Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Ý nghĩa sâu sắc của cụm từ “Phải nhân nhượng” trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (19-12-1946)
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:21
13975 Lượt xem

Ý nghĩa sâu sắc của cụm từ “Phải nhân nhượng” trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (19-12-1946)

(LLCT) - Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiếnđược Hồ Chí Minh viết khi thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược miền Nam được hơn 15 tháng, có mặt ở miền Bắc được hơn 9 tháng; mọi nỗ lực, cố gắng nhân nhượng của Đảng và Hồ Chí Minh để tìm cơ hội hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh đều không mang lại kết quả. Cách duy nhất để giành lấy hòa bình, bảo vệ độc lập là phải đứng lên cầm súng chiến đấu, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1).

Cụm từ phải nhân nhượngđược Hồ Chí Minh sử dụng ngay ở đoạn đầu và lặp lại nhiều lần để lý giải vì sao quân và dân ta phải kháng chiến có sức thuyết phục sâu sắc. Người dùng phải nhân nhượng, không dùng muốn nhân nhượng. Phải nhân nhượngthể hiện sự nhẫn nại nhưng kiên định, nhân nhượng có nguyên tắc theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; là một chủ trương có chủ đích trong đối phó với kẻ thù, xuất phát từ so sánh lực lượng, tình hình thực tế để mong muốn đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, có thêm thời gian xây dựng lực lượng chứ không phải là sự yếu hèn, nhu nhược. Phải nhân nhượngtoát lên khao khát hòa bình đến cháy bỏng của Hồ Chí Minh, đó cũng chính là mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống mà suốt cuộc đời Người nỗ lực thực hiện.

Ngày nay, nhìn lại lịch sử, có thể thấy đằng sau cụm từ phải nhân nhượnglà sự thể hiện:

Thứ nhất, khát vọng hòa bình, cứu dân, cứu nước của Hồ Chí Minh ngay từ khi Người rời Sài Gòn (5-6-1911) ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo là hoài bão giành lấy: “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(2). Trong suốt hành trình bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, Người làm đủ mọi công việc để có thể thực hiện khát vọng lớn đó. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, Người đều không ngừng quan sát, tìm tòi để hiểu được bản chất của tự do, bình đẳng, bác ái ở đất nước khai sinh ra nó, bản chất của chủ nghĩa tư bản, đế quốc, thực dân... Mọi hoạt động của Người đều thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hòa bình, muốn dùng phương pháp hòa bình để đạt được hòa bình. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam doNguyễn Ái Quốc đại diện ký tên được gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ I, họp tại Vécxai (1919) là minh chứng đầu tiên cho khát vọng ấy. Tiếp đó, Người tiếp nhận Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địacủa Lênin (1920), tiếp thu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng, viết sách Bản án chế độ thực dân Pháp (1925),Đường Cách mệnh (1927); sự chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), quá trình lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho tới những nỗ lực ngoại giao của Người trong những năm 1945 - 1946... đều thể hiện khát khao hòa bình của Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam.

Thứ hainỗ lực không ngừng của Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội hòa bình dù là nhỏ nhất, mong muốn giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hòa bình. Minh chứng thực tiễn sinh động nhất là các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nỗ lực ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-1946. Người luôn nỗ lực không mệt mỏi tìm kiếm các cơ sở pháp lý quốc tế có thể mang tới cơ hội hòa bình cho đất nước. Từ tháng 9-1945 đến tháng 2-1946, Người đã tám lần gửi thư, điện, công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu về dân tộc Việt Nam, đề nghị Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam, tố cáo sự quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, các hành động không đúng của lực lượng Đồng minh ở Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Tơruman (24-9-1945), Hồ Chí Minh đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Tổng thống Mỹ can thiệp, thuyết phục người Anh đứng trên cơ sở các nguyên tắc tự do và tự quyết do Hiến chương Đại Tây Dương đề ra để không vi phạm đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe dọa trực tiếp nền an ninh trong nước và là nhân tố làm mất ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á. Sự nỗ lực đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không nhận được hồi âm. Song, chính điều đó đã củng cố những nhận thức, tư duy thực tiễn của Người về con đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập của đất nước.

Người có đối sách hợp lý với từng đối tượng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa kẻ thù để từng bước hiện thực hóa khát vọng hòa bình.Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nền hòa bình, độc lập mới giành được, sự tồn vong của chế độ bị đe dọa trực tiếp. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết cho Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải có sách lược ngoại giao phù hợp, linh hoạt. Người chủ trương: Với quân Trung Hoa Dân quốc - gọi tắt là quân Tưởng thì Hoa - Việt thân thiện, coi Hoa kiều như “dân tối huệ quốc”; với Pháp thì độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Vì thế, khi 20 vạn quân Tưởng cùng tay sai núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam với âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động áp dụng sách lược ngoại giao mềm dẻo giao thiệp thân thiện, nhân nhượng, tránh xung đột theo phương châm hành xử: nếu có đại sự thì biến thành trung sự, trung sự thì biến thành tiểu sự, tiểu sự thì biến thành vô sự; nhân nhượng tất cả những yêu cầu của quân Tưởng về kinh tế, về quân đội, về Đảng, về thành phần Quốc hội, thành phần Chính phủ nhưng với nguyên tắc không làm mất độc lập, chủ quyền. Đối với thực dân Pháp (kẻ thù chính, nguy hiểm nhất, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh), để thực hiện chủ trương độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Trước tình thế Tưởng - Pháp cấu kết với nhau (Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 28-2-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã sáng suốt nhận ra: vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng. Vì thế, giải pháp hòa hoãn, dàn xếp với Pháp, hòa để tiến là hoàn toàn đúng đắn. Điều này thể hiện qua các hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Pháp (ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, thực hiện chuyến thăm nước Pháp từ 31-5 đến 20-10-1946). Từ sách lược ngoại giao đúng đắn, thiện chí, ta đã nhanh chóng đẩy được quân Tưởng về nước, tránh cùng lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù, có thêm khoảng thời gian hòa bình quý báu để củng cố, xây dựng lực lượng, chính quyền non trẻ, nền độc lập mới giành được.

Vì hòa bình, Hồ Chí Minh sẵn sàng trở thành sứ giả cho hòa bình. Chuyến đi thăm nước Pháp của Người là một minh chứng thực tiễn sinh động, điển hình. Người thực hiện chuyến thăm khi đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, cần sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Người; tới ngay quốc gia đã từng thống trị và đang rắp tâm áp đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa; đã từng bị tòa án thực dân Pháp ở Nghệ án kết án tử hình vắng mặt, giờ đây Người lại trở thành thượng khách, lưu lại nước Pháp trong một thời gian rất dài... Người đã tranh thủ tối đa thời gian, thực hiện hơn 60 cuộc tiếp xúc, nói chuyện với các nhân vật nổi tiếng hoạt động trên các lĩnh vực về văn hóa, văn học nghệ thuật, xã hội, khoa học, các chính khách, các tầng lớp, đoàn thể nhân dân Pháp, trả lời phỏng vấn hơn 20 tờ báo của Pháp và các nước, các hãng thông tấn... trong hơn 100 ngày ở Pháp. Trả lời phóng viên Charles Ronsac của báo Franc - Tireur, Người cho biết: Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp. Người đã ký với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Mutê bản Tạm ước 14-9-1946 ngay sau khi cuộc đàm phán chính thức giữa phái đoàn đại biểu Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp tại Fontainebleau kéo dài hơn hai tháng (từ 6-7 đến 10-9) bị đổ vỡ... Tất cả hoạt động ấy thể hiện Hồ Chí Minh luôn nỗ lực để tìm kiếm các cơ hội hòa bình, dù là tạm thời và mong manh.

Thứ ba, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng hòa bình ngay cả khi mọi nỗ lực, nhân nhượng mong tìm kiếm giải pháp hòa bình không thể thực hiện. 

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Với 2 câu, 31 từ, đặc biệt khi dùng cụm từ phải nhân nhượng, càng nhân nhượng trong những dòng mở đầu Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ràng, dứt khoát nguyên nhân, lý do, mục đích cuộc kháng chiến của Việt Nam. Vì khát khao hòa bình, dân tộc Việt Nam dù không muốn nhưng đã phải nhân nhượng.

Việt Nam đã phải nhân nhượng vàcàng nhân nhượngvới Pháp, thể hiện ở những điểm cụ thể: (1) Mặc dù thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam Bộ (23-9-1945), ta vẫn chủ trương vừa chiến đấu vừa cố gắng tìm cách giải quyết bằng giải pháp hòa bình, bằng cách nhân nhượng Pháp về các quyền lợi kinh tế: Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-11-1945); chủ trương hòa hoãn với Pháp: Chỉ thị Tình hình và chủ trươngngày (3-3-1946). (2) Ký Hiệp định Sơ bộ(6-3-1946) từ một quốc giađộc lập, Việt Nam chấp nhận là một quốc gia tự docó nghị viện, chính phủ, quân đội và tài chính riêng nằm trong Liên bang Đông Dương và trong Khối liên hiệp Pháp, đồng ý cho 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc đóng quân ở các vị trí thỏa thuận và sau 5 năm phải rút hết về nước... Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên thể hiện sự nhân nhượng của Việt Nam, nhất là về chính trị với Pháp. Tiếp đó là Chỉ thị Hòa để tiến(9-3-1946). Việt Nam đã phải nhân nhượngquyền độc lập, hòa bình mà lẽ tự nhiên được hưởng với mong muốn đẩy lùi được nguy cơ chiến tranh. (3)Tham gia  Hội nghị trù bị Đà Lạtđể chuẩn bị cho Hội nghị chính thức ở Pari; đặt vấn đề đề nghị Quốc hội, Chính phủ Pháp mời đoàn đại biểu Quốc hội mới của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với mục đích tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hy vọng tìm kiếm cơ hội, giải pháp hòa bình. (4)Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm Pháp hơn 3 tháng với mong muốn làm cho chính giới, nhân dân và dư luận Pháp cũng như thế giới hiểu rõ nguyện vọng hòa bình của Việt Nam. Kết quả là việc ký Tạm ước 14-9-1946với 11 điều khoản cơ bản (nhân nhượng tối đa cho thực dân Pháp về mặt kinh tế, về quân sự, chính trị cơ bản giữ như Hiệp định Sơ bộ 6 - 3 - 1946). Hồ Chí Minh coi việc ký Tạm ướcnhư vừa mới ký vào bản án tử hình của mình. Đây cũng là nhân nhượng cuối cùng vì theo Người, nếu nhân nhượng nữa là phạm đến quyền lợi cao trọng của dân tộc. Vì mong muốn hòa bình, Hồ Chí Minh đã nhân nhượng thực dân Pháp, sẵn sàng chấp nhận bản thân bị thiệt thòi, thậm chí bị cả những đồng chí của Người hiểu nhầm. Sự nhân nhượng đó đã cho Việt Nam một khoảng thời gian hòa bình vô cùng quý giá để củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt chuẩn bị cho cuộc chiến đấu gian khổ, lâu dài không thể tránh được với thực dân Pháp.

Nhưng bất chấp sự hòa hoãn, nhân nhượng của Việt Nam, hành động chống phá, khiêu khích, gây chiến của thực dân Pháp ngày một gia tăng. Ngày 20-11-1946, quân  Pháp tạo cớ để nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ở Hà Nội, quân Pháp nổ súng, đốt nhà Thông tin, chiếm đóng Bộ Tài chính, tàn sát đẫm máu nhân dân ta  ở phố hàng Bún, Yên Ninh. Ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu để Pháp giữ gìn trật tự ở Hà Nội. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải chủ động đứng lên chiến đấu để có hòa bình. Toàn dân Việt Nam cùng đoàn kết, quyết tâm đánh thực dân Pháp bằng mọi biện pháp có thể với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ nước. Đó là sự tiếp nối tinh thần, ý chí: “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh liên tục dùng các từ: phải (phải nhân nhượng, phải đứng lên, phải ra sức, phải hy sinh); nhất định  (nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, thắng lợi nhất định về dân tộc ta). Điều đó cho thấy mối quan hệ biện chứng của chủ trương vừa hòa hoãn, nhân nhượng nhưng cũng kiên quyết chiến đấu để bảo vệ nền độc lập và hòa bình mới giành được của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp, giữ độc lập dân tộc của mọi thế hệ người dân Việt Nam. Toàn văn Lời kêu gọi chỉ 198 từ, nhưng với từ ngữ mạnh mẽ, cô đọng, rõ nghĩa, văn phong mạch lạc, Hồ Chí Minh đã khái quát được: nguyên nhân, mục đích cuộc kháng chiến: vì thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta, ta phải chiến đấu vì hòa bình; chủ trương, đường lối cuộc kháng chiến: tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài để tạo sức mạnh tổng hợp thắng địch; quyết tâm chiến đấu vì có niềm tin vào sự  nghiệp chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng.

Cho đến nay, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiếnkhông chỉ có ý nghĩa mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, lời hịch non sông hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh giặc giữ nước, cứu Tổ quốc lúc lâm nguy, giành lấy hòa bình thực sự cho dân tộc, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh, mà tác phẩm bất hủ của Người vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại. Trong đó ẩn chứa những bài học sâu sắc về: phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh- nhân nhượng trên cơ sở tuân thủ phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến; truyền thống dân tộc- yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu, lòng yêu nước, đoàn kết vượt qua khó khăn gian khổ; sách lược ngoại giao với kẻ thù- khi nào cần cương, khi nào cần nhu, đâu là lúc phải nhân nhượng, nhân nhượng như thế nào và nhân nhượng cái gì để vẫn giữ được hòa bình, độc lập cho dân tộc, lợi ích cho quốc gia; ý chí kiên quyết chiến đấu cùng niềm tin chiến thắngtrên cơ sở của chính nghĩa, chủ động và hiểu biết kẻ thù.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta đã và đang học tập, vận dụng tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh nói chung và trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nói riêng. Đặc biệt, trong giải quyết các vấn đề về lợi ích quốc gia, chủ quyền Tổ quốc như: vấn đề chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông; vấn đề biên giới với Campuchia... Đó là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, không thể nóng vội, cần có sự kiên trì, nhẫn nãi, mềm dẻo, thể hiện rõ thiện chí hòa bình nhưng kiên quyết. Đặc biệt, phải tuân thủ, giữ vững phương châm độc lập, chủ quyền Tổ quốc là bất biến không thể nhân nhượng hay xâm phạm. Thực tế, với sách lược ngoại giao đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, cũng như việc mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, Pháp, Trung Quốc... là minh chứng cho truyền thống nhân văn, khát vọng hòa bình, vì hòa bình của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiếnthể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn cùng khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh và những ý nghĩa của văn kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, thời đại.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.4.

(2) Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.94.

 

TS Nguyễn Thị Mai Chi

ThS Vũ Thị Hồng Dung

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền