Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 10:50
2323 Lượt xem

Tăng cường giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường

(LLCT) - Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên.    

Hiện nay, các vấn đề môi trường toàn cầu, như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, nước biển dâng, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm chất lượng nước của các dòng sông lớn, các thảm rừng chung biên giới... ngày càng ảnh hưởng mạnh, trực tiếp đến môi trường nước ta. Nhận thức rõ vấn đề môi trường với phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước ta sớm quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 36 (25-6-1998) về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhiều chính sách, pháp luật về giải quyết các vấn đề môi trường và liên quan đến BVMT được ban hành. Đặc biệt, ngày 5-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.    

Để thực hiện chủ trương, chiến lược đã đề ra, một yếu tố quan trọng là tăng cường giám sát thực thi pháp luật BVMT, trong đó cần nâng cao hơn nữa vai trò, sự tham gia của nhân dân. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”(1).    

Vấn đề được quy định về nguyên tắc tại một số luật. Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ môi trường”.            

Khoản 2 Điều 5 Luật Tài nguyên nước quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; giám sát việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.           

Mặc dù đã có những tiến bộ trong nhận thức và chủ trương, pháp luật về môi trường, nhưng trên thực tế hoạt động BVMT còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.    

Hoạt động giám sát của Quốc hội            

Từ năm 2002 đến nay, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành các cuộc giám sát thực hiện pháp luật có liên quan đến BVMT: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng(2) (có đánh giá từ năm 1997 - 2010); việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (2009); việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề (2011); việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT (2012).           

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề xuất, chủ động tổ chức các đợt giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT, như: Giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay (2002); về tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ (2004); việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (2006); việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp (2007 - 2008); thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (2004 -  2008)...

Hoạt động giám sát tối cao trên đây đã làm cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về lĩnh vực BVMT; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT trong cán bộ, nhân dân; kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định về BVMT còn bất cập; từng bước ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.        

Tuy nhiên, công tác giám sát tối cao còn những tồn tại: Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BVMT chưa được thường xuyên nên chất lượng nhiều văn bản được ban hành còn hạn chế; nhiều quy định được ban hành còn chậm, còn sơ hở hoặc mâu thuẫn, chồng chéo, khó thực hiện. Thí dụ: Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2005, đến năm 2011 mới có Nghị định 29 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 cho phép xuất khẩu và áp dụng thuế suất 0% đối với tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến cũng là nguyên nhân dẫn đến khai thác khoáng sản bừa bãi, gây tổn thất tài nguyên và tàn phá môi trường,...         

Nguồn nhân lực cán bộ giúp việc cũng như cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội có chuyên môn, am hiểu về pháp luật, về BVMT được bố trí tham gia công tác lập pháp tại các cơ quan của Quốc hội còn ít, có phần ảnh hưởng đến kết quả chất lượng giám sát; Pháp luật chưa quy định đồng bộ vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong giám sát thực hiện pháp luật về BVMT từ cơ sở, cùng các cơ chế hỗ trợ cần thiết về bộ máy, nhân lực và kinh phí hoạt động, bồi dưỡng kỹ năng; Cho đến nay, trong các quy định của Đảng, Nhà nước về “Những điều đảng viên không được làm”, “Những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm” chưa có quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải gương mẫu không tham gia sản xuất, kinh doanh, tặng, cho, sử dụng sản phẩm từ các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy, việc vận động, ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết hại các loài động vật này và chặt phá rừng còn nhiều hạn chế; Việc giám sát thực hiện pháp luật hành chính, hình sự trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT chưa được các cơ quan của Quốc hội quan tâm đúng mức nên ảnh hưởng việc răn đe, phòng ngừa các hành vi này trong xã hội.      

Giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp            

Thực tế công tác giám sát thực hiện chính sách pháp luật về BVMT những năm qua cho thấy, Hội đồng nhân dân các cấp nhìn chung đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trước sức ép tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, hầu hết các địa phương đều phải đối mặt, thách thức với công tác BVMT khi quyết định các dự án đầu tư phát triển kinh tế, như thủy điện, khai thác gỗ, tài nguyên khoáng sản. Những nguyên nhân và hạn chế trong công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp về thực hiện pháp luật về BVMT ở các địa phương là: Chưa có luật quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, trong khi đó đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hầu hết là kiêm nhiệm, không có điều kiện đi sâu tìm hiểu các văn bản, tài liệu cần thiết để thực hiện giám sát có hiệu quả lĩnh vực BVMT. Tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh của lãnh đạo Hội đồng nhân dân các cấp đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoặc khi được lãnh đạo cấp trên tán thành. Thực hiện quyền của Hội đồng nhân dân trong hoạt động và cơ chế giám sát còn khó khăn; Không ít chính quyền địa phương (trong đó có cả một số Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) vì nhu cầu “tăng trưởng nóng” và nhiều lý do khác đã ra văn bản không phù hợp với pháp luật BVMT.

Giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên           

Những năm qua, Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng chính quyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực, phát huy dân chủ ở cơ sở, giám sát, phản biện xã hội. Từ năm 2004, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Nghị quyết liên tịch số 01 về việc phối hợp thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Nghị quyết đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, động viên nhân dân tham gia BVMT. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch, để phát huy hơn nữa hoạt động phối hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, ngày 1-6-2012, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012- 2016. Trong đó, khẳng định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung phối hợp, phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa hai cơ quan.

Mặt trận và các tổ chức thành viên một số nơi đã quan tâm vận động nhân dân xây dựng các hương ước, các mô hình thí điểm động viên nhân dân chủ động không kinh doanh các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ các loài cây, gỗ quý hiếm; vận động nhân dân trồng cây “xanh hóa” khu dân cư, nơi ở, nơi làm việc; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, nguồn năng lượng,...       

Tuy nhiên, trong công tác giám sát thực hiện pháp luật về BVMT trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên còn nhiều khó khăn: Các luật liên quan về BVMT hiện chưa quy định đồng bộ về vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên (ngoài quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước), còn các luật khác chưa có điều quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong giám sát thực thi pháp luật; pháp luật về BVMT hiện hành, kể cả Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012 - 2016 mới quy định về nguyên tắc vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát; chưa quy định cụ thể trình tự, quy trình, cơ chế chính sách tạo điều kiện để hệ thống Mặt trận các cấp tham gia giám sát như thế nào.     

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác hoàn thiện pháp luật, tăng cường giám sát thực thi pháp luật về BVMT; căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, tăng cường giám sát thực thi pháp luật về BVMT theo hướng sau:       

Một là, tăng cường vai trò giám sát tối cao của Quốc hội trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.    

Quốc hội cần quan tâm hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BVMT. Cần rà soát, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong xây dựng pháp luật. Cần bổ sung vào Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, các quy định về vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong giám sát thực thi pháp luật để đồng bộ với Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước.    

  Bám sát các định hướng quy định trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nghiên cứu “luật hóa” các quy định để lồng ghép vào quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về BVMT. Khắc phục những quy định không phù; ngăn ngừa tình trạng sơ hở trong các quy định, dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường, theo các nhóm nội dung như: Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; cải tạo phục hồi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; ứng phó với biến đổi khí hậu...           

Tiến tới xóa bỏ việc sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng... bằng công nghệ cũ, lạc hậu; không cấp phép cho các dự án chưa đảm bảo quy trình đánh giá đầy đủ tác động môi trường, hoặc chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định.  

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác giám sát thực hiện pháp luật về BVMT; thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn giúp việc và đại biểu Quốc hội chuyên trách có năng lực, trình độ, am hiểu pháp luật về BVMT. Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát thực thi pháp luật về BVMT trong các cơ quan của Quốc hội.       

Nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm tra các dự án luật;khắc phục tính chồng chéo, không khả thi trong các quy định. Cần sớm bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế chính sách về bộ máy, nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp trong công tác giám sát thực hiện pháp luật về BVMT.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các cơ quan hữu quan cần tăng cường các hoạt động giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, nhằm tăng cường tính nghiêm minh, đúng pháp luật và răn đe, phòng ngừa.          

Đại biểu Quốc hội cần quan tâm nghiên cứu, tăng cường giám sát, chất vấn trực tiếp hoặc bằng văn bản đối với Chính phủ, thành viên Chính phủ việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT theo lĩnh vực được phân công quản lý nhà nước; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT gây bức xúc xã hội.           

Hai là, Hội đồng nhân dân các cấp cần quan tâm rà soát các quy định còn bất cập trong việc triển khai giám sát thực hiện pháp luật về BVMT ở địa phương.            

Khắc phục tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh của lãnh đạo Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, làm giảm hiệu quả công tác giám sát thực hiện pháp luật ở địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật về BVMT nói riêng.       

Cần đưa ra tiêu chí nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT ở Hội đồng nhân dân các cấp.      

Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc xem xét, quyết định các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn gắn với BVMT, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đi sâu nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của cử tri để tham gia, quyết định hoặc chất vấn lãnh đạo địa phương đối với những vấn đề, dự án vi phạm pháp luật về BVMT. Khắc phục tình trạng “hoạt động hình thức” hay chấp nhận sự “hợp thức hóa” cho những chương trình, dự án có “lợi ích nhóm”, cục bộ địa phương; chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá mà bỏ qua yêu cầu BVMT.    

Ba là, tăng cường vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.    

Cần rà soát, sửa đổi bổ sung vào các đạo luật có liên quan đến BVMT các quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong giám sát thực thi pháp luật, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.  

Rà soát, sửa đổi bổ sung vào các văn bản pháp luật hiện hành những quy định cụ thể về quy trình, trình tự, cơ chế chính sách phù hợp để Mặt trận và các thành viên được thuận lợi khi tham gia giám sát thực hiện pháp luật về BVMT.            

Mặt trận và các tổ chức thành viên cần ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các hương ước, quy ước chấp hành pháp luật về BVMT; xây dựng các mô hình thí điểm trong giám sát thực hiện pháp luật về BVMT ở từng địa phương; động viên cán bộ, hội viên chủ động, gương mẫu không sản xuất, kinh doanh, tặng, cho, sử dụng sản phẩm từ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài cây, gỗ quý hiếm; trồng cây xanh ở khu dân cư, nơi làm việc; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, nguồn năng lượng; hạn chế tiến tới không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày,...    

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xây dựng các văn bản hướng dẫn cho các đơn vị, tổ chức thành viên phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong thực hiện và giám sát thực hiện pháp luật về BVMT đối với từng lĩnh vực và ở các địa phương.            

Các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, chủ động tham gia công tác BVMT với những hình thức, mô hình phù hợp, như: “Câu lạc bộ sống xanh”, “Hội phụ nữ không sử dụng túi ni lon”, “Nhóm bảo vệ động vật hoang dã”, “Nhóm nam giới nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã”,... góp phần làm chuyển biến tích cực đối với vấn đề BVMT.     

 Các tổ chức cần chủ động tham gia các hoạt động giám sát thực thi pháp luật về BVMT của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đặc biệt, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cần tích cực tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri với các vị đại biểu dân cử, nêu những câu hỏi, yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về trách nhiệm trong giám sát thực thi pháp luật BVMT.    

Bốn là, tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý báo chí, đưa ra những định hướng trong truyền thông, đồng thời kịp thời nhắc nhở, hạn chế những bài viết quảng bá sử dụng sản phẩm từ động vật quý hiếm, tàn phá thiên nhiên, đốt phá rừng làm nương rẫy.       

Ngoài ra, cần có những giải thưởng dành cho báo chí có đóng góp cho việc nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân, giám sát, phát hiện những vi phạm pháp luật về BVMT, giúp các cơ quan kịp thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật  

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.42.   

(2) Từ năm 1992- 1997, Chính phủ triển khai Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Quyết định 327. Từ năm 1998 - 2005, Chính phủ điều chỉnh việc trồng rừng theo Quyết định 661 về trồng mới 5 triệu ha rừng. Năm 2006- 2010, Quốc hội ban hành Nghị quyết về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một trong những công trình trọng điểm quốc giao.

 

TS Trần Thị Quốc Khánh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền