Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Công tác thanh tra góp phần thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo tại Học viện
Thứ sáu, 24 Tháng 11 2023 21:05
3373 Lượt xem

Công tác thanh tra góp phần thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo tại Học viện

TS TRẦN VĂN THẮNG
Ban Thanh tra,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 

(LLCT) - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Học viện đã rất quan tâm các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó có công tác thanh tra giáo dục đào tạo. Công tác thanh tra giáo dục luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm. Bài viết khái quát hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo và khẳng định vai trò của hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023, do TS Trần Văn Thắng làm chủ nhiệm.
 

Buổi trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra giữa Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I - Ảnh: hcma1.hcma.vn. 

Thanh tra Học viện có chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ban Giám đốc thanh tra trên các lĩnh vực: Đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, kinh tế - xã hội, công vụ, hợp tác quốc tế; việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Giám đốc Học viện và Giám đốc các Học viện trực thuộc. Trong đó, hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo là một trong những nội dung thanh tra quan trọng góp phần vào thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, viên chức, người lao động và của học viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Học viện.

1. Công tác thanh tra giáo dục đào tạo luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện. Giám đốc Học viện đã ban hành các quy định, quy chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động giáo dục đào tạo của Học viện như: Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 4350-QĐ/HVCTQG ngày 17-9-2021 của Giám đốc Học viện; bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21-12-2021 của Giám đốc Học viện; Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 8488-QĐ/HVCTQG ngày 23-3-2022 của Giám đốc Học viện; Quy chế tuyển sinh và đào tạo cao cấp lý luận chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 10145-QĐ/HVCTQG ngày 30-6-2022 của Giám đốc Học viện…

Bên cạnh đó, công tác thanh tra giáo dục đào tạo còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của cấp ủy, lãnh đạo Ban Thanh tra và sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức Ban Thanh tra trong công tác thanh tra giáo dục đào tạo… đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Học viện trong hoạt động giáo dục đào tạo.

2. Hoạt động thanh tra giáo dục, đào tạo được tiến hành theo hai hình thức, đó là: Thường xuyên, theo kế hoạch và thanh tra đột xuất với nội dung hoạt động rất đa dạng, thể hiện ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, như: Thanh tra việc thực hiện nội quy, quy chế đào tạo (việc giảng dạy lên lớp của giảng viên và việc học tập của học viên); thanh tra tuyển sinh sau đại học; thanh tra hồ sơ mở lớp, hồ sơ học viên các loại hình đào tạo (cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, sau đại học) ở các hệ đào tạo (tập trung và không tập trung); thanh tra việc tổ chức học lại, học bổ sung; thi lại, thi bổ sung; thanh tra các kỳ thi tốt nghiệp, bảo vệ luận văn, luận án, đề án; thanh tra thi (công tác ra đề thi, đáp án đề thi, làm phách, chấm thi, lên điểm, lưu giữ bài thi) v.v..

Thứ nhất, hoạt động thanh tra giáo dục, đào tạo được diễn ra thường xuyên là thanh tra việc thực hiện nội quy, quy chế đào tạo tại các hệ lớp tại Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc. Trong 5 năm qua, Thanh tra Học viện đã tiến hành 897 lượt thanh tra thường xuyên đối với các hệ lớp, trong đó, có 617 lượt thanh tra công tác thi, kiểm tra (tự luận đóng, mở; trắc nghiệm; vấn đáp) và 280 lượt thanh tra việc thực hiện quy định về giảng dạy, học tập của các lớp(1). Thanh tra các Học viện trực thuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện nội quy, quy chế đào tạo tại các Học viện trực thuộc. Ngoài việc tiến hành các đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại lớp, Thanh tra thực hiện giám sát lớp học qua hệ thống camera truyền hình giảng đường, phối hợp kiểm tra, giám sát điểm danh bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt đối với các lớp đặt tại Học viện và một số lớp đặt tại địa phương. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid -19, Thanh tra Học viện đã tiến hành 1.781 lượt giám sát trực tuyến qua phần mềm Microsoft Team(2). Hoạt động thanh tra thường xuyên đã có tác động đến ý thức học tập của học viên, giảng dạy của giảng viên, giúp điều chỉnh, bổ sung những vấn đề sai sót trong đề thi hết môn, chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp vi phạm nội quy, quy chế đào tạo.

Thời gian qua, công tác thanh tra giáo dục đào tạo tại Học viện được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, hệ thống. Các đơn vị Thanh tra đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đào tạo, viện, khoa chuyên ngành, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên các hệ lớp do Học viện mở, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, độc lập. Các hình thức thanh tra được triển khai, vận dụng một cách linh hoạt, khoa học. Các văn bản, quy định, quy chế là căn cứ thanh tra giáo dục đào tạo được cập nhật, rà soát, sửa đổi, bổ sung thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hằng năm, Thanh tra Học viện tiến hành hàng chục đoàn thanh tra theo kế hoạch đối với các hoạt động giáo dục đào tạo. Một trong những hoạt động đào tạo đặc thù tại Học viện là đào tạo cao cấp lý luận chính trị (CCLCCT), do vậy, các đơn vị Thanh tra Học viện đã tập trung các Đoàn thanh tra tốt nghiệp các lớp CCLLCT tập trung và giám sát tốt nghiệp các lớp CCLLCT không tập trung, bao gồm công tác chuẩn bị thi, ra đề thi, chuyển đề thi, in sao, đóng gói, bảo mật đề thi, công tác coi thi, đáp án đề thi, làm phách, chấm thi, đánh giá đề án tốt nghiệp, chấm phúc khảo, tổng hợp lên điểm, công bố kết quả thi).

Bên cạnh thanh tra các lớp CCLLCT học tập tại Trung tâm Học viện, các đơn vị Thanh tra còn tiến hành thanh tra các lớp CCLLCT mở tại các Học viện trực thuộc và các trường chính trị. Trong 5 năm qua, thanh tra hệ thống Học viện đã tiến hành thanh tra, giám sát thi tốt nghiệp 146 lớp CCLLCT tập trung và không tập trung, 11 lớp đại học chính trị các chuyên ngành, tổ chức 19 đoàn thanh tra hồ sơ tuyển sinh và tổ chức kỳ thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, giám sát kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hằng năm(3).

Thứ hai, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện và theo yêu cầu của hoạt động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thanh tra Học viện đã triển khai các đoàn Thanh tra đột xuất như: việc thực hiện Quy chế đào tạo CCLLCT đối với lớp hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị K68-C08; kiểm tra, rà soát, xác minh văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của học viên theo Quyết định số 2075/QĐ-HVCTQG ngày 05-4-2018 của Giám đốc Học viện để xử lý vụ việc học viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp trong tuyển sinh đầu vào tiến sĩ; Thanh tra việc thực hiện Quy chế đào tạo CCLLCT đối với Lớp hoàn chỉnh chương trình Cao cấp Lý luận chính trị  K69-C01, các Đoàn Thanh tra đột xuất việc thực hiện nội quy, Quy chế đào tạo của Học viện đối với học viên, giảng viên, cá nhân và đơn vị có liên quan đến công tác đào tạo tại các lớp CCLLCT hệ không tập trung do Học viện mở học tại các cơ sở đào tạo bên ngoài Học viện. Đây là điểm đặc thù của công tác thanh tra giáo dục đào tạo ở Học viện, được Thanh tra Chính phủ ghi nhận, biểu dương.

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 quy định về trường chính trị chuẩn và Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8-2-2022 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, Ban Thanh tra đã tiến hành hoạt động thanh tra Bộ quy chế đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các nội dung kế hoạch giảng dạy, học tập theo nội dung, chương trình do Học viện biên soạn và việc thực hiện Bộ quy chế quản lý đào tạo và bồi dưỡng các trường chính trị (theo Quyết định 2252 và Quyết định 6468 của Giám đốc Học viện). Trong những năm qua, Thanh tra Học viện đã triển khai thanh tra việc thực hiện Bộ Quy chế quản lý đào tạo tại 17 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(4).

Nhìn chung, thời gian qua, công tác thanh tra giáo dục đào tạo tại Học viện được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, hệ thống. Các đơn vị Thanh tra đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đào tạo, viện, khoa chuyên ngành, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên các hệ lớp do Học viện mở, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, độc lập. Các hình thức thanh tra được triển khai, vận dụng một cách linh hoạt, khoa học. Các văn bản, quy định, quy chế là căn cứ thanh tra giáo dục đào tạo được cập nhật, rà soát, sửa đổi, bổ sung thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các đoàn thanh tra giáo dục đào tạo đã kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức và phối hợp thực hiện công tác giáo dục đào tạo, từ đó kiến nghị Giám đốc Học viện, Giám đốc các Học viện trực thuộc yêu cầu đơn vị quản lý đào tạo, các viện, khoa chuyên ngành, các trường chính trị quán triệt, quản lý học viên, sinh viên thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế đào tạo của Học viện. Các hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo đã tác động mạnh mẽ tới ý thức trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra, giám sát, qua đó góp phần duy trì kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo còn tồn tại một số bất cập, đó là: hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo của các đơn vị thanh tra trong hệ thống Học viện chưa toàn diện, chưa phát huy hết hiệu quả do lực lượng cán bộ thanh tra thiếu; sự phối hợp giữa các đơn vị thanh tra chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác hướng dẫn nghiệp vụ còn chưa mang tính hệ thống, đồng bộ ở các khâu trong hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo; một bộ phận cán bộ, học viên, sinh viên tại Học viện chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ nói chung, hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo nói riêng trong toàn Học viện; hiệu quả hoạt động thanh tra còn có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở Học viện...

3. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện trong giai đoạn mới, đặc biệt là yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, công tác thanh tra giáo dục đào tạo của Học viện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện đối với hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm sâu sát hơn nữa đến hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo, coi hoạt động này là công cụ quan trọng thực hiện kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tiêu cực và góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Học viện. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo kịp thời, thường xuyên công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo, đặc biệt chú trọng thực hiện kết luận thanh tra để những nội dung chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tế.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quán triệt và triển khai thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý hoạt động giảng dạy - học tập, đào tạo, bồi dưỡng các hệ đào tạo, bồi dưỡng...; xây dựng lề lối làm việc khoa học; phát huy vai trò tham mưu của các đơn vị trực thuộc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành tại Học viện. Chú trọng lựa chọn cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, gương mẫu, có uy tín và có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt (ưu tiên các ngành luật, kinh tế, tài chính, quản lý giáo dục) để phân công, bố trí làm công tác thanh tra giáo dục đào tạo.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định, quy chế nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo trong Học viện

Hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo có mục tiêu là phát huy ưu điểm, chủ động ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; góp phần giáo dục cán bộ đảng viên, giảng viên tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Do vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên về hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo; để toàn hệ thống Học viện hiểu rõ hoạt động thanh tra là hoạt động cần thiết, gắn liền với hoạt động lãnh đạo, quản lý nói chung, của một cơ quan, đơn vị, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng. Theo đó, những người làm công tác thanh tra nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra; về nội dung, nguyên tắc, nghiệp vụ tổ chức và thực hiện hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo. Đối với lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện cần xác định đầy đủ tính chất của hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo, từ đó định hướng lãnh đạo, quản lý cho phù hợp, nền nếp, đúng quy định, quy chế...

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Thanh tra Học viện

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Học viện trên cơ sở quy định, phù hợp với điều kiện của Học viện. Công tác cán bộ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác thanh tra giáo dục, đào tạo. Do đó, tập trung, chú trọng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề để bố trí cho công tác thanh tra, đồng thời điều động cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc sang làm công tác khác; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ tại các đơn vị trực thuộc về công tác tại Thanh tra Học viện trong khoảng thời gian nhất định; Bố trí đủ biên chế công chức, viên chức làm công tác thanh tra được xác định trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của đơn vị thanh tra; Đổi mới cách đánh giá, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ làm công tác thanh tra.

Bốn là, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nội dung, phương pháp trong công tác thanh tra giáo dục đào tạo

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chánh Thanh tra Học viện, Trưởng Ban Thanh tra các Học viện trực thuộc: Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ theo hướng đề cao tính hiệu quả, chịu trách nhiệm trong hoạt động của đơn vị thanh tra, coi đây là yếu tố then chốt, quyết định trong hoạt động, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thanh tra. Xây dựng tập thể đơn vị thanh tra đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ. Tuân thủ trình tự, quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra giáo dục đào tạo. Cần xây dựng kế hoạch thanh tra tập trung vào các vấn đề trọng điểm như việc bảo đảm sự phù hợp nội dung đào tạo, bồi dưỡng với mục tiêu, sứ mệnh của Học viện.

 Đổi mới chỉ đạo hoạt động thanh tra theo xu hướng căn cứ vào tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc thanh tra giáo dục đào tạo, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Thường xuyên đổi mới cách thức triển khai như: tổ chức tập huấn, thi tìm hiểu; hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên đề chi bộ của Thanh tra Học viện.... nhằm phổ biến, triển khai, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế mới của Học viện trong quá trình thực hiện công tác thanh tra giáo dục đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác thanh tra giáo dục đào tạo.

Đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động thanh tra bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan, kịp thời và đề cao vai trò, trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra. Tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo.

Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, bộ phận, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra giám sát và quản lý hoạt động đào đạo của Học viện.

Thanh tra Học viện phối hợp chặt chẽ giữa với các bộ phận nghiệp vụ, giữa Thanh tra Học viện và các đơn vị trong Học viện, đặc biệt là đơn vị Quản lý đào tạo và mối quan hệ phối hợp với Ủy ban kiểm tra Đảng ủy và Ban Thanh tra nhân dân trong kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Giám đốc Học viện, Giám đốc các Học viện trực thuộc.

Sự phối hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận cao, bảo đảm hiệu quả của việc thực hiện kết luận thanh tra giáo dục đào tạo. Thông qua sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan, tổ chức, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức và phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót nhằm quản lý tốt hơn hoạt động giáo dục đào tạo, nâng cao ý thức chấp hành các quy định, quy chế đào tạo của Học viện, góp phần thực hiện kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tiêu cực trong giáo dục đào tạo.

_________________

(1) Ban Thanh tra Học viện: Báo cáo các mặt công tác các năm từ năm 2018 đến năm 2022.

(2) Ban Thanh tra Học viện: Báo cáo các mặt công tác năm 2020, 2021.

(3) Ban Thanh tra Học viện: Báo cáo các mặt công tác các năm từ năm 2018 đến năm 2022.

(4) Trường Chính trị: Nguyễn Chí Thanh (Thừa Thiên Huế), Lê Duẩn (Quảng Trị), Hậu Giang, Châu Văn Đặng (Bạc Liêu), Lê Hồng Phong (Hà Nội), Bắc Kạn, Ninh Thuận, Phú Yên, Hoà Bình, Sơn La, An Giang, Đồng Tháp, Nguyễn Văn Cừ (Quảng Bình), Hải Dương, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bến Tre.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền