Trang chủ    Diễn đàn    Chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng phương Tây cận, hiện đại và những ảnh hưởng tới đời sống xã hội(*)
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 15:59
12454 Lượt xem

Chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng phương Tây cận, hiện đại và những ảnh hưởng tới đời sống xã hội(*)

(LLCT) - Chủ nghĩa cá nhân là một học thuyết triết học chính trị được các nhà tư tưởng chính trị phương Tây nói chung và thời kỳ cận, hiện đại nói riêng quan tâm nghiên cứu. Bài viết này làm rõ quan niệm và bản chất cũng như những tác động, ảnh hưởng đối với đời sống chính trị - xã hội của chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây cận, hiện đại.

 

1. Bản chất của chủ nghĩa cá nhân

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Britannia (Encyclopedia Britannica) định nghĩa: “Chủ nghĩa cá nhân là một học thuyết triết học xã hội và chính trị, hết sức coi trọng tự do cá nhân, nhấn mạnh việc cá nhân tự chi phối bản thân, tự kiểm soát bản thân và không chịu sự chế ước và can thiệp từ bên ngoài. Hệ thống triết học chính trị và xã hội này bao hàm một hệ thống giá trị, một lý luận về tính người, một thái độ, xu hướng và quan niệm chung đối với những hành vi chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo nào đó”(1). Theo quan niệm của các nhà tư tưởng, chủ nghĩa cá nhân từ cận đại đến nay, không chỉ là nguyên tắc đạo đức của giai cấp tư sản, mà còn là hệ thống lý luận về chế độ chính trị, chế độ kinh tế và chế độ văn hóa - tư tưởng của giai cấp tư sản.

Chủ nghĩa cá nhân là một thuật ngữ được dùng để chỉ địa vị xã hội độc lập của con người với vị thế tự do và tự lực của cá nhân, nhất là trên phương diện xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa hoặc đạo đức. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân được bàn đến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cơ bản đều xuất phát và dựa vào hai tính chất cơ bản của chủ nghĩa cá nhân là: sở hữu tư nhân và tự do cạnh tranh trong quan hệ kinh tế - xã hội, đây cũng là hai thuộc tính đặc trưng của nền kinh tế thị trường.

Tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân của giai cấp tư sản nhấn mạnh tầm quan trọng và làm nổi bật cá nhân, lấy xuất phát điểm và sự tồn tại của cá nhân làm nền tảng trung tâm, đóng vai trò quyết định sự phát triển xã hội. Theo họ, chỉ có cá nhân mới là mục đích, còn xã hội chẳng qua là phương thức hay công cụ hỗ trợ thực hiện các mục đích cá nhân. Do đó, bất cứ cá nhân nào cũng đều có quyền độc lập, tự hoàn thiện mình, tự phát triển mình và tự mình đấu tranh giành quyền lợi, xã hội và những người khác không được xem bất cứ cá nhân nào là công cụ để thực hiện mục đích của mình. Khi thừa nhận vai trò cá nhân là nền tảng, là trung tâm, cá nhân là mục đích thì điều này cũng có nghĩa là cá nhân cần tự do và giữa các cá nhân cần có sự bình đẳng. Sự tự do và bình đẳng của cá nhân là quyền “tự nhiên” bất khả xâm phạm.

Quan điểm cá nhân là nền tảng, là trung tâm; chế độ chính trị đa đảng nghị viện và tam quyền phân lập; chế độ sở hữu tư nhân về kinh tế và chủ nghĩa tự do tất yếu đòi hỏi một hệ thống văn hóa tư tưởng đa nguyên thích ứng với chúng. Sự phản ánh của chủ nghĩa cá nhân về tính đa nguyên của chính trị, kinh tế, tư tưởng chính là tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do báo chí... Sự tự do này thiết lập trên cơ sở tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng. 

2. Những ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống chính trị - xã hội

Quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân với chế độ tư bản chủ nghĩa như máu với thịt. Chủ nghĩa cá nhân coi cá nhân là cốt lõi và xuất phát điểm để nhìn nhận các giá trị cao nhất, xã hội chỉ là công cụ để đạt được mục đích cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chủ trương thực hiện bình đẳng và tự do của cá nhân, nhấn mạnh dân chủ tự do, phản đối sự can thiệp của nhà nước đối với những việc thuộc lĩnh vực của cá nhân; chủ trương quyền tư hữu tài sản và kinh tế thị trường tự do (gắn liền với thị trường tự do); thể chế chính trị tương thích với chủ nghĩa cá nhân là chính trị dân chủ tự do; chế độ kinh tế thích ứng với chủ nghĩa cá nhân là kinh tế thị trường tự do. 

Người có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân thế kỷ XVII là Thomas Hobbes, nhà triết học người Anh. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa vị kỷ cực đoan (người phương Tây gọi là chủ nghĩa cá nhân cấp tiến), xuất phát từ quan điểm bản tính của con người là tư lợi, Hobbes đã luận chứng lý luận “người đối với người là sói” và “chiến tranh tất cả mọi người chống lại tất cả mọi người”, từ đó hình thành hệ thống lý luận trình bày trong “Leviathan”, trong đó, ông nhấn mạnh quân chủ lập hiến, nhấn mạnh sức mạnh của nhà nước. Hobbes đã chỉ ra cơ sở xã hội quyền lực là chủ nghĩa cá nhân ích kỉ (egoism), lúc đó nhà nước không còn là cái tôi lớn của mỗi người, không có bất cứ giá trị ý nghĩa nào cả, mà chỉ là một công cụ, chỉ là nơi để cho các cá nhân tranh giành quyền lợi riêng tư. Trong xã hội như thế, mọi người có quan hệ với nhau chỉ vì lợi ích riêng. Thị trường và quyền lực trở thành phương tiện để mọi người giao dịch vì lợi ích riêng tư. Quan điểm của Hobbes vẫn mang sắc thái quân chủ quý tộc, chưa khẳng định một cách mạnh mẽ cá nhân và lợi ích của giai cấp tư sản, nên không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của giai cấp tư sản lúc bây giờ.

Quan điểm của Hobbes đã gặp phải sự phê phán của John Locke, John Locke đã phân tích những ảnh hưởng của lý luận đạo đức chính trị ở phương Tây xuất phát từ luận điểm “nhân quyền tự nhiên” và “lý luận khế ước” để giải thích sự tự do, bình đẳng và quyền lợi... của cá nhân (trên thực tế là của giai cấp tư sản); đồng thời chỉ ra trách nhiệm của xã hội và nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người. Luận điểm cơ bản của John Locke là: khi người làm luật có ý tước đoạt và phá hoại tài sản của nhân dân hoặc thông qua sự tùy tiện của quyền lực mà hạ thấp địa vị của nhân dân giống như nô lệ, thì chính nhà làm luật tự làm cho bản thân mình nằm trong trạng thái chiến tranh với nhân dân. Điều này cho thấy, Locke nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của cá nhân.

Thế kỷ XVIII, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản đã xuất hiện các đại biểu điển hình về tư tưởng chủ nghĩa cá bao gồm “tư tưởng khai sáng” của phái “Bách khoa toàn thư”, học thuyết “Tam quyền phân lập” của Montesquieu, “Bàn về tính người” của David Hume và lý luận “Bàn tay vô hình” của Adam Smith. Trên thực tế, tư tưởng về chủ nghĩa tư lợi do Helvetius, Holbach nêu lên chính là từ một phương diện cực đoan để thể hiện sự nhìn nhận cơ bản của chủ nghĩa cá nhân của giai cấp tư sản đối với nhân tính (tính người) và quan hệ giữa con người và con người. Học thuyết Tam quyền phân lập của Montesquieu vừa là sự kế thừa tư tưởng “phân quyền” của Locke, vừa là một sự khái quát mới đối với thể chế chính trị dân chủ của chủ nghĩa tư bản. Học thuyết của ông là sự phản ánh tập trung chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng chính trị và thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Đây là điều mà David Hume đã chỉ ra trong tác phẩm “Bàn về tính người”, đó là: nhân dân không nhất định chịu sự quản lý và chế ước của thể chế hay quy định nào, mà là chịu sự chi phối và chế ước từ lợi ích cá nhân. Lý thuyết “Bàn tay vô hình” của A. Smith chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng David Hume. A. Smith chỉ ra: “Cái mà mỗi người tính toán chỉ là lợi ích của người ấy. Trong trường hợp này, giống như cá nhân ấy trong nhiều trường hợp khác, người đó dưới sự hướng dẫn của bàn tay vô hình để cố gắng đạt tới mục đích mà anh ta mong muốn”(2). Theo Adam Smith, “con người kinh tế” là động lực thúc đẩy cá nhân hành động và là cái tạo nên sự phát triển của xã hội. Theo ông, con người về bản chất rất thiếu động lực, họ chỉ hành động khi có áp lực của hoàn cảnh, lúc đó con người mới có thể hành xử có tính toán nhằm đạt được mục đích của mình. Thậm chí, A. Smith cho rằng tinh thần của chủ nghĩa cá nhân là một hệ thống mà những con người tồi có thể gây ra ít điều tồi tệ nhất. 

Một số nhà tư tưởng ở phương Tây cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là thuật ngữ được sử dụng lần đầu bởi những người theo chủ nghĩa Saint - Simon. Họ sử dụng từ này là để thể hiện một tư tưởng đối lập với từ chủ nghĩa xã hội. Mô tả nguyên nhân của sự phân rã xã hội Pháp sau Cách mạng 1789, họ cho rằng, “chủ nghĩa cá nhân” là một hình thức của “chủ nghĩa vị kỷ” hoặc “vô chính phủ” hay “là sự bóc lột tàn nhẫn giữa con người với chính con người trong xã hội công nghiệp hiện đại”. Trên thực tế, những người theo chủ nghĩa Saint Simon dùng từ chủ nghĩa cá nhân nhằm mô tả chế độ chính trị, kinh tế tư bản chủ nghĩa là cái mà chủ nghĩa xã hội phản đối. Xuất phát từ nguyên nhân này mà một số nhà tư tưởng phương Tây đã chia chủ nghĩa cá nhân thành: “chủ nghĩa cá nhân chân thực” và “chủ nghĩa cá nhân không chân thực” (hay giả). Theo họ, chủ nghĩa cá nhân mà Locke, Adam Smith, Tocqueville khởi xướng nên là “chân thực” và “chính thống”, còn chủ nghĩa cá nhân mà J. Rousseau mà một số nhà tư tưởng khác khởi xướng, do chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lý tính Descartes, khả năng cuối cùng sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội, vì thế là “không thật”, là “phi chính thống”. Những luận giải này là quan trọng để hiểu được thực chất về chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của giai cấp tư sản và những ảnh hưởng của nó trong đời sống kinh tế và xã hội ở các nước tư bản.

Từ nửa sau thế kỷ XIX, ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân ngày càng lớn mạnh và đã xuất hiện những nguy cơ mới mà chủ nghĩa tư bản đối mặt. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, nhà triết học theo chủ nghĩa thực dụng John Dewey (người Mỹ) chủ trương cần sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân mới” để thay thế cho “chủ nghĩa cá nhân cũ”. Theo Dewey, “văn hóa tiền tệ” trong đời sống với mong muốn “kiếm tiền”, “hưởng thụ nhiều hơn” đã tạo nên sự méo mó của nhân tính, làm cho “chủ nghĩa cá nhân cũ” đã không còn phù hợp với bối cảnh mới nữa. Nhưng bên cạnh đó, “công ty cổ phần” và “liên hợp hóa” đã rất phổ biến trong đời sống, làm cho chủ nghĩa tập thể có ảnh hưởng lớn đối với cơ hội, sự lựa chọn và hoạt động của cá nhân. Trong bối cảnh này, lựa chọn “chủ nghĩa cá nhân mới” là con đường tốt nhất để bổ sung những thiếu sót của “chủ nghĩa cá nhân cũ”. Theo Dewey, vừa thừa nhận “chủ nghĩa cá nhân cũ” “đã phá sản”, vừa phủ nhận sự lỗi thời của chủ nghĩa cá nhân; cho rằng, nội dung của chủ nghĩa cá nhân không phải là cái “tĩnh”, giữ nguyên không thay đổi, mà là có thể thông qua việc đổi mới và cách tân không ngừng để vừa có được hình thức mới, vừa có được sức sống mới.

Tư tưởng này của Dewey có tính đại diện tiêu biểu ở  phương Tây hiện đại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ nơi mà chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng và thể hiện rõ nhất. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thì những nguy cơ tiềm tàng trong lòng xã hội ngày càng thể hiện rõ nét. Điều này thúc đẩy các nhà tư tưởng tư sản đi tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Giống như Dewey, có nhà tư tưởng hy vọng “cải tạo” chủ nghĩa cá nhân, nhưng cũng có một số người, từ những góc độ khác nhau phê phán chủ nghĩa cá nhân, thậm chí coi chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên dẫn đến những “căn bệnh” của chủ nghĩa tư bản. Xu hướng phát triển chung của chủ nghĩa cá nhân hiện đại không phải là lặp chủ nghĩa cá nhân cũ, cũng không phải vứt bỏ chủ nghĩa cá nhân, mà là tìm kiếm cơ hội phát triển của chủ nghĩa cá nhân mới trong điều kiện và bối cảnh mới, điều này phù hợp với xu hướng phát triển chung của chủ nghĩa tư bản.

3. Phê phán những ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân

Chủ nghĩa cá nhân khi nó mới ra đời là một trào lưu tư tưởng mới nổi của thời đại, vì thế không thể phủ nhận nó có ý nghĩa tiến bộ phù hợp yêu cầu của thời đại sản sinh ra nó. Ngay từ khi nó ra đời, thì những ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân đối với đời sống chính trị - xã hội có tính hai mặt: vừa có mặt thúc đẩy sự phát triển của xã hội, vừa có mặt cản trở sự phát triển của xã hội.

Những người phê phán chủ nghĩa cá nhân cho rằng bên cạnh những điểm tích cực thì nó cũng thể hiện sự tiêu cực trong một số xã hội và môi trường nhất định, đó là những nơi xem chủ nghĩa cá nhân gắn liền với chủ nghĩa vị kỷ.  Theo họ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan có thể làm tổn thương chính bản thân cá nhân. Cho dù những người cổ vũ chủ nghĩa cá nhân luôn khẳng định sự khác biệt giữa nó với chủ nghĩa vị kỷ. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa cá nhân, Tocqueville đã từng khẳng định: Chủ nghĩa cá nhân do chỉ quan tâm đến mình, làm cho mỗi một công dân xa rời đại chúng, thân hữu bạn bè, từ đó làm xói mòn đạo đức xã hội, theo thời gian sẽ phá hoại tất cả truyền thống tốt đẹp khác, cuối cùng biến thành chủ nghĩa vị kỷ.

Một số học giả phương Tây thừa nhận, giống như Alexis de Tocqueville, Émile Durkheim, giới tư tưởng Hoa Kỳ cuối cùng đã thấy được rằng, chủ nghĩa cá nhân làm gia tăng cá thể hóa và phân rã tổ chức xã hội. Xã hội không còn là đoàn thể được hợp thành từ ý chí chung và lợi ích chung của mọi người(3).

Nghiên cứu về chủ nghĩa cá nhân có thể lý giải vai trò và ảnh hưởng của nhà nước tư sản. Theo đó, trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội muốn tồn tại đòi hỏi phải dựa vào sự cạnh tranh các thành viên. Sự phát triển của bất cứ cá nhân nào đều cần phải dựa vào sự đấu tranh của bản thân mình và coi người khác là kẻ thù, nếu không, bản thân sẽ bị người khác loại bỏ. Tocqueville đã từng cảnh báo cái mà chế độ chuyên chế thích nhất là chủ nghĩa vị kỷ, bởi vì chủ nghĩa vị kỷ làm cho giữa người với người tách rời nhau, sự tách rời này là bảo đảm tin cậy nhất cho sự tồn tại lâu dài của chế độ chuyên chế. Tương tự, trong xã hội dân chủ, bình đẳng thường đồng thời với việc tạo ra chủ nghĩa cá nhân thì cũng đồng thời thúc đẩy chuyên chế làm tách rời mối quan hệ giữa người và người, còn bình đẳng lại làm cho họ cạnh tranh lẫn nhau, không cho phép họ có sự kết hợp và mối liên hệ chung.

Phê phán chủ nghĩa cá nhân dưới tác động biến dạng của nền kinh tế thị trường hiện đại, Dumont đã chỉ ra chính sự cạnh tranh tàn khốc của thị trường khiến cho các cá nhân bị giải thể, lại bị ném vào xã hội, trở thành những cá nhân cô đơn không nơi nương tựa. Các cá nhân đó mất đi mọi sự bảo hộ của cộng đồng, không thể tự mình đối diện với mọi áp lực đến từ xã hội, mà mọi vấn đề xã hội cũng bị giản lược hóa thành vấn đề sinh tồn cá nhân, để cá nhân một mình gánh vác, cá nhân đã thành một áp lực lớn gồm những con người yếu đuối thảm hại, trở thành lực lượng khiến xã hội lo âu và bất an. Sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ làm cho xã hội mất đi cảm giác về sự an toàn và sự xác định. Sau khi các cộng đồng xã quần đóng vai trò bảo hộ con người bị thủ tiêu hết, con người chỉ còn biết tự bảo vệ mình. Kết quả của sự tan rã của cái tôi lớn nằm trong các cộng đồ0ng thì các cái tôi nhỏ bé tự nó tha hóa(4).

Từ sự phân tích ở trên có thể thấy, tư tưởng chủ nghĩa cá nhân của giai cấp tư sản là con dao hai lưỡi. Thời kỳ đầu, nó hỗ trợ tạo ra giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, còn trong quá trình phát triển, lại không ngừng làm khó giai cấp tư sản và không ngừng làm xói mòn xã hội tư bản, làm cho xã hội tư bản rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn. Nhiều học giả có lương tri ở xã hội phương Tây đã thể hiện một sự thất vọng sâu sắc đối với chủ nghĩa cá nhân, thậm chí không còn đặt hy vọng vào hệ thống ý thức hệ hay văn hóa chủ nghĩa tư bản mang tính chất chủ nghĩa cá nhân nữa, mà là cố gắng tìm kiếm loại hình văn hóa mới thay thế cho văn hóa chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội. Nó là động lực dẫn dắt con người cá nhân hành động vì lợi ích duy lý, nhưng trong nhiều trường hợp nó là nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội nếu như lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường không thể thiếu được nhân tố chủ nghĩa cá nhân, bởi vì, mặc dù mang tính lợi ích cá nhân nhưng lại có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của cộng đồng và những lợi ích của nhóm. Ở nhiều nước, chủ nghĩa cá nhân có tầm ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Nghiên cứu những ưu điểm, hạn chế dưới ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa cá nhân trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đặt ra hết sức cần thiết.

Ở Việt Nam, cùng với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa cá nhân là một thực tế hiện hữu. Làm thế nào để phát huy vai trò của cá nhân với tư cách là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hạn chế những mặt trái của chủ nghĩa cá nhân là vấn đề quan trọng để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam vận hành có hiệu quả hiện nay. Từ cả góc độ chính trị và kinh tế - xã hội, cần tiếp tục nghiên cứu để giải mã sự tác động của chủ nghĩa cá nhân đối với đời sống chính trị - xã hộ.

_________________________

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển và khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) trong đề tài “Chủ nghĩa cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, mã số I4-5-2013.09.

(1) https://www.britannica.com.

(2) Adam Smith (1776),  An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, CreateSpace Independent Publishing Platform (November 1, 2018).

(3) Robert Nisibert (1982), Prejudices: A Philosophical Dictionary, Harvard University Press, pp.184-186.

(4) Dumont, Louis (1992), Essays on Individualism: Modern Ideolog, Chicago: University of Chicago.

Tài liệu tham khảo:

1. John C. Bennett: Tương lai của chủ nghĩa tư bản, New York, 1967, tr.162.

2. Claeys, Gregory (1986), Individualism, Socialism, and Social Science: Further Notes on a Process of Conceptual Formation, 1800-1850, Journal of the History of Ideas, 81-93).

3. Koenraad W. (1962), Individualism in the Mid-Nineteenth Century (1826-1860), Journal of the History of Ideas (23), p.77-90.

4. Renaut, Alan (1999), The Era of the Individual, Princeton, NJ: Princeton University Press.

5. Rand, Ayn (1961), Elements of Individualism, Princeton Press.

6. Ronald Scollon (2001), Intercultural Communication, Blackwell Publishing.

 

TS Tống Đức Thảo

TS Trần Mai Hùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

TS Tống Đức Thảo

TS Trần Mai Hùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền