Trang chủ    Diễn đàn    Phương thức tiếp nhận văn hóa phương Tây của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:59
9423 Lượt xem

Phương thức tiếp nhận văn hóa phương Tây của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(LLCT) - Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông đã thúc đẩy quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây của sinh viên nhanh chóng và phong phú hơn về nội dung cũng như hình thức tiếp nhận. Quá trình này không chỉ diễn ra trên giảng đường đại học mà còn thẩm thấu trong tất cả những hoạt động sống và học tập của sinh viên, tạo nhiều thuận lợi cho giao lưu văn hóa. Trong nhiều phương thức tiếp nhận văn hóa, internet với các tính năng ưu việt là phương thức được sinh viên sử dụng nhiều nhất để tiếp nhận văn hóa.

1. Lý luận về tiếp nhận văn hóa

Thuật ngữ “Tiếp nhận văn hóa” được hiểu theo nhiều nghĩa:

Thứ nhất,đó là sự tiếp nhận của một nền văn hóa đối với một nền văn hóa có ưu thế hơn. Theo Từ điển Bách khoa Văn hóa học: Tiếp nhận văn hóa (L.adcultura. P.Acculturation) là quá trình một nhóm sắc tộc tiếp nhận văn hóa của một nhóm sắc tộc khác tiến bộ hơn trong tiến trình giao lưu văn hóa giữa hai bên. Tiếp nhận văn hóa là một hình thái truyền bá văn hóa. Tiếp nhận văn hóa chủ yếu dùng để chỉ những thay đổi về văn hóa của những xã hội chưa công nghiệp hóa diễn ra do ảnh hưởng của xã hội phương Tây đã công nghiệp hóa. Thí dụ như tác động của nền văn hóa Hoa Kỳ đến những nhóm thổ dân Anhđiêng Bắc Mỹ(1).

Thứ hai, tiếp nhận văn hóa nằm trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Tiếp nhận văn hóa không chỉ vùng ngoại vi tiếp nhận văn hóa của vùng trung tâm mà vùng trung tâm cũng có thể tiếp nhận văn hóa của vùng ngoài vi. Trong quá trình tiếp nhận, các vùng văn hóa hay các nền văn hóa, bên trao và bên nhận có ảnh hưởng, học hỏi lẫn nhau. Tiếp nhận văn hóa phụ thuộc vào chủ thể, nhu cầu và cơ sở tiếp nhận.

Tiếp nhận văn hóa là việc nhận những yếu tố văn hóa ngoại sinh vào văn hóa nội sinh của một nền văn hóa hoặc của nhóm người hay của cá nhân. Quá trình đó bao gồm cả tiếp nhận các giá trị văn hóa và những thứ không là giá trị văn hóa. Để nhận biết quá trình đó tiếp nhận các giá trị văn hóa hay không cần xem xét, đánh giá sự phù hợp của các giá trị đó với đối tượng và văn hóa cộng đồng nơi tiếp nhận.

Tiếp nhận giá trị văn hóa là quá trình đòi hỏi các chủ thể phải thực hiện qua nhiều bướcnhư: tìm kiếm,lựa chọn, chấp nhận, phản biện, đánh giá các giá trị.Một sự vật, hiện tượng văn hóa có giá trị với đối tượngkhi nó phù hợp với nhu cầu, lợi ích của đối tượng đó. Tuy nhiên, phảicó sự phản biện đối tượngmới phát hiện ra những nội dung tích cực hay tiêu cực, phù hợp hay không của sự vật, hiện tượng văn hóa với nhu cầu, lợi ích của đối tượng, từ đó cân nhắc, bổ sung những yếu tố phù hợp. Quá trình này làm mới hiện tượng văn hóa tạo nên sự tiếp biến trong văn hóa.

Như vậy, tiếp nhận văn hóa là giai đoạnnằm trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các nền văn hóa với nhau.Nền văn hóa tiếp nhận có thể tiếp thu, ảnh hưởng nguyên si hay được “bản địa hóa” các yếu tố ngoại lai, tạo nên cái mới so với nền văn hóa trước đó.

Văn hóa phương Tây hình thành trong xã hội công nghiệp hiện đại, có sức lan tỏa lớn với các đối tượng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam. Trong tiếp nhận văn hóa phương Tây, động cơ của từng cá nhân, tầng lớp xã hội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng, miền xuất thân của chủ thể, do đó nhận thức và thực hiện các hành vi văn hóa phương Tây là khác nhau giữa họ. Động cơ và khả năng tiếp nhận văn hóa phương Tây của các chủ thể chủ yếu mang tính chủ quan, dẫn đến hành vi thể hiện văn hóa đã tiếp nhận có thể diễn ra đều đặn hoặc thay đổi tùy theo tình huống và phụ thuộc tùy từng cá nhân. Hành vi thể hiện mức độ tiếp nhận văn hóa phương Tây rất khó tách biệt với những hành vi khác do sự tác động, đan xen của nhiều yếu tố. Năng lực thực hiện hành vi văn hóa còn chịu sự tác động và chi phối của hệ thống xã hội, hệ thống các tổ chức mà cá nhân đang hoạt động tạo điều kiện hay hạn chế hành vi thể hiện văn hóa đó.

Trong quá trình tiếp nhận văn hóa, cần xét đến thái độ của chủ thể tiếp nhận văn hóa gắn với bối cảnh lịch sử. Chủ thể tiếp nhận yếu tố ngoại sinh có thể tự nguyện hoặc bị cưỡng bức. Tự nguyện là khi giao lưu văn hóa diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các bên. Cưỡng bức là khi bên mạnh xâm lược, xâm chiếm, áp đặt các chính sách của mình với bên yếu. Tiếp nhận văn hóa còn cần chú ý đến mức độ tiếp nhận. Mức độ tiếp nhận dựa trên nhu cầu, trình độ, khả năng và sự thích ứng của chủ thể tiếp nhận. Từ đó để thấy được tiếp nhận nguyên si hay tiếp nhận có biến đổi, có sáng tạo. Ngoài ra, các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến quá trình tiếp nhận cũng quy định tính chất và năng lực tiếp nhận.

Để nhận diện văn hóa phương Tây trong hành vi văn hóa của sinh viên cần lý giải và tiếp cận từ nhiều góc độ đối với mỗi hành vi. Trước hết, cần phải coi mỗi một hành vi văn hóa của họ là có chủ đích và tương thích với điều kiện khách quan. Tính chủ đích trong hành vi văn hóa của họ có được từ sự trải nghiệm văn hóa phương Tây và dần dần hình thành vốn sống. Khi việc tiếp nhận và trải nghiệm chuyển thành các kỹ năng thì bản thân chủ thể sẽ sản sinh ra hành động phù hợp với mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Trong quá trình tích lũy vốn sống, những hành vi đã thấm nhập văn hóa phương Tây của cá nhân, cộng đồng xã hội phần lớn ở trong tình trạng “bị động”. Chỉ khi được chuyển sang tập hợp các phương thức thực hiện hoạt động văn hóa thì những gì họ tiếp nhận được mới thực sự mang tính chủ động (chuẩn bị hành động), thể hiện rõ qua: sở thích, xu hướng và sự lựa chọn hành động. Trong quá trình hình thành hành vi văn hóa có chứa đựng văn hóa phương Tây, chủ thể tiếp nhận văn hóa mới huy động toàn bộ vốn hiểu biết trong trải nghiệm để lựa chọn phương thức và cách thức thể hiện hành vi văn hóa riêng. Như vậy, tập hợp các phương thức thể hiện hành vi văn hóa thực hiện bước chuyển “cái quá khứ” hay “cái đã trải nghiệm” thành “cái tương lai” hay đúng hơn là “cái sắp phải xảy ra” gần như mang tính “tự nhiên”.

2. Phương thức tiếp nhận văn hóa phương Tây của sinh viên Việt Nam hiện nay

- Thông qua internet

Internet thể hiện rõ vai trò như là một công cụ hữu hiệu để phổ biến văn hóa, những giá trị của nhân loại đã tích lũy qua hàng nghìn năm lịch sử. Internet giúp cá nhân, xã hội, cộng đồng, quốc gia lưu trữ dữ liệu, làm cho sự tác động và ảnh hưởng của thông tin vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, internet trở thành kênh chủ yếu đưa văn hóa phương Tây đến với sinh viên.

Kết quả điều tra của một nghiên cứu gần đây(2) cho thấy, số sinh viên thường xuyên truy cập internet chiếm 86,1% trong tổng số mẫu điều tra. Điều này cho thấy khả năng giao lưu và tiếp nhận các thông tin về văn hóa qua mạng truyền thông internet là rất lớn. Trong đó, sinh viên tiếp cận internet bằng ngôn ngữ Âu Mỹ với mức độ thỉnh thoảng là 49%, thường xuyên là 19%. Các nội dung tiếp nhận thường liên quan đến văn hóa Âu Mỹ như: ngôn ngữ, phim ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực, thông tin thời sự, thông tin về đất nước, cơ hội về việc làm và học tập...

Nhu cầu và năng lực của cá nhân ảnh hưởng đến khả năng và mục đích sử dụng internet của sinh viên. Trong tổng mẫu điều tra có 1/5 số sinh viên sử dụng ngoại ngữ để có thể truy cập internet thường xuyên. Số sinh viên còn lại chủ yếu họ tiếp nhận thông tin từ internet bằng tiếng Việt. Có sự tương quan giữa mức độ sử dụng internet với xuất thân vùng, miền của sinh viên. Sự khác biệt có ý nghĩa trong kết quả điều tra của chúng tôi là sinh viên xuất thân từ nông thôn miền núi, trung du, ven biển (2.6/4.0 điểm) truy cập internet bằng ngoại ngữ ít hơn so với sinh viên xuất thân từ đô thị (2.9/4.0 điểm).

Internet là phương tiện giúp sinh viên khám phá, thử nghiệm, sáng tạo, tiếp cận những nền văn minh của thế giới và đáp ứng nhu cầu giải trí với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Thông qua các ứng dụng phần mềm có sử dụng mạng internet, sinh viên có thể gặp gỡ, nói chuyện với người thân, bạn bè ở nơi xa, giao lưu, kết bạn với nhiều người ở trong nước và trên thế giới, tạo được nhiều mối quan hệ xã hội. Sau giờ học, với mạng internet sinh viên có thể nghe nhạc, xem phim, trao đổi, kết nối với bạn bè, tạo niềm vui...., đáp ứng nhu cầu giải trí và học tập. Nhiều sinh viên từ các trường đại học đã lập ra những trang mạng xã hội nhằm giúp đỡ nhau học tập ngoại ngữ. Các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa cũng phát triển mạnh và rộng hơn khi có sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội. Mật độ văn hóa phương Tây dày đặc trên internet, nội dung phong phú, hấp dẫn nên mức độ truy cập của sinh viên rất cao, đáp ứng những nhu cầu về giải trí, học tập trong cuộc sống của sinh viên (âm nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực, học ngoại ngữ, tham gia lễ hội...). Đây được xem là phương thức tiếp nhận văn hóa chủ yếu của sinh viên.

- Thông qua sách, báo, truyền hình, phát thanh

Sách về văn hóa phương Tây ở Việt Nam đến với các bạn trẻ ban đầu là truyện, các tác phẩm văn học. Ở trường đại học, sinh viên được tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua tri thức của các ngành khoa học: triết học, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, nhân học, sử học... Đó là những kiến thức chung của nhân loại và có nguồn gốc từ phương Tây. Loại sách mà sinh viên hay tìm đọc thường là sách văn học, sách hướng nghiệp, sách về kỹ năng trong cuộc sống. Lý do sinh viên tìm đọc những cuốn sách này bởi nội dung sách hay, phù hợp với trình độ và nhu cầu của giới trẻ và được quảng bá, tuyên truyền rộng rãi. Tuy nhiên, hiện nay, sinh viên dành thời gian cho việc đọc sách không nhiều so với việc đi làm thêm, vui chơi giải trí, truy cập internet tìm hiểu các vấn đề của cuộc sống, xem truyền hình... Vì vậy, không phải sinh viên nào cũng tiếp nhận văn hóa phương Tây từ sách.

Báo, phát thanh, truyền hình là những phương tiện truyền tải thông tin vô cùng phong phú, đa chiều, thỏa mãn nhu cầu thông tin của sinh viên. Qua đó, sinh viên hiểu biết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của phương Tây. Nhiều sinh viên thích đọc báo, nhưng chủ yếu là báo online. Các trang báo thường được sinh viên truy cập chủ yếu là Vietnamnet, Dân trí, Tuổi trẻ online...

Kết quả điều tra cho thấy, đại bộ phận sinh viên có đọc báo, trong đó, sinh viên đọc báo bằng tiếng Việt ở mức độ thường xuyên là 55,6%, thỉnh thoảng là 28,5%, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ Âu Mỹ đọc báo là 11,3%, thỉnh thoảng đọc là 26,8%. Điều này cho thấy năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên trong việc đọc còn khá khiêm tốn.

Truyền hình là kênh chứa đựng nhiều nét văn hóa phương Tây, cả trong nội dung và hình thức thể hiện với các kênh chiếu phim, ca nhạc, thể thao, thời trang, thời sự... của Âu Mỹ như: HBO, Discovery, Movies, Cinemax, CNN, Star Wold, MTV... Ngoài ra, trên các kênh khác có chiếu các chương trình về văn hóa phương Tây như: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6, Today, ANTV... Sinh viên thường xuyên xem tivi bằng kênh tiếng Việt có 60,6%, thỉnh thoảng có 29,6%. Chỉ có ít sinh viên rất hiếm xem và không bao giờ xem ti vi. Đối với kênh bằng ngôn ngữ Âu Mỹ, sinh viên thường xuyên xem có 20,1%, thỉnh thoảng có 41,6%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, đài phát thanh là phương tiện ít được sinh viên sử dụng để tiếp nhận văn hóa. Có 36% sinh viên thường xuyên nghe đài bằng tiếng Việt, 33,8% sinh viên thỉnh thoảng nghe. Nghe đài bằng ngôn ngữ Âu Mỹ có 10% sinh viên thường xuyên nghe, 25% sinh viên thỉnh thoảng nghe(3).

Như vậy, tuy là sản phẩm của truyền hình, phát thanh nhưng phương tiện mà sinh viên thường hay lựa chọn để đón nhận lại là internet. Sự bùng nổ của truyền thông làm tăng khả năng cập nhật những thông tin về văn hóa phương Tây đến sinh viên, định hướng theo những giá trị văn hóa mới có tính chất toàn cầu.

- Thông qua nhà trường, gia đình, bạn bè và xã hội

Một số trường đại học có các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các nước châu Âu và Bắc Mỹ là có học bổng cho sinh viên Việt Nam sang nước ngoài học như: Đại học Quốc gia, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Luật, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương... Sinh viên học giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ sẽ có cơ hội nhận học bổng đi học. Do có động lực về việc đi du học, sinh viên sẽ chủ động học ngoại ngữ, tìm hiểu các thông tin về đất nước mà họ muốn đến học, trong đó có tìm hiểu văn hóa. Ngoài ra, nhiều trường đại học có chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo ở các nước Âu Mỹ là đưa sinh viên nước ngoài đến học và giao lưu với sinh viên. Qua đó, sinh viên hiểu biết thêm và ít nhiều tiếp nhận văn hóa Âu Mỹ.

Một số hoạt động văn hóa, thể thao trong nhà trường cũng là môi trường để sinh viên tiếp nhận văn hóa phương Tây. Đó là những hội diễn giao lưu văn nghệ, truyền thông về văn hóa... Trung ương Hội Sinh viên phát động phong trào “sinh viên 5 tốt”, trong 5 tốt đó có tiêu chí sinh viên chủ động hội nhập quốc tế. Trong quá trình tổ chức các hoạt động hướng đến chủ động hội nhập quốc tế cho sinh viên, Hội đã đưa nội dung giao lưu văn hóa, hỗ trợ học ngoại ngữ. Đây là một trong những hoạt động có định hướng giúp sinh viên hiểu biết thêm về văn hóa phương Tây.

Đội ngũ giảng viên của các trường đại học ở các thành phố lớn phần lớn có điều kiện học tập, làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài. Những hiểu biết trực tiếp, gián tiếp về văn hóa phương Tây của giảng viên đã được họ chia sẻ trên giảng đường, trong cuộc sống cho sinh viên. Không chỉ kiến thức mà phong cách ăn mặc, đi lại, ngôn ngữ của giảng viên cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Việc tiếp nhận văn hóa phương Tây của sinh viên còn thông qua bạn bè trong lớp, trong trường, ngoài trường, từ thế hệ này đến thế hệ kia, lớp sau ảnh hưởng từ lớp trước. Việt Nam là nơi thu hút nhiều khách nước ngoài đến thăm, học tập, làm việc, du lịch, trong đó có nhiều khách từ phương Tây đến. Sinh viên có ngoại ngữ giỏi có thể làm việc, giao lưu, trò chuyện cùng với người nước ngoài, đặc biệt là tại các trung tâm ngoại ngữ. Qua quan sát thực tế, qua tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, sinh viên có thêm hiểu biết và có những ảnh hưởng nhất định. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ sinh viên nói chuyện trực tiếp với người đến từ các nước Âu Mỹ là 7,9%, thỉnh thoảng là 22,9%. Tỷ lệ sinh viên sống, học tập, làm việc cùng với người đến từ các nước Âu Mỹ thường xuyên là 5,9%, thỉnh thoảng là 11,6%. Tỷ lệ sinh viên tới các nước Âu Mỹ du lịch, học tập, làm việc thường xuyên là 6,3%, thỉnh thoảng là 9,1%.Tỷ lệ sinh viên tiếp cận với người thân, bạn bè học tập, sinh sống và làm việc ở các nước Âu Mỹ thường xuyên là 13,3%, thỉnh thoảng là 21,3%. Tỷ lệ sinh viên sử dụng ngôn ngữ Âu Mỹ trong học tập, làm việc giao tiếp thường xuyên là 19,4%, thỉnh thoảng là 41,2%. Sinh viên khối ngành ngoại giao, ngoại ngữ và kinh tế là sinh viên có tỷ lệ cao trong các hoạt động học tập, xã hội được tiếp cận trực tiếp đến ngôn ngữ, văn hóa Âu Mỹ(4).

Hiện nay, do mức sống được nâng cao nên việc đi du lịch nước ngoài đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được của người Việt Nam, trong đó có sinh viên. Đây cũng là một kênh để sinh viên tiếp nhận văn hóa phương Tây.

- Thông qua các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao giữa Việt Nam với các nước phương Tây

Không thể phủ nhận vai trò của văn hóa đối với chính trị, kinh tế nên các hoạt động văn hóa - xã hội được xem là “cầu nối” để các đối tác thực hiện thuận lợi sự hợp tác. Trong xu thế hội nhập, các hoạt động chính trị, kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới được tăng cường hợp tác thì giao lưu văn hóa càng nhiều. Các hoạt động về văn hóa có thể tổ chức đơn thuần nhưng cũng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa tổ chức sau hoạt động hợp tác về chính trị, kinh tế. Qua giao lưu văn hóa với các nước phương Tây, sinh viên có cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa phương Tây.

Ngoài ra cũng cần kể tới sự ảnh hưởng nhất định từ các lễ hội tôn giáo của các tôn giáo phương Tây. Tôn giáo là một bộ phận của văn hóa. Nội dung của các giá trị tôn giáo chứa đựng những hình ảnh, biểu tượng, khái niệm, đặc biệt là giáo lý, có tác động tới đời sống tinh thần và vật chất của con người. Thiên chúa giáo, Tin lành là những tôn giáo có nguồn gốc từ phương Tây, đã thâm nhập và ảnh hưởng không nhỏ vào đời sống văn hóa của người Việt Nam. Trong tôn giáo có các giáo lý, nghi lễ, quy định... hướng con người đến sự tôn sùng đức tối cao, răn dạy con người sống thiện. Thông qua lễ hội tôn giáo, văn hóa phương Tây được quảng bá.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1) A.A. Radugin (Chủ biên): Từ điển Bách khoa Văn hóa học, Vũ Đình Phòng dịch, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002, tr. 448-449.

(2), (3), (4) Nguyễn Quý Thanh:  Internet - sinh viên - lối sống: Nghiên cứu xã hội học về phương tiện truyền thông kiểu mới,  Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

ThS Phạm Thị Hằng

Học viện Thanh thiếu niên

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền