Trang chủ    Diễn đàn    Phản bác các luận điệu xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Thứ sáu, 01 Tháng 12 2023 15:57
17271 Lượt xem

Phản bác các luận điệu xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

TS BÙI NGỌC QUÂN
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

(LLCT) - Những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua là minh chứng cho chủ trương đúng đắn, kiên quyết, kiên trì của Đảng ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này, đồng thời là phản bác đanh thép trước các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam là do thể chế chính trị”.
 

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 - Ảnh: phaply.net.vn 

Phòng, chống tham nhũng đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh phòng, chống.

Thực tế, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, đất nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Tham nhũng diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu đến sự nghiệp đổi mới, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Hiện nay các thế lực thù địch đang ráo riết chống phá cuộc chiến “diệt giặc tham nhũng”, không vùng cấm, không ngoại lệ; Chúng xuyên tạc bóp méo hòng phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất. Với chiêu bài quen thuộc, chúng tận dụng triệt để internet, mạng xã hội tập trung reo rắc các tư tưởng, quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng các vụ việc tham nhũng, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây. Vì vậy, yêu cầu tất yếu khách quan của toàn xã hội đặt ra đòi hỏi phải nhận diện và phản bác một cách khoa học các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng và những phần tử chống phá, cản trở công cuộc đấu tranh chống tham nhũng; góp phần nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ vững chắc Đảng ta trong tình hình mới.

Trái ngược với sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thì đâu đó vẫn còn một số phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch, phản động tung hô những luận điệu đả kích, xuyên tạc, chống phá chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng ta về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe cánh”, là chính “ta đánh ta”,… cần phải xét lại, “phải thay đổi thể chế chính trị”.

Xảo ngôn đó xuất hiện ở các trang tin gần đây với bài viết có nhan đề Có ai tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm; “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”, “Không cần phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không cần “chống” làm gì cho mệt sức, tốn công, tốn kém tiền thuế của dân; để công sức, tiền của làm việc khác,… vì tham nhũng là tất yếu của cuộc sống, khuyết tật bẩm sinh của quyền lực…

Không dừng lại ở đó, các luận điệu ăn theo còn cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí” cán bộ, đảng viên làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm… làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế, kìm hãm sự phát triển đất nước. Chẳng hạn, có những luận điệu cho rằng: cuộc chiến chống tham nhũng Việt Nam là “cuộc chiến nửa vời”, vẫn còn “nhiều vùng cấm”. Hay chúng cho rằng chống tham nhũng đã làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư nước ngoài, giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng đến xuất khẩu,... cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó theo chúng, thuốc đặc trị tham nhũng ở Việt Nam là phải thay đổi thể chế chính trị, phải đa đảng. Đây là luận điệu xuyên tạc, phản động rất thâm độc.

Trước hết, cần nhận thức rõ, tham ô, tham nhũng là sản phẩm của tất cả các thể chế chính trị từ khi có nhà nước, không phải của riêng chế độ xã hội chủ nghĩa. Bản chất của tham nhũng là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, tồn tại ở mọi chế độ chính trị với những mức độ và dạng thức khác nhau, gắn liền với nhà nước và quyền lực. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 chỉ rõ: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng”. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam đã xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Do đó, về bản chất, “nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”(1), là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”(2).

Tham nhũng là hiện tượng, một trong những nguy cơ gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Tính chất nguy hiểm của nạn tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến đội ngũ cán bộ, công chức; nếu nó không được ngăn chặn, triệt bỏ sẽ gây cản trở lớn cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Tham nhũng làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm xói mòn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hệ lụy kéo theo là làm suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Đấu tranh loại bỏ tham nhũng là quy luật mang tính tất yếu xuất phát từ tính chất nguy hại của hiện tượng này đối với xã hội. Đây là một quá trình lâu dài trong dòng chảy liên tục mà bất kỳ thể chế chính trị hay quốc gia nào cũng phải quan tâm để xóa bỏ tận gốc khuyết tật đó.

Thực tiễn đã cho thấy các đối tượng thù địch, phản động cố tình quy chụp, suy diễn vô căn cứ, bởi tham nhũng tồn tại ở nhiều quốc gia theo thể chế đa đảng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đại đa số các quốc gia có thể chế đa đảng vẫn có tham nhũng. Theo xếp hạng các ước ít tham nhũng nhất (điểm cao là ít tham nhũng) là Đan Mạch (88 điểm), Phần Lan (87 điểm) và New Zealand (83 điểm); đứng cuối danh sách là Somalia (12 điểm), Syria (13 điểm) và Nam Sudan (13 điểm)(3). Không chỉ ở các số liệu đo lường đó, tham nhũng đã là vấn đề nghiêm trọng ở một số quốc gia khi một số nguyên thủ cũng phạm tội “tham nhũng”. Do đó, tham nhũng là một vấn nạn mang tính toàn cầu chứ không phải là sản phẩm riêng, là “con đẻ” của thể chế chính trị ở Việt Nam hay của một quốc gia nào.

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện được điều đó, vấn đề mang tính tất yếu và then chốt của Đảng là luôn phải tự đổi mới, chỉnh đốn, đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất,... trong nội bộ và hệ thống chính trị. Quan điểm nhất quán của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua các thời kỳ đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị lớn lao, dù khó khăn, lâu dài nhưng vẫn không chùn bước trước “nạn giặc nội xâm”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(4).

Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các văn kiện đại hội của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng đã hình thành hệ thống quan điểm chỉ đạo, chính sách thực thi đúng đắn, phù hợp. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm việc thực hiện (2012 - 2022) nêu rõ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang,...   Thời gian vừa qua, một loạt các sai phạm được đưa ra xét xử nghiêm minh. Điều này khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, “có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều, sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”(5) góp phần thức tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn từng bước và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái.

Thực hiện nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào,… và với tinh thần chỉ đạo: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” của toàn Đảng, toàn dân ta(6) đã phát huy hiệu lực, lan tỏa quyết tâm của Đảng trong thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”(7).

Thực tế đã minh chứng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, qua đó, từng bước kiềm chế, ngăn chặn vấn nạn này, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Chống tham nhũng góp phần khắc phục tình trạng thất thoát và thu hồi tài sản, củng cố và tăng cường niềm tin tưởng của nhân dân, làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước.

Những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua là minh chứng cho chủ trương đúng đắn, kiên quyết, kiên trì của Đảng ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này, đồng thời là phản bác đanh thép trước các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam là do thể chế chính trị”.

Ý chí quyết tâm của Đảng và Nhà nước đã được hiện thực hóa thông qua công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng kinh tế. Trong năm 2022, tăng hơn 290% (tổng số giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đã thu hồi) so với năm 2021. Tổ chức Minh bạch quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI, tăng hơn 30 bậc trong 10 năm. Năm 2022 tăng 03 điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2021.

Không những vậy, các đối tượng đã hoàn toàn sai về phương pháp nhận thức khi lấy hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm để quy kết bản chất của chế độ ta, đòi thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Trên thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên tham nhũng là hiện tượng “Con sâu làm rầu nồi canh”, “cành cây sâu mọt” chứ không thể đánh đồng với toàn bộ cán bộ, đảng viên, mà cũng càng không thể là bản chất của chế độ. Các luận điệu xuyên tạc đòi thay đổi thể chế của nước ta dùng chiêu bài “mượn gió, bẻ măng”, chiêu trò “rượu cũ bình mới” hòng cố tình che đậy mục đích, nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng, thấy hiện tượng mà không thấy bản chất và hiệu quả thực sự của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Sự thật minh chứng Đảng ta đã không bao che, mà thay vào đó kiên quyết xử lý, cắt bỏ “những cái ung nhọt” thoái hóa, biến chất đó ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Qua đó nhận thấy, những luận điệu xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn “cũ rích” của các thế lực thù địch. Đó là đòi tam quyền phân lập, quy kết bản chất cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là đấu đá nội bộ, nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm của nhân dân. Phủ nhận sạch trơn những thành tựu mà Đảng, nhân dân ta đã đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng. Mục đích suy đến cùng là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phòng, chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh hết sức gay go, lâu dài, phức tạp ở Việt Nam hiện nay. Cuộc đấu tranh đó luôn đòi hỏi sự phòng ngừa “từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”(8) và sự kiên quyết, kiên trì của toàn Đảng, toàn dân ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta cần đấu tranh không khoan nhượng, loại bỏ các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, trong đó có luận điệu đòi “thay đổi thể chế” của nước ta. Đồng thời, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, lan tỏa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, của từng thành viên trong xã hội nhằm đấu tranh triệt bỏ mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng văn hóa liêm chính, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Những kết quả nổi bật và chiến lược sắc bén trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua là sự công phá mạnh mẽ vào các luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch. Đồng thời, tạo cơ sở vững chắc củng cố niềm tin thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc đầy gian khó, thử thách, qua đó góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

_________________

Ngày nhận bài: 9-8-2023; Ngày bình duyệt: 25-10-2023; Ngày duyệt đăng: 30-11-2023

(1), (7), (8) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 15, 99, 207. 

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 141.

(3) https://www.transparency.org/en/cpi/2022, truy cập ngày 25-7-2023.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, , tr. 145.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.77, 193.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền