Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Khái lược tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 16 Tháng 10 2015 15:22
3155 Lượt xem

Khái lược tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, quan trọng cho quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và quá trình phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại, không những cho thời kỳ Người sống mà cả quá trình về sau; là một phần phát triển của lịch sử Việt Nam thời hiện đại và cũng là một phần trong lịch sử tiến hoá xã hội loài người từ thế kỷ XX trở đi. Hồ Chí Minh có những tác động nhất định vào các biến cố của nhân loại, và ở chiều ngược lại, chúng cũng có tác động tới Hồ Chí Minh. Người tiếp thu nhanh nhạy và sâu sắc những giá trị văn hóa của thời cuộc, rồi đúc kết, phát triển thành một hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là những quan điểm về cách mạng Việt Nam theo lý luận Mác - Lênin. 

Cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, trong đó có chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam bị nô lệ, bị thế lực ngoại bang xâm lược. Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng trong một thời đại bi tráng của thế kỷ XX, thế kỷ phi thực dân hóa, thế kỷ đẫm máu với hai cuộc thế chiến, thế kỷ vùng lên vô cùng mạnh mẽ của những người bị áp bức dân tộc và áp bức giai cấp trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là người trong cuộc của những biến cố lớn lao trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, quan trọng cho quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và quá trình phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại, không những cho thời kỳ Người sống mà cả quá trình về sau. Hồ Chí Minh là một phần phát triển của lịch sử Việt Nam thời hiện đại và cũng là một phần trong lịch sử tiến hoá xã hội loài người từ thế kỷ XX trở đi. Hồ Chí Minh có những tác động nhất định vào các biến cố của nhân loại, và ở chiều ngược lại, chúng cũng có tác động tới Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh tiếp thu nhanh nhạy và sâu sắc những giá trị văn hóa của thời cuộc, rồi đúc kết, phát triển thành một hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là những quan điểm về cách mạng Việt Nam theo lý luận Mác - Lênin. Nội dung cơ bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trên những vấn đề sau đây:

1.  Xác định cách mạng Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là cái “thần cốt” mà trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh có đất sống và có sức lan tỏa như là các giá trị văn hóa. Hồ Chí Minh đã đưa vào linh hồn sống của cách mạng Việt Nam một lý luận dẫn đường trong khi cuộc sống vẫn đòi hỏi phải làm giàu tri thức trong các bước đi lên của một dân tộc. Lý luận Mác - Lênin, theo Hồ Chí Minh, là thế giới quan, nhân sinh quan, là dòng chủ lưu trong hệ dòng chảy của các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Bằng cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và vô cùng phong phú, oanh liệt của mình, Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng của mình vào bồi đắp thêm cho lý luận của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin.

2. Xác định mục tiêu của sự phát triển dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản

Cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị chìm đắm trong buổi chiều tà của chế độ phong kiến lại bị khoác thêm ách thực dân. Nhân dân Việt Nam bao phen đứng lên chống xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp và đồng thời muốn thoát khỏi sự ràng buộc của chính thể phong kiến để chuyển sang những hệ tư tưởng hoàn toàn mới ở Việt Nam: tư tưởng tư sản và tư tưởng vô sản. Tư tưởng tư sản đối với Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tuy là mới, nhưng trên bình diện quốc tế thì nó đã quá cũ với nghĩa là nó không đại diện cho một xu hướng tất yếu đang lên. Vậy nên, dù máu đào các bậc tiên liệt đã tô thắm thêm ngọn cờ yêu nước truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, song độc lập, tự do không ra hoa kết trái; sự phát triển của dân tộc Việt Nam vẫn bế tắc. Ngọn cờ cứu nước và cũng là đường hướng phát triển theo tư tưởng phong kiến và tư tưởng tư sản đều đi vào ngõ cụt.

Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam lựa chọn mục tiêu là chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH. Chỉ có điều là mục tiêu đó không phải cứ tự nhiên mà nhận ra được một cách chóng vánh, mà cần có con người và lực lượng chính trị tìm ra, khẳng định và chỉ ra cho dân tộc đi lên. Con người đó là Hồ Chí Minh. Lực lượng chính trị đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được phản ánh qua sự kiện Hồ Chí Minh tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia vào đời sống của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sống trong lòng tổ chức Quốc tế III và chuẩn bị cả về mặt tư tưởng, lý luận, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã xác định mục tiêu: Đi tới chủ nghĩa cộng sản.

Phải khẳng định rằng, quan điểm này của Hồ Chí Minh là hoàn toàn hợp với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN từ cuối thế kỷ XX là sự thử thách cực kỳ lớn cho quan điểm đó của Hồ Chí Minh, nhưng mục tiêu chủ nghĩa cộng sản vẫn là giá trị bất diệt cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Giá trị này thuộc về Hồ Chí Minh và là điểm cốt nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Con đường để đi tới mục tiêu đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; thống nhất ba giải phóng: giải phóng dân tộc - giải phóng xã hội - giải phóng con người

Giải phóng con người là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Có vô vàn con đường để đến mục tiêu. Giải phóng dân tộc thành công là điều kiện tiên quyết để tiến lên giải phóng xã hội - giai cấp. Ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX trở đi, không thể giải phóng dân tộc thắng lợi rồi quay trở lại chế độ phong kiến (mà phong trào Cần Vương là điển hình). Chế độ phong kiến ở Việt Nam đã ở giai đoạn cuối thời, không còn bước tiến nào nữa, đã trở thành lực cản cho sự phát triển của dân tộc. Quay trở lại chế độ phong kiến là đi ngược lại xu thế tiến bộ của xã hội. Vậy, có con đường giành độc lập dân tộc rồi đi lên chế độ cộng hòa đại nghị tư sản không? Phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX nhất là đầu thế kỷ XX đã diễn ra nhiều theo cách này, mà tiêu biểu nhất là hai phong trào do các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng và lãnh đạo. Nhưng, tư tưởng tư sản ở Việt Nam tuy là mới thì đối với thế giới, tư tưởng này cũng đã bị vượt qua. Lực lượng đứng ở trung tâm thời đại là giai cấp công nhân với sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản để xây dựng xã hội mới: Xã hội cộng sản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đáp ứng được cho cách nhìn về hướng phát triển của dân tộc: Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng dân tộc một cách triệt để nhất. Chính vì thế, giải phóng dân tộc chỉ có thể gắn liền với CNXH thì giải phóng dân tộc mới mang một ý nghĩa mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời, chỉ có chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH, mới làm cho giải phóng dân tộc được củng cố vững chắc.

Cũng chính vì thế mà có người đã coi tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết về “Ba giải phóng”. Với ba giải phóng này theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa - phong kiến, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chậm phát triển mới trở thành một nước có nền kinh tế tiên tiến, văn hóa xã hội phát triển. Và, cái mục tiêu, cái đích cuối cùng là con người được giải phóng mới đạt được. Giải phóng con người, làm cho con người thoát khỏi mọi áp bức, bất công, làm cho con người được phát triển tự do, toàn diện, chính là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, của cách mạng XHCN. 

4. Xác định lực lượng của cách mạng Việt Nam

Nhắm tới mục tiêu đó và đi theo con đường đó, cách mạng Việt Nam phải có lực lượng.

Trước hết, đó là lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt xu hướng chính trị, đảng phái, tín ngưỡng tôn giáo, sắc tộc, giàu nghèo, gái trai, vùng miền… nòng cốt là khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Như vậy, lực lượng này có biên độ tập hợp rất rộng, gồm tất cả những người yêu nước, nhưng khối lực lượng này có cái nhân, cái lõi rất chắc, đó là công - nông - trí. Sở dĩ cần có khối đoàn kết như vậy là vì tất cả mọi người thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội đều có một lợi ích chung nhất, đó là độc lập dân tộc, đất nước được phồn vinh, mọi người được sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc; các dân tộc, cộng đồng người trong quốc gia bình đẳng, dân chủ, tương trợ nhau. Cách mạng Việt Nam nếu không có được sức mạnh đoàn kết toàn dân này thì không thể nào có được thắng lợi. Lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy rằng, khi nào mất đoàn kết dân tộc, khối đoàn kết bị lỏng lẻo thì khi ấy mất nước hoặc trong thời bình thì đất nước tiến chậm chạp. Khối đoàn kết toàn dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải trở thành chiến lược cách mạng, có tính bền chặt, thủy chung, lâu dài.

Hai là, lực lượng của cách mạng Việt Nam là lực lượng của toàn dân Việt Nam gắn kết với lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới; sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế; đoàn kết, hợp tác với tất cả các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý vì sự phát triển trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau: chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản ở chính quốc, nhưng cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam có vai trò chủ động, tích cực, không lệ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là bước phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa so với quan điểm của Quốc tế III và quan điểm của V.I.Lênin. Khối đoàn kết dân tộc ở Việt Nam gắn kết với đoàn kết quốc tế không những trên cơ sở “Bốn phương vô sản đều là anh em”, mà còn là tình đoàn kết “Tứ hải giai huynh đệ” (tức là Bốn biển đều là anh em). Điều này thật đúng với mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam, không bị sa vào chủ nghĩa cực đoan, hẹp hòi, biệt phái, cô độc. Và chỉ có như thế mới phù hợp với tính chất toàn cầu hóa, tuy rằng, trong các bài nói, bài viết mà Hồ Chí Minh để lại, chưa thấy Hồ Chí Minh đề cập khái niệm “Toàn cầu hóa”.

Ba là, lực lượng lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã có hệ quan điểm về Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Đảng đó là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc do dân lập nên, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo những nguyên tắc đảng kiểu mới của V.I.Lênin. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những điều kiện quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự lớn mạnh, sự trong sạch của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì thế, là điều kiện tiên quyết để tập hợp lực lượng của toàn xã hội và tình đoàn kết quốc tế. Đây là một trong những nội dung quan trọng và nổi bật nhất trong hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tự nhận mình là người học trò nhỏ của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Với tư cách đó, Hồ Chí Minh trung thành với học thuyết Mác - Lênin, đặc biệt là những nguyên tắc của V.I.Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, đồng thời còn vận dụng và phát triển một cách sáng tạo những nguyên tắc đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Bốn là, lực lượng đó là lực lượng của các tổ chức chính trị - xã hội với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội rộng rãi. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chưa thấy khái niệm “hệ thống chính trị”, bởi vì khái niệm này trong những 80 của thế kỷ XX mới vào Việt Nam, nhưng tinh thần cơ bản của nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sáng rõ: Đó là sức mạnh từ tổ chức, sức mạnh từ hệ thống của các lực lượng chính trị trên cái nền toàn dân. Mỗi tổ chức đều có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, nhưng nhằm quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, làm cho sức mạnh đoàn kết đó thể hiện có hiệu quả.

Với tư tưởng đại đoàn kết (đoàn kết toàn dân; đoàn kết trong các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đoàn kết trong Đảng Cộng sản Việt Nam; đoàn kết quốc tế), Hồ Chí Minh đã đúc kết:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công.

5. Hệ thống quan điểm về xây dựng một xã hội mới với xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này mang đậm tính nhân văn, nhân đạo mácxít, phù hợp với Việt Nam và mang tính quốc tế.

Xã hội mới ở đây là xã hội XHCN. Trong những quan điểm của Hồ Chí Minh về CNXH, có nhiều nội dung sáng tạo, có giá trị thực tiễn, lý luận thật sự sâu sắc, gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề về xác lập, hoàn thiện mô hình cấu trúc CNXH, tìm kiếm phương hướng, nội dung, biện pháp, các bước đi xây dựng CNXH của Việt Nam.

Hồ Chí Minh phân tích tính tất yếu của CNXH theo phương thức đi từ cái chung, phổ biến đến cái riêng, cái đặc thù, vừa tuân thủ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa có những phát triển, bổ sung hợp lý trên cơ sở quán triệt nguyên tắc thực tiễn nhằm tìm kiếm chân lý. Vấn đề này biểu hiện trên một số nội dung sau: CNXH là kết quả vận động, phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người; Sự ra đời của CNXH là một tất yếu lịch sử nhưng nó bị chế định bởi các đặc điểm, điều kiện của từng khu vực khác nhau trên thế giới; CNXH ra đời là kết quả vận động tất yếu của quá trình cách mạng Việt Nam. 

Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, có thể khái quát thành các đặc trưng bản chất CNXH như sau:

a) CNXH là một chế độ xã hội có lực lượng sản xuất phát triển cao, gắn với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và văn hoá;

b) Nền tảng kinh tế của CNXH là chế độ sở hữu xã hội (công cộng) về tư liệu sản xuất và thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động;

c) CNXH có chế độ chính trị dân chủ, do nhân dân lao động là chủ và làm chủ, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản;

d) CNXH có hệ thống các quan hệ xã hội lành mạnh, công bằng, bình đẳng, dân giàu, nước mạnh, không còn bóc lột, áp bức, bất công, không còn sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa thành thị và nông thôn, con người được giải phóng triệt để, có điều kiện phát triển toàn diện và có sự phát triển hài hoà giữa xã hội và tự nhiên;

e) CNXH là công trình lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân và do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy;

g) CNXH có quan hệ hoà bình, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác với nhân dân lao động tất cả các nước.

Vấn đề đạo đức cách mạng, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, là lĩnh vực văn hoá và đồng thời là cái gốc của sự phát triển.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức ngư­­ời cách mạng như là cái gốc của cây, nguồn của sông, cái căn bản của một con người. Tất cả các học thuyết và tư tưởng đạo đức thuộc nhiều luồng triết học và tôn giáo khác nhau đều rất nhạy cảm với vấn đề chủ nghĩa nhân đạo. Bản chất của đạo đức Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc kết hợp và tiếp nối với chủ nghĩa nhân đạo hiện đại tiến bộ.

Đạo đức cách mạng là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung của cái gốc đạo đức, cái gốc của sự phát triển trong triết lý hành động của Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong mọi công việc, làm việc có hiệu quả, có kết quả tốt. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí. Liêmlà không tham lam, là liêm khiết, trong sạch. Chính có nghĩa là thẳng thắn, là không tà, là việc gì mà tốt thì dù nhỏ cũng cố làm, việc gì mà xấu thì dù nhỏ cũng cố tránh. Hồ Chí Minh cho rằng, có chí công vô tư thì lòng dạ mới trong sáng, đầu óc mới sáng suốt để chăm làm những việc ích quốc lợi dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin có quan hệ cực kỳ khăng khít với nhau. Không có yếu tố “Chủ nghĩa Mác - Lênin” thì không thể có “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nói một cách khác, nếu Hồ Chí Minh không tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần khẳng định một cách chắc chắn điều này bởi vì có một số người muốn đem tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một số ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, chỉ cần nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Hay có một số người cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Đành rằng, Hồ Chí Minh là người vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng, nhưng như thế không có nghĩa là “Việt Nam hóa chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉnh thể làm nên hệ tư tưởng của cách mạng Việt Nam chính xác phải là: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cũng giống như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không nên được vận dụng một cách giáo điều, mà vẫn rất cần được vận dụng một cách sáng tạo và phát triển. Cái còn lại vĩnh viễn của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở phương pháp, ở bản chất vấn đề chứ không nằm trong hành vi, bởi vì hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể đúng lúc này mà không đúng ở lúc khác. Bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng giống như bản thân Hồ Chí Minh quan niệm trong hành động là phải phù hợp với từng lúc, từng nơi, là Dĩ bất biến ứng vạn biến. Đó cũng là biện chứng mácxít rất rõ trong di sản mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ cách mạng Việt Nam về sau.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

GS,TS Mạch Quang Thắng

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền