Trang chủ    Tin tức    Hội nghị công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ năm 2021
Thứ tư, 06 Tháng 10 2021 17:22
881 Lượt xem

Hội nghị công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ năm 2021

(LLCT) - Chiều ngày 5-10-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ năm 2021. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội nghị.

Ảnh: Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Dự Hội nghị có PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện. Hội nghị được tổ chức thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Báo cáo công tác tuyển sinh năm 2021, TS Đậu Tuấn Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo nhận định: tình hình công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, sau đại học trong toàn hệ thống Học viện năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân khách quan do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trên phạm vi cả nước, dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký ít,mặc dù Học viện đã ra thông báo điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ (đối với đại học văn bằng 2).

Báo cáo cũng đề cập đến 6 vấn đề đang đặt ra, cần được tập trung giải quyết. Thứ nhất, công tác phối hợp tuyển sinh giữa Học viện với các ban, bộ, ngành, tỉnh uỷ, thành uỷ còn thiếu gắn kết, chưa thường xuyên; thứ hai, hầu hết các chương trình đào tạo thạc sĩ có số lượng tín chỉ nhiều hơn các cơ sở đào tạo khác, chưa kể nhiều môn học không theo kịp yêu cầu khoa học và thực tiễn đặt ra; thứ ba, mức thu học phí đối với hệ sau đại học còn cao; thứ tư, tiêu chuẩn, điều kiện ngoại ngữ đối với thí sinh dự tuyển nghiên cứu sinh trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh; thứ năm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường, Học viện cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh từ thi tuyển thường niên sang hình thức xét tuyến; thứ sáu, vấn đề cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các bên tham gia công tác tuyển sinh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, nêu những vấn đề cần tháo gỡ để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, làm rõ các vấn đề về thời lượng, hình thức tổ chức, sự phối hợp giữa các bộ phận,...

Phát biểu tại Hội nghị, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định Hội nghị là dịp quan trọng để cùng tìm hiểu nguyên nhân, nhìn nhận lại một cách tổng thể công tác đào tạo đại học, sau đại học của Học viện, để từ đó thống nhất quan điểm, quyết tâm đổi mới, làm cho công tác tuyển sinh đại học, sau đại học tốt hơn. Đồng thời, chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong quá trình tuyển sinh đại học và sau đại học mà Học viện cần khẩn trương tập trung tháo gỡ.

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện nêu 5 cơ sở vững chắc để Học viện thúc đẩy công tác tuyển sinh đại học và sau đại học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đội ngũ những người làm khoa học tại Học viện, nền tảng lịch sử trong đào tạo đa ngành và uy tín của Học viện. Phó Giám đốc Dương Trung Ý gợi ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh như: Xây dựng, phát triển mã ngành (trên cơ sở tập trung vào mã ngành có lợi thế, bề dày, không phát triển mã ngành các cơ sở đào tạo khác đã có); Đổi mới hình thức đào tạo, đẩy mạnh dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến, linh hoạt thời gian học tập, nghiên cứu tổ chức học ngoài giờ; Xây dựng, đổi mới nội dung chương trình hấp dẫn; Xây dựng và bố trí đội ngũ giảng viên hợp lý; Tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo; Đổi mới công tác quản lý, phân cấp; Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí; Đẩy mạnh công tác đánh giá nguồn tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh, truyền thông hình ảnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện yêu cầu:

Một là, trong toàn hệ thống Học viện cần nhất quán nhận thức, coi công tác tuyển sinh và đào tạođại học,sau đại học là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Học viện. Đổi mới nhận thức đồng nghĩa với việc thích nghi với bối cảnh mới, theo đó, cần đổi mới từ trong ứng xử với người học, phù hợp với văn hóa trường Đảng, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hình thức tuyển sinh. Các học viện trực thuộc nâng cao tính tích cực, chủ động trong kết nối với các địa phương.

Hai là, trong quá trình tuyển sinh, yêu cầu Vụ Quản lý đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án nhận hồ sơ trực tuyến bên cạnh nhận hồ sơ trực tiếp. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, phức tạp.

Ba là, Vụ Quản lý đào tạo phối hợp chặt chẽ với các viện chuyên ngành, các học viện trực thuộc để tăng cường liên hệ, liên kết với các địa phương trong cả nước. Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các viện chuyên ngành và Vụ Quản lý đào tạo. Tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án đối với các lớp học trực tuyến dành cho các địa phương.

Bốn là, các viện chuyên ngành khẩn trương cung cấp các thông tin giới thiệu năng lực đào tạo của đơn vị cho Cổng thông tin điện tử của Học viện để đăng tải thông tin.

Năm là, tiếp tục nâng cao phong cách ứng xử của cán bộ trường Đảng đối với học viên, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho học viên trong quá trình dự tuyển và học tập thuận lợi.

Sáu là, tiếp tục rà soát lại chương trình, nội dung, cắt giảm để phù hợp với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảy là, tập trung nghiên cứu, xây dựng giáo trình đào tạo sau đại học để sớm đưa vào sử dụng trong toàn hệ thống Học viện.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền