Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 10:16
5430 Lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng

(LLCT) - Lịch sử quan hệ Việt - Ấn đang được viết nên một chương mới, mở đầu cho giai đoạn quan hệ sâu rộng hơn ở tất cả các mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã, đang và sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

 

1. Quan hệ hợp tác chính trị

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Pandit Jawaharlal Nehru xây dựng và dày công vun đắp. Thủ tướng Ấn Độ Pandit Jawaharlal Nehru là một trong những vị khách đến thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau khi Việt Nam giành được chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954). Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, và một năm sau, Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam.

Ngày 7-1-1972, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã dần đi vào chiều sâu và là hình mẫu cho sự hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, cùng nhau hợp tác phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước. Tháng 7-2007, Ấn Độ và Việt Nam chính thức thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ Việt - Ấn ngày càng nồng ấm hơn khi có ngày càng nhiều các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Về phía Việt Nam, năm 2003, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Ấn Độ. Tiếp đó là những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (2009), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013), và gần đây nhất là chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10-2014). Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc viếng thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ (2013) đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Tuyên bố chung 32 điểm giữa hai quốc gia được hình thành, tập trung vào các cam kết chiến lược, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và hợp tác an ninh quốc phòng. Hai nước đã ký tám thỏa thuận song phương, trong đó bao gồm thỏa thuận chia sẻ và bảo vệ thông tin mật nhằm hỗ trợ việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng và Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ (India’s ONGC Videsh Ltd)(1). Việc ký kết những thỏa thuận này giữa hai quốc gia mang một sắc thái chính trị hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Atal BehariVajpayee đã có chuyến thăm Việt Nam vào năm 2001. Tiếp đó là các chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (11-2008), Thủ tướng Ấn Độ  Manmohan Singh (10-2010), Phó Tổng thống Md. Hamid Ansari (1-2013) nhân dịp tham dự buổi lễ bế mạc Năm Hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ và gần đây nhất là cuộc viếng thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (9-2014). Hiện nay, Ấn Độ đang theo đuổi chính sách “hướng Đông” với mục tiêu nhằm thiết lập những mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và toàn diện với các nước láng giềng phía Đông. Trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng bậc nhất.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (9-2014) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Tổng thống Pranab Mukherjee khẳng định: “Việt Nam là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Việt Nam là một đối tác chiến lược của Ấn Độ trong ASEAN cũng như trong khu vực rộng lớn hơn”(2). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật và nhiều vấn đề trọng tâm khác(3).

2. Quan hệ kinh tế và thương mại

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt - Ấn. Kim ngạch buôn bán hai chiều của hai nước có bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, từ khoảng 50 triệu USD (1980) lên trên 1 tỷ USD (2006). Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng cao khoảng 20%/năm(4). Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ 6 tháng đầu năm 2013 đạt 2,592 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,160 tỷ USD (tăng 53,7%) và  nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 1,432  tỷ USD (tăng 31,1%). Mới đây, tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang (9-2014). Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng khoảng 3,5 lần kể từ năm 2007 và cả hai bên nhất trí sẽ đưa kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỷ USD vào năm 2020(5).

Trên lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang trở thành đích đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 6-2013, Ấn Độ đã đầu tư hơn 74 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 2,5 tỷ USD trong các lĩnh vực: khai khoáng dầu khí, khai khoáng và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, công nghệ thông tin, chế biến nông sản… Ấn Độ đang đầu tư và xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú II với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam có 3 dự án đầu tư vào Ấn Độ với tổng vốn đầu tư khoảng 23,6 triệu USD(6).

3. Hợp tác quốc phòng

Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Trong thời gian qua, hai nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại an ninh quốc gia. Đáng chú ý nhất là Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ tám tại TP. Hồ Chí Minh (8-11-2013). Hai bên đã tăng cường các cuộc gặp cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, hợp tác về đào tạo cán bộ, đặc biệt là hợp tác về hải quân, mở rộng hợp tác không quân và thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng.

Gần đây, sau khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thăm Việt Nam (9-2014), Ấn Độ đã dành gói tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để hiện đại hóa quốc phòng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác năng lượng. Khoản tín dụng mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Với những biến đổi to lớn về địa chính trị ở khu vực, nhất là việc Trung Quốc ngày càng hung hăng khẳng định chủ quyền trái phép tại Biển Đông thì  những động thái trên đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của Ấn Độ, mong muốn sẽ đóng một vai trò lớn hơn về an ninh ở khu vực này.

Bên cạnh đó, cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên mong muốn và quyết tâm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á, trong đó khẳng định: “Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”(7).

4. Giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại tốt đẹp, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển. Tháng 6-2012 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời đánh dấu 5 năm thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước. Hai nước phối hợp tổ chức “Năm Hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ” với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng như tổ chức các hội thảo để ôn lại truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tổ chức liên hoan phim, triển lãm nghệ thuật, tuần ẩm thực... Nhân dịp này, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) đã tổ chức Hội thảo “Văn minh Chăm, mối liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ” tại Đà Nẵng. Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Nghiên cứu văn hóa, văn minh người Chăm, chúng ta càng thấy mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ lâu đời. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là làm cho mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta ngày càng thêm phong phú và đa dạng”(8). Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam (9-2014), Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ khai trương Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Ấn Độ khẳng định “Mối quan hệ về mặt văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được thiết lập từ thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Ngày nay, quan hệ này đã được chuyển thành quan hệ đối tác chiến lược phát triển năng động với nhiều phương diện hợp tác. Ấn Độ coi Việt Nam là một người bạn tin cậy và một trụ cột trong chính sách hướng Đông, đồng thời là một trong những đối tác kinh tế quan trọng” và “Việt Nam - Ấn Độ phải làm tất cả những gì có thể để khuyến khích thế hệ trẻ kết nối, xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi, duy trì tình hữu nghị vốn đã gắn kết hai nước qua nhiều thế hệ”(9).

Bên cạnh đó, hai nước thường xuyên tổ chức các Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Ấn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật như chương trình Giao lưu thanh niên ASEAN - Ấn Độ 2014 và các hoạt động giao lưu khác. Việc xúc tiến đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng là một trong những bước tiến mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia “là sự kết nối thực tế của hai nền văn hóa, kết nối con người với con người”(10).

Năm 2014 đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt được thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Ấn Độ sau khi Ấn Độ vừa kết thúc bầu cử Hạ viện và thành lập Chính phủ mới. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Việt Nam lần này mang nhiều ý nghĩa chính trị quan trọng: Thứ nhất, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã được nâng lên một tầm cao mới. Thứ hai, phản ánh tầm quan trọng về địa chính trị chiến lược của Việt Nam trong chính sách của Ấn Độ. Việt Nam được coi là trụ cột chính trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, có vai trò cân bằng tiềm lực an ninh tại châu Á. Thứ ba, qua thiết lập mối quan hệ ngày càng sâu rộng với Việt Nam, Ấn Độ đang thể hiện mình là một nước lớn, một nước có trách nhiệm tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Lịch sử quan hệ Việt - Ấn đang được viết nên một chương mới, mở đầu cho giai đoạn quan hệ sâu rộng hơn ở tất cả các mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã, đang và sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1), (2) Limaye, S. “India-East Asia Relations: Rebalancing Indian Style.” Comparative Connections May 2014: 161.

(2) Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược,  http://dantri.com.vn

(3), (4) Chủ tịch nước đón và hội đàm với Tổng thống Ấn Độ, http://vov.vn

(5) Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, http://www.vietnamembassy-turkey.org

(6) Vietnam seeks investments from India Inc,   http://timesofindia.indiatimes.com

(7) Ấn Độ dành 100 triệu USD hợp tác quốc phòng với VN, http://vietnamnet.vn

(8) Việt Nam là một trụ cột trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, http://www.baovanhoa.vn

(9) Khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, http://vtv.vn

(10) Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Bạn cũ, tầm vóc mới, http://vtv.vn

 

ThS Trần Tuấn Minh

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền