số này của Mỹ là 3,6%.

Ông Robert Oulds, Giám đốc tổ chức Bruges Group tại London nhận xét:  Ông Trump “đang đưa ra một thử thách cho các quốc gia châu Âu khi kêu gọi họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng”. “Theo những gì ông Trump nói, nếu châu Âu không đáp ứng thử thách này, Mỹ sẽ tách ra khỏi NATO”(8).

Trước đó, Đức - một thành viên quan trọng trong NATO cho rằng: “Lời kêu gọi của Mỹ tới Đức và châu Âu chia sẻ gánh nặng là một yêu cầu chính đáng. Nếu chúng ta (tức châu Âu) muốn kiểm soát các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt như khủng bố hay đảm bảo năng lực quốc phòng của liên minh, chúng ta phải chia sẻ cùng nhau”(9). Thủ tướng Đức Merkel khẳng định, Đức sẽ “làm mọi điều có thể” để đáp ứng mục tiêu đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng NATO vào năm 2024. Còn Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lại chỉ trích ý kiến của Mỹ là “vô lý”, vì việc chi tiêu cho các vấn đề người tị nạn cũng cần phải được đem ra tính toán.

Theo quy định của NATO, các quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng, nhưng trên thực tế trong năm 2015, chỉ có 5 nước chấp hành đúng quy định này là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Những tranh cãi nêu trên có thể coi là sự biểu hiện rõ nét nhất về rạn nứt trong nội bộ NATO. Giờ đây, với chính sách “nước Mỹ là trên hết” tất những quan điểm khác biệt trên đều trở thành món hàng mặc cả trong khối. Trong khi vấn đề tối quan trọng là định hướng chiến lược cho tương lai, đâu là ưu tiên? “Đông tiến” hay cuộc chiến chống IS, chưa kể đến việc sẽ có rạn nứt lớn trong quan hệ thương mại Mỹ - EU, quan hệ NATO - Nga, vấn đề nhập cư, việc mở rộng không gian ảnh hưởng của liên minh này như thế nào… vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Theo giới phân tích, quan hệ Mỹ - NATO trong quá trình tồn tại và phát triển đã có những chuyển biến phức tạp, âm ỷ bên trong, với vị thế “thống trị” của Mỹ đã và đang mất dần đồng thời với tính độc lập hơn của các nước thành viên NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quan hệ lợi ích địa - chính trị Washington - Brussels đang có sự cọ sát, khiến NATO cần phải có thay đổi, nhưng về bản chất, NATO vẫn là trụ cột quân sự của Mỹ ở châu Âu, nên những thay đổi trong Liên minh này từ trước đến nay và trong tương lai vẫn chủ yếu mang tính chất điều hòa lợi ích giữa các bên.

Đối với các đồng minh ở châu Á, Ông Trump cảnh báo đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc…) rằng, phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này. Ông thậm chí còn khuyến khích hai đồng minh Nhật, Hàn phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe, trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi những nước này. Với Nhật Bản ông Trump còn dự đoán: “nếu Nhật bị tấn công, Mỹ có thể phải tham gia Thế chiến III. Còn nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản có thể sẽ chẳng phải làm gì cả!”(10).

Bình luận về những tuyên bố này của ông Trump, nhà phân tích Janathan Pollack của Viện Brookings nói: Ông “lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ để lại”, còn nhà nghiên cứu Robert Manning của Viện Atlantic thì cho rằng ông Trump “về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ”. Giới phân tích cho rằng, nếu ông Trump làm đúng những gì tuyên bố khi tranh cử thì chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là “xa lánh đồng minh, tự cô lập mình và tạo lỗ hổng quyền lực lớn ở châu Á -Thái Bình Dương”, có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực trong tương lai.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại nói chung và với các đồng minh châu Á nói riêng của ông Trump đã có sự thay đổi đáng kể, biểu hiện trong các động thái ngoại giao từ chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Tokyo, chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nhật Bản, và gần đây là chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Ngày 4-2, trong chuyến thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Nhật Bản, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường mối quan hệ đồng minh song phương, cùng chia sẻ quan ngại trước vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông và vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Ông Mattis khẳng định, Mỹ coi liên minh với Nhật là “nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do” trong khu vực, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các nước đồng minh. Ông Mattis nhắc lại cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Về vấn đề Biển Đông, ông Mattis nhấn mạnh: “tự do hàng hải là tuyệt đối”, đồng thời cho rằng tại thời điểm này “không cần thiết tiến hành bất kỳ động thái quân sự nào”. Bộ trưởng Mattis cũng không hối thúc Tokyo đóng góp thêm chi phí cho lực lượng 54.000 quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Mỹ (9-2) của Thủ tướng Shinzo Abe, qua hội đàm hai bên đã đạt được 4 thỏa thuận rất cơ bản: (1) Mỹ tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản; (2) Xây dựng thành công mối quan hệ cá nhân, thông qua những mối quan hệ có hiệu quả và hai bên cùng có lợi; (3) Không gian của Nhật Bản trong khu vực sẽ được nới rộng hơn và vai trò của Nhật cũng ngày càng quan trọng hơn; (4) Mối quan hệ Mỹ - Nhật sẽ trở thành hình mẫu để phát triển quan hệ với các đồng minh khác.

Ngày 15-3, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã tới thủ đô Tokyo để hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, trong đó vấn đề phối hợp Nhật - Mỹ chống lại mối đe dọa tên lửa, hạt nhân đang gia tăng từ Triều Tiên. Hai bên tiếp tục khẳng định sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh điều hết sức quan trọng là Nhật Bản và Mỹ phải liên lạc chặt chẽ và thường xuyên do sự thay đổi về môi trường an ninh trong khu vực. Liên quan tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết đối với khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Về lĩnh vực kinh tế, hai bên dự kiến sẽ tổ chức vòng đối thoại song phương đầu tiên do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đồng chủ trì tại Tokyo vào tháng 4.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc (17-3), ông Tillerson tập trung thảo luận những giải pháp về tăng cường liên minh song phương và chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên; thảo luận về vấn đề an ninh trong khu vực và toàn cầu.

Trong cuộc hội đàm hai bên đã Thừa nhận thực tế đe dọa từ Triều Tiên tăng cao trong thời gian gần đây, ông Tillerson cho thấy cần thiết phải có một “cách tiếp cận mới” với Bình Nhưỡng, dù không nói rõ cách tiếp cận này là gì.Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc các phương án đối phó với Bình Nhưỡng, và không loại trừ khả năng tấn công quân sự phủ đầu.

Đến quan hệ đối tác…

Theo giới quan sát, Mỹ - Trung là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương đã vượt quá 663 tỷ USD (2016). Có thể nói, hai nước Mỹ - Trung, tuy không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới nếu không có sự hợp tác của hai quốc gia này thì đều khó có thể được giải quyết. Quan hệ “nước lớn kiểu mới” đã được định hình từ năm 2013. Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng thì quan hệ hai nước chắc chắn sẽ có sự thay đổi.

Từ chiến lược “xoay trục” về châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của tân Tổng thốngTrump, chính giới Mỹ đều cho rằng, Trung Quốc là thách thức lớn nhất với vị thế siêu cường của họ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các chính quyền tiền nhiệm, thường áp dụng phương pháp khi tiếp cận với Trung Quốc là từ các vấn đề tư tưởng - chính trị. Nay chính quyền của ôngTrump lại tiếp cận từ góc độ lợi ích kinh tế; những tuyên bố “cứng rắn” trong quá trình tranh cử hay những động thái trong những tháng đầu thực quyền cũng chỉ là sự thay đổi cách tiếp cận với Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, lợi ích của người dân Mỹ từ lâu đã bị giới chính trị gia xem nhẹ so với các trụ cột khác trong cấu thành sức mạnh quốc gia Mỹ. Nay ông Trump đã chọn con đường “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với việc gia tăng lợi ích Mỹ, chứ không phải giá trị phổ quát như các Tổng thống tiền nhiệm. Ngay từ khi tranh cử đến khi điều hành đất nước, ông Trump luôn cho rằng nước Mỹ đã bị cả đối tác lẫn đối thủ làm hại, ông thề quyết tâm lấy lại cho nước Mỹ, cho người dân Mỹ những gì họ đã mất. Trong số những đối thủ bị cáo buộc cướp mất lợi ích của Mỹ, Trung Quốc là nước bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ nhất. Thậm chí ôngTrump còn dọa sẽ sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt Trung Quốc để lấy lại lợi ích cho người Mỹ kể cả việc tăng 45% thuế đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc. Vì thế, trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ôngTrump chắc chắn sẽ thể hiện xuyên suốt tư duy “kinh tế hóa chính trị”.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được ông Trump cho là không công bằng. Sự khác biệt về giá nhập khẩu, đồng Nhân dân tệ định giá quá thấp so với giá trị thực… đã dẫn đến bất lợi thương mại cho Mỹ, chính quyền Obama cũng nhận ra điều này nhưng giải quyết không triệt để. Còn ông Trump lại khác, ông chủ trương chặn đứng, không để mất thêm thị trường Mỹ vào tay các đối tác thương mại, nhất là Trung Quốc. Ông Trump lựa chọn giải pháp đối đầu với Trung Quốc trực tiếp bằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với tên gọi “thương mại tự do”. ÔngTrump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, và tìm cách đàm phán lại NAFTA… song, ông chưa thể hiện bất cứ ý định nào từ bỏ WTO.

Cũng theo giới phân tích, ôngTrump có thể không cần động binh, nếu điều này có lợi hơn cho Mỹ. Với tư duy kinh tế hoá chính trị đã được xem là nền tảng trong quan hệ Mỹ - Trung, thì mọi thứ, kể cả an ninh, quốc phòng ông Trump đều có thể đặt lên bàn thương lượng vì lợi ích “nước Mỹ là số một”.  Mọi xung đột vốn có trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đều có thể được hóa giải dựa vào nguyên tắc nêu trên. Đây chính là sự khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump so với các chính quyền tiền nhiệm. Điều bí ẩn nhất là ông Trump sẽ làm gì để đặt Trung Quốc (vừa là đối tác vừa là đối thủ) “dưới cơ” Mỹ, tức là quan hệ Mỹ - Trung dưới sự dẫn dắt của Washington(11).

Vấn đề phức tạp nhất trong đối sách ngoại giao với châu Á đang được Mỹ ưu tiên đó là gây sức ép để Trung Quốc tăng cường xử lý vấn đề Triều Tiên, đồng thời tìm cách “xoa dịu” Bắc Kinh khi Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (18-3), ông Tillerson đã nhắc đến những khẩu hiệu mà Trung Quốc thường dùng để mô tả về quan hệ song phương như: “tránh xung đột và đối đầu, sự cần thiết phải tôn trọng lẫn nhau và phấn đấu vì hợp tác đôi bên cùng có lợi”(12). Giới chuyên gia đối ngoại Trung Quốc đã ca ngợi phát ngôn của ông Tillerson sau cuộc gặp là “rất tích cực”, phù hợp với khái niệm “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Bắc Kinh đề xướng nhằm đưa Trung Quốc lên vị thế ngang hàng với Mỹ.

Jin Canrong, một học giả về quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, tỏ ra ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đưa ra những lời lẽ đó. Cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” thể hiện sự chấp nhận quan điểm của Trung Quốc. Vì thế, “Tuyên bố của Tillerson rõ ràng sẽ rất được Trung Quốc chào đón nồng nhiệt”(13).

Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ ngày 7-4, Tổng thống Mỹ D.Trump nói: “Tôi nghĩ về lâu dài chúng ta sẽ có mối quan hệ tuyệt vời và tôi kỳ vọng vào điều này”. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, cần có những quyết tâm chính trị và cam kết lịch sử từ các nhà lãnh đạo của cả hai nước để tăng cường quan hệ song phương trong những năm tới. Hai ông Trump và Tập đã tiến hành các cuộc trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và những vấn đề toàn cầu cùng quan tâm. Tuy nhiên, kết quả hội đàm được mô tả là rất tốt đẹp, còn nội dung cụ thể đã không được tiết lộ, khiến cho mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn có thể có kịch tính xảy ra trong tương lai gần.

Và xử lý các điểm nóng…

Ngay từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đang phải đối mặt với khu vực Trung Đông “nóng bỏng”, cuộc chiến ở Syria kéo dài chưa có hồi kết, tình hình Yemen, Libya và tiến trình hòa bình Israel-Palestine cũng chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã có những tuyên bố cứng rắn. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng cầm quyền, quan điểm của Tổng thống D.Trump về Trung Đông vẫn chưa rõ nét, ngoại trừ bước đi thân thiện hơn đối với các nước Ả Rập vùng Vịnh.

Ông Trump đãtừng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama đã sản sinh ra IS và gây bất ổn ở Trung Đông, ông tuyên bố sẽ quyết liệt chống chủ nghĩa khủng bố bằng giải pháp sẽ triệt phá nguồn cung cấp dầu mỏ của IS và khẳng định nước Mỹ cần truy quét cả gia đình của những thành viên IS. Ông nói: “Tôi sẽ ném bom đến tận cùng để tiêu diệt IS”.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump ký sắc lệnh (28-1) yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm: Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan, Yemen và Somalia. Ông cho đây là việc làm để bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố, tuy nhiên sắc lệnh vấp phải sự phản đối của tòa án, nhiều người dân Mỹ và các nước trên thế giới bởi không thể đánh đồng những người đến từ các quốc gia bất ổn và nghèo đói với chủ nghĩa khủng bố.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết: “Mattis và McMaster (Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh) coi IS là vấn nạn toàn cầu. Họ coi đây là cuộc chiến 20 năm. Ngài Tổng thống lại không nghĩ như vậy. Ông Trump chỉ tập trung vào mối đe dọa trong tương lai gần tại Iraq và Syria”. Theo giới chức ngoại giao Mỹ, “chắc chắn là trong Hội đồng An ninh Quốc gia có một số quan chức cho rằng, chiến dịch đẩy lùi IS lại đang giúp biến Iraq thành vùng an toàn có lợi cho Iran”(14), ngoại trừ quan điểm của Bộ trưởng Mattis và Ngoại trưởng Tillerson.

Kênh tin tức NBC News dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nhận định: Kế hoạch đánh bại IS hiện tại giống hệt như một câu mà người Mỹ vẫn hay nói: “Kế hoạch B chỉ để cho có mà thôi”. Ông Stavridis nói thêm:“Chúng tôi không đưa ra được một chiến lược tiếp cận mới nào hết. Tôi có thể nói rằng, Tổng thống Trump muốn gửi một thông điệp đến nhóm quan chức dưới quyền ông rằng, họ cần phải đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch cũ”.

Cũng theo hãng NBC News, chiến lược mới của ông Trump cho đến nay vẫn chỉ là tăng cường việc hỗ trợ các nhóm phiến quân tại Iraq và Syria để có thể giành lại những “thành trì” của IS ở Mosul và Raqqa. Chiến lược này cũng lặp lại quan điểm của ông Obama rằng, để tiêu diệt được IS, cần phải cắt đứt các nguồn thu nhập của chúng và ổn định được tình hình tại những khu vực mà các nhóm phiến quân tại Iraq và Syria chiếm lại từ tay IS.

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra kể từ sau khi ông Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ là liệu ông có “nhớ” đến cam kết hợp tác với Nga trong việc đánh bại IS mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử hay không? Cũng theo các chuyên gia, câu trả lời gần như là không bởi khả năng tham gia cùng Nga vào cuộc chiến chống IS tại Syria, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump có kế hoạch tăng cường hợp tác với Nga trong vấn đề này. Như vậy, theo nhà phân tích Perendzhiev, một lần nữa, ông Trump lại “đi vào vết xe đổ” của ông Obama khi thực thi một chiến lược “không mấy khác biệt”(15) so với người tiền nhiệm.

Trong buổi họp báo đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson lý giải quyết định cắt giảm ngân sách Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trump rằng: “chính quyền đương nhiệm tin rằng, trong tương lai, Mỹ sẽ giảm dần tần suất can thiệp trực tiếp vào xung đột quân sự của nước khác”(16).

Chuyên gia Alex Gallo, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, cách tiếp cận này có thể hé lộ chiến lược “leo thang để giảng hòa”. “Ông Trump muốn cứng rắn với một số khu vực không thiện chí hoặc không muốn đàm phán để bắt buộc họ phải thỏa hiệp”(17). Washington Post lại nhận định, dường như Mỹ đang dành nhiều sự chú ý cho các nước đồng minh Ả-rập, sau một loạt động thái thắt chặt tình hữu nghị và quan hệ ngoại giao với các quốc gia trước kia cảm thấy bị chính quyền Obama ít quân tâm.

Trong bản đề xuất ngân sách năm tài khóa 2018 Nước Mỹ trước tiên”cũng không thấy có sự gia tăng viện trợ tại bất cứ khu vực nào trên thế giới. Trước đây, khu vực này luôn được ưu tiên chiếm khoảng 30% - 32% viện trợ nước ngoài của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo rằng chính sách khiêm tốn nêu trên sẽ không đủ sức mạnh để cân bằng mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran tại Syria và Iraq. Giới chức Mỹ thậm chí còn thúc đẩy quan điểm đối đầu với Iran tại hai nước này.

Nhà phân tích Perendzhiev cảnh báo, sẽ là “rất ngây thơ nếu tin rằng, chính sách của Mỹ tại Syria sẽ thay đổi căn bản dưới thời Tổng thống D.Trump”. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ các tướng lĩnh quân đội Mỹ cho biết, “Mỹ sẽ điều thêm khoảng 1.000 binh sĩ đến khu vực phía Bắc Syria trong thời gian tới”. Trước đó, Mỹ đã có khoảng 950 lính (đặc nhiệm, biệt kích, lính thủy đánh bộ) và 5.000 quân nhân làm cố vấn, huấn luyện ở Iraq.

Cũng theo chuyên gia Perendzhiev, chính sách về Trung Đông của Mỹ về cơ bản vẫn bị tác động bởi những “chuyên gia vận động hành lang đầy quyền lực” thay vì phải mang lại lợi ích cho nước Mỹ như khẩu hiệu của ông Trump. Perendzhiev nhấn mạnh: “Trật tự này không phải do Tổng thống Trump quyết định mà là do một nhóm “tinh hoa chính trị”(18) ở Mỹ nắm giữ. Nhóm này chuyên đi vận động hành lang cũng như đích thân kiểm soát việc thực thi những chính sách mà họ đưa ra”.

Tuy nhiên, điều “bất ngờ” lại xảy ra, ngày 6-4, ông Trump đã ra lệnh tấn công Syria bằng một loạt 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk(19). Đây là lần đầu tiên sau khi ông Trump điều hành đất nước, với lý do trả đũa cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nghi là của chính phủ Syria, làm thương vong nhiều dân thường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi vì sao ông Trump lại hành động gấp gáp như vậy, trong khi Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc vừa mới thảo luận về một cuộc điều tra xem ai là thủ phạm gây ra cuộc tấn công vũ khí hóa học này. Vì thế, theo giới phân tích, chiến lược “Trung Đông mới” mang tên Donald Trump thay cho chiến lược “Đại Trung Đông mới” của các chính quyền tiền nhiệm vẫn còn đang ở phía trước.

__________________

(1) http://www.vietnamplus.vn: Bỏ phiếu bầu ông Trump: Cử tri Mỹ mơ về một sự thay đối. 9-11-2016

(2), (3) http://www.tapchicongsan.org.vn: Đâu là điểm mới trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump? 3-1-2017

(4), (5), (7), (8) http://www.dangcongsan.vn: Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump. 9/4/2017

(6) http://www.tapchicongsan.org.vn: Quan hệ NATO - Mỹ liệu có còn như trước? 10-3-2017

(9) http://vov.vn: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO: Cân bằng mối quan hệ với Mỹ. 15-2-2017

(10) http://dangcongsan.vn: Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump. 3-4-2017

(11), (12), (13)  http://dangcongsan.vn: Dần định hình quan hệ Mỹ - Trung. 10-4-2017

(14) http://vov.vn: Tân cố vấn an ninh quốc gia khác ông Trump về quan điểm với Nga. 22-2-2017

(15), (16), (18) http://vov.vn: Chiến lược chống IS của Tổng thống Trump: Bản sao từ ông Obama? 20-3-2017

(17) http://biendong.net: “Nước Mỹ trước tiên” của Trump cản bước chân Washington. 22-3-2017

(19) http://vov.vn: Vì sao Mỹ bất ngờ dội tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria? 8-4-2017

 

Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng

Lê Hải Nam

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền