Trang chủ    Tin tức    Chuyển đổi năng lượng, chuyển dịch công bằng, mô hình sống Xanh tại Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ hai, 22 Tháng 8 2022 16:22
981 Lượt xem

Chuyển đổi năng lượng, chuyển dịch công bằng, mô hình sống Xanh tại Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam

(LLCT) - Từ ngày 4 đến ngày 9-7-2022, Đoàn công tác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có chuyến nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững tại Cộng hòa Liên Bang Đức, theo lời mời của Viện Friedrich Ebert Stifting (FES). Tham gia Đoàn có đại diện lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công thương và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đức thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhằm hiện thực hóa mục tiêu sống xanh vào năm 2040 - Ảnh: tapchimoitruong.vn

Những năm gần đây, FES đã có nhiều hoạt động trọng lĩnh vực khí hậu và năng lượng ở khu vực châu Á với mục tiêu chuyển đổi sinh thái xã hội (vấn đề xã hội và môi trường) thúc đẩy nền kinh tế phát thải thấp, chuyển dịch công bằng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống đối với người lao động trong ngành nhiên liệu hóa thạch và các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Đây là phái đoàn Việt Nam thứ hai tới thăm và công tác tại Đức trong năm 2022 với sự điều phối của Viện FES Việt Nam.

Trong một tuần làm việc, Đoàn đã có các cuộc gặp mặt, trao đổi, tọa đàm với đại diện của Viện FES tại trụ sở ở Béclin, Agora Energiewende - một đơn vị nghiên cứu tư vấn phát triển chiến lược và Viện Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Wuppertal; thăm trang trại điện gió và các cơ sở sản xuất khí sinh học tại làng năng lượng tái tạo Feldheim; thảo luận về chuyển dịch công bằng ở cấp độ chính sách với Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB), Công đoàn Mỏ - Hóa chất và Năng lượng (IG BCE), Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu Đức (BMWK), Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ) và Phòng Điều phối về hiệu quả năng lượng và bảo vệ khí hậu trong doanh nghiệp (KEK); thăm và làm việc với Công ty truyền tải điện 50herzt thuộc Tập đoàn Elia Grid International (EGI) và tham quan Khuôn viên EUREF - nơi làm việc, nghiên cứu và học tập của hơn 5000 thành viên đến từ hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức và công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và phát triển bền vững.

Đoàn cũng đã tham dự hàng loạt các cuộc gặp mặt với đại diện của Z.U.G. PtX Lab - một phòng thí nghiệm thực hành về nhiên liệu và nguyên liệu thô từ hydrogen xanh, Hội đồng thành phố Cottbus và Công ty năng lượng LEAG.

Trong thời gian làm việc tại Đức, Đoàn công tác đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đón thân mật, cùng trao đổi một số nội dung liên quan về hợp tác Việt Nam - Đức và đề xuất một số định hướng hợp tác của một số tổ chức của Đức tại Việt Nam với các cơ quan, tổ chức trong nước...

Thông qua các cuộc hội thảo với các bên hữu quan, đoàn công tác đã có được một bức tranh tương đối toàn diện về các chủ chương, chính sách và sự dịch chuyển trên thực tiễn các hoạt động chuyển đổi năng lượng và chuyển dịch công bằng đang diễn ra tại Đức hiện nay. Vấn đề chuyển đổi năng lượng tại Đức tập trung vào 3 trọng tâm

Thứ nhất, công bằng khí hậu. Trái đất có sự thay đổi về hệ thống khí hậu gồm khí quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn địa cầu. Như vậy, ở trọng tâm thứ nhất Chính phủ Đức chú trọng vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chính sách kinh tế xanh mới, với mục tiêu loại bỏ năng lượng than đá hoàn toàn vào năm 2038 và sự tham gia của Công đoàn vào quá trình thảo luận đưa ra các quyết sách, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo nhằm hiện thực hoá mục tiêu sống xanh vào năm 2040. Thỏa thuận Xanh châu Âu là lộ trình với sự chi phí 150 triệu euro để xây dựng một nền kinh tế - xã hội trung hòa cácbon. Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững, Hiệp hội Công đoàn của Đức đóng vai trò quan trọng, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bên liên quan nhằm bảo đảm đời sống của công nhân ngành than điện cũng như bảo đảm an sinh xã hội trong các khu vực mỏ than không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thứ ba, chuyển đổi công bằng. Đây là trọng tâm trong thỏa thuận Paris 2015 về chuyển đổi năng lượng. Khái niệm về chuyển dịch công bằng được nhắc đến trong Phần mở đầu và được sử dụng rộng rãi sau đó và nguyên tắc của chuyển dịch công bằng là đối thoại với người lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, bên cạnh đó còn có sự đào tạo lại cho người lao động để thích ứng với nền lao động mới không còn khai thác năng lượng hóa thạch. Chính phủ Đức đã quyết định chi 40 tỷ Euro hỗ trợ những khu vực và đối tượng bị ảnh hưởng sau luật loại bỏ năng lượng than đá đã được thông qua vào năm 2020.

Đức cam kết giảm phát thải CO2 ít nhất 40% năm 2020, 80% đến năm 2050, tỷ lệ điện tái tạo trong tổng sơ đồ điện đạt ít nhất 35% năm 2020 và 80% năm 2050. Có thể thấy, đây là một trong những dữ liệu và cam kết đánh dấu mốc quan trọng cho chuyển dịch năng lượng ở Đức, tiến tới chấm dứt khai thác than đá cho sản xuất điện phục vụ đời sống và sản xuất.

Để đạt được mục tiêu trên, một Ủy ban đặc biệt của Chính phủ đã được thành lập với thành viên là các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện người lao động để thảo luận về mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2050 tại Đức. Ủy ban này sẽ phải thảo luận và thống nhất về lộ trình và thời hạn đóng cửa các mỏ than hiện đang hoạt động, cơ chế đền bù và chuyển đổi việc làm cho công nhân lao động trong ngành than. Đây là một quyết sách mạnh mẽ nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ Đức. Mặc dù vậy, đây không phải là công việc dễ dàng, vì hiện Đức có hơn 25.000 lao động trong ngành than.

Theo phân tích của các nhà khoa học về chuyển đổi năng lượng tại Đức, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức thành công một phần là do chính người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường tại Đức đã tham gia trong các cuộc thảo luận chính sách của Chính phủ, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo đã được thảo luận sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và người dân trước khi xây dựng và ban hành. Các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Đức đóng vai trò là nơi tạo ra các diễn đàn thảo luận cho nhân dân, cung cấp bằng chứng khoa học và thông tin đến công chúng thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau như hội thảo, tọa đàm, xây dựng phim tài liệu… nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và tạo sự đồng thuận xã hội.

Luật Năng lượng tái tạo (EEC) ra đời năm 2000 quy định việc Chính phủ cam kết một mức giá cố định và có hiệu lực 20 năm cho việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện quốc gia. Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư của người dân và doanh nghiệp Đức cho sản xuất điện tái tạo, đặc biệt là chính sách cam kết giá trong thời gian dài giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tín dụng cho sản xuất năng lượng tái tạo. Nhìn vào các trọng tâm để hướng tới sống xanh cân bằng của Chính phủ Đức vào năm 2050 cho thấy, cần phải có một kế hoạch dài hạn với sự tham gia của các liên ngành mới có thể đạt mục tiêu đề ra. Đoàn công tác cũng khái quát hoạt động này tại Việt Nam với đoàn làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi năng lượng cũng đã được đưa vào các quyết sách của Chính phủ cũng như đang được các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương triển khai từng bước. Việt Nam cam kết chuyển đổi năng lượng tái tạo với phát thải bằng CO2 bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được cam kết này thì chuyển đổi năng lượng là một yêu cầu tất yếu, cần được triển khai sớm. Với đường biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ đó, trong giai đoạn 2013 - 2019, nguồn điện năng lượng tái tạo tăng với tốc độ 31,9%. Cho đến nay, những ngành năng lượng tái tạo phát triển nổi bật tại Việt Nam là: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thuỷ điện. Nếu Việt Nam tận dụng được các lợi thế về vị trí địa lý và khí hậu, với các chính sách phù hợp sẽ kích thích người dân cũng như các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, giúp đạt được mục tiêu đề ra trong cam kết bảo vệ môi trường.

Đoàn công tác đã chia sẻ với các đối tác về mô hình hoạt động, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí, truyền thông trong truyền thông chính sách về chuyển đổi năng lượng bền vững và chuyển dịch công bằng tại Việt Nam; về chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiến tới chuyển đổi năng lượng bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến trình chuyển đổi năng lượng bền vững, phù hợp với các điều kiện, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì quá trình hướng tới một cuộc sống xanh, cân bằng của các nước phát triển sẽ là kinh nghiệm quý cho Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN THỊ TỐ QUYÊN

                                                            Khoa Xã hội học

                                                              Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền