Trang chủ    Tin tức    Hội đồng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị xây dựng định hướng năm 2016
Thứ năm, 07 Tháng 1 2016 16:43
1949 Lượt xem

Hội đồng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị xây dựng định hướng năm 2016

(LLCT) - Sáng 7-1-2016, tại Hà Nội, Tạp chí Lý luận chính trị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức họp Hội đồng biên tập. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng biên tập Chủ trì  Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Hội đồng biên tập, các cán bộ biên tập của Tạp chí.

Báo cáo với Hội đồng biên tập về công tác biên tập năm 2015 và định hướng năm 2016, PGS, TS Vũ Hoàng Công, Tổng Biên tập Tạp chí nêu rõ: Trong năm 2015, Tạp chí đã bám sát định hướng công tác tư tưởng lý luận của Đảng, các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước; bám sát công tác đào tạo và nghiên cứu lý luận của Học viện, Tạp chí đã sớm xây dựng kế hoạch biên tập và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tạp chí Lý luận chính trị bản tiếng Việtxuất bản đúng định kỳ 12 số/năm, tổng số 277 bài tại 7 chuyên mục thường kỳ. Chất lượng nội dung và hình thức của Tạp chí không ngừng được nâng cao.

Chuyên mục Nghiên cứu - phát triển lý luận đăng tải nhiều bài đề cập tới di sản lý luận của C.Mác, Ph.Ănghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh và vận dụng vào tình hình hiện nay; nhiều bài đề cập tới các vấn đề lý luận và thực tiễn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước sau 30 năm đổi mới; làm rõ quan điểm  của Đại hội XI với góp ý, đề xuất bổ sung Văn kiện Đại hội XII.

Chuyên mục Đào tạo-bồi dưỡng cán bộ đề cập tới những vấn đề về chương trình, nội dung giáo trình, công tác quản lý và kiểm định chất lượng đào tạo của Học viện và các trường chính trị trong toàn quốc.

Các bài trong Chuyên mục Thực tiễn-kinh nghiệm đã bám sát những vấn đề đặt ra trong thực tiễn và đúc rút những kinh nghiệm, bài học từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, ngành, như: Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - kết quả, thách thức, giải pháp; Nhìn lại quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn;  Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay; Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu long…

Chuyên mục Nhân vật-sự kiện đăng tải các bài về nhân vật và sự kiện có ý nghĩa lịch sử của đất nước, như Hội nghị Trung ương 12 khóa III, Khởi nghĩa Nam Kỳ cũng như sự kiện mới (như sự kiện thành lập Cộng đồng ASEAN, bước ngoặt quan hệ Mỹ-Cu ba).

Chuyên mục Diễn đàn đăng tải các bài tranh luận, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, như các bài: Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay; Phải chăng Việt Nam phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ?; Phải chăng Việt Nam phải chuyển hẳn sang con đường dân tộc, dân chủ; Tung tin đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị ngược đãi, phân biệt đối xử là vu khống, xuyên tạc sự thật…

Chuyên mục Quốc tế đăng tải các bài đề cập tới chính sách đối ngoại của các nước lớn hay những vấn đề của thực tiễn chính trị thế giới. Chuyên mục Từ điển mở đăng tải 6 khái niệm, thuật ngữ.

Bên cạnh các chuyên mục thường kỳ, Tạp chí đã mở 7 chuyên mục nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và ngày sinh các lãnh tụ của Đảng:  Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 145 năm ngày sinh V.I.Lênin; 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9; 195 năm ngày sinh Ph.Ăngghen…

Tạp chí Lý luận chính trị điện tửthường xuyêncập nhật bài, tin, trong đó hơn 60% là các bài đã được đăng trên Tạp chí hằng tháng, số còn lại là bài và tin đăng mới, cập nhật các hoạt động khoa học lý luận mới nhất ở trong và ngoài Học viện. Bài và tin được biên tập kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót. Tạp chí điện tử trong năm vận hành ổn định, truy cập dễ dàng.

Tạp chí Lý luận chính trị bản tiếng Anh(Political Theory)xuất bản hằng quý, trong năm đã ra đủ 4 số, với gần 70 bài và các tổng thuật, tin hoạt động khoa học của Học viện trong năm. Các bài chọn lọc đăng tập trung vào giới thiệu quan điểm, chủ trương của Đảng thể hiện trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, thành tựu của đất nước trên các mặt phát triển dân chủ, nhân quyền, chính sách tôn giáo, nhà nước pháp quyền…là những vấn đề mà thế giới quan tâm. Công tác biên tập, biên dịch, hiệu đính được thực hiện kỹ càng.

Có được những kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Học viện, của Hội đồng biên tập, đặc biệt là sự cộng tác nhiệt thành của các cộng tác viên - các nhà khoa học trong và ngoài Học viện viết bài cho Tạp chí.

Năm 2016 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là năm đánh dấu bước phát triển mới trong hội nhập khu vực và quốc tế (hình thành Cộng đồng ASEAN, bước đầu thực hiện TPP), bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thông qua nhiều luật liên quan tới quyền con người và quyền làm chủ của nhân dân (như Luật trưng cầu dân ý, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự…). Do vậy, về nội dung, Ban biên tập Tạp chí dự kiến các chủ đề lớn được ưu tiên là: Tuyên truyền quán triệt những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng; Xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền dân chủ, quyền con người ở Việt Nam; Hội nhập khu vực và quốc tế - cơ hội và thách thức với Việt Nam; Những vấn đề trong chính sách phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam…

Phát biểu ý kiến đóng góp về công tác biên tập của Tạp chí năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016, các đồng chí Ủy viên Hội đồng biên tập đánh giá cao những kết quả Tạp chí đã đạt được. Với đội ngũ cán bộ biên tập còn mỏng, đa số là cán bộ trẻ nhưng với sự nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, Tạp chí đã có bước chuyển mạnh mẽ về nội dung và hình thức, ngày càng khẳng định được thương hiệu đối với xã hội, được đông đảo bạn đọc đón nhận, đánh giá cao.

Về định hướng bài đăng trong năm 2016, GS, TS Hoàng Chí Bảo, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, GS, TS Nguyễn Đăng Thành đề nghị Tạp chí cần tập trung vào các bài nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII, trong đó đi sâu vào lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là các bài đề cập vấn đề xây dựng đạo đức và văn hóa; về xây dựng Nhà nước pháp quyền; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở tổng kết 30 năm đổi mới, Tạp chí nên có những định hướng cụ thể cho cộng tác viên viết bài tập trung vào những vấn đề mà Báo cáo nêu ra. Đối với chuyên mục Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ, cần tăng cường các bài tổng kết về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống Học viện. Qua 6 lớp nguồn cao cấp tại Học viện, cần có bài tổng kết, đánh giá những kinh nghiệm thành công cũng như những mặt còn hạn chế, bất cập để đúc rút những kinh nghiệm cho nhiệm kỳ XII. Bên cạnh đó, cần tăng cường các bài về thực trạng đổi mới giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục, triết lý về giáo dục.

Hội đồng biên tập cần có những sinh hoạt khoa học thường xuyên hơn nữa để tư vấn, tham gia thẩm định nâng cao chất lượng Tạp chí, tăng cường sự gắn kết, trách nhiệm của Hội đồng với hoạt động của Tạp chí.

GS, TS Mạch Quang Thắng, GS, TSKH Phan Xuân Sơn đề nghị Tạp chí cần có kế hoạch bổ sung về nhân lực để duy trì phong độ và giữ vững bản sắc riêng, giữ vững tính chất lý luận chính trị. Các bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phải tập trung vào các vấn đề lý luận để phản bác lại. Tạp chí cần tăng thêm các bài đặt chất lượng cao; tăng cường các bài phỏng vấn lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tạp chí cần có định hướng cụ thể hơn chủ đề các bài viết để các nhà khoa học, các cộng tác viên chủ động viết bài.

Tạp chí cần bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ biên tập, bảo đảm có các thế hệ kế cận; sử dụng các đồng chí Ủy viên Hội đồng biên tập phản biện, thẩm định nội dung khoa học. Có cơ chế hợp tác với các chuyên gia, trước hết là các thành viên Hội đồng biên tập để biên tập, thẩm định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các Ủy viên Hội đồng biên tập. Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo Tạp chí sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức để nâng tầm Tạp chí xứng đáng là tạp chí quốc gia. Ban Giám đốc Học viện luôn tạo mọi điều kiện về cơ chế, nguồn lực để Tạp chí phát triển.

Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, Tạp chí cần tiếp tục nâng cấp, chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài tóm tắt tiếng Việt, tiếng Anh, các bài đăng, trước hết là các bài nghiên cứu phải có sự thẩm định, đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài Học viện để nâng cao chất lượng bài. Tăng cường năng lực và dung lượng trang tiếng Anh trên Tạp chí điện tử.

Minh Phương – Hương Hạnh

Tạp chí Lý luận chính trị

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền