Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Trường Chính trị thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách
Thứ tư, 13 Tháng 12 2023 09:52
5822 Lượt xem

Trường Chính trị thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách

TS BÙI NGỌC HIỀN
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy định số 09-Qđi/TW. Chức năng, nhiệm vụ này vừa là sự khẳng định vai trò quan trọng của trường chính trị nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các trường chính trị. Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của các trường chính trị nói chung và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian qua, bài viết làm rõ thực trạng, những vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này.
 

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: giaoducthoidai.vn

1. Chức năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy định số 09-Qđi/TW ngày 13 - 11 - 2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường chính trị có chức năng: “tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”(1). Theo quy định, ngoài nhiệm vụ tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập, trường chính trị tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học để tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở.

So với Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03 - 9 - 2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì chức năng, nhiệm vụ về tổng kết thực tiễn của trường chính trị được quy định rõ hơn. Đây vừa là sự ghi nhận, khẳng định vai trò quan trọng của trường chính trị nhưng cũng đặt ra những thách thức, áp lực lớn đối với các trường chính trị trong tham gia cũng như chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách tại địa phương.

Chức năng, nhiệm vụ tham gia tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị thể hiện trên các hoạt động cụ thể sau:

1) Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng: thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng tại địa phương, cơ sở; xây dựng và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, thành phố và cấp ủy các cấp tại địa phương; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tại địa phương;

2) Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về các hoạt động lãnh đạo, quản lý cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương;

3) Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về hoạt động lãnh đạo, quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

4) Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của địa phương;

5) Nghiên cứu, đề xuất, tư vấn cơ chế, chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế - xã hội; cơ chế, phương thức, mô hình lãnh đạo, quản lý mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương…

 Việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị khẳng định vai trò, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các trường chính trị trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ này. Từ thực tiễn của các trường chính trị thời gian qua cho thấy, có 3 vấn đề đặt ra:

Một là, về tiềm lực nghiên cứu khoa học của các trường chính trị, để đáp ứng yêu cầu tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách là một thách thức lớn đối với nhiều trường. Bởi hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường còn mỏng, đặc biệt số cán bộ có năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách càng ít ỏi. Thực tế này đòi hỏi các trường chính trị phải có kế hoạch, lộ trình và giải pháp khả thi, hiệu quả để xây dựng tiềm lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên.

Hai là, môi trường và thói quen nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên các trường chính trị cũng đang là một trở ngại để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách tại địa phương. Trường chính trị là cơ sở giáo dục mang tính đặc thù, khác với các cơ sở giáo dục đại học (nơi diễn ra nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau) hay các tổ chức nghiên cứu (nơi có kinh nghiệm về tổ chức, triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu), đó là: đặc thù về đối tượng người học (cán bộ, công chức, viên chức); đặc thù về chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (chương trình, giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn); nghiệp vụ, kỹ năng theo ngạch công chức, viên chức (trong đó, chương trình, tài liệu do Học viện Hành chính quốc gia, Bộ Nội vụ biên soạn)… Cùng với đó, giảng viên các trường chính trị còn thực hiện nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động này được tính điểm nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Do vậy, đội ngũ giảng viên các trường chính trị thường ít có điều kiện tham gia xây dựng, phát triển chương trình; công bố khoa học trong và ngoài nước; tích lũy công trình để xét phong giáo sư, phó giáo sư…) và không đầu tư nhiều cho các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tìm kiếm ý tưởng mới - những thói quen phù hợp với yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách.

Ba là, do quy mô tổ chức và lực lượng mỏng nên việc chủ động kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của các trường chính trị gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung cho các hoạt động nghiên cứu phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Thực tiễn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 15 - 10 - 2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị, Học viện còn thực hiện chức năng đào tạo đại học, sau đại học, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước.

Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu phát triển Học viện đến năm 2050, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham gia tư vấn chính sách phù hợp, hiệu quả phát triển Thành phố; khẳng định vai trò chủ lực của Học viện trong nghiên cứu khoa học, cung cấp cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn; đề xuất những giải pháp giải quyết những phát sinh từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”(2).

Là trường chính trị, hằng năm Học viện xác định các định hướng nghiên cứu cơ bản, trong đó trọng tâm là tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách. Trong kế hoạch nghiên cứu khoa học, tập trung vào (1) nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Thành ủy; chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của chính quyền Thành phố; (2) nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; (3) đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố...

Tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học hướng đến tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách

Từ năm 2020 đến nay, Học viện đã phối hợp với các cơ quan, quận, huyện; các tổ chức nghiên cứu; các trường chính trị, trường đại học tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, ngoài việc phối hợp với các ban xây dựng Đảng tham mưu Thường trực Thành ủy tổ chức 01 tọa đàm, 03 hội thảo; Học viện đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan, tổ chức; các quận, huyện; các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học tổ chức 24 hội thảo khoa học. Sau mỗi hội thảo, tọa đàm khoa học, Học viện đều có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả tổ chức hội thảo, tọa đàm, trong đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý và tổ chức phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tùy theo từng hội thảo, tọa đàm khoa học, các kiến nghị, đề xuất này còn được gửi đến Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố; các sở, ban, ngành và quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp hướng vào tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách

Từ năm 2020 đến nay, Học viện đã và đang thực hiện 44 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, có 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (04 đề tài đã nghiệm thu, 01 đề tài đang chuẩn bị nghiệm thu cấp bộ) nghiên cứu về: Công tác tôn giáo của hệ thống chính trị Thành phố; Công tác dân vận chính quyền ở các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh; Phong cách, phương pháp và kỹ năng giao tiếp với người dân của cán bộ làm công tác tiếp dân tại các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố; Xây dựng chính quyền số; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các trường đại học tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình mới; 01 đề án khoa học cấp Thành phố về xác định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Ủy ban nhân dân và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đa số các đề tài nghiên cứu khoa học do cán bộ, giảng viên Học viện thực hiện hướng vào nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực cụ thể...

Trong đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu liên quan đến thực tiễn Thành phố, Học viện đều mời lãnh đạo các sở, ban, ngành; quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố; các cơ quan, tổ chức liên quan đến đề tài tham gia phản biện, đánh giá cùng với các chuyên gia, nhà khoa học đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Qua đó, chất lượng nghiên cứu các đề tài từng bước được nâng lên, đóng góp cả về lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết thực tiễn lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền; thực tiễn tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tư vấn chủ trương, chính sách phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh. Cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong thực hiện các đề tài phù hợp với mục tiêu nghiên cứu đề ra. Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên Học viện còn tích cực tham gia thực hiện các đề án, nhiệm vụ của Thành phố, như: xây dựng chính quyền đô thị; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tổng kết 40 năm đổi mới…

Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy định số 09-Qđi/TW. Là trường chính trị, hằng năm Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định các định hướng nghiên cứu cơ bản, trong đó trọng tâm là tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách, tập trung vào (1) nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Thành ủy; chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của chính quyền Thành phố; (2) nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; (3) đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố...

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện từ năm 2020 đến nay cũng đạt được nhiều kết quả (năm 2020, có 02 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; năm 2021, có 13 đề tài; năm 2022 có 12 đề tài). Đa số các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã hướng vào các vấn đề thực tiễn của Thành phố, như: xây dựng đô thị thông minh; nhận thức về khởi nghiệp của sinh viên Thành phố; phát triển du lịch thông minh, kinh tế số, thu hút FDI trên địa bàn Thành phố, phát triển trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn...

Năm 2020, có 05 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện vào vòng bán kết, 01 đề tài đạt giải Khuyến khích Giải thưởng Euréka. Năm 2021, có 09 đề tài vào vòng bán kết, 01 đề tài đạt giải Nhì và 01 đề tài đạt giải Khuyến khích Giải thưởng Euréka. Năm 2022, có 07 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện vào vòng bán kết, 01 đề tài đạt giải Nhì, 02 đề tài đạt giải Khuyến khích Giải thưởng Euréka. Năm 2023, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện tham gia 02 bảng trong Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học của Khối thi đua 22 và đạt 02 giải Nhất; 01 đề tài lọt vào vòng Chung kết Giải thưởng Euréka; 01 đề tài đạt Giải Khuyến khích Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học, trong đó xác định trọng tâm là hướng vào tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách tại địa phương

Xác định nhất quán quan điểm, mục tiêu đầu tư phát triển và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách, trở thành hướng chủ đạo trong nghiên cứu khoa học của trường chính trị.

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu, định hướng, chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thành phố; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu theo hướng cung cấp các luận cứ khoa học để đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tiễn hoặc tư vấn hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; định hướng, mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huy động các nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị nói chung và các hoạt động tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách nói riêng…

Thứ hai, chuẩn hóa công tác quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị

Xây dựng và ban hành quy chế, quy định về nghiên cứu khoa học của trường trên cơ sở thực hiện Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21 - 12 - 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định, hướng dẫn của Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thành phố. Trong đó, các trường quy định cụ thể quy trình, thủ tục và trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nói chung và các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách nói riêng.

Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục, chế độ, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học. Công khai quy trình, thủ tục, biểu mẫu phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như thông tin đặt hàng, mời đăng ký thực hiện các nhiệm vụ khoa học tới toàn thể viên chức.

Thắt chặt mối quan hệ với các ban Đảng của tỉnh ủy, thành ủy; các sở, ngành; các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong kết nối, chia sẻ nhu cầu cũng như hợp tác trong tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách.

Bảo đảm các chế độ, chính sách khuyến khích viên chức tham gia nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Đổi mới các hoạt động quản lý nghiên cứu khoa học theo hướng chuyển đổi số.

Thứ ba, xây dựng tiềm lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách của trường chính trị

Xây dựng cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực tiễn lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng để đáp ứng yêu cầu gia tăng hàm lượng thực tiễn trong các công trình nghiên cứu. Khuyến khích và cử giảng viên tham gia các lớp tập huấn về nghiên cứu khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học do các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức.

Xây dựng các nhóm nghiên cứu để bảo đảm tính chủ động trong nghiên cứu; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và đặt hàng của các cơ quan, tổ chức.

Phát huy vai trò của đơn vị tham mưu quản lý khoa học trong tư vấn, hỗ trợ giảng viên tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học. Phát huy vai trò của các khoa và từng giảng viên trong tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

Bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường nói chung và các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách nói riêng.

Tranh thủ sự quan tâm của tỉnh ủy, thành ủy đối với trường chính trị, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách. Kết nối với các các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; các tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học, các trường chính trị khác trong tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách.

Từng bước hình thành và phát huy các kênh để nắm bắt các vấn đề kinh tế - xã hội, nhu cầu nghiên cứu trên các lĩnh vực cụ thể để tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Thực hiện Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn để nâng cao tiềm lực; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường.

Bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường chính trị trong tham gia tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách tại địa phương. Để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ này, các trường chính trị cần chủ động xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học, trong đó xác định hướng chủ đạo là nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách tại địa phương. Đồng thời, xác định và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tiềm lực và bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ này.

_________________

Ngày nhận bài: 22-11-2023; Ngày bình duyệt: 25-11-2023; Ngày duyệt đăng: 12-12-2023.

(1) Quyết định số 184-QĐ/TW, ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

(2) Quyết định số 595-QĐ/HVCB, ngày 2-8-2022 của Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Cán bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

(2) Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư “Về trường chính trị chuẩn”.

(3) Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21-12-2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền