Trang chủ    Diễn đàn    Khoa học lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam - Một số vấn đề cơ bản và cấp bách
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 10:28
17257 Lượt xem

Khoa học lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam - Một số vấn đề cơ bản và cấp bách

(LLCT) - Ở Việt Nam, từ lâu nay, chính trị là yếu tố ảnh hưởng bao trùm, chi phối các hoạt động lãnh đạo, quản lý. Khoa học về lãnh đạo, quản lý dường như chưa xác định được mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, các lý thuyết riêng và chưa có sự độc lập cần thiết so với khoa học chính trị (chính trị học). Trong khi đó, ở các nước phát triển, các môn học về hoạt động lãnh đạo (leadership), khoa học về sự thành công... đã được nghiên cứu, đào tạo một cách chính quy trong nhiều trường đại học. Do vậy, phải khẳng định chúng ta đang có sự lạc hậu trong lĩnh vực này.

1. Khái quát lý luận về khoa học lãnh đạo - quản lý

- Các công trình của các triết gia Trung Hoa cổ đại và các học giả Trung Quốc hiện đại về lý luận lãnh đạo, quản lý

Xuất phát là 3 nhà sáng lập 3 trường phái chính là đức trị, pháp trị, vô vi là Khổng Tử, Hàn Phi Tử, Lão Tử... Nhóm công trình này tập trung thể hiện quan điểm, tư tưởng lãnh đạo chính trị và thuật trị dân, trị nước như Khổng Tử với Luận ngữ, Đại học,Trung dung; Lão Tử với Đạo đức kinh, Hàn Phi với Hàn Phi tử. Ở Việt Nam, nguồn tư liệu này được xuất bản qua sự chú giải của các học giả như Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Vũ Khiêu, Phan Ngọc...

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại như Phùng Hữu Lan (bộ sách Lịch sử Triết học Trung Quốc), Hồ Thích (sách Trung Quốc triết học sử đại cương), Quách Mạt Nhược (sách Nghiên cứu xã hội cổ đại Trung Quốc), Phạm Văn Lan, Lâm Ngữ Đường... đã thể hiện sự phong phú, sâu sắc, đặc sắc và cả mặt hạn chế của nền triết học Trung Quốc, trong đó có nhiều tư tưởng triết học về chính trị và quản lý xã hội.

Trung Quốc thời hiện đại có nhiều công trình nghiên cứu chính trị, xã hội từ quan điểm của dân tộc, quốc gia, tuy nhiên, lại không có lý luận quản lý, lãnh đạo có tầm ảnh hưởng với thế giới. Họ cũng phải sang các nước tiên tiến học tập, phải nhập khẩu và sử dụng nhiều giáo trình, sách chuyên khảo từ Mỹ, Tây Âu... trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, lãnh đạo tổ chức và quản lý hành chính công.

- Các công trình nghiên cứu về khoa học quản lý, lãnh đạo từ các nước phát triển: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản

Trường phái Quản lý theo khoa học,tiêu biểu là F. Taylor với các công trình nghiên cứu Quản lý phân xưởng(1903); Hệ thống định mức sản phẩm và nghệ thuật cắt gọt kim loại(1906); Các nguyên tắc của quản lý theo khoa học(1911). Quản lý theo khoa học đã thực hiện tách chức năng của “nhà quản lý” khỏi vai trò, chức năng của “ông chủ” và làm cho công việc quản trị sản xuất trở nên thông minh hơn, có hiệu suất cao hơn nhiều so với quản lý truyền thống. Các nguyên tắc bảo đảm cho hoạt động quản lý thực hiện một cách khoa học được ông đề xuất, như: tiêu chuẩn hóa công việc, chuẩn hóa thao tác, quy trình làm việc, chuyên môn hóa lao động, có công cụ và môi trường lao động thích hợp... vẫn đang được áp dụng rộng rãi trong quản trị hiện đại. Song, cách tiếp cận, tư tưởng “con người kinh tế” của ông bị phê phán là máy móc và phiến diện.

Trong cuốn Quản lý công nghiệp và quản lý nói chung(1911), H. Fayol đã đưa ra lý luận Quản lý tổng quátvới quan điểm cần mở rộng phạm vi ứng dụng của lý luận quản lý theo khoa học, không chỉ trong các công ty công nghiệp mà còn áp dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước. Định nghĩa về quản lý mà ông đưa ra đã nêu đủ các chức năng của một nhà quản lý và chủ thể quản lý nói chung: Quản lý tức là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm tra.Thuyết Quản lý theo khoa học/bằng khoa họccủa Taylor và Fayol sau đó được các nhà khoa học phát triển theo nhiều hướng và các nhánh khác nhau, mạnh nhất là xu hướng nghiên cứu khoa học lãnh đạo có tính độc lập tương đối so với khoa học quản lý với các yêu cầu và tiêu chuẩn cao hơn.

Thuyết Lãnh đạo dựa trên cơ sở tố chất (Traits Theory).Những năm1930 - 1940 ở Mỹ, nhiều học giả đã cố gắng chứng minh rằng các nhà lãnh đạo xuất sắc đều có những tố chất ưu việt, nổi trội so với số đông như tính thống trị, tham vọng, nhiệt huyết, khiêm nhường... Song rất khó đạt tới sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu về danh sách các phẩm chất có tính bẩm sinh của người lãnh đạo.

Lý luận lãnh đạo dựa trên cơ sở hành vi(Behavioral Theories) tập trung nghiên cứu về phong cách lãnh đạocủa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Các nghiên cứu của Đại học Michigan và Đại học Ohio (Hoa Kỳ) về câu hỏi lãnh đạo cần tập trung vào công việc hay con người, hay cả hai trọng tâm này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong những môi trường khác nhau, cùng một phong cách lãnh đạo lại cho những kết quả khác nhau.

Vào những năm 1960, các nghiên cứu về hiệu quả lãnh đạo - tập trung vào đối tượng là nhóm lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất một lý thuyết mới về lãnh đạo - Lý luận lãnh đạo theo tình thế - (Contingency theories) với ý tưởng môi trường khách quan và sự biến đổi cho phù hợp quyết định phong cách và hiệu quả của nhà quản lý, lãnh đạo.

Một trường phái mới trong khoa học quản lý, lãnh đạo hiện đại là Lý luận về lãnh đạo, quản lý dựa trên hệ thống văn hóa tổ chức/văn hóa doanh nghiệp. Các nghiên cứu theo hướng này phải kể đến các tác phẩm của W. Ouchi về Thuyết Z, của M. Yoshino và E. Vogel về Mô hình quản lý của Nhật Bản. Theo E. Vogel, mô hình, phương thức quản lý của Nhật Bản rất thành công trong những năm 70 - 90, cần được học hỏi, vận dụng vào các nước khác, trước hết là Hoa Kỳ. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng có thể tạo ra các giá trị cho nó, cho xã hội và quá trình kiến tạo văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng của người sáng lập và lãnh đạo tổ chức.

Các lý thuyết lãnh đạo gần đây chú ý đến vai trò của nhà lãnh đạo khởi nghiệp, sáng lập xuất sắc, thực thi nhiệm vụ xây dựng, truyền bá, quản trị và phát triển văn hóa tổ chức của mình. Theo cách tiếp cận này, các nhà lãnh đạo lớn thường có mục đích tạo ra cho tổ chức và nhân viên dưới quyền họ không chỉ sự thành đạt về vật chất mà còn cả các yếu tố và giá trị tinh thần. Lãnh đạo bằng văn hóa tổ chức của doanh nghiệpkhông chỉ được luận giải trong các công trình nghiên cứu của P. Drucker, W. Ouchi, E. Schein... mà còn được truyền bá một cách mạnh mẽ và hiệu quả thông qua các sách hồi ký hay tổng kết kinh nghiệm thực tế của các nhà lãnh đạo xuất sắc các tập đoàn, tổ chức kinh doanh và cả các tổ chức chính trị, tôn giáo. Triết lý hành động đúng đắn, văn hóa tổ chức vững vàng chính là nền tảng và hệ điều hành cho lãnh đạo thực hiện được việc đổi mới và thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng và sâu sắc của thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các tư tưởng và lý luận lãnh đạo trên phải có sự vận dụng một cách chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù thì mới có thể phát huy được mặt mạnh của nó. Một điều bất cập khá phổ biến hiện nay là, các trường đại học giảng dạy cho sinh viên các lý thuyết quản lý, lãnh đạo hiện đại bằng giáo trình của nước ngoài mà không chú ý đầy đủ đến thể chế và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, trong khi các cơ quan nắm quyền lực công thì tiếp tục thực hiện sự lãnh đạo, quản lý của mình dựa vào kinh nghiệm và ý thức chính trị theo các học thuyết truyền thống, rất thiếu kiến thức và kỹ năng về khoa học, công nghệ hiện đại có liên quan tới công việc, nghề nghiệp lãnh đạo, quản lý. 

- Các công trình nghiên cứu về quản lý, lãnh đạo của Việt Nam

Nhóm nghiên cứu về ảnh hưởng, tác động của các giá trị tư tưởng, truyền thống văn hóa dân tộc đối với nhận thức, hoạt động và phong cách của các chủ thể lãnh đạo, quản lý của Việt Nam. Ở Việt Nam thời kỳ cổ và trung đại, quan niệm về lãnh đạo, quản lý bó hẹp trong việc cai trị hay vấn đề cách thức trị nước của tầng lớp vua quan đối với dân chúng. Tuy vậy, một số di sản của văn hóa cai trị - quản lý theo Nho giáo vẫn tiếp tục được nghiên cứu và truyền bá đến ngày nay đã khẳng định tính hợp lý, đúng đắn của nó như tư tưởng nhà cai trị phải có đủ phẩm cách, lòng nhân ái, đề cao phương pháp đức trị và mô hình quản lý xã hội theo gia đình, gia tộc... Đồng thời, tư tưởng về lãnh đạo, quản lý đất nước thời kỳ này có một nguồn mạch tự nhiên quý giá từ các vị anh hùng và thiên tài chính trị - quân sự của dân tộc ta như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... với ý chí khẳng định chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Nhóm nghiên cứu về lý luận và phương pháp luận của khoa học tổ chức liên quan tới vấn đề thiết kế cơ chế, tổ chức bộ máy quyền lực trong hệ thống chính trị và các cơ quan công quyền.Trường phái khoa học tổ chức này đã trở nên lạc hậu với thế giới. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của trường phái khoa học Xôviết, trong nhiều thập kỷ, tổ chức được hiểu là một phạm trù bao trùm các nội dung của công tác tổ chức thể chế, công tác cán bộ, công tác quản lý nhân sự trong hệ thống chính trị. Hạn chế của cách tiếp cận này là chưa chú trọng tới vấn đề quyền lực, trách nhiệm cá nhân và hiệu quả lãnh đạo, chưa làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo và thể chế, tổ chức của nó. Câu hỏi lãnh đạo quyết định thể chế, tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý hay ngược lại, và công việc lãnh đạo cần đặt trọng tâm vào tổ chức hay là nhân sự còn là một vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu về tư tưởng và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...Tư tưởng Hồ Chí Minh có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà lãnh đạo thời kỳ này, tập trung trong các tác phẩm Sửa đổi lối làm việc(1947), Di chúc(1969)... Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu Hồ Chí Minh của Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Đặng Xuân Kỳ và các nhà nghiên cứu ở nước ta hiện nay đã cho thấy giá trị của tư tưởng, minh triết, nhân cách, đạo đức, phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh mãi mãi là một tấm gương sáng chói cho nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý Việt Nam. Tuy nhiên, từ tư tưởng, ý thức đạo đức đến hoạt động lãnh đạo thực tế và hiệu quả của nó là một chặng đường dài cần được nghiên cứu, lý giải cụ thể.

Nhóm nghiên cứu về khoa học lãnh đạo, quản lý của Việt Nam thông qua việc nghiên cứu quan điểm, đường lối, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đây là hướng nghiên cứukhoa học lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô có liên quan chặt chẽ tới khoa chính trị học, khoa xây dựng Đảng... được triển khai mạnh mẽ từ thời kỳ đổi mới đến nay và có rất nhiều công trình đã công bố.Nhiều công trình nghiên cứu công phu liên quan đến vấn đề sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ và về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; tập trung vào chủ đề “nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng”, trong đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên của Đảng. Hạn chế chung của cách tiếp cận này là quá tập trung vào khía cạnh chính trị và đạo đức khi đưa ra giải pháp phát triển, nhất là từ khía cạnh kiểm soát quyền lực và quản trị hiệu quả; thiếu những nghiên cứu cơ bản về khoa học lãnh đạo, quản lý của Việt Nam giai đoạn hiện nay.

2. Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với việc nghiên cứu về lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay

Một là,bộ máy cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức đông, bố trí theo đủ 4 cấp của hệ thống hành chính. Hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng hiệu suất của bộ máy, hiệu quả đầu ra của nền kinh tế và trình độ phát triển của quốc gia còn thấp hoặc chỉ ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng khoảng 1/18 Xinhgapo, GDP bình quân đầu người kém Israel 23 lần. Công tác quản lý nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức đều kém hiệu quả, nhiều vấn đề tiêu cực còn tồn tại, chưa giải quyết được dứt điểm.

Hai là, thiếu một hệ thống lý luận về lãnh đạo, quản trị quốc gia và xã hội thực sự có hiệu lực, hiệu quả, có khả năng tạo nền tảng lý luận,  chiến lược đổi mới và phát triển đất nước nhanh, bền vững. Cải cách thể chế rất chậm và dè dặt, chính trị lạc hậu so với sự phát triển kinh tế nhưng vẫn thiếu các quyết tâm chính trị và động lực đổi mới ở khu vực công. Nhiều vấn đề thực tiễn của đất nước phải đối phó, xử lý bị động do thiếu tầm nhìn, thiếu sự quản trị rủi ro như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Nhiều chủ trương đúng nhưng tổ chức thực hiện yếu kém dẫn đến năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Các chính sách quản lý kinh tế, kinh doanh thường sớm phải sửa đổi, bổ sung và khó tiên lượng; mức độ công bằng, công khai, minh bạch trong lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị dù đã có nhiều tuyên bố mạnh mẽ nhưng thực thi chậm và chất lượng chưa cao.

Ba là, quản trị các nguồn lực và tài sản quốc gia kém hiệu quả và bền vững. Thất thoát tài sản công, nhất là qua các doanh nghiệp nhà nước, từ các cơ quan quản lý nhà nước và quyền lực công. Tham nhũng, lãng phí tài sản công đã trở thành quốc nạn nhưng việc phòng chống vẫn không có hiệu quả, dẫn đến uy tín của bộ máy lãnh đạo, quản lý và nội lực quốc gia bị suy yếu. Việc phản biện chính sách, giám sát và kiểm soát quyền lực còn thiếu hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Bốn là,chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khu vực công vẫn thấp và chậm cải thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung còn yếu kém về thái độ phục vụ dân, về đạo đức, kiến thức và kỹ năng thực thi công vụ; hiệu quả hoạt động chưa cao và thiếu năng lực sáng tạo, đổi mới. Chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, quản lý và của từng công chức để có thể quản lý một cách khoa học. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang nắm giữ quyền lực công chưa được ngăn chặn triệt để, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.

Năm là, năng lực xây dựng và quản trị quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý hạ tầng xã hội còn yếu kém dẫn đến vấn nạn giao thông ùn tắc, tai nạn giao thông tăng, trường học, bệnh viện quá tải, quản lý môi trường, điện lực và cấp thoát nước kém...

Sáu là, niềm tin, sự tôn trọng của nhân dân với các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức có xu hướng giảm dần hoặc chậm được cải thiện. Mức độ tín nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, giao kết, hợp tác công - tư, giữa dân và chính quyền còn ở mức thấp và kém ổn định, bền vững.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

Tài liệu tham khảo    

1. Dan Senor &  Saul Singer: Quốc gia khởi nghiệp, Nxb Thế giới, 2013, tr.9.

2. Kreiner, R., & Kinicki, A.: Organizational behavior(5th ed), McGraw Hill, 2001.

3. Yukl, G.: Leadership in Organization, 6th ed.,Pearson Education, 2006.

4. J. A. Raelin: Toward and Epistemology of Practice, Academy of Management Learning & Education, 2007.

5. Collins J: Từ tốt đến vĩ đại,Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

6. Yukl & Van Fleet: Theory and research on leadership in organizations,1992

7. C. F. Achua & R. N. Lussier: Effective Leadership, South-Western Cengage Learning, 2010.

8. S. Fineman: On Being Positive: Concerns and Counterpoints,Academy of Management Review, 2006.

9. A. J. Wefald & J. P. Katz: Leaders: The Strategies for Taking Charge, Academy of Management Learning and Education, 2007.

10. D. M. Sluss & B. E. Ashforth: Relational Identity and Identification: Defining Ourselves Through Work Relationships, Academy of Management Review, 2007.

11. J. B. Miner: The Rated Importance, Scientific Validity, and Practical Usefulness of Organizational Behaviour Theories, Academy of Management Learning and Education, 2003.

12. H. Mintzberg: The Nature of Managerial Work,Harper & Row, New York, 1973.

13. Nguyễn Thị Doan, Đỗ Minh Cương (chủ biên): Các học thuyết quản lý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

 

PGS, TS Đỗ Minh Cương

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền