Trang chủ    Thực tiễn    Thực tiễn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ
Thứ sáu, 05 Tháng 12 2014 10:31
2232 Lượt xem

Thực tiễn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ

(LLCT) - Duyên hải Nam Trung Bộ(*) (DHNTB) là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông – lâm - ngư nghiệp giá trị cao, đa dạng và phong phú; có thế mạnh phát triển du lịch thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên biển, đảo, rừng, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có đặc điểm địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, hạn hán; kết cấu hạ tầng ở một số tỉnh còn thiếu và yếu; trình độ dân trí và mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thấp… Đó là những yếu tố làm chậm tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương trong vùng.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau 3 năm thực hiện, các tỉnh, thành phố khu vực DHNTB đã đạt nhiều thành tựu rõ rệt. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân. Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh tập trung xây dựng kinh tế biển, tổ chức nhiều đội tàu, thuyền khai thác hải sản quy mô lớn đánh bắt xa bờ. Ngoài việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, tỉnh Bình Thuận đã triển khai 20.186 ha thanh long VietGAP với 8.110 hộ dân tham gia; xây dựng 16 liên minh sản xuất gắn kết 16 doanh nghiệp với gần 1.600 hộ dân để tiêu thụ nông sản. Các địa phương có sự đầu tư phát triển hạ tầng, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống dân cư. Thành phố Đà Nẵng đã huy động được hơn 1 nghìn tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp tới gần 30%) để cải tạo, nâng cấp 58 km đường giao thông, 23 cầu, 29 công trình thủy lợi và nhiều trường học. Tại Bình Định, 70% đường trục thôn, xóm ở đồng bằng được cứng hóa, 45% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội, 10% đường trục chính nội đồng đạt chuẩn, trong đó nhân dân đóng góp 25% kinh phí(1). Tính trung bình, đến cuối năm 2013,vùng DHNTB đạt 7,75 tiêu chí(2), hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn DHNTB đã có khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện rõ nét.

Tuy nhiên, nhiều tiêu chí đạt còn ở mức thấp so với cả nước: tiêu chí giao thông mới đáp ứng được 11,6% chuẩn quốc gia, thủy lợi mới đáp ứng được 48%. Sản xuấtnông nghiệp, ngư nghiệp tuy là thế mạnh nhưng việc quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng ở các vùng chuyên canh có hiệu quả cao chưa hình thành vững chắc; cơ chế tín dụng cho nông dân, ngư dân còn bất cập; sản xuất còn manh mún, tự phát, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết…

Để triển khai thực hiện được đủ 19 tiêu chí quốc gia về NTM, các địa phương còn nhiều khó khăn cần được giải quyết:

Một là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về Chương trình chưa đầy đủ. “Một bộ phận cán bộ các cấp còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước, hoài nghi mục tiêu, kết quả của Chương trình”(3),  chưa nắm vững nội dung các tiêu chí, bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo ở một số địa phương chưa đủ mạnh. Một số cơ chế, chính sách không phù hợp, chậm được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi; trình độ năng lực của một số cán bộ cơ sở còn yếu, chưa đủ sức giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra…

Hai là, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt yêu cầu, chưa thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng. Công tác sơ kết, nhân rộng mô hình chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Ở một số nơi, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng còn yếu, dẫn đến tình trạng người dân không hưởng ứng, xuất hiện khiếu nại, tố cáo, gây ảnh hưởng đến lòng tin, sự tham gia đóng góp của nhân dân..

Ba là, việc xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở cơ sở còn lúng túng.Tiến độ quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch thấp, mới dừng lại ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng, còn quy hoạch phát triển sản xuất gần như còn bỏ ngỏ. Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít chú trọng đến lĩnh vực sản xuất, môi trường, đời sống tinh thần, an ninh trật tự xã hội; nhiều mục tiêu, hạng mục đề ra thiếu tính thực tiễn, chưa hợp lý, không có nguồn lực đảm bảo và lộ trình phù hợp(4). Vì thế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhiều nơi chưa đạt chuẩn quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, thí dụ vùng bị nhiễm mặn của cánh đồng muối Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia…

Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu: các hình thức sản xuất chậm đổi mới; nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn nhân lực trong nông thôn chưa được đào tạo, dẫn đến một bộ phận lao động ở nông thôn không có việc làm; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.Các tổ chức kinh tế tập thể còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa hỗ trợ kịp thời cho xã viên phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Công tác dồn điền đổi thửa chưa phát triển mạnh, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất.Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất còn đơn điệu, không có sự đột phá, không sát thực tế làm cho không chỉ việc hỗ trợ kém hiệu quả, gây lãng phí mà còn ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng. Thí dụ như tỉnh Phú Yên,việc hỗ trợ cho các xã còn dàn trải. Riêng địa bàn thị xã Sông Cầu có 6 mô hình không triển khai được do các xã lập phương án đầu tư mô hình chưa sát thực tế, chưa tính đến các tiêu chí bền vững(5).

Năm là, đầu tư nguồn lực cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu thực tế. Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương rất lớn, song kinh phí đầu tư có hạn nên có rất nhiều hạng mục công trình dở dang, hoặc ở dạng “dự án treo”. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi: “Nguồn lực đầu tư từ các nguồn cho 33 xã trong 3 năm qua chỉ đáp ứng 7,9% nhu cầu vốn, trong khi đó vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp để thực hiện Chương trình nông thôn mới là chưa đáng kể”(6). Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư làm mới rất ít, chủ yếu là cải tạo, nâng cấp. Các tỉnh DHNTB còn nghèo, điều kiện kinh tế của người dân eo hẹp, các doanh nghiệp nhỏ, làm ăn không thuận lợi, việc kêu gọi sự tham gia đóng góp của họ vào công cuộc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.

Sáu là, việc thực hiện chương trình còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, không sát với nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân. Trên thực tế, ở không ít địa phương xảy ra tình trạng dàn hàng ngang xây dựng NTM, có địa phương lại chỉ chú trọng bề nổi (xây dựng cơ sở hạ tầng) mà chưa quan tâm đúng mức tới nhóm tiêu chí kinh tế (hỗ trợ phát triển sản xuất). Kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội chiếm phần lớn nguồn lực xây dựng NTM, trong khi đó, đầu tư phát triển kinh tế với con số rất "khiêm nhường". Thí dụ ở Phú Yên, trong năm 2013 vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất là 2 tỷ 735 triệu đồng, trong khi đó vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là 85 tỷ đồng.

Để khắc phục những khó khăn, yếu kém nêu trên đòi hỏi các tỉnh DHNTB cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đây là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng NTM. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên thì tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung, tiêu chí chậm, làm giảm niềm tin của quần chúng trong thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM. Do đó, muốn huy động mạnh mẽ sức dân, xây dựng NTM thành công thì ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân thì tinh thần gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu phải được phát huy mạnh mẽ.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong xây dựng NTM. Gắn thông tin, tuyên truyền với tổ chức quán triệt rộng rãi, sâu sắc các chủ trương, chính sách, nghị quyết về xây dựng NTM, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM. Cần xác định rõ mục tiêu và làm cho người dân hiểu Chương trình xây dựng NTM là vì lợi ích của người dân,do người dân quyết định cách làm và được hưởng thụ thành quả từ cách làm đó. Chỉ khi người dân tự giác tham gia thì Chương trình mới thực sự thành công như mong muốn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trên cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định thế mạnh và sản phẩm chủ lực, đảm bảo liên kết vùng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững…Vấn đề hiện nay là nâng cao chất lượng quy hoạch, loại bỏ tư tưởng “phóng” quy hoạch. Cần xây dựng quy hoạch tổng thể của các xã gắn với quy hoạch của huyện, tỉnh và vùng, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trên địa bàn, tránh tình trạng mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm, dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung, nhất là quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cần có quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu là thế mạnh của vùng DHNTB như: mía, sắn, nguyên liệu giấy phục vụ công nghiệp chế biến. Tiếp tục quy hoạch và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi theo phương thức gia trại, trang trại, chăn nuôi tập trung. Quy hoạch và đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở những vùng đủ điều kiện; tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa để nâng cao năng lực khai thác thủy sản xa bờ, xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cụm chế biển hải sản. Ngoài ra, tuỳ vào tình hình thực tế của từng địa phương để quy hoạch xây dựng NTM, nhưng cũng nên có quy hoạch mẫu phù hợp với từng vùng, miềnđể các địa phương nghiên cứu học tập.

Thứ tư, lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế những nội dung, việc làm cần ưu tiên thực hiện trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu về xây dựng NTM, nên lựa chọn một vài vấn đề bức xúc, nhu cầu đầu tư cụ thể, có tính khả thi để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt. Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân cư, xóa đói giảm nghèo giữ vị trí quan trọng hàng đầu, có tính đột phá để chăm lo cho dân và gây dựng lòng tin trong dân.

Thứ năm, cần chú trọng và tăng cường đầu tư cho các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nông sản chủ lực có tính cạnh tranh cao. Để việc đầu tư có hiệu quả thì mỗi xã nên lựa chọn 2, 3 sản phẩm có thế mạnh của địa phương để xây dựng các dự án phát triển sản xuất gắn với đào tạo nghề cho người dân. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư giúp các hộ và tổ chức tiếp cận được các dịch vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và mở rộng hoạt động ngành nghề trên địa bàn. Cần có cơ chế khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi tàu cá có công xuất nhỏ sang công suất lớn “vỏ sắt”, đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (HTX), trong đó đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức, nội dung hoạt động và phương thức quản lý HTX. Để phát triển sản xuất ngoài nguốn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình, các địa phương cần huy động nguồn lực, bố trí lồng ghép các dự án đang triển khai trên địa bàn,khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nhân lực nông thôn. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, việc đào tạo (bao gồm đào tạo nghề cho nông dân, kiến thức tổ chức quản lý kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở), tăng cường lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp – phát triển nông thôn cho cấp xã cần được coi là giải pháp trọng điểm, là khâu ”đột phá” trong giai đoạn tới. Cần có chính sách đặc thù về đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực đối với một số lĩnh vực đang thiếu hụt như: khai thác hải sản xa bờ, cơ khí thủy sản, kiểm ngư, xây dựng nông thônv.v.. Trong đào tạo, phải chú trọng nguồn nhân lực trẻ ở khu vực nông thôn. Việc đào tạo (huấn luyện, dạy nghề) nên đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Trong việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân cần chú ý cả phương tiện kỹ thuật và kỹ năng quản lý, không chỉ chú trọng các loại hình chính quy trên cơ sở phát triển hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, mà đặc biệt quan tâm tới mô hình đào tạo cộng đồng.

Thứ bảy, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, xã. Khẩn trương bổ sung cán bộ chuyên trách cho bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại nhân sự trong tổng biên chế được giao. Từng bước trang bị những kiến thức cơ bản về xây dựng NTM, tạo nền tảng để triển khai thực hiện chương trình thiết thực và hiệu quả. Trưởng Ban quản lý xây dựng NTM của xã có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức, điều hành quá trình xây dựng NTM của địa phương mình.

Xây dựng NTM là chủ trương lớn mang tính lâu dài và phải vượt qua nhiều khó khăn, do đó, cần chọn những người có trách nhiệm với nông dân, gần gũi nông dân là hết sức quan trọng, có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM, tạo sự thuyết phục đối với nông dân.

 

__________________________________

(*) 8 tỉnh: Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận

(1) http://www.baomoi.com/Nhieu-thanh-tuu-trong-xay-dung-nong-thon-moi/45/13646494.epi

(2) http://nongthonmoi.gov.vn/20/523/So-ket-3-nam-thuc-hien-Chuong-trinh-khu-vuc-Dong-Nam-Bo-duyen-hai-Nam-Trung-Bo-va-Tay-Nguyen.htm

(3), (4), (6) UBND tỉnh Quảng Ngãi, BCĐ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (3-2014): Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM (2011-2013).

(5) UBND tỉnh Phú Yên, BCĐ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (17-2-2014): Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM (2011-2013).

TS Phan Thanh Giản

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

 


Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền