Trang chủ    Diễn đàn    Môi trường đầu tư kinh doanh - Nhìn từ góc độ cải cách thủ tục hành chính
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 09:08
2059 Lượt xem

Môi trường đầu tư kinh doanh - Nhìn từ góc độ cải cách thủ tục hành chính

(LLCT) - Nhìn khái quát toàn bộ quá trình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính luôn được khẳng định. Nhưng cách thức triển khai trên thực tế thì mỗi thời kỳ cũng có sự khác biệt nhất định. Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh như một cao trào, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Nhờ vậy mà môi trường kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận.

1. Tình hình cải cách thủ tục hành chính

Môi trường đầu tư kinh doanh là toàn bộ các nhân tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh phụ thuộc trước hết vào chất lượng của thể chế, trong đó hành chính nhà nước, trước hết là thủ tục hành chính, là một trong những nhân tố tác động trực tiếp nhất, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế. “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức (Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-6-2010). Thủ tục hành chính phải “đáp ứng nhu cầu thực tế, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính”.

Ngay từ đầu quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, việc cải cách nền hành chính nói chung, các thủ tục hành chính nói riêng đã được đặt ra và thực hiện, với nhiệm vụ cụ thể là phát hiện, loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà... và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn khái quát toàn bộ quá trình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính luôn được khẳng định. Nhưng cách thức triển khai trên thực tế thì mỗi thời kỳ cũng có sự khác biệt nhất định. Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh như một cao trào, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Nhờ vậy mà môi trường kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận.

Liên tục trong 2 năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành 2nghị quyết số 19 (mộttrong tháng 3-2014 và một trong tháng
3-2015) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những chỉ tiêu và biện pháp rất cụ thể. Trong đó,đặc biệt là các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, đầu tư... Đó là:

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp;

- Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế nhằm đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, trong đó Inđônêxia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philíppin là 193 giờ, Malaixia là 133 giờ, Brunây là 96 giờ, Xinhgapo là 82 giờ, còn Việt Nam thời gian nộp thuế năm 2013 là 876 giờ);

- Rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày);

- Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6(mức trung bình thời gian xuất khẩu của nhóm nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày, trong đó, Inđônêxia là 17 và 23 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Philíppin là 15 và 14 ngày, Malaixia là 11 và 8 ngày, Brunây là 19 và 15 ngày, Xinhgapo là 5 và 4 ngày, còn Việt Nam thời gian xuất khẩu năm 2013 là 21 ngày và nhập khẩu cũng 21 ngày);

- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng.

Qua một năm thực hiện các mục tiêu trên đã đạt được một số kết quả thực tế là:

- Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 thì sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (mức bình quân của các nước ASEAN-6 là 121 giờ/năm).

- Đã rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10% - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp.

- Quy trình nộp bảo hiểm xã hội, thành lập, giải thể doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã được rút gọn. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giảm 50%, trong đó thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm từ 115 ngày xuống còn 70 ngày.

- Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10-2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6-2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu,công bố tháng 9-2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).

Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm.

Một số cam kết của các bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai đến cấp cơ sở, doanh nghiệp. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp.

Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương. Hơn nữa, các nước đều tập trung cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽnên Việt Nam lại tụt hạng một cách tương đối. Theo xếp hạng tại báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015 là 78/189, tụt 6 bậc so với năm 2014, trong khi Xinhgapo xếp thứ 01, Malaixia thứ 18, Thái Lan thứ 26. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh, Xinhgapo xếp thứ 2, Malaixia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Inđônêxia thứ 34, Philípinthứ 52, Việt Nam thứ 68….

Trên cơ sở các kết quả đạt được, nhiệm vụ của hai năm 2015 - 2016 là:

- Giảm thời gian giải quyết thủ tục phá sản xuống còn tối đa 30 tháng trong năm 2015 và xuống còn tối đa 24 tháng trong năm 2016;

- Tiếp tục cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) xuống còn dưới 119 giờ;

- Xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định và về giải quyết các khiếu nại của người nộp thuế, bảo đảm yêu cầu ít nhất 90% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 3 ngày theo quy định của pháp luật(1)...

2. Phương hướng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm sắp tới

Cho đến nay, mặc dù đã triển khai một khối lượng lớn các việc rà soát văn bản, cắt giảm rất nhiều các thủ tục hành chính, nhưng nhận xét về những mặt còn hạn chế của cải cách hành chính nói chung, thủ tục hành chính nói riêng, bản dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng có nhận định: “Cải cách hành chính một số mặt chưa đạt yêu cầu. Năng lực xây dựng và thực thi luật pháp, cơ chế chính sách chưa cao; một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Giám sát, phản biện xã hội đối với xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách hiệu quả chưa cao”. 

Để góp phần khắc phục những mặt hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một sốgiải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Tuy chỉ là những chỉ tiêu định lượng về cắt giảm số lượng các thủ tục hành chính và chi phí thời gian, nhưng hết sức quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm thực hiện đổi mới mở cửa, công tác cải cách hành chính có được những chỉ tiêu mang tính cam kết rõ ràng theo cách so sánh với các nước ASEAN để thực hiện và có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao, rất quyết liệt của Chính phủ.

Thực tế chỉ ra rằng, việc cải cách các thủ tục hành chính không phải quá phức tạp, khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng lại chuyển động rất chậm chạp nếu không có các biện pháp cần thiết. Vì vậy, giải pháp chính cho nội dung này là cần áp đặt kỷ luật hành chính trong việc tổ chức thực hiện.

Hai là, cùng với việc thực hiện các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19, cần khắc phục cơ chế sinh ra những thủ tục hành chính rườm rà. Nếu không chú ý thỏa đáng đến khía cạnh này, công cuộc cải cách thủ tục hành chính trở thành vô tận do cơ chế liên tục đẻ ra những thủ tục mới cần phải được cải cách. Một trong những thí dụ là quá trình tự sinh sôi của các loại “giấy phép con”. Và cũng tương tự như việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nêu trên, giải pháp chính ở đây là kết hợp giữa những quy định pháp luật và có chế tài cần thiết để thực hiện.

Ba là, về dài hạn, cần chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang việc nâng cao chất lượng chính sách. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính sẽ trở nên khó khănnếu chất lượng nội dung các chính sách không được cải thiện (thậm chí rơi vào cách làm theo kiểu phong trào). Đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài,đòi hỏi phải có sựkiên trì, có chương trình, kế hoạch dài hạnvà thực chất là nội dung chính yếu của cải cách thể chế.

Giải pháp chính là, một mặt, nắm vững tinh thần của cải cách: kinh tế thị trường đầy đủ và hội nhập; và mặt khác, nâng cao chất lượng (trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ) của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1) Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016).

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền