Trang chủ    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng    Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị trên các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 09:00
608 Lượt xem

Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị trên các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS LÊ THỊ THU TRANG
ThS LÊ MINH PHƯƠNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có hệ thống các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông gồm: 15 tạp chí, một số tạp chí thực hiện hai loại hình in và điện tử, có bản tiếng Việt và tiếng Anh, 01 Nhà xuất bản, hệ thống các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, bản tin. Các tạp chí của Học viện luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: HCMA

1. Mở đầu

Trong những năm qua, cùng với hệ thống báo chí cả nước, các tạp chí của Học viện luôn thực hiện đúng định hướng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Học viện, bám sát đời sống chính trị đất nước, đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia có hiệu quả vào công tác tư tưởng lý luận của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

2. Các tạp chí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, các tạp chí Học viện xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp thiết.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35 (Ban Chỉ đạo 35) của Học viện(1), các tạp chí đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW; kiện toàn, phân công cán bộ làm đầu mối thực hiện; cử cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; một số tạp chí đã xây dựng kế hoạch đặt bài cho chuyên mục; xây dựng hệ thống các chủ đề để đặt bài, nhất là những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động đang tập trung chống phá; mời các nhà khoa học có trình độ lý luận cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn viết bài; phân công cán bộ biên tập phục trách chuyên mục.

Có thể nói, từ khi Ban Chỉ đạo 35 Học viện triển khai kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các ấn phẩm báo chí, xuất bản, truyền thông; các tạp chí của Học viện đã thu hút được lượng bài khá lớn của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện về chủ đề này. Bên cạnh những nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm, đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ có tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một số tạp chí của Học viện đã có những dấu ấn đậm nét trong xây dựng hệ thống bài có nội dung liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thu hút sự quan tâm, chú ý của cán bộ, đảng viên, học viên của Học viện.

Đặc biệt, có một số bài bài viết được đăng tải trên các tạp chí của Học viện đã đạt giải cao trong cuộc thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do các cơ quan báo chí có uy tín tổ chức. Tiêu biểu là trong cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần thứ nhất, năm 2021 do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Tạp chí Lý luận chính trị đã tuyển 18 bài tham dự, trong đó, bài của PGS, TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học đã đạt giải Ba. Trong cuộc thi lần thứ hai, năm 2022, Tạp chí Lý luận chính trị đã tuyển gần 60 bài tham dự, trong đó, bài của PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện đạt giải Nhì.

Đã có 8/15 tạp chí khoa học của Học viện có chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó là: Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, Tạp chí Giáo dục lý luận, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Tạp chí Khoa học chính trị, Tạp chí Thông tin khoa học chính trị.

Với việc mở các chuyên mục riêng, xây dựng tuyến bài có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, số lượng bài viết về lĩnh vực này không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng từ tháng 10-2018 đến tháng 9-2023, số lượng bài viết trên các tạp chí tăng lên đáng kể: Tạp chí Lý luận chính trị đã đăng tải trên 250 bài viết về chủ đề này, trải đều trong mỗi số khoảng 3-5 bài viết với nhiều bài viết có nội dung đấu tranh trực diện, được bạn đọc quan tâm, đánh giá cao; Tạp chí Lịch sử Đảng đăng gần 150 bài viết trong chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với nhiều bài viết sâu sắc, văn phong chính luận sắc sảo; Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị đăng tải gần 100 bài, mỗi số từ 1- 3 bài; Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn với gần 60 bài trực tiếp đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch; Tạp chí Giáo dục lý luận (từ 12-2020 đến nay) đã đăng tải gần 200 bài; Tạp chí Khoa học chính trị đã đăng tải khảng 65 bài viết về nội dung này; Tạp chí Sinh hoạt lý luận với hơn 70 bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng trong đó có nhiều bài viết chất lượng của các chuyên gia có uy tín trong cả nước; Tạp chí Thông tin khoa học chính trị với hơn 80 bài viết trong chuyên mục Đấu tranh tư tưởng - lý luận; Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông từ 10-2019 đến nay đã duy trì đều đặn 1-3 bài trên chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với tổng số khoảng 125 bài viết chuyên sâu về chủ đề này…

Các bài viết đăng tải trên các tạp chí Học viện chủ yếu tập trung vào các chủ đề: Nhận diện và đấu tranh phản bác với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; nhận diện và đấu tranh phản bác sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đấu tranh phản bác quan điểm “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị”; “quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”; xuyên tạc chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta; nhận diện và đấu tranh phản bác một số quan điểm sai trái xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông giai đoạn hiện nay; các bài viết về giảng dạy lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích hợp vào chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,…

Các bài đăng trên tạp chí Học viện đã góp phần tuyên truyền, khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;  góp phần vào việc hình thành hệ thống lý luận, luận cứ, luận điểm đấu tranh tư tưởng, lý luận khoa học; củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao nhận thức và niềm tin, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Các tạp chí đã góp phần nhận diện những luận điệu sai trái, phản động, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Các bài viết đã theo sát tình hình chính trị, thời sự của đất nước, giúp độc giả nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch, do đó, đóng vai trò định hướng dư luận xã hội. Bằng việc xem xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn, lịch sử hiện tại, nhiều bài viết đã đúc rút những bài học qua các sự kiện, chặng đường cách mạng và đề xuất những biện pháp phải thực hiện.

Các tạp chí đã đăng tải những bài viết phê phán, vạch trần, có tính chất đấu tranh trực diện các tổ chức, cá nhân có quan điểm sai trái, thù địch. Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên áp dụng đó là lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “tự do tôn giáo”,… vu cáo Đảng và Nhà nước ta.

Việc nhận diện, vạch trần và trực diện phê phán, đấu tranh, nêu đích danh bài báo, tổ chức, cá nhân để phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận định đúng, rõ vấn đề mà không bị nhầm lẫn hoặc bị lợi dụng.

Cùng với việc đăng tải các bài viết, các tạp chí tích cực tổ chức tọa đàm, hội thảo, thực hiện các nhiệm vụ khoa học về chủ đề này, qua đó tạo thêm nguồn bài có chất lượng. Tiêu biểu, năm 2022, Tạp chí Lý luận chính trị đã thực đề tài: “Các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch”; Năm 2020, Tạp chí Thông tin khoa học Lý luận chính trị thực hiện đề tài: “Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trong trong nền tảng tư tưởng của Đảng trên các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; năm 2021, thực hiện đề tài: “Các tạp chí  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin… Cùng với đó, cán bộ và biên tập các tạp chí tích cực tham gia viết nhiều bài về chủ đề này đăng trên các tạp chí khoa học.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, đăng tải các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí của Học viện cũng còn những hạn chế nhất định.

Một là, số lượng bài viết đấu tranh trực diện chưa nhiều, tính chủ động chưa cao, phản ứng chậm trước những thông tin sai trái, thù địch

Số lượng các bài viết đấu tranh, nhất là đấu tranh trực diện chưa nhiều, chưa thường xuyên; chất lượng của nhiều bài viết còn chưa cao. Mức độ quảng bá, lan tỏa các bài viết và ấn phẩm đấu tranh chưa rộng rãi, chưa bắt kịp công nghệ hiện đại nên hiệu quả tuyên truyền và mức độ ảnh hưởng xã hội còn hạn chế. Cũng do hạn chế về hạ tầng kỹ thuật nên sự kết nối của các kênh truyền thông còn hạn chế. Một số tạp chí chưa có bản điện tử nên khả năng tuyên truyền, lan tỏa còn hạn hẹp, chưa thu hút được đông đảo công chúng.

Một số tạp chí chưa có chuyên mục thường kỳ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặt trong các chuyên mục khác, các nghiên cứu mang tính đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều.

Hai là, nhiều bài viết đấu tranh chưa sắc bén, còn trùng lặp ý tưởng

Một số bài viết mới chỉ nêu ra những quan điểm sai trái, thù địch mà các luận cứ để phản bác chưa thuyết phục, mang tính chung chung như trích dẫn luật, nghị quyết mà chưa có lập luận sắc bén, do đó, chưa có tính thuyết phục, lôi cuốn độc giả, chưa thể hiện rõ tính đấu tranh đối với những quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của các tạp chí của Học viện

Đa số cơ quan tạp chí chỉ thực hiện loại hình tạp chí in, ngôn ngữ tiếng Việt, chưa xây dựng trang thông tin điện tử, chưa có chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, hạn chế về số trang, số lượng phát hành và đối tượng bạn đọc; hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa thông tin còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số tạp chí đã có trang thông tin điện tử, chủ yếu đăng lại các tin, bài đã đăng trên tạp chí in, ít tin bài mới. Hơn nữa, độ cập nhật thông tin trên các trang thông tin điện tử, tạp chí điện tử nhìn chung còn chậm nên tính lan tỏa chưa cao, chưa trở thành một kênh truyền thông điện tử có độ tương tác lớn, tương xứng với vị thế của các tạp chí khoa học của Học viện. Dung lượng các bài viết dài, chưa thực sự phù hợp với loại hình tạp chí điện tử, chưa có các bài viết chắt lọc, những tin bám sát các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật nên việc tuyên truyền, lan tỏa trên không gian mạng còn hạn chế.

Bốn là, việc tổ chức đội ngũ cộng tác viên, lực lượng chuyên gia viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế

Đội ngũ cộng tác viên nghiên cứu, viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn mỏng. Một số cộng tác viên trẻ lập luận chưa thật sắc bén về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một số nội dung mang tính tuyên giáo, tuyên truyền, chưa thể hiện rõ tính đấu tranh. Chính vì thiếu đội ngũ nòng cốt, lực lượng chuyên gia viết bài nên một số tạp chí chưa chủ động tổ chức đặt bài để có những bài viết sâu sắc, mang tính định hướng và kịp thời.

Năm là, thiếu sự liên kết, phối hợp, cộng hưởng, lan tỏa thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự phối hợp giữa các tạp chí của Học viện với nhau, giữa các tạp chí với các cơ quan liên quan vẫn còn hạn chế, mạnh ai lấy làm, thiếu sự phối hợp, phân công đối với từng tạp chí để tạo sắc thái riêng phù hợp với tôn chỉ mỗi tạp chí. Do đó, các bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí vẫn rời rạc, thậm chí trùng lặp.

Những hạn chế, bất cập đó đòi hỏi cần có những giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giai đoạn hiện nay.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò các tạp chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Để có nguồn bài chất lượng tốt, duy trì thường xuyên chuyên mục và các tuyến bài về chủ đề này, khắc phục những hạn chế đã nêu, các tạp chí Học viện cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ đạo 35 Học viện. Bám sát định hướng, cập nhật thông tin do Ban Chỉ đạo 35 Học viện cung cấp để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xuất bản; định hướng nội dung đội ngũ công tác viên viết bài, lan tỏa các tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa đúng tôn chỉ, mục đích, vừa kịp thời, cập nhật.

Hai là, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ đạo 35 Học viện về tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền truyền với các đơn vị có liên quan. Nghị quyết số 35-NQ/ĐU của Đảng ủy Học viện nêu rõ: “Nhà xuất bản chính trị, các tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử tích cực phối hợp với Vụ Quản lý khoa học, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 của Học viện công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu, bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời tăng cường chia sẻ các thông tin chính thống, tích cực thông qua việc đăng tải thông tin trên các sách, báo, tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử, qua các kênh mạng xã hội của Học viện và các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương”. Theo đó, không chỉ các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau mà các cơ quan này cũng cần đẩy mạnh hơn nữa phối hợp với các đơn vị có liên quan để nâng cao chất lượng của các sản phẩm tuyên truyền, đẩy mạnh độ lan tỏa, tạo thành thế trận rộng khắp trong cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên của toàn hệ thống Học viện.

Các tạp chí thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, định hướng tư tưởng của Đảng; bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo 35 Học viện để xây dựng hệ thống bài chất lượng, gắn trực tiếp với thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phải bác các quan điểm sai trái, thù địch ở từng giai đoạn nhất định. Thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng phải thường xuyên có cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp.

Về nội dung, bám sát hệ thống các chủ đề của Ban Chỉ đạo 35 Học viện để đặt bài, bao gồm nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, những nhận thức lệch lạc trong lập trường tư tưởng chính trị; những vấn đề nóng bỏng mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá; chủ động đặt bài các nhà nghiên cứu nhằm có được lượng bài phong phú, có chất lượng.

Ba là, phát huy trí tuệ của Hội đồng khoa học, Hội đồng biên tập các tạp chí, quán triệt yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt này trong Ban biên tập, tòa soạn, không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ công tác viên, mời các nhà khoa học có trình độ lý luận cao, giàu kinh nghiệm, kỹ năng viết bài chính luận tham gia viết bài đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái. 

Ngoài các bài tiếp nhận từ đội ngũ cộng tác viên gửi tới, các tạp chí tăng cường việc đặt bài các chuyên gia, những người có kinh nghiệm thực tiễn để có số lượng bài ổn định, theo đúng kế hoạch của Tạp chí. Ban Biên tập phân công cán bộ biên tập, bám sát đôn đốc các nhà khoa học để bảo đảm tiến độ.

Bốn là, không ngừng hoàn thiện quy trình xuất bản tạp chí, hoàn thiện quy trình biên tập nội dung. Thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước của quy trình xuất bản tạp chí khoa học.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần sự đầu tư trí tuệ, đặc biệt là phải cập nhật nhiều nguồn tư liệu, do vậy cần tranh thủ các chuyên gia trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng, .. tham gia phản biện, góp ý nâng cao chất lượng bài viết.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các tạp chí của Học viện với các cơ quan báo chí ngoài Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong xu hướng hội nhập báo chí, truyền thông hiện đại, cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ làm công tác tạp chí trong chia sẻ, kết nối, tương tác. Từ đó, tạo điều kiện để các tạp chí cùng phát triển, khắc phục tính trạng rời rạc như hiện nay, tạo ra thế trận cộng hưởng thông tin tuyên truyền hiệu quả.

Phát huy vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện đối với các tạp chí Học viện trong việc phối hợp hoạt động, xây dựng các bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hình thành cơ chế phối hợp giữa các tạp chí thông qua các chi hội trong Liên Chi hội Nhà báo Học viện bằng các hoạt động khoa học như hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học, qua các lớp bồi dưỡng để gắn kết các hội viên nhằm khẳng định tính thống nhất của khối báo chí Học viện, tạo nên dấu ấn riêng của lực lượng báo chí, truyền thông Học viện.

Sáu là, xây dựng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ biên tập viên các tạp chí của Học viện

Kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ biên tập viên, tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ làm công tác tạp chí, đặc biệt là những cán bộ, biên tập trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể hóa quy định đạo đức nghề báo bằng bộ quy tắc của mỗi tạp chí để trong hoạt động xuất bản, quá trình tác nghiệp. Các biên tập viên tuân thủ đúng Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích của tạp chí mình. Mỗi  cán bộ báo chí Học viện cần xác định rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ biên tập viên các tạp chí; chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; để mỗi cán bộ, biên tập viên có “nhạy cảm chính trị”, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

__________________

Ngày nhận bài: 28-12-2023; Ngày bình duyệt: 05-01-2024; Ngày duyệt đăng: 16-4-2024.

(1) - Ngày 28-02-2020, Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/ĐU “về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó có nội dung liên quan trực tiếp đến việc huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết nêu rõ: “Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát huy tốt vai trò của các tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử, nhà xuất bản của hệ thống Học viện”. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Đảng ủy, Ban Chỉ đạo 35 Học viện đối với các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 10-KH/HVCTQG của Về triển khai thực hiện Nghị quyết 35 -NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ban hành Quyết định số 1182, 1183 QĐ/HVCTQG ngày 25-3-2021 của Giám đốc Học viện về kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 Học viện; Quyết định số 3361 - QĐ/HVCTQG ngày 31-5-2021 của Giám đốc Học viện về việc phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 35 Học viện, thành viên chính thực hiện Nghị quyết 35…

Thông tin tuyên truyền