Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Học tập và làm theo cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 11:02
4782 Lượt xem

Học tập và làm theo cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có cách làm việc mẫu mực, là tấm gương sáng cho toàn Đảng và toàn dân ta noi theo. Người đã để lại cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quý báu về phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.

1. Làm việc phải xác định rõ mục đích, chương trình, kế hoạch

Theo Người, làm bất cứ việc gì trước hết phải xác định được mục đích rõ ràng, đúng đắn. Mục đích là dự kiến về kết quả đặt ra để hướng tới, để làm việc đạt được kết quả. Trong cuốnĐường cách mệnh (1927), Người nêu rõ mục đích sách này là: Nói cho đồng bào ta biết rõ, vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mạng, đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mạng.

Mục đích lớn nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Được hỏi về mục đích này, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”(1). Nhờ xác định được mục đích đúng đắn và kiên trì thực hiện, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đứng lên giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Khi đã xác định rõ được mục đích, phải vạch ra chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Kế hoạch là các biện pháp tiến hành công việc. Thí dụ: “Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, v.v. và làm sao xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bèn bắt tay vào việc đóng tủ. Như thế là anh thợ mộc ấy làm việc có kế hoạch... Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy”(2). Xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc phải cụ thể, thiết thực, phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Người phê bình cách làm việc vạch ra kế hoạch thật to tát, viển vông, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng, thậm chí kế hoạch này chưa làm xong đã vạch ra kế hoạch khác: “…chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng cần phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(3). Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tổng kết: “Học Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế”(4).     

2. Làm việc một cách khoa học

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc một cách khoa học là “làm việc đúng hơn, khéo hơn” và có kết quả. Làm việc không khoa học là làm “không đúng, không khéo”, gặp đâu làm đấy, tự do, tùy tiện, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu nhìn xa trông rộng, không biết tiết kiệm thời giờ, tiền bạc và của cải, nên thường mắc nhiều khuyết điểm, thậm chí có khi thất bại. Người phân tích: “Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm... Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá ghập ghềnh”(5). Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất cụ thể cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc một cách khoa học:

Một là,phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, việc nào trước, việc nào sau, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình, phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Nghĩa là, biết huy động sức mạnh tập thể, phân công công việc một cách hợp lý, tránh tình trạng người giỏi thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc. Mặt khác, trong quá trình tiến hành công việc phải xem xét, đối chiếu, so sánh những cách làm khác nhau, những ý kiến khác nhau để chọn ra cách làm đúng, loại bỏ cách làm sai, phải điều tra, nghiên cứu một cách sát thực, từ đó đề ra những quyết định đúng đắn. Người căn dặn: “Bất kỳ làm việc gì, nghề gì, khi đã làm thì phải hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra trò làm”(6).

Hai là, không nên tham làm nhiều việc cùng một lúc, mà phải làm xong việc này mới làm việc khác, làm đến đâu chắc đến đó. Nghĩa là làm từ việc nhỏ đến việc lớn, không nên chỉ ham việc lớn mà bỏ việc nhỏ. Người phê bình cách làm việc ôm đồm, làm nhiều việc trong một lúc, làm chiếu lệ, làm được ít suýt ra nhiều, để báo cáo cho oai, cho oách, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch. Người căn dặn: “bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”(7)

Ba là,phải tránh bệnh chủ quan. Có trường hợp mục đích, chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra thì đúng, nhưng trong quá trình thực hiện do chủ quan, nên kết quả công việc thường hạn chế, thậm chí thất bại. Người ví: “nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”(8). Do vậy, trước khi làm bất kỳ việc gì cần phải xem xét cho rõ, chớ nôn nóng, chớ làm bừa, làm ẩu, làm liều… Theo Người, “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học... mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm”(9).

3. Phải có quyết tâm cao, làm việc phải siêng năng

Hồ Chí Minh cho rằng: “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”(10). Siêng năng còn có nghĩa là làm bất cứ việc gì, dù khó khăn mấy cũng gắng làm được. Người thí dụ: “Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì có sức khỏe”(11). Người yêu cầu: cần phải đi đôi với kiệm, cần phải đi đôi với chuyên, “nếu không kiệm thì làm được bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít”, “nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần thì cũng vô ích. Như thế chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm thì ướt hoàn ướt”(12)

Kinh nghiệm cho thấy nhiều công việc dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại không phải vì thiếu phương hướng, mục tiêu, chương trình, kế hoạch rõ ràng mà do thiếu quyết tâm cao. Người cho rằng: “Việc dễ mấy nhưng không quyết chí bền gan thì cũng không bao giờ làm được. Một hòn núi, ta cố xuyên mãi, lâu ngày xuyên cũng thông. Một cành cây khô, ta không chịu khó bẻ, thì không bao giờ bẻ gãy”(13). Vì thế, đã làm việc gì thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó nhọc, hiểm nguy, “thắng không kiêu, bại không nản”. Trong tiến hành công việc cần phải có chí khí ham làm việc, “kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi”; đồng thời phải tránh tư tưởng ngại khó, ngại khổ, dựa dẫm, ỷ lại, “kềnh kềnh càng càng”, làm một cách miễn cưỡng, không đến nơi đến chốn. Bác khuyên: “Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”(14).  

4. Phải biết quý trọng thời gian và sức lao động

Về quý trọng thời gian, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người khi làm việc phải biết quý trọng thời giờ, phải làm cho nhanh chóng, không để ngày này qua ngày khác. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong năm 1950, Người chỉ rõ: “Trong quân sự, thời gian rất là quan trọng, điều kiện thiên thời đứng vào bậc nhất, trước địa lợi và nhân hòa. Có tranh thủ thời gian mới bảo đảm được yếu tố thắng địch”(15). Trong nhiều bài nói, bài viết, Người còn phê bình thói hội họp lu bù, mất thì giờ, mà không có kết quả thiết thực, nên phải sửa đổi cách làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh. Người nêu: Khu nọ, trong một mùa đã có đến 450 cuộc đại hội. Đại hội chứ không phải hội nghị tầm thường đâu nhé! Kết quả là các cán bộ chỉ lo đi khai hội mà hết cả thời giờ, đến nỗi mọi công việc bị chậm trễ, v.v..

Về quý trọng sức lao động, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải biết quý trọng sức người vì lao động là vốn quý nhất của chúng ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng hợp lý sức lao động. Bởi vì, có lao động mới tạo ra của cải và của cải làm ra là kết quả của sức lao động, nên tiết kiệm của cải tức là quý trọng sức lao động. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để phát động “Phong trào toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, Người chỉ rõ: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đủ”, nhờ đó mà “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”. Người phê bình cách làm việc còn lãng phí sức lao động là do kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức, sắp xếp vụng, “việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người”. Đồng thời, phê phán một số người vẫn hoang phí, trong khi đồng bào đổ mồ hôi, sức lao động lo tăng gia sản xuất để giúp Chính phủ kháng chiến. Bác khuyên: “Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức, sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được”(16).

5. Cần biết phát huy sáng kiến và nghiên cứu rút kinh nghiệm        

Về phát huy sáng kiến. Theo Hồ Chí Minh, sáng kiến không phải cái gì lạ, mà nó chỉ là kết quả của sự suy nghĩ, tìm tòi trong khi tiến hành công việc, để cải tiến cách làm việc cho nhanh và kết quả tốt hơn. “Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến(17). Người đòi hỏi trong tiến hành mọi công việc phải mạnh dạn, sáng tạo, nhiệt tình, hăng hái, nâng cao sáng kiến. Bởi, trong thực tiễn công việc luôn luôn phát sinh những vấn đề mới, khó khăn mới, nên phải biết căn cứ vào đó mà kịp thời điều chỉnh, uốn nắn và sửa chữa, nhanh chóng tìm ra cách làm mới bảo đảm cho công việc đạt kết quả vững chắc. Mặt khác, phải biết làm cho mọi người đề ra sáng kiến và những sáng kiến đó phải được khen thưởng, được áp dụng có kết quả thì mọi người càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều. Người động viên: “Bất kỳ ai, nếu quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu khó học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”(18).

Về nghiên cứu rút kinh nghiệm. Nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm là công việc cần thiết trong và sau khi công việc hoàn thành nhằm tìm ra cái hay để phát huy, hạn chế những sai sót, khuyết điểm. Trong quá trình tiến hành công việc phải không ngừng phát huy sáng kiến, đồng thời thường xuyên phân tích, đúc kết và nâng cao những kinh nghiệm của bản thân, của đơn vị mình, đồng thời phải học tập những kinh nghiệm hay của các đơn vị khác. Trong công việc, Người rất coi trọng tổng kết rút kinh nghiệm từng việc, từng chủ trương để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, điều quan trọng hơn là rút ra những bài học kinh nghiệm để bổ sung cho lý luận.

Theo Người, sự hiểu biết nào cũng không thể tách rời kinh nghiệm: kinh nghiệm trực tiếp và kinh nghiệm gián tiếp. Kinh nghiệm gián tiếp là kinh nghiệm được học hỏi, chiêm nghiệm rút ra thông qua người khác. Kinh nghiệm trực tiếp là kinh nghiệm được rút ra từ bản thân mỗi người. Người cho rằng: Thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng. Và nội dung của thực hành và hiểu biết lần sau cao hơn lần trước. Vì thế, phải biết nghiên cứu kinh nghiệm đến tận gốc rễ bằng cách tìm hiểu công việc một cách tỷ mỷ, cẩn thận, toàn diện các việc cả trước và sau khi tiến hành. Không chỉ có vậy mà còn phải rút kinh nghiệm riêng của từng người, kinh nghiệm chung của từng địa phương, từng đơn vị, cả kinh nghiệm thất bại và thành công. Từ đó, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm ấy cho các địa phương, đơn vị để vận dụng vào thực tiễn công việc.

Người chỉ rõ: rất nhiều công việc chúng ta đã đạt được nhiều thành tích rất khá, nhưng chúng ta không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn, vì sao có thành tích? Nơi nào thành tích tốt nhất? Ai là người làm được thành tích đó? để mà học kinh nghiệm và đặt khuôn phép cho công việc khác sau đó. Thành thử cái tốt, cái hay đều không phát triển được, mà thường công việc xong rồi là thôi, mọi người không học được kinh nghiệm gì và cũng không tiến bộ được mấy. Mặt khác, cũng không nghiên cứu những khó khăn, những sai lầm, khuyết điểm để giải quyết và sửa chữa cho kịp thời. Vì thế, Người động viên: Anh em đều có ít nhiều kinh nghiệm, nay lại hăng hái học hỏi. Khi làm việc, cần phải áp dụng những điều đã học cộng với kinh nghiệm của mình vào công việc thực tế một cách khôn khéo, mềm dẻo, hợp với hoàn cảnh chứ không nên máy móc. Cùng với học hỏi, sáng kiến, kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Sáng kiến và kinh nghiệm như con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào biển cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc. Người khuyên:“Từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng”(19).

Đó là những nội dung chủ yếu trong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện qua các tác phẩm, cuộc đời và những chỉ dẫn của Người. Thực hiện tốt những chỉ dẫn của Người sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 4, tr. 240

  (2), (3), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (17), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 5, tr.633, 186, 95, 637, 242, 248, 297, 632, 632, 633, 107, 99, 244, 245, 243.

(4)Phạm Văn Đồng: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì? Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 32.

(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr.111.

 

PGS,TS Lê Văn Yên

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

TS Trần Đình Thắng

Học viện Kỹ thuật quân sự

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền