Trang chủ    Diễn đàn    Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Thứ năm, 27 Tháng 7 2023 10:40
2466 Lượt xem

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng

(LLCT) - Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là nhằm phát huy tính sáng tạo, nguồn sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Đảng, củng cố lòng tin, mối quan hệ của nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó còn là trách nhiệm của Mặt trận và các t­ổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 7-2022 - Ảnh: vietnamnet.vn

1. Tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, là yêu cầu của công tác xây dựng Đảng hiện nay

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lực lượng của nhân dân là vô cùng to lớn, sức mạnh của nhân dân là vô địch, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1).

Trong chế độ XHCN, nhân dân thực hiện quyền lực và trách nhiệm của mình thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua hình thức dân chủ đại diện là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng và chính quyền. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền nhân dân.

Điều 3, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ: “1. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. 2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. 5. Thực hiện giám sát và phản biện xã hội. 6. Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. 7. Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân”(2).

Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền xác định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”(3).

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(4).

Như vậy, tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng là chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, thực trạng công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp hiện nay đặt ra yêu cầu tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên nói riêng.

Công cuộc đổi mới đất nước đã thu được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng những năm qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong những thành công đó có sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, thực trạng công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều thiếu sót. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lộng quyền, lạm quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang gây bức xúc trong nhân dân. Năng lực lãnh đạo của không ít tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp còn nhiều yếu kém. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nơi còn chưa thực hiện nghiêm túc... Tất cả điều đó có phần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.

Để khắc phục những yếu kém, tiêu cực nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là phải dựa vào nhân dân, có sự tham gia giám sát và phản biện của nhân dân, trong đó có sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự là chỗ dựa tin cậy của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, phải chung tay, đồng lòng, cùng trách nhiệm với các cấp ủy đảng, chính quyền đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.

Đại hội XIII của Đảng xác định, một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng vững mạnh là: “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”(5). Đại hội cũng chỉ rõ: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(6). Như vậy, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là đòi hỏi của công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên

Một là, tham gia góp ý, phản biện các chủ trương, giải pháp lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng

Chủ trương, giải pháp lãnh đạo là yếu tố rất quan trọng, quyết định vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tuy nhiên, để có chủ trương, giải pháp đúng, đi vào thực tiễn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và hăng hái thực hiện, thì ngay từ khi đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở cần trao đổi, lấy ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi vì, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở là người đại diện cho tiếng nói, lợi ích của nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng ở địa bàn cơ sở, từ đó, tham mưu cho tổ chức đảng về nội dung, giải pháp lãnh đạo.

Hai là, tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị

Cấp cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị của nước ta. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp có được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hay không đều phụ thuộc vào sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương đúng hay sai, hiệu quả hay không hiệu quả, làm tốt hay chưa tốt,... nhân dân đều biết hết. Nếu có sự tham gia, kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thì việc chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ đạt hiệu quả hơn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(7). Vì vậy, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một nội dung rất quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên hiện nay.

Ba là, tham gia giám sát tư tưởng, đạo đức, lối sống và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Tư tưởng, đạo đức, lối sống, thái độ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở cơ sở luôn thể hiện trong hành động của họ. Vì vậy, dựa vào dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở cơ sở trong giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá, sàng lọc cán bộ, đảng viên và góp phần đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện cơ hội chính trị, trong kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đặc biệt là kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở. Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng là do báo chí và nhân dân phát hiện.

Bốn là, giới thiệu những người tích cực, ưu tú trong nhân dân để tổ chức đảng lựa chọn, bổ sung vào đội ngũ đảng viên và đội ngũ cán bộ

Phong trào cách mạng của quần chúng là trường học lớn để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, là nơi cán bộ, đảng viên thể hiện tư cách, trách nhiệm, năng lực của mình. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua mà nhân dân hiểu rõ ai tốt, ai xấu, ai gương mẫu, hăng hái và trách nhiệm, ai thực tâm tận tuỵ với nhân dân, tôn trọng nhân dân, ai cơ hội, lười biếng,... Vì vậy, dựa vào nhân dân, thông qua Mặt trận và các đoàn thể để phát hiện những nhân tố mới, tích cực, những tấm gương tiêu biểu để giới thiệu cho Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể lựa chọn, giao những vị trí lãnh đạo và để kết nạp vào Đảng, để gạt bỏ những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng. Ý kiến của nhân dân luôn khách quan, đa diện.

3. Một số giải pháp tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng

Một là, hoàn thiện các quy chế, quy định pháp lý bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên

Để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đạt hiệu quả cao, cần luật hóa hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, mà trước hết cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất; phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội, làm căn cứ, cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Trong điều kiện thực hiện dân chủ XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong giám sát, phản biện xã hội là hình thức phát huy hiệu quả dân chủ đại diện của nhân dân. Đây là việc làm hết sức cần thiết và phải được bảo đảm bởi các điều kiện pháp lý. Thực tế trong những năm qua, chúng ta cũng đã làm, nhưng mới ở cấp Trung ương là chủ yếu và cách làm chưa thật thường xuyên.

Xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát công tác quản lý cán bộ, đảng viên trong đảng bộ cơ sở. Việc giám sát này phải được quy định trong tất cả các khâu của công tác quản lý cán bộ, đảng viên, từ lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đến quy trình giới thiệu bổ nhiệm, giới thiệu kết nạp đảng...

Xây dựng quy chế, quy định nhằm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ  quốc và các đoàn thể thực sự có được vị trí tương đối độc lập trong hoạt động giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền.

Hai là, nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

Trong thời gian qua, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng Đảng, chính quyền ở nhiều nơi cũng chưa phát huy hiệu quả, việc giám sát và phản biện xã hội đang còn hình thức. Tình trạng nể nang, né tránh, không dám đấu tranh, ngại va chạm, tư tưởng “bảo sao làm vậy”... vẫn còn tồn tại. Nhiều vụ việc quần chúng nhân dân biết, phản ánh nhưng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội chưa phản ánh đúng sự thật, chưa đúng nguyện vọng của hội viên, chưa dám nói lên sự thật, mà phản ánh theo ý chủ quan của mình.

Tình trạng đó có nguyên nhân chủ yếu: Một là, do trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện, chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình. Hai là, cơ chế còn bất hợp lý, chưa tạo ra chế độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong việc thể hiện ý chí, nguyện vọng, ý kiến phản ánh của nhân dân. Ba là, một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chưa thực sự coi trọng, cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, mối quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, nhiều vụ việc nhân dân phản ánh nhưng Mặt trận và các đoàn thể thiếu nhiệt huyết trong việc tham gia xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, thiếu nhiệt tình trong giám sát và phản biện xã hội.

Để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên có hiệu quả, trước hết phải tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; bồi dưỡng cho họ có đủ trình độ, năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện vấn đề. Họ phải thực sự có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân. Các cấp ủy đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác Mặt trận, đoàn thể.

Mặt khác, các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở cần thực sự cầu thị trong việc lắng nghe ý kiến góp ý của Mặt trận và các đoàn thể thì mới phát huy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác xây dựng Đảng và trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tiêu cực, tham nhũng, ngăn chặn được tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Ba là, tăng cường phối hợp tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong kiểm tra, đánh giá và giám sát tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giám sát quyền lực và sự gương mẫu của cán bộ chủ chốt tổ chức đảng, chính quyền

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát đối với hoạt động của tổ chức đảng cơ sở và tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giám sát quyền lực và sự gương mẫu của người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền cơ sở. Đội ngũ cán bộ chủ chốt có trách nhiệm cao nhất trong hệ thống chính trị ở cơ sở, mọi hoạt động có liên quan đến vai trò của đảng bộ và liên quan đến đời sống nhân dân. Nếu đội ngũ cán bộ chủ chốt được giám sát chặt chẽ, thực sự trong sạch, vững mạnh thì cả bộ máy sẽ trong sạch, vững mạnh, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ được ngăn chặn. Vì vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong việc giám sát đối với hoạt động của bộ phận cán bộ này.

Tăng cường phối hợp trong kiểm tra, giám sát việc xử lý những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm Điều lệ Đảng và suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Tăng cường cung cấp thông tin thường xuyên, công khai, minh bạch việc xử lý những cán bộ, đảng viên để nhân dân biết.

Bốn là, đổi mới nội dung và đa dạng hóa phương thức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên

Cần có sự đổi mới trong việc xác định nội dung giám sát, phản biện xã hội. Hiện nay, Mặt trận và các đoàn thể xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, trình cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy phê duyệt, sau đó tiến hành giám sát theo kế hoạch. Cách làm như hiện nay không phản ánh hết những bức xúc, ý kiến trong nhân dân. Các nội dung giám sát phải xuất phát từ những phát hiện, ý kiến phản ánh của nhân dân, của dư luận xã hội. Các ý kiến phản ánh, phát hiện phải được bàn bạc, trao đổi thống nhất trong các tổ chức đoàn thể. Khi đại đa số hội viên nhất trí yêu cầu thì Mặt trận và các đoàn thể xây dựng kế hoạch, nội dung, báo cáo cấp ủy, thường vụ cấp ủy biết để theo dõi, kể cả các vụ việc giám sát trong kế hoạch và có cả những vụ việc ngoài kế hoạch, đột xuất. Cấp ủy, thường vụ cấp ủy phải tôn trọng kế hoạch giám sát của các đoàn thể đó.

Về phương thức giám sát, cần linh hoạt, đa dạng hóa các phương thức giám sát như thông qua đối thoại, chất vấn trong các cuộc họp, qua tiếp xúc trực tiếp với đối tượng, qua ý kiến phản ánh của các thành viên, đoàn viên, hội viên, ý kiến của nhân dân, ý kiến của các chuyên gia và tổ chức khảo sát thực tế để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Trách nhiệm của lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể là phản ánh trung thực, khách quan toàn bộ ý kiến của hội viên. Không được cá nhân hóa ý kiến của nhân dân thành ý kiến của riêng mình. Có trách nhiệm báo cáo, thông tin lại kết quả phản ánh, xử lý những vụ việc mà nhân dân phản ánh.

Thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường phối hợp hoạt động với ủy ban kiểm tra đảng cấp trên, với ban thanh tra nhân dân... để làm rõ những vụ việc mà nhân dân đã phát hiện, đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng để trả lời trước nhân dân.

Năm là, tăng cường phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Hiện nay, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở và góp ý, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống chưa thực sự thu hút, lôi kéo được đông đảo nhân dân tham gia. Nguyên nhân là công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo thành dư luận xã hội tích cực, khích lệ đông đảo nhân dân tham gia; nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và có thái độ ngại va chạm, ngại đấu tranh, sợ bị trù dập.

Để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong tổ chức, tạo dư luận xã hội cổ vũ, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh này. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân hiểu được ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia phát hiện các nhân tố điển hình, các tấm gương tiêu biểu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để nhân dân tích cực tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, cần thiết lập một cơ chế thích hợp, trong việc thu thập thông tin từ nhân dân. Xây dựng kênh thông tin để người dân có thể phản ánh, góp ý kiến cho tổ chức đảng, để người dân có thể cung cấp được thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... với nhiều hình thức như thông qua các hộp thư, số điện thoại nóng của cán bộ, cơ quan chức năng có thẩm quyền, của các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các văn phòng tiếp dân, thông qua hình thức dân chủ đại diện là Mặt trận và các đoàn thể...

Một khâu rất quan trọng để nhân dân tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải bảo đảm bí mật cho người cung cấp thông tin, chứng cứ. Đây là mấu chốt để người dân mạnh dạn tham gia vì họ sẽ vượt qua tâm lý ngại va chạm, không sợ bị trù dập. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải có cơ chế, quy chế bảo vệ quyền lợi người tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 07-02-2023; Ngày bình duyệt: 18-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.232.

(2) Quốc hội: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 75/2015/QH13, ngày 09-6-2015.

(3) Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.191.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, 253.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, sđd, tr.327.

PGS, TS LÊ KIM VIỆT

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền