Trang chủ    Diễn đàn    Để từ chức trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ hiện nay
Thứ hai, 31 Tháng 7 2023 08:51
722 Lượt xem

Để từ chức trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ hiện nay

(LLCT) - Trong văn hóa chính trị của nhiều nước phát triển, sẵn sàng từ chức trở thành hành vi được coi là “có văn hóa” khi tham gia vào đời sống chính trị. Từ ý nghĩa đó, hành vi “từ chức” được xem là hành vi ứng xử văn minh ở các nước tiên tiến. Trên cơ sở phân tích thực trạng vấn đề từ chức ở Việt Nam, bài viết đề xuất giải pháp góp phần xây dựng hành vi “từ chức” trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức khi không đủ uy tín, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tháng 6-2023 - Ảnh: quochoi.vn

1. Khái niệm “từ chức”

Theo Quy định số 41-QÐ/TW, ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, “từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”. Theo đó, “từ chức” khi một cán bộ: “1- Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; 2- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; 3- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; 4- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân”(1).

Từ chức là hành vi chính trị phổ biến của các nhà chính trị ở nhiều quốc gia. Khi một chủ thể do không đủ sức khỏe hoặc thấy mình có trách nhiệm để xảy ra một vụ việc gì gây thiệt hại về người và tài sản. Hành vi đó không chỉ được quy định trong pháp luật mà được nhân dân chia sẻ, ủng hộ. Do đó “từ chức” đã trở thành một nét văn hóa trong văn hóa chính trị.

Hiện tượng các nguyên thủ quốc gia (tổng thống, thủ tướng) cho tới các quan chức và chính khách cao cấp từ chức đã xảy ra ở nhiều quốc gia, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức.... Ở Nhật Bản, chỉ trong vòng 21 năm (2000 - 2021), đã có tới 10 vị thủ tướng khác nhau. Trong đó chỉ có 2 người làm trọn 1 nhiệm  kỳ (3 năm), còn lại hầu hết các vị khác chỉ tại nhiệm trên dưới 1 năm. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hachiro xin lỗi dư luận và xin từ chức vì có những phát ngôn không đúng chuẩn mực. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẵn sàng từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ khi để xảy ra những bê bối liên quan đến bà. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won xin từ chức và nhận trách nhiệm về cách xử lý yếu kém của chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết và mất tích(2)...

Từ chức được xem là một hành vi bình thường trong đời sống chính trị ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Những yếu tố để từ chức trở thành văn hóa, gồm: Một là, thể chế ở các quốc gia này đã đưa ra những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chuẩn mực trong ứng xử và thực thi trách nhiệm của cán bộ. Hai là, trong văn hóa chính trị ở các nước, việc một nhà chính trị trả lại quyền lực cho nhân dân đã được nhân dân thừa nhận, chia sẻ. Vì vậy, nếu một quan chức cảm thấy mình không đủ sức khỏe,  năng lực, điều kiện, phẩm chất, uy tín, có thể do các yếu tố khách quan hay chủ quan, để đảm đương nhiệm vụ đó thì sẵn sàng trả lại chức vụ. Thời gian sau đó, họ có thể ra tranh cử nếu đủ điều kiện. Điều này được nhân dân hoàn toàn ủng hộ. “Quyền lực” của mỗi nhà chính trị có được như một bản “hợp đồng” với người dân. Do đó, “từ chức” trở thành một tiêu chuẩn, chi phối hành vi của mỗi nhà chính trị khi tham gia vào đời sống chính trị. Ba là, lòng tự trọng và tính tự giác của nhà chính trị rất cao. Khi một người có phát ngôn không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục hay tâm lý người dân, lúc đó họ sẵn sàng từ chức.

2.  Từ chức ở Việt Nam

Năm 1946, khi được bầu làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(3). Tuyên bố trước Quốc hội, Người nói: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”(4).

Trong tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(5). Vì vậy, “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền... đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”(6).

Xuất phát từ bản chất của quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ được nhân dân ủy quyền phải lấy lợi ích của nhân dân làm gốc trong mọi hoạt động chính trị. Khi dân tin tưởng ủy quyền thì cần nỗ lực để không phụ lòng dân. Nếu bản thân thấy mình không thể làm tốt vai trò là một công bộc thì từ chức là việc nên làm. Đó thực chất là việc trả lại quyền lực cho người dân, để người dân tìm người xứng đáng hơn, đủ điều kiện, năng lực và phẩm chất gánh vác sự ủy thác của nhân dân. Trong mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân. Cán bộ là người làm công ăn lương do nhân dân trả. Nếu cán bộ làm tốt sẽ được sự tín nhiệm từ nhân dân, được dân tin, dân yêu, dân bảo vệ, dân nuôi dưỡng. Ngược lại, nếu làm chưa tốt hoặc chưa thực sự đủ đức, đủ tài để gánh vác việc nhân dân giao phó thì nên tự nguyện, tự giác “trả” lại vị trí đó cho nhân dân. Người dân với cán bộ có trách nhiệm thực hiện sự lãnh đạo, quản lý. Những tư tưởng đó là tiền đề quan trọng cho việc từ chức ở Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng ở cả Trung ương và địa phương xin từ chức. Phần lớn, cán bộ từ chức là do có khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Số cán bộ từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực, sức khỏe hay không còn uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao không nhiều và chủ yếu là cán bộ ở các địa phương. Giai đoạn 2009 - 2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các địa phương(7). Qua đó nhận thấy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về việc tự nguyện từ chức ngày càng được nâng cao, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều động, luân chuyển, bố trí, phân công cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời thay thế cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Theo cách tiếp cận phổ quát, “văn hóa chính trị là hệ thống các giá trị, chuẩn mực được hình thành trong thực tiễn chính trị, được cộng đồng chia sẻ và nó có thể chi phối, định hướng hoạt động của các cá nhân và tổ chức khi các chủ thể này tham gia vào đời sống chính trị”(8). Như vậy, văn hóa chính trị là những sáng tạo của con người và được cộng đồng thừa nhận, chia sẻ; được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một giá trị, chuẩn mực chung của cộng đồng, từ đó định hướng, chi phối hành vi của cá nhân, chủ thể khi tham gia vào đời sống chính trị. Để hành vi “từ chức” của các chủ thể trở thành một văn hóa, một thành tố của văn hóa chính trị, hành vi “từ chức” cần đạt được những tiêu chí trên.

Tham chiếu với lý luận về văn hóa chính trị nhận thấy, các hành vi “từ chức” ở Việt Nam còn ít nhận được sự thừa nhận mang tính chuẩn mực của cộng đồng xã hội, của nhân dân; hành vi đó cũng chưa thực sự trở thành hành động chi phối, định hướng hoạt động của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào đời sống chính trị.

3. Giải pháp để thực hiện quy định về từ chức trở thành giá trị trong văn hóa chính trị Việt Nam

Một là, nâng cao trình độ dân trí nói chung, trong đó có nâng cao sự hiểu biết về chính trị. Người dân cần được trang bị những tri thức chính trị, tri thức về cách thức tổ chức nhà nước, từ đó nâng cao ý thức làm chủ cho mỗi người dân. Cần nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể: người dân đóng thuế cho Nhà nước, do đó họ có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước. Khi cán bộ được Nhà nước  giao nhiệm vụ nhưng không còn đủ năng lực, phẩm chất để đảm đương, thì họ nên trả lại vị trí quyền lực đó. Khi đó, giữa quyền lực của nhân dân và cán bộ nhà nước do dân ủy quyền mới thực sự vì dân.

Người dân cần nhận thức đúng đắn về hành vi “từ chức”, là một việc làm đương nhiên, cần có của mỗi nhà chính trị khi họ không đủ năng lực, sức khỏe hay vì những lý do cá nhân không thực hiện, hoàn thành được nhiệm vụ được giao; tránh xuyên tạc, kỳ thị hay có thái độ không đúng chuẩn mực với những cán bộ từ chức. Như vậy, việc từ chức của cán bộ được chia sẻ và sẽ trở thành hành vi ứng xử có văn hóa của các chủ thể chính trị.

Hai là, muốn từ chức trở thành giá trị văn hóa chính trị, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền hành chính phục vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị “hành là chính”. Do đó, cần thực hiện nghiêm Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, ban hành các văn bản pháp luật cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần tạo dựng hành lang pháp lý để hành vi từ chức trở thành nếp ứng xử trong văn hóa chính trị của cán bộ, công chức.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định phải “xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ”. Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” và Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút nên tự nguyện xin từ chức.

Có thể thấy, những quy định này đã có nội hàm rất rõ khi coi việc từ chức là hành vi ứng xử văn hóa trong thực thi công vụ. Nó cũng mở đường cho những cán bộ có sai phạm, yếu kém xin từ chức; đồng thời tạo thuận lợi cho những cán bộ muốn từ chức vì những lý do chính đáng khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, còn một số rào cản khác khiến cho cán bộ không dễ dàng từ chức, đó là nếu đã từ chức thì gần như không còn cơ hội để quay lại hệ thống công quyền. Thực tế, các quy định của Đảng vẫn mở ra những điều kiện rèn luyện, phấn đấu cho các cán bộ đã từ chức. Điểm 2 Điều 10 Quy định số 41-QĐ/TW nêu: “Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định”. Dù vậy, trên thực tế vẫn còn quan điểm nặng nề, định kiến khi phục chức, hay thăng chức cho một cán bộ đã từng từ chức. Dư luận xã hội dường như chưa sẵn sàng với điều đó.

Bốn là, siết chặt việc thực hiện quy trình, quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ theo hướng gắn trách nhiệm của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp cán bộ có sai phạm thì người đề cử và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý.

Cần thực hiện công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để nhân dân biết và cùng giám sát. Thực hiện cơ chế cạnh tranh bình đẳng để tuyển chọn những người tài giỏi, trong sạch làm lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần ban hành tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hằng năm một cách công khai, minh bạch, công bố trong tập thể để giám sát. Quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Trong Quy định của Bộ Chính trị có đề cập căn cứ xem xét từ chức. Chẳng hạn, đó là hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Quy định căn cứ như vậy là rõ, nhưng khi đi vào thực tiễn không đơn giản. Bởi vì rất ít cán bộ tự nhận mình hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí “một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”(9). Còn việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều khi vẫn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

Hiện nay, nhận thức của một bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên về việc từ chức còn hạn chế. Không ít cán bộ có quan điểm tiêu cực, tâm lý lo lắng, nặng nề về từ chức hoặc do sức ép từ dư luận, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp dẫn đến không dám từ chức. Một số trường hợp thiếu nhận thức về phần lỗi của mình hoặc cho rằng lỗi đó do tập thể, do cơ chế. Mặt khác, tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá cán bộ chưa hiệu quả, còn tình trạng đánh giá theo cảm tính, dẫn đến thiếu cơ sở rõ ràng để giải quyết việc từ chức. Việc giải quyết các trường hợp từ chức còn có tình trạng nể nang, ngại va chạm, để cán bộ giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ, sau đó không bổ nhiệm lại hoặc không giới thiệu ứng cử; hoặc điều động, bổ nhiệm sang giữ chức vụ khác tương đương hoặc thấp hơn.

Năm là, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về sự cần thiết xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại, trong đó từ chức là một nếp ứng xử cần có. Muốn vậy cần thay đổi nhận thức, tư duy, triết lý giáo dục: học để làm người, làm cán bộ, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 30-3-2023; Ngày bình duyệt: 7-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1) Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ,  https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

(2) Trọng Giáp: Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà, https://vnexpress.net, ngày 27-4-2014.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.187, 478.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.263.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.113.

(7) Nguyễn Anh Tuấn: Để từ chức trở thành nét văn hóa ứng xử của cán bộ, https://www.qdnd.vn/, ngày 3-11-2022.

(8) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Chính trị học (Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.92.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22.

TS NGUYỄN THỊ THANH DUNG

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền