Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 00:21
17210 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

(LLCT)-Mục tiêu cách mạng của Đảng là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một vấn đề có tính nguyên tắc, Đảng quan tâm, chăm lo cho dân không phải là làm thay dân mà hướng dẫn người dân tự chăm lo đời sống của mình. Vai trò của đảng cầm quyền là đề ra đúng phương châm, chính sách thực tiễn để có thể huy động, phát huy mọi nguồn lực vốn có trong nhân dân để người dân tự chăm lo đời sống của mình.

Trong Di chúc - một văn kiện lịch sử vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”(1) Đây là trường hợp Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ “đảng cầm quyền” một cách chính thức đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, đảng cầm quyền là đảng tiếp tục lãnh đạo xã hội sau khi đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi giành được chính quyền nhà nước; đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng cầm quyền liên quan đến chủ yếu các mặt: vị thế cầm quyền; năng lực cầm quyền và phương thức cầm quyền. Ngoài các phương thức đã có trước đó (xây dựng đường lối; tuyên truyền, thuyết phục quần chúng bằng giáo dục...), đảng có thể sử dụng các công cụ hành chính - pháp lý tác động đến mọi mặt đời sống xã hội theo mục tiêu, con đường mà đảng đã xác định. Vai trò lãnh đạo của đảng bao quát các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đối ngoại. Các mặt hoạt động này đều rất quan trọng, không được xem nhẹ mặt nào nhưng đều hướng vào một mục đích duy nhất: thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của con người, tạo điều kiện cho con người được khẳng định, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và phát triển toàn diện nhân cách của mình. Nếu hiểu theo nghĩa này, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xác lập các quan hệ xã hội và định hướng cho các quan hệ đó đạt đến trạng thái nhân bản, nhân văn với những giá trị phổ quát nhất - chân, thiện, mỹ.

1. Đảng với việc lựa chọn mô thức phát triển xã hội nhân văn, nhân bản

Để phát triển xã hội, tức là các mặt thuộc đời sống xã hội, cần phải lựa chọn con đường và mô thức hợp lý, hợp quy luật. Hồ Chí Minh suy nghĩ về con đường đi của dân tộc từ rất sớm, con đường đó vừa đáp ứng được các nhu cầu sống còn của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người. Việc lựa chọn của Người có căn cứ lý luận và đặc biệt là trên cơ sở khái quát, tổng kết thực tiễn.

Ngay khi còn ít tuổi, Hồ Chí Minh đã nhận biết rõ bộ mặt phản nhân tính của xã hội thuộc địa nửa phong kiến: nô dịch, chà đạp, áp bức, bóc lột con người và điều tệ hại nhất là nó tước đoạt các giá trị làm người chân chính. Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, khi còn đứng trên lập trường một người yêu nước, Hồ Chí Minh đã đòi hỏi:

“3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;”(2).

Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, vì tìm thấy trong đó, trên bình diện lý luận và thực tiễn, mô hình phát triển hợp lý, trong đó các giá trị làm người được quan tâm và đảm bảo trên thực tế. Có thể nói, đến đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã hình dung tương đối rõ nét mô thức phát triển lĩnh vực xã hội của chế độ xã hội mới với vai trò dẫn dắt của một đảng chính trị có khả năng và năng lực thực tế: Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, các vấn đề xã hội đã được xem xét dưới góc độ cao nhất, ở tầm Cương lĩnh chính trị của một đảng chính trị với những lát cắt hết sức cụ thể. Soạn thảo Chánh cương vắn tắt, không phải ngẫu nhiên, Người đặt lĩnh vực xã hội ở nội dung trọng điểm đầu tiên của con đường “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hồ Chí Minh xác định:

“A. Về phương diện xã hội thì:

a) Dân chúng được tự do tổ chức.

b) Nam nữ bình quyền, v.v.

c) Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”(3).

Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong Chương trình Việt Minh - Một văn bản có tính chất tiền Hiến pháp ở nước ta - Hồ Chí Minh chỉ ra rõ ràng các vấn đề xã hội cần giải quyết. Đó là:

“E. Xã Hội

1. Thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ.

2. Giúp đỡ các gia đình đông con.

3. Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con.

4. Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân.

5. Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”(4).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo giải quyết vấn đề này một cách chu đáo và đem lại hiệu quả thiết thực. Người xác định chống giặc đói, giặc dốt, giáo dục ý thức cần, kiệm, liêm, chính, thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết là những nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết của chính quyền cách mạng non trẻ. Sau này, trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá các vấn đề xã hội thành các quyền cơ bản của con người và thực hiện các quyền đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là đảng cầm quyền nhằm khẳng định tính ưu việt hơn hẳn của chế độ xã hội mà chúng ta xây dựng.

Hồ Chí Minh nhìn thấy trong con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH  là con đường duy nhất đúng đắn có thể giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội mà lịch sử xã hội loài người đã đặt ra; trong chế độ XHCN khả năng phát triển hài hoà cân đối các mặt vật chất và tinh thần, kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, văn hoá, giữa xã hội và tự nhiên, nâng các quan hệ xã hội lên một chất lượng mới về trình độ người.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chủ thể lãnh đạo có sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc ta vươn tới các giá trị xã hội đích thực, phổ biến là Đảng Cộng sản Việt Nam; chế độ xã hội tạo dựng các tiền đề vật chất - kỹ thuật cho việc giải phóng con người một cách hoàn toàn và triệt để là chế độ XHCN, CSCN.

2. Đảng với việc định hướng phát triển xã hội và lãnh đạo việc quản lý phát triển xã hội

Hiện thực hoá mô thức phát triển xã hội, đảng cầm quyền hoạch định một đường lối cách mạng và khoa học thông qua hệ thống chính sách xã hội. Trong nhãn quan của Hồ Chí Minh, hệ thống chính sách xã hội bao quát nhiều lĩnh vực, gắn với rất nhiều chủ thể khác nhau. Có thể nêu lên các khía cạnh quan trọng nhất:

- Quan hệ giai cấp và chính sách giai cấp;

- Quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc;

- Các mặt hợp thành môi trường sinh tồn và phát triển của đời sống con người;

- Vấn đề đói nghèo và chính sách xoá đói, giảm nghèo;

- Vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập;

- Vấn đề giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân;

- Chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống...

Một điều dễ nhận thấy là ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh căn dặn đảng cầm quyền không bao giờ tách bạch đến tuyệt đối các mặt khác nhau của đời sống xã hội, phải coi đó là các vấn đề có liên quan đến cuộc sống tổng thể của đời sống con người, những trụ cột của sự phát triển bền vững. Mục tiêu, lý tưởng phát triển xã hội của Đảng phải thể hiện nhất quán trong cương lĩnh chính trị, trong đường lối, chủ trương, trong các Quyết định của các nhiệm kỳ Đại hội...

Đảng cầm quyền phải chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, từ những việc lớn như con đường phát triển, đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối. Hồ Chí Minh căn dặn: Nếu dân đói, dân dốt, dân ốm là Đảng có lỗi.

Mục tiêu cách mạng của Đảng là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một vấn đề có tính nguyên tắc, Đảng quan tâm, chăm lo cho dân không phải là làm thay dân mà hướng dẫn người dân tự chăm lo đời sống của mình. Vai trò của đảng cầm quyền là đề ra đúng phương châm, chính sách thực tiễn để có thể huy động, phát huy mọi nguồn lực vốn có trong nhân dân để người dân tự chăm lo đời sống của mình. Đó là chính sách về phát triển nông nghiệp, thực hiện chính sách khuyến nông, hỗ trợ tài chính, phân công cán bộ về giúp các địa phương khó khăn, chính sách khắc phục nghèo đói theo phương châm: Làm cho người thiếu đói trở nên đủ ăn, người đủ ăn trở nên khá, người khá trở nên giàu, người giàu thì ngày càng giàu thêm, toàn dân Việt Nam, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nước mạnh, dân giàu, đời sống tươi vui hạnh phúc.

Hệ thống chính sách phát triển xã hội được Hồ Chí Minh đề cập một cách cụ thể, rõ ràng nhất trong Di chúc. Sau khi đất nước thống nhất, việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại đảng cầm quyền làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Người ý thức một cách sâu sắc rằng, việc xây dựng lại đất nước, nhất là giải quyết các vấn đề xã hội là công việc rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, nhưng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Để thực hiện công việc đầu tiên là công việc đối với con người, Hồ Chí Minh đề cập đến tám mặt khác nhau của đời sống xã hội, cũng có thể coi đó là tám chính sách xã hội cụ thể đối với các đối tượng khác nhau. Chúng làm thành một chỉnh thể, bộc lộ chiều sâu bản chất nhân văn; thực hiện tốt các mặt này mới khẳng định trên thực tế năng lực cầm quyền của Đảng, uy tín của Đảng trong nhân dân. Trong đó nổi lên mấy loại chính sách:

- Đối với những người có công, hy sinh xương máu của mình trong chiến tranh, Đảng phải chỉ đạo để các thế hệ ghi danh họ, tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể có cuộc sống bình thường, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.

- Chính sách giới: Ưu tiên phụ nữ, tạo lập sự bình đẳng nam - nữ trên mọi phương diện, nhất là trong bố trí cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, đảm bảo nam - nữ bình đẳng là xu hướng phát triển tiến bộ, nhân văn theo các mục tiêu cao cả của nhân loại, đúng tầm của một cuộc cách mạng xã hội, cách mạng trong nhận thức. Đảng cầm quyền thực hiện sứ mạng giải phóng xã hội thoát khỏi mọi sự ngang trái, bất công, trong đó có sự giải phóng phụ nữ, coi đó là thước đo cho sự tiến bộ, văn minh của xã hội chúng ta.

- Chính sách giai cấp, đặc biệt là nông dân: Trong Di chúc, Hồ Chí Minh tiếp nối mạch nguồn truyền thống của dân tộc, đề xuất tư tưởng khoan thư sức dân, coi đó như một bộ phận cấu thành chính sách xã hội - giai cấp. Trên một ý nghĩa nào đó, chăm lo cho dân mà đại bộ phận là nông dân là củng cố tiềm lực xã hội, sức mạnh xã hội của chính đảng cầm quyền, tạo nền tảng xã hội vững chắc, thực hiện mọi ý đồ xây dựng và phát triển, chấn hưng đất nước.

- Chính sách phát triển vùng miền, thành thị và nông thôn, không dẫn đến khoảng cách chênh lệch quá lớn. Đảng cầm quyền phải chủ động xây dựng kế hoạch, tìm kiếm giải pháp làm cho làng mạc, thành phố đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Nội dung các công việc triển khai rất rộng, bao gồm: khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân để ai cũng bình đẳng, có cơ hội tiếp nhận một nền giáo dục có chất lượng tốt nhất.

Tư tưởng chỉ đạo mà Hồ Chí Minh đặt lên vai đảng cầm quyền và đây là điều khó nhất: xác lập một môi trường, điều kiện bình đẳng để mọi người dân Việt Nam được hưởng những phúc lợi xã hội mà họ xứng đáng được hưởng. Điều này làm cho Đảng Cộng sản cầm quyền khác hẳn về chất so với các đảng chính trị tồn tại trong lịch sử. Phân phối hệ thống phúc lợi xã hội công bằng là tiêu chí quan trọng phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội, đảm bảo cho các quan hệ xã hội nền móng đi theo đúng quỹ đạo của nó và làm nên bệ đỡ vững chắc cho sự ổn định chính trị của đất nước. Điều này càng cho thấy tư duy tích hợp của Hồ Chí Minh trong giải quyết các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá, quan hệ quốc tế nhằm hướng tới các giá trị làm người cao cả và nhân văn.

Nói cách khác, hệ thống chính sách, phương thức tác động, các giải pháp điều chỉnh quan hệ xã hội của Đảng Cộng sản cầm quyền làm thành một kiểu quản lý xã hội kiểu mới: lấy quần chúng nhân dân làm đối tượng phục vụ và thụ hưởng hiệu quả của hoạt động quản lý; lấy dân chủ làm phương thức vận hành; lấy phát huy các nguồn lực của quần chúng làm động lực chủ đạo; lấy việc đảm bảo các giá trị làm người làm định hướng phát triển lâu dài.

3. Các điều kiện đảm bảo cho Đảng phát huy vai trò trong quản lý phát triển xã hội

Hồ Chí Minh đã đúc kết như một triết lý về vai trò của Đảng: Đảng là biểu tượng của đạo đức và văn minh. Trong lĩnh vực quản lý phát triển xã hội, yếu tố văn minh, văn hoá của đảng cầm quyền càng phải thể hiện rõ. Có một số điều kiện được Người nhấn mạnh:

- Khả năng của Đảng trong việc xác định, nắm bắt các vấn đề xã hội vốn dĩ rất nhạy cảm và phức tạp. Làm thế nào trên thực tế đảng cầm quyền thực hiện triệt để phương châm: nắm vững dân tình; hiểu thấu dân tâm; cải thiện dân sinh; nâng cao dân trí.

- Tạo lập được các thiết chế đủ mạnh tổ chức, vận động toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách xã hội xuất phát từ nhu cầu của người dân, được đảng cầm quyền phát hiện, tổng kết thành chế độ, chính sách, rồi lại phải trở về trong dân chúng và chính dân chúng là người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng các kết quả mà họ sáng tạo nên. Trong quản lý phát triển xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, quần chúng nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực của sự phát triển đó.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện quản lý xã hội có tính chuyên môn, chuyên nghiệp hoá, có đầy đủ các tố chất làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, mà điều quan trọng nhất theo Hồ Chí Minh là phải có: cái chân biết đi, cái mắt biết nhìn, cái óc biết nghĩ; từ tri mới đến hành, từ hiểu biết mới thực hành đạo lý phục vụ nhân dân. Hơn bất cứ một lĩnh vực nào, quản lý phát triển xã hội đòi hỏi một sự công tâm, trong sáng, vô tư, không vụ lợi, không đặc quyền, không được phép làm “quan cách mạng”. Cuộc đấu tranh chống những biểu hiện tha hoá biến chất của đội ngũ cán bộ là nhu cầu sống còn của loại hình quản lý phát triển xã hội theo lý tưởng nhân văn mà Đảng Cộng sản cầm quyền đại diện.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.498.

(2) Sđd, t.1, 1995, tr.435.

(3),(4) Sđd, t.3, 1995, tr.1, 585-586.

 

                                              Phạm Ngọc Anh

                  Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền