Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Các cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền công dân: Kinh nghiệm ở Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam”
Thứ hai, 23 Tháng 12 2013 16:46
5566 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Các cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền công dân: Kinh nghiệm ở Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam”

(LLCT)- Ngày 4-12-2013, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Hợp tác phát triển pháp luật quốc tế -IRZ, Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức Hội thảo khoa học: “Các cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền công dân - Kinh nghiệm ở Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam”. Hội thảo diễn ra trong ba ngày từ ngày 4 đến 6-12-2013.

Chủ trì Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người; bà Nicole Schrodel, Giám đốc Văn phòng IRZ; bà Angela Schmeink, Trưởng ban, TrưởngVăn phòng IRZ tại Béclin. Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và Đức. Các tham luận tại hội thảo và gửi đến Ban tổ chức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong và ngoài học viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp khẳng định: bảo vệ quyền con người là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong bảo đảm quyền con người và nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Từ thực tiễn phát triển của đất nước, việc nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ quyền con người trên thế giới, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức là việc làm cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển.

Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia sớm xây dựng và hoàn thiện các thiết chế, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ Hiến pháp, đồng thời góp phần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Cùng với cơ chế khác bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực châu Âu. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã và đang được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam quan tâm, nghiên cứu, tham khảo.

Trong 3 ngày làm việc, các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã phát biểu tại Hội thảo: PGS,TS Đặng Dũng Chí, TS Hoàng Văn Nghĩa (Viện nghiên cứu quyền con người), TS Phạm Trọng Nghĩa (Vụ pháp luật, Ủy ban Lập pháp Quốc hội), GS,TS Michaela Wittinger (giáo sư Luật hiến pháp và Luật châu Âu, Đại học Hành chính ứng dụng Liên bang Đức), GS,TS Thomas Schmitz, giảng viên của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức… Các tham luận đã trao đổi, tập trung làm rõ những vấn đề sau:

Một là, lịch sử phát triển của khái niệm nhân quyền và các nguyên tắc nền tảng. Lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm nhân quyền đã được tiếp cận từ hai hướng thế giới và Việt Nam, tham luận của GS,TS Thomas Schmitz và TS Hoàng Văn Nghĩa. Khái niệm nhân quyền có nguồn gốc từ triết học cổ đại và giáo lý của đạo Cơ đốc. Nhưng triết học khai sáng, thế ký XVII-XVIII mới thực sự đặt nền tảng lý luận cho sự phát triển về khái niệm quyền con người. Quyền con người bước đầu được thực thi ở cấp độ quốc gia.

GS,TSThomas Schmitz đề cập các cơ chế quốc tế về bảo vệ quyền con người thế ký XIX và sau Chiến tranh thế giới thứ II. TS Hoàng Văn Nghĩa đề cập cách tiếp cận của Việt Nam về quyền con người trong lịch sử và truyền thống từ góc nhìn văn hóa, chỉ rõ, trong lịch sử Việt Nam đã đề cập đến nhân quyền. Qua đó cho thấy được tính phổ biến và tính đặc thù trong cách tiếp cận về nhân quyền ở các quốc gia và khu vực.

Hai là, về các cơ chế bảo vệ quyền con người - kinh nghiệm của CHLB Đức và Việt Nam. Tại hội thảo, các bài tham luận đã nêu các cơ chế bảo vệ quyền con người của CHLB Đức và Việt Nam. Là một quốc gia có một nền văn hóa pháp lý lâu đời, Liên bang Đức luôn chú trọng đến việc bảo vệ quyền con người trong quá trình lập pháp. Văn bản pháp lý tiêu biểu chính là Hiến pháp năm 1949. Trong đó, mục tiêu cao nhất của Hiến pháp là bảo vệ phẩm giá con người. Quyền con người là mấu chốt, nội dung chủ đạo. Trong hệ thống pháp luật CHLB Đức, Hiến pháp mang tính tối thượng, là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất và được áp dụng trực tiếp. Tòa án Hiến pháp liên bang là công cụ hữu hiệu để bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp có chức năng thẩm định các luật và giải quyết các khiếu nại Hiến pháp. Mô hình luật hiến pháp của Đức trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…

Đức không xây dựng cơ quan bảo vệ nhân quyền và Tòa án Hiến pháp là công cụ hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền con người.

Những vấn đề về nội dung và phạm vi quyền con người và quyền công dân (đặc biệt là quyền tự do biểu đạt và tự do tôn giáo) ở Đức và Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đặc biệt, GS,TS Thomas Schmitz đã đặt ra tình huống giả định liên quan đến những vấn đề về quyền con người đã tạo sự tranh luận sôi nổi tại Hội thảo.

Trên tinh thần không ngừng học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm từ các quốc gia có nền văn hóa pháp lý, quan điểm chủ trương chung của Nhà nước Việt Nam là luôn tích cực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. TS.Phạm Trọng Nghĩa, PGS, TS Tường Duy Kiên khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân; quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam đều nhằm phục vụ con người. Nhà nước tạo mọi điều kiện về kinh tế, văn hóa xã hội, pháp luật để bảo đảm cho người dân thực hiện các quyền cơ bản được nêu trong Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào các diễn đàn quốc tế đa phương, song phương về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân như: yêu cầu cao hơn đối với các nước đang phát triển có thu nhập trung bình; sự bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội và các vùng; những quyền con người mới và quan trọng như quyền phát triển, quyền môi trường, quyền của các nhóm yếu thế, bất bình đẳng giới, nguy cơ vi phạm quyền con người, quyền công dân; tính chưa đồng bộ giữa hai nhóm quyền thực định và quyền thủ tục, năng lực thực thi pháp luật thấp; sự tham gia sâu rộng của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc vào các thể chế của ASEAN đối với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; giải quyết sự khác biêt về quan niệm và cách tiếp cận quyền con người giữa các quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng và phương hướng cho vấn đề bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Việc bảo vệ quyền con người đã trở thành vấn đề được quan tâm trong cộng đồng quốc tế nói chung và quốc gia nói riêng. Tuyên bố Viên và chương trình hành động năm 1993 đã khẳng định lại cam kết của các quốc gia trong việc thực hiện và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản cho con người. Điều này dẫn đến việc thay đổi nhận thức của quốc gia trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người.

Phương hướng đưa ra cho Việt Nam là nghiên cứu xây dựng cơ quan bảo vệ quyền con người. Hiện nay, trên thế giới các hai xu hướng thành lập cơ quan bảo vệ quyền con người: thành lập Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, Thanh tra Quốc hội. Ở Việt Nam, các chủ thể thúc đẩy bảo vệ quyền con người bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức nhân dân, tổ chức từ thiện, các viện nghiên cứu, báo chí truyền thông… Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền con người không được thực hiện một cách triệt để, chuyên sâu bởi không xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Trong khi Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, Cơ chế nhân quyền ASEAN và cam kết là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Điều này đặt ra yêu cầu mới trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và phát triển bền vững. Thực tế đó làm nảy sinh vấn đề xây dựng các cơ quan chuyên trách bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, việc lựa chọn xây dựng mô hình nào để phù hợp với thực tiễn chính trị, văn hóa của quốc gia đó là điều cần được nghiên cứu sâu và so sánh.

Trong quá trình thảo luận về phương hướng cho việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2012 cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, đặc biệt là chương quy định về quyền con người. Giáo sư Thomas Schmitz và Giáo sư Nguyễn Đăng Dung đề cập đến sự phát triển nhân quyền ở Việt Nam trong bản Hiến pháp sửa đổi. Theo đó, Hiến pháp đã thể hiện được sự tiến bộ trong chế định về quyền con người. Các nhà làm luật đã có sự tham khảo, học hỏi rất nhiều từ các điều khoản của Công ước quốc tế về nhân quyền. Các quy định về quyền con người được viết theo các quy định của Công ước quốc tế. Nhận thức về quyền con người cũng đã thay đổi theo âm hưởng của các quy định quốc tế. Đó là những quyền tự nhiên, mang tính phổ biến không chuyển nhượng và không thể phân chia, không có sự phân biệt tầng lớp, quốc tịch.

Các tham luận được trình bày như “Các nguyên tắc nền tảng của luật nhân quyền quốc tế và quyền hiến định cơ bản”, “Nhân quyền trong thực tiễn: các vấn đề lịch sử và triết học” do GS,TS Thomas Schmitz trình bày; tham luận “Các cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở CHLB Đức”, do GS, TS Michaela Wittinger trình bày,… Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức về thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên thế giới. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm tham khảo hữu ích cho quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người.

Hội thảo đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, trao đổi những kinh nghiệm nghiên cứu, viết bài, những tri thức quý báu. Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực Kỷ niệm 65 năm ngày Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và ngày Nhân quyền thế giới, đồng thời chào mừng Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 7-11-2013. 

                                                                                          Hạnh Trang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền