Trang chủ    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng     Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam
Thứ ba, 19 Tháng 3 2024 09:50
840 Lượt xem

Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam

PGS, TS NGUYỄN THỊ BÁO
Viện Nhà nước và Pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Bài viết tập trung nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay; nêu những luận cứ và một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam.
 

Người tham gia nhận chế độ bảo hiểm xã hội tại Cần Thơ - Ảnh: baocantho.com.vn

Chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) là một cấu phần quan trọng trong chính sách an sinh xã hội (ASXH), bao gồm các biện pháp và chương trình được Nhà nước triển khai, tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ giúp khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, v.v.. nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người nghèo...) tiếp cận và hưởng thụ quyền để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của ASXH, trong đó có chính sách TGXH đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm tính ưu việt của chế độ, Đảng ta đã có quan điểm, chủ trương nhất quán, tạo cơ sở chính trị cho Nhà nước cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật về TGXH phù hợp với điều kiện của đất nước, phát huy các khả năng, huy động sức mạnh xã hội để hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn “không để ai ở lại phía sau”. Do đó, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong thực hiện chính sách TGXH, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị vẫn lợi dụng những khó khăn, thiếu sót trong thực hiện để chống phá, cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và những thành quả Việt Nam đạt được trong thực hiện chính sách TGXH.

Vì vậy, cần nhận diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam

Thứ nhất, TGXH cho nhóm xã hội dễ bị tổn thương là một trong những nhiệm vụ của các quốc gia thành viên các công ước quốc tế về quyền con người, như: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007, v.v.. Song, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc chính sách TGXH của Việt Nam, phủ nhận sạch trơn kết quả bảo đảm quyền con người, nhất là đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, cáo buộc Việt Nam “vi phạm nhân quyền”. Từ đó, chúng gây nhiễu loạn thông tin, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam trước cộng đồng quốc tế; tác động, gây nghi ngờ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, kích động tư tưởng chống đối, gây mất ổn định chính trị ở Việt Nam.

Thứ hai, xuyên tạc, phủ nhận thành quả thực hiện chính sách TGXH là một phần trong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam của các đối tượng phản động: lực lượng cực đoan mà đại diện là một số nghị sĩ tại các nước phương Tây; một số tổ chức như: Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF)..., các nhóm phản động người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài: tổ chức khủng bố “Việt Tân”, Quỹ Người Thượng tại Mỹ (MFI), Hội Bảo tồn lịch sử người Mỹ gốc Việt (VQHF); “Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Hà Lan”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Liên hội người Việt tị nạn tại Đức”; một số người Việt trong nước bị các thế lực thù địch nước ngoài mua chuộc, là những người kẻ cực đoan, quá khích như “Hội anh em dân chủ”; những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, núp danh “nhà khoa học”, “tự xưng nhân danh công lý”, ngấm ngầm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng làm “chệch hướng”, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, mục tiêu trọng tâm xuyên tạc của các thế lực thù địch là đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách TGXH

Chúng cho rằng, các chính sách xã hội (CSXH), bao gồm chính sách TGXH của Đảng tại Đại hội XIII bị xuyên tạc là thiếu cơ sở khoa học nên không thực hiện được. Sự thật là trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện CSXH trong đó có chính sách TGXH với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng các thế lực thù địch đã xuyên tạc, rêu rao là “các chính sách về xã hội của Đại hội XIII là viển vông, thiếu cơ sở thực tiễn nên không thực hiện được”. Chúng sử dụng triệt để mạng xã hội để phát tán quan điểm sai trái này.

Chúng xuyên tạc chính sách ASXH, bao gồm chính sách TGXH của Đảng và Nhà nước Việt Nam rằng chỉ là con bài ru ngủ nhân dân.

Ngay sau khi Bộ Chính trị họp ngày 30-3-2023 để chỉ đạo thực hiện đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI: Một số vấn đề về CSXH giai đoạn 2012 - 2020, một số trang web tiếng Việt ở nước ngoài đã công khai xuyên tạc, phủ nhận thành quả bảo đảm ASXH ở Việt Nam. VOA tiếng Việt có bài chỉ trích và xảo biện rằng ở Việt Nam: “Chỉ có tượng đài, cổng chào là hiện đại, bao trùm và bền vững”. Với giọng điệu phản động, bài viết đã phủ nhận thành tựu 10 năm thực hiện chính sách ASXH, trong đó có chính sách TGXH của Việt Nam. Thâm độc hơn, bài viết cho rằng “ASXH chỉ là một chiêu bài ru ngủ nhân dân để các quan chức của Đảng dễ dàng vơ vét”.

Chúng lợi dụng sự chỉ đạo quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với hành vi vi phạm chính sách TGXH khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 để xuyên tạc chính sách, bôi nhọ uy tín của cán bộ, đảng viên, gây hoài nghi, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta là quan tâm ưu tiên thực hiện chính sách TGXH để đem lại hạnh phúc cho mọi người dân, nhất là nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong những trường hợp khẩn cấp, hoàn cảnh đặc biệt của dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách trợ giúp khẩn cấp của Nhà nước trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 khi thực hiện các “chuyến bay giải cứu”.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an thông báo kết quả điều tra liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu”, đề nghị truy tố 54 bị can trong đó có một số cán bộ cao cấp, thì đã có không ít “anh hùng dân chủ”, “công tố viên mạng”, “thẩm phán online” lao vào nhào nặn, xào xáo thông tin liên quan đến vụ án để chống phá. Một số trang web đã đăng nhiều bài bình luận, lấy thiểu số quy chụp đa số, lấy sự kiện nhỏ lẻ nâng quan điểm, cố tình thổi phồng sai phạm của một số cá nhân để vấy bùn lên chế độ, bôi nhọ cán bộ, công chức.

Từ đó, chúng cố tình xuyên tạc chính sách TGXH trong tình trạng khẩn cấp của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện âm mưu gây mất niềm tin của nhân dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước.  

Chúng tiếp tục xuyên tạc chính sách TGXH trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Lợi dụng tình hình một số cán bộ y tế bị khởi tố do vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia phòng chống dịch, các thế lực thù địch rêu rao trên mạng xã hội là Việt Nam đã bị thất bại trong thực hiện chính sách chăm sóc y tế cho nhân dân; kích động, cổ xúy, thậm chí mua chuộc, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phản động người Việt tuyên truyền, nói xấu chế độ, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm hạ uy tín của Đảng và Nhà nước.

Cố tình phớt lờ những nỗ lực và thành công trong khống chế đại dịch Covid-19, đưa tin xuyên tạc và phiến diện, bịa đặt, thiếu thiện chí về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, dẫn đến hiểu sai lệch về chính sách TGXH trong phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước ta.

Ngày 05-3-2022, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm phổi do virút Corona (Covid-19), căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh, bằng chứng khoa học và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Y tế đề nghị tạm dừng việc công bố số ca nhiễm hằng ngày. Không lâu sau, trang web của RFA đăng bài phỉ báng: “Ở Việt Nam, chính sách nào cũng công bố hay không (số ca mắc Covid-19), ngành y cũng chỉ là một ngành chuyên môn, họ công bố nhiều hay ít, công bố đúng hay không, đều có chỉ đạo của lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...”; chúng chia sẻ bài viết trên mạng xã hội, lôi kéo, cổ xúy, vu khống Việt Nam.

Chúng cố tình xuyên tạc, đổi trắng, thay đen, bóp méo sự thật chính sách trợ giúp xóa đói giảm nghèo và thành tựu trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài cố tình xuyên tạc, bóp méo bản chất, tính chất và thành tựu to lớn của các chính sách trợ giúp xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Chúng lợi dụng một số yếu kém trong quản lý, sai phạm của một số cá nhân để bịa đặt, vu khống rằng thành tựu đổi mới ở Việt Nam là chỉ “chui vào túi những kẻ tham nhũng, quan tham; còn đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, đời sống của nhân dân rất khó khăn, người dân nghèo thì không được thụ hưởng”.

Chúng cố tình phủ nhận nỗ lực chính trị và thành công trong thực hiện chính sách trợ giúp xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chúng cố tình lờ đi kết quả: năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015), được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.

Cố tình đưa thông tin sai lệch về chính sách bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trên các trang mạng xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất an cho nhiều người lao động, làm ảnh hưởng đến công việc sản xuất và an ninh kinh tế. Không chỉ đưa ra thông tin sai sự thật, cách thông tin và lập luận dù tỏ ra am hiểu nhưng thực chất lại là không hiểu biết gì, hoặc cố tình không hiểu về khái niệm “ASXH” để dẫn dắt, kích động dư luận; xúi giục người lao động nhận trợ cấp một lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi được bảo đảm an sinh tương lai của chính mỗi người lao động.

Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 20-3-2023 đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong đó có nhiều nội dung nhận định thiếu khách quan, ác ý, phủ nhận thành tựu thực hiện chính sách TGXH đối với nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Cụ thể:

Xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái: Báo cáo đã nhận định trắng trợn là ở Việt Nam “Chính phủ đã không thi hành luật về hiếp dâm và bạo lực gia đình một cách hiệu quả,... Sự kỳ thị của xã hội đã ngăn cản nhiều người sống sót tiến lên phía trước do sợ bị vợ/chồng hoặc gia đình họ quấy rối”. Nhận định như trên sẽ gây dư luận quốc tế không tốt là Việt Nam chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của nạn nhân bị bạo lực gia đình để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thậm chí mạng sống của nạn nhân bị bạo lực gia đình (trong đó chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và phụ nữ).

Xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đưa ra nhận xét, đánh giá thiếu khách quan về việc thực hiện chính sách trợ giúp giáo dục đối với trẻ em vùng nông thôn: “Theo luật, giáo dục là miễn phí, bắt buộc và phổ cập cho đến 14 tuổi, nhưng học phí phổ biến. Các nhà chức trách không phải lúc nào cũng thực thi luật đi học bắt buộc hoặc thực thi chúng một cách bình đẳng đối với trẻ em trai và trẻ em gái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi ngân sách của chính phủ và gia đình dành cho giáo dục còn hạn chế và lao động của trẻ em trong nông nghiệp rất có giá trị”; vu khống Chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử trong bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số: “đôi khi từ chối giáo dục cho trẻ em từ các gia đình không đăng ký tại địa phương của họ, đặc biệt là với các cộng đồng người H’mông ở Tây Nguyên”.

Xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách hỗ trợ trẻ em bị bạo hành từ việc lượm lặt các thông tin về vài vụ việc bạo lực học đường đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí, vu cáo Việt Nam không quan tâm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền không bị bạo hành của trẻ em: “Chính phủ đã không thực thi hiệu quả các luật hiện hành về lạm dụng trẻ em, và lạm dụng thể chất và tinh thần là phổ biến”, “Các hình thức bạo lực học đường phổ biến nhất là bắt nạt và trừng phạt thân thể của giáo viên”. Bản báo cáo cho rằng, Việt Nam “không có quy trình hoặc thủ tục liên ngành nhạy cảm về giới và trẻ em hiệu quả để xử lý các báo cáo lạm dụng trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan chính phủ không rõ ràng. Lực lượng bảo vệ trẻ em, từ nhân viên xã hội đến các chuyên gia có liên quan như cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, giáo viên và chuyên gia y tế, được đào tạo sơ sài, thiếu kiến thức và nhìn chung không đủ để giải quyết vấn đề, đặc biệt là ở cấp địa phương. Việc bóc lột tình dục trẻ em ở độ tuổi 16 và 17 vì mục đích thương mại không bị hình sự hóa hoàn toàn”.

Xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách TGXH đối với người khuyết tật: Mặc dù hiểu rất rõ điều kiện kinh tế của Việt Nam còn khó khăn, cùng với hậu quả của chiến tranh nặng nề nên số người khuyết tật thuộc đối tượng TGXH cao, khó tránh khỏi thiếu sót trong thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật nhưng Báo cáo vẫn đưa ra các nhận xét thiếu thiện chí với hàm ý Việt Nam không quan tâm bảo đảm chính sách TGXH để bảo đảm quyền của người khuyết tật: “hầu hết người khuyết tật không thể tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế, các tòa nhà công cộng và giao thông vận tải trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Người khuyết tật phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội phổ biến. Khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ khiếm thính và thiểu năng trí tuệ còn hạn chế... nhiều điểm bỏ phiếu không thể tiếp cận được đối với người khuyết tật”, “Rào cản xã hội và khả năng tiếp cận hạn chế tại nhiều nơi làm việc vẫn là những vấn đề trong việc tuyển dụng người khuyết tật”.

Thứ tư, thủ đoạn chống phá Việt Nam về chính sách TGXH

Từ nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong nội dung và quá trình tổ chức thực hiện chính sách TGXH, thông qua quá trình phân tích thông tin một cách phiến diện, từ những hiện tượng có tính chất cá biệt, để quy chụp, kết luận, khẳng định Việt Nam đang gặp phải “lỗi hệ thống”. Đây là thủ đoạn các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội thường sử dụng. Chúng cố tình biến chính sách TGXH thành cớ để rêu rao, kích động, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ thành tựu cách mạng của dân tộc.

Các loại ý kiến này có liên hệ với nhau và cùng mục tiêu chung là chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH hiệu quả cần kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

2. Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam

Thứ nhất, về cơ sở chính trị: Quan điểm của Đảng về CSXH, trong đó có chính sách TGXH, luôn xuất phát từ thực tiễn và vì mục tiêu trợ giúp, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương tiếp cận và hưởng thụ quyền không để ai ở lại phía sau và luôn có tính khả thi trong thực tiễn

Quan điểm của Đảng ta về CSXH, trong đó có chính sách TGXH, được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt là các Văn kiện Đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới.

Đại hội VI đã nhấn mạnh: “Cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Đó là một bước tiến mới trong nhận thức về chính sách xã hội của Đảng”(1).

Đại hội VII tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của CSXH và nhấn mạnh: “Huy động mọi khả năng của Nhà nước và của nhân dân, trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội. Xây dựng các quỹ bảo hiểm xã hội của nhân dân trong tất cả các thành phần kinh tế...”(2). Đại hội khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”; “Các vấn đề chính sách xã hội đều phải giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”(3).

Đại hội VIII, IX, X, XI tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của CSXH trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề công bằng trong các CSXH.

Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “...quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững... Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội”(4).

Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ quan điểm CSXH, trong đó có TGXH: quan tâm xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp đặc điểm nhóm xã hội người cao tuổi về giới, độ tuổi, học vấn và văn hóa, kinh tế, xã hội các vùng miền; chú trọng phát huy vai trò người cao tuổi trong đóng góp phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Đại hội XIII khẳng định “Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ giúp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa””(5), bảo đảm an sinh xã hội, “thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”(6).

Để chính sách TGXH đi vào cuộc sống, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã đặt ra yêu cầu: “Chính sách xã hội phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn; coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu: bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo,...); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội”. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định rõ các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm: “Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng: trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện; Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ”. Nghị quyết nêu 05 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó có nhiệm vụ: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội theo hướng tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; quan tâm theo hướng sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm”.

Thứ hai, về cơ sở pháp lý: các quan điểm của Đảng về trợ giúp xã hội đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật

Quan điểm của Đảng về TGXH đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Hệ thống chính sách TGXH ngày càng được hoàn thiện, mở rộng, bao phủ các nhóm đối tượng trong mọi độ tuổi; hỗ trợ người nghèo và các đối tượng: người cao tuổi (Luật Người cao tuổi 2009), người khuyết tật (Luật Người khuyết tật 2010), trẻ em (Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em sửa đổi năm 2016 thành Luật Trẻ em); Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), sửa đổi năm 2020;... và nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện chính sách TGXH cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 quy định: “Mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 01 tháng trở lên; tăng cường chế tài đối với việc trốn đóng bảo hiểm xã hội; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; hỗ trợ, khuyến khích người lao động nghèo, khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội hiện đại hóa công tác quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”.

Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14-6-2012 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg ngày 29-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Ngoài ra còn nhiều chính sách khác như hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, tài trợ học phí cho các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

Quyết định số 488/QĐ-TTg, ngày 14-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” và nhiều kế hoạch khác được Đảng và Nhà nước phê duyệt dựa trên cơ sở thực tiễn, gắn liền với thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Các chính sách này hướng tới một hệ thống ASXH trong đó có chính sách TGXH rõ ràng, chiến lược, cụ thể, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương tiếp cận và hưởng thụ quyền.

Trong số các văn bản dưới luật về chính sách TGXH, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có nhiều điểm đáng chú ý: Thêm đối tượng hưởng TGXH hằng tháng từ 01-7-2021: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội hằng tháng. Tăng mức chuẩn TGXH từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng từ 01-7-2021; Bổ sung những trường hợp được TGXH khẩn cấp.

Thứ ba, cơ sở thực tiễn về thành tựu bảo đảm chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam

Công tác CSXH giai đoạn 2013-2021 đạt được nhiều kết quả:

Chính sách TGXH được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng, bao gồm trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất.

Đối tượng TGXH đa dạng, là cá nhân, gia đình, một địa phương, từng vùng, miền gặp khó khăn hay gặp nạn.

Đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên được mở rộng, gồm: người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa... được hưởng trợ cấp thường xuyên từ chính quyền cơ sở, được hỗ trợ khám chữa bệnh, giáo dục miễn phí, dạy nghề và tạo việc làm... được chăm sóc tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội nếu không có người bảo hộ hoặc đỡ đầu.

Trợ cấp đột xuất được thực hiện trong trường hợp xảy ra những biến cố xã hội bất thường, ảnh hưởng sâu rộng như mất mùa, thiên tai, dịch bệnh... Nhà nước có các chính sách, chương trình hỗ trợ đột xuất bằng tiền mặt, lương thực... cho các đối tượng, các vùng gặp rủi ro, thiên tai.

Số người được hưởng TGXH thường xuyên tăng lên qua các năm: năm 2020 là 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số), đến năm 2021 tăng lên 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số); trong đó, trên 55% là người cao tuổi(7). Chính sách hỗ trợ đột xuất đã bao phủ được các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân khi gặp rủi ro, thiên tai(8).

Trong đại dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách TGXH như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01-7-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19,...

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 của Trung ương Đảng về một số vấn đề về chính sách xã hội, Chính phủ đã triển khai nhiều nội dung, chương trình TGXH, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành trước thời hạn, như trợ giúp người cao tuổi, tỷ lệ đi học đúng tuổi, bảo hiểm y tế, tiêm chủng mở rộng, giảm nghèo, TGXH đột xuất.

Nguồn lực thực hiện chính sách TGXH đa dạng, kết hợp ngân sách trung ương, địa phương và của xã hội. Các hình thức trợ giúp ngày càng đa dạng, bao gồm tiền mặt hằng tháng, chi phí nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch... Chính sách TGXH đóng góp tích cực trong giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro, góp phần bảo đảm ASXH.

Những thành tựu đã đạt được là minh chứng phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH ở Việt Nam hiện nay.

3. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam

Bảo đảm chính sách TGXH để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người được xác định rõ ràng trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Song không vì thế chủ quan, mà phải tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chính sách TGXH ở Việt Nam.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức xã hội và thực hiện nhất quán, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách TGXH. Đồng thời luôn cảnh giác, nắm chắc tình hình, thủ đoạn của các thế lực thù địch, âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, chủ động có phương pháp đấu tranh thích hợp.

Tiếp tục phát huy tính chủ động, kịp thời nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH của Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về thành tựu thực hiện chính sách TGXH. Phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách TGXH của Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về TGXH, bảo đảm nguyên tắc lấy con người làm trung tâm; bảo đảm TGXH là quyền được hưởng ASXH cơ bản của công dân. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách TGXH; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm chính sách TGXH.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (tháng 10-2023)

Ngày nhận bài: 21-8-2023; Ngày bình duyệt: 04-9-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.86.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.45.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.55, Sđd, Hà Nội, 2015, tr.394.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.135.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.149, 150.

(7), (8) Kết quả, hạn chế và kinh nghiệm rút ra trong thực hiện chính sách xã hội 10 năm qua của nước ta, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, Về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, Hà Nội, ngày 30-9-2022, tr.7-11.

Thông tin tuyên truyền