Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số giải pháp tăng cường liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp
Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 18:10
8563 Lượt xem

Một số giải pháp tăng cường liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp

(LLCT) - Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan dựa trên những nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục của nhà trường gắn liền với giáo dục của gia đình và xã hội”, “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có”... Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề này chưa được các chủ thể nhìn nhận một cách thấu đáo, sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp diễn ra khá hời hợt, manh mún, hiệu quả chưa cao, hệ quả là tạo nên sự mất cân đối nghiêm trọng về cung- cầu nhân lực chất lượng cao.

Trong liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường đóng vai trò là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong đào tạo như thực hiện nội dung, chương trình, chất lượng đào tạo, cấp bằng cho người được đào tạo... Doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp, hỗ trợ chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý, phục vụ cho quá trình đào tạo, sử dụng sản phẩm đào tạo...

Quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là quan hệ biện chứng tương hỗ vì lợi ích của cả hai phía cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Từ mối liên kết này, các trường đại học ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra những “sản phẩm” được trải nghiệm hoạt động thực tiễn. Về phía doanh nghiệp, lâu dài sẽ tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định, góp phần đưa họ vững vàng trong cạnh tranh và vươn lên trong hội nhập. Như vậy, về tổng thể, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã, đang và sẽ hướng các trường đại học đào tạo ra những “sản phẩm” gắn liền với yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp các doanh nghiệp xây dựng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Những năm qua, giáo dục đại học của Việt Nam đã phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về loại hình đào tạo, ngành đào tạo. Để sinh viên sau khi được đào tạo đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là để tránh hiện tượng mất cân đối về cung - cầu nhân lực chất lượng cao, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích các trường đại học liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...

Mô hình của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) là một trong những trường đại học đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) từ năm 2005. Trường đã nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sinh viên được đào tạo theo Dự án POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 500 doanh nghiệp, mang lại cơ hội lớn cho người học. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. Theo số liệu khảo sát năm 2013 của Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế), có 100% sinh viên được đào tạo theo Dự án POHE khi ra trường tìm được việc làm đúng với nghề nghiệp được đào tạo, được các nhà sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp. Một số trường đại học khác, như Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ với trên 100 doanh nghiệp...

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, về cả số lượng, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển giao nhân lực... Những tồn tại bất cập này xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Qua khảo sát một số công trình nghiên cứu cũng như kết quả điều tra xã hội học của các tổ chức trong và ngoài nước về thực trạng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 29% doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không xuất phát từ tầm nhìn dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” (214 trong tổng số 493 trường đại học mà các doanh nghiệp ghi là “có sự hợp tác với”), hoặc “hợp tác ngắn hạn” (174 trong tổng số 493). Chỉ có 58 và 47 trường đại học đang lần lượt được coi là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của các doanh nghiệp.

Theo  số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (công bố ngày 24 -12 -2015), cả nước có 225.500 người có trình độ từ đại học trở lên đang thất nghiệp, trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn.

Như vậy, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đang ở mức độ rất hạn chế và chủ yếu tồn tại ở hai loại hình chủ yếu sau: hai bên cùng phối hợp xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên trong thời gian thực tập, thực tế; doanh nghiệp tuyển dụng, tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, nhưng đóng vai trò “khai thác”, “săn bắt”  hơn là “nuôi dưỡng”, “nuôi trồng” nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Xét về chức năng và nhiệm vụ, một trong những sứ mệnh cốt lõi của trường đại học là “trồng người” và phải gắn chất lượng đầu ra của sinh viên với yêu cầu và nhu cầu của xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, nhà trường phải là đối tác khởi xướng của việc hợp tác. Thực tế hiện nay, hầu hết các trường đại học ở nước ta chưa thể hiện được vai trò này, việc hợp tác đang dừng ở cấp độ tình huống, ngắn hạn và manh mún, đơn lẻ, tự phát.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của cả hai phía. Nếu doanh nghiệp đóng vai trò đòn bẩy, kích thích sáng tạo và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sản phẩm đào tạo, đồng thời là nơi cung cấp thêm nguồn lực vật chất cũng như tài chính cho nhà trường; thì ngược lại, các trường đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới và tìm tòi các giải pháp cho các vấn đề mà thực tế đặt ra cho các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò truyền thống là nguồn cung ứng cho nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối kiên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi chứ không phải là mối liên kết chỉ có sự hỗ trợ một chiều. Tại các quốc gia phát triển, các trường đại học uy tín và có thương hiệu thường được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như xã hội, đồng thời là trung tâm nghiên cứu, sáng tạo ra những thành tựu công nghệ theo nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

Bất cứ chương trình đào tạo nào, trong cấu trúc của nó, đều có sự cân đối theo tỷ lệ nhất định giữa lý thuyết và thực hành. Tùy theo cấp độ, trình độ đào tạo và lĩnh vực ngành nghề đào tạo mà sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành có sự khác nhau về tỷ lệ... Tuy vậy, không phải trường đại học nào cũng có đầy đủ cơ sở thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm cho sinh viên. Đây là một trong những nguyên nhân nảy sinh nhu cầu xã hội hóa công tác đào tạo, đưa quy trình đào tạo dựa vào các cơ quan, doanh nghiệp có cùng lĩnh vực hoạt động chính phù hợp với nội dung đào tạo để tận dụng ưu thế của các bên.

Thời gian qua ở nước ta, chất lượng đào tạo đại học ở nhiều ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Phần lớn doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Một bộ phận không nhỏ người lao động đã được đào tạo nhưng doanh nghiệp từ chối tuyển dụng sau khi phỏng vấn, kiểm tra tay nghề thực tế. Thực tế là, doanh nghiệp chưa thực sự tin là mối quan hệ với trường đại học sẽ mang lại lợi ích cho họ.

Mặt khác, hầu hết các trường đại học không có đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động; trong khi sự chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp diễn ra liên tục, nên việc gắn đào tạo với sử dụng cũng phải thay đổi theo. Trong các trường đại học hiện nay, quan niệm “giỏi” mới dừng ở mức học giỏi, thi giỏi, chứ chưa phải là làm giỏi. Tinh thần thực học, thực nghiệp vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong nhà trường, nên việc đào tạo còn xa rời yêu cầu của thực tiễn.

Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta vẫn đầu tư theo kiểu “ăn xổi”, ít chú trọng đến phát triển bền vững lâu dài, nên ít đầu tư xây dựng nguồn nhân lực. Các tổng công ty lớn hay các doanh nghiệp nhà nước thì vẫn được Nhà nước bao cấp, ưu ái, còn trường đại học thì thường đào tạo theo chương trình đã lên khung cứng nhắc từ trước mà không thay đổi vì chưa có đủ động lực để thay đổi.

Như vậy, mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta đang tồn tại ở dạng tiềm năng vì trong ngắn hạn, cả hai chủ thể chưa thực sự bức thiết, chưa ảnh hưởng tới lợi ích sống còn của cả hai phía.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới vừa qua cũng như số liệu chênh lệch cung cầu việc làm mới được công bố, đặc biệt là việc hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang khiến cả trường đại học và doanh nghiệp phải tư duy lại mô hình cũng như chiến lược phát triển của mình. Thay vì đào tạo, đầu tư theo kiểu “ăn xổi”, thì nhu cầu phát triển bền vững lại đang được đặt ra cấp thiết.

Ở góc độ vĩ mô, nước ta đã có một số quy định nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho quá trình liên kết: Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về “Liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học”, cùng một số văn bản ban hành gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đào tạo nghề cũng góp phần thuận lợi cho việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp...

Để trường đại học và doanh nghiệp liên kết một cách có hiệu quả, cần phải có hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ:

Nhóm giải pháp từ phía trường đại học:

Thứ nhất, nâng cao năng lực đào tạo thông qua bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu; cập nhật, đổi mới chương trình nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.

Thứ hai, thiết lập bộ phận chuyên trách về liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức và cá nhân để ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc mua cổ phiếu để trở thành cổ đông của những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính sát với các ngành đào tạo của mình (theo hình thức riêng lẻ từng trường hoặc liên kết nhóm trường đại học cùng ngành đào tạo). Việc trở thành cổ đông (đặc biệt là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược) của doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để hai bên gắn kết quyền lợi và trách nhiệm. Cũng từ cách thức liên kết này, nhà trường có thể thâm nhập sâu vào toàn bộ quy trình hoạt động của doanh nghiệp nói chung, nhu cầu về nhân lực nói riêng, mặt khác cơ sở đào tạo đại học có điều kiện nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế “tự chủ đại học”- dự kiến bắt đầu từ năm 2020.

Thứ ba, thường xuyên cung cấp thông tin về chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như đề xuất những nhu cầu thiết yếu khác tới phía doanh nghiệp. Định kỳ tiếp xúc tìm để hiểu nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo.

Thứ tư, thiết lập cơ chế thỏa đáng nhằm khuyến khích các tập thể và cá nhân trên danh nghĩa cơ sở đào tạo đại học ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình thực tập, thực hành, định hướng nghề nghiệp cũng như cung cấp trang thiết bị cho nhà trường...

Thứ năm, trường đại học cần mở ra các điều kiện để đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết có thiên hướng thực hành trong chương trình đào tạo.

Nhóm giải pháp từ phía doanh nghiệp:

Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ hơn về ích lợi cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết doanh nghiệp- trường đại học, từ đó hoạch định chiến lược nhân sự trong tương lai.

Thứ hai, để hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp cũng cần thiết lập bộ phận chuyên trách phản biện để góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học hướng theo nhu cầu sử dụng lao động từ phía doanh nghiệp.

Thứ ba, có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo những đề tài, vấn đề khó mà doanh nghiệp đang có nhu cầu...

Thứ tư, chủ động phối hợp với trường đại học trong việc biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo “ăn khớp” với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Chủ trương đưa các doanh nhân vào hội đồng trường đại học thời gian gần đây được nhìn nhận là một bước tiến trong chiến lược xã hội hóa giáo dục cũng như đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Nhóm giải pháp từ phía các cơ quan chức năng:

Thứ nhất, thường xuyên thống kê cung - cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để điều tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo cho phù hợp. Hoàn thiện cơ chế hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên tinh thần cạnh tranh, độc lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, thiết lập nhiều kênh kết nối trường đại học với doanh nghiệp. Cơ quan quản lý có thể đứng ra tổ chức các sân chơi, các diễn đàn để nhà trường và doanh nghiệp gặp nhau, như sàn giao dịch công nghệ, gặp gỡ nhà trường - doanh nghiệp. Tổ chức để nhà trường và doanh nghiệp rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn hợp tác để nâng cao hiệu quả liên kết trong tương lai.

Thứ ba, thay đổi cơ chế quản lý để nhà trường và doanh nghiệp có quyền tự chủ nhiều hơn. Khi đó, nhà trường sẽ được tự quyết định chương trình đào tạo của mình để kịp thời bắt nhịp với nhu cầu của xã hội và của nhà tuyển dụng; còn nhà tuyển dụng sẽ được tự do lựa chọn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng. Hai bên sẽ hợp tác với nhau vì lợi ích sống còn của mình. Nhà nước sẽ đóng vai trò là “trọng tài” giải quyết những bất đồng, xung đột lợi ích giữa hai bên liên kết.

Thứ tư, có cơ chế hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp thành lập các quỹ đầu tư phát triển chung để gia tăng sự ràng buộc, nâng cao tính năng động cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên kết.

 

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

 

TS Vũ Tiến Dũng

Trường Đại học Xây dựng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền