Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học về Quản lý phát triển xã hội
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2022 11:37
704 Lượt xem

Hội thảo khoa học về Quản lý phát triển xã hội

(LLCT) - Sáng 1/12/2022, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xã hội học Việt Nam, Huyện ủy, UBND Huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát triển xã hội: Những vấn đề lý luận và gợi ý xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội ở Thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ trong tình hình mới”. TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội và Phát triển; GS, TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam và đồng chí Nguyễn Doãn Hoàn, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: LLCT

Tham dự Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Lâm Thị Quỳnh Dao, Ủy viên chuyên trách Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội; các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội Xã hội học Việt Nam, đại diện Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Bùi Phương Đình nêu rõ, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định, Thành phố đã hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đề ra, trong đó các chỉ tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 2 năm.

Cơ cấu kinh tế của Hà Nội có sự chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, thông tin, y tế, giáo dục… đã có nhiều cải thiện, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội đang cùng lúc đối mặt với thách thức về phân hóa giàu nghèo và xung đột xã hội gia tăng; hệ thống an sinh xã hội quá tải, các vấn đề về thị trường - lao động - việc làm chưa được giải quyết, bảo đảm an ninh môi trường, an ninh chính trị - xã hội còn nhiều trở ngại, là những bài toán về phát triển và quản lý đô thị đòi hỏi Hà Nội cần có những giải pháp quản lý phát triển xã hội phù hợp, khả thi.

Trong khi đó, thực tiễn quản lý đô thị ở Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: chưa bắt nhịp với tốc độ công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh; chất lượng đô thị hóa chuyển đổi chậm; đô thị hóa dàn trải, chưa có quy hoạch  thống nhất giữa các vùng, lãnh thổ; hệ thống chính sách, quy định còn nhiều bất cập với thực tiễn triển khai công tác quản lý phát triển xã hội; năng lực, trình độ của các chủ thể quản lý phát triển xã hội còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ…

Để Hà Nội triển khai thành công mô hình quản lý phát triển xã hội trong thực tiễn rất cần nghiên cứu có trọng điểm và ứng dụng thí điểm mô hình quản lý phát triển xã hội ở địa phương cụ thể.

Huyện Phúc Thọ là vùng hành lang xanh, có nhiều ưu thế trong phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái và đã có nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên huyện vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong quản lý bền vững sự phát triển, đòi hỏi cần có những giải pháp cải thiện. Hội thảo này góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, khả năng ứng dụng, triển khai mô hình quản lý phát triển xã hội đối với thành phố Hà Nội nói chung và huyện Phúc Thọ nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Hoàn, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ nêu rõ, Phúc Thọ thuộc vùng đất cổ Xứ Đoài, có nền văn hoá lâu đời với 201 di tích (trong đó có 105/201 di tích đã được xếp hạng), hơn 60 lễ hội truyền thống hằng năm. Trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch, chương trình công tác gắn nội dung phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng người Phúc Thọ thanh lịch, văn minh; xây dựng nếp sống văn hóa mới tại khu dân cư; thực hiện quy hoạch và xây dựng mới nhiều công trình thiết thế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa thôn, sân thể thao, bể bơi, vườn hoa, khu vui chơi cho người già và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để người dân thụ hưởng, phát triển hài hòa, toàn diện theo mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, huyện Phúc Thọ đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, nhất là áp lực về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm hệ thống an sinh xã hội, rất cần có những mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp.

Hơn 30 tham luận và các ý phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp đối với Thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ trong bối cảnh hiện nay, như:  nhận diện và triển khai các mô hình quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam và thành phố Hà Nội hiện nay; xác định tư duy, tầm nhìn và hành động của lãnh đạo các cấp đối với quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam và Thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay; các lý thuyết vận dụng trong nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội ở Thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, các mục tiêu quản lý phát triển xã hội ở thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ; nghiên cứu mô hình quản lý phát triển xã hội cụ thể ở thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ từ các chiều cạnh: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường…

Kết luận Hội thảo, GS, TS Nguyễn Hữu Minh đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đã đề cập đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay. Các tham luận đã tập trung phân tích làm rõ những thay đổi trong nhận thức về quản lý phát triển xã hội của Đảng và nhân dân ta, nêu một số bài học kinh nghiệm vận dụng trong thực tiễn quản lý phát triển xã hội của thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ hiện nay như: phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong thực hiện quản lý phát triển xã hội; tăng cường tham gia phản biện và xây dựng, quản lý phát triển xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương; mối quan hệ giữa vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý phát triển xã hội…, góp phần ứng dụng hiệu quả các mô hình quản lý tốt sự phát triển bền vững ở các địa phương hiện nay.  

NGUYỄN THỊ LAN

LƯƠNG QUỲNH HOA

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền