Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”
Thứ sáu, 24 Tháng 6 2022 13:40
848 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”

(LLCT) -  Sáng ngày 23-6-2022, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện, Phó Chủ nhiệm thường trực Đề án 979 và PGS, TS Hoàng Hùng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại Học viện Trung tâm, có các đại biểu: PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện; Thiếu tướng, PGS, TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an; TS Trần Hậu Thành, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện. Tham dự trực tuyến có các đại diện lãnh đạo các Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV.

Ngày 21-6-2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026” với mục tiêu là: xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị một cách tổng thể, bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, cập nhật và hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đây là đề án rất quan trọng giúp Học viện có cơ sở, nguồn lực để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc nêu rõ, trong những năm qua, Học viện đã xây dựng và phát triển hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị. Nội dung chương trình giảng dạy đã có sự đổi mới, gắn kết giữa tư duy lý luận với thực tiễn, tăng cường đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư duy sáng tạo, tầm nhìn, bản lĩnh chính trị của người học. Tuy nhiên, hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay vẫn còn những bất cập phải tiếp tục điều chỉnh, như: việc chậm chuyển đổi mục tiêu từ đào tạo theo nội dung sang đào tạo theo năng lực; nội dung đào tạo còn nặng về lý thuyết, tính hàn lâm; sự trùng lắp về nội dung giữa các chương trình đào tạo lý luận chính trị; thiếu sự liên thông giữa các cấp, các hệ đào tạo… Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng là một vấn đề cấp thiết hiện nay.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính là:

Một là, làm rõ bối cảnh, yêu cầu phải đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện giai đoạn 2021-2026.

Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện thời gian qua, bao gồm các chương trình đào tạo lý luận chính trị (cao cấp, trung cấp, sơ cấp), các chương trình bồi dưỡng (Cán bộ cấp chiến lược, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Trưởng ban Đảng cấp tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, các lớp bồi dưỡng cán bộ cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào…), các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của Học viện…

Ba là, đề xuất phương hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện giai đoạn 2021-2026.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo cho rằng, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện hiện nay bao gồm 2 chương trình là trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Hiện nay, 2 chương trình này đang được giảng dạy ở 3 cấp đào tạo là cấp tỉnh/thành phố, cấp khu vực và cấp quốc gia. Mặc dù đã có sự phân cấp đối tượng đào tạo giữa học viện khu vực và Học viện Trung tâm, nhưng trên thực tế vẫn có sự trung lắp, không thể phân định rõ ràng trong công tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo. Do đó, có thể kiến nghị với Trung ương kết cấu lại hệ thống các chương trình đào tạo, gồm: chương trình đào tạo các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; chương trình đào tạo các chức danh lãnh đạo, quản lý do ban thường vụ các huyện ủy và tương đương quản lý; chương trình đào tạo các chức danh lãnh đạo quản lý do ban thường vụ các tỉnh ủy trực thuộc Trung ương quản lý. Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo cần liên tục cập nhật, đổi mới, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Về triết lý đào tạo, cần bám sát theo quan điểm Hồ Chí Minh là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Vì vậy, cần tăng cường nội dung rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong trong tất cả các chương trình đào tạo. Trong thời gian tới, cần lưu ý một số vấn đề là: nhấn mạnh chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết về sự phát triển, để thể hiện giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận thức về CNXH nói chung và CNXH ở Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; nội dung về bảo vệ chế độ XHCN…

Theo PGS, TS Phạm Minh Sơn, việc đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo là yêu cầu cấp thiết. Các chương trình hiện nay còn nặng về lý thuyết; phương phương giảng dạy truyền thống, chưa phát huy được sự chủ động của người học; quá trình kiểm tra, đánh giá chủ yếu bằng các bài thi, kiểm tra đánh giá... Giải pháp đưa ra là, đối với chương trình học, cần xây dựng các mô đun của các khối kiến thức bao gồm các mô đun lý thuyết và kỹ năng, nghiệp vụ, khi điều chỉnh chương trình học sẽ điều chỉnh từng mô đun để bảo đảm sự ổn định và sự đổi mới. Về phương pháp giảng dạy, cần tăng cường tương tác giữa người học và người dạy; giảm thời lượng học trên lớp, tăng cường thời gian tự học và thực tế. Phát triển hệ thống học liệu, giáo trình, tài liệu tham khảo. Cơ sở vật chất phải điều chỉnh, đáp ứng với yêu cầu của phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là hệ thống mạng internet; phát triển hệ thống thư viện điện tử. Bên cạnh đó, các giảng viên phải là ng tiên phong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy. Thường xuyên tự tích luỹ, nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân.

Theo PGS, TS Đỗ Anh Tuấn, để đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, cần xác định được chuẩn đầu ra cho các chương trình học với những thước đo cụ thể, từ đó, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. Trong nội dung đào tạo, cần đánh giá nhu cầu người học để xác định nội dung chương trình học, tăng cường nghiên cứu thực tế, giảm thời gian học lý thuyết trên lớp.

Chia sẻ từ góc độ học viện khu vực, PGS, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, đối với mỗi chương trình đào tạo, cần xác định rõ chuẩn đầu ra để xác định nội dung chương trình. Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, phải bảo đảm các nội dung: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; mang tính hiện đại, hội nhập. PGS, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai mong muốn các giảng viên ở các học viện khu vực có thể tham gia vào phát triển các chương trình để bảo đảm tính phù hợp giữa các vùng miền.

Các ý kiến phát biểu khác tại Hội thảo cũng tập trung chia sẻ, làm rõ những đóng góp của Học viện trong tập trung xây dựng chương trình và tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Học viện trong thời gian qua. Các ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế trong xây dựng, triển khai các chương trình và đề xuất những ý kiến về đổi mới chương trình đào tạo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc khẳng định, việc đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện là công việc cần thiết, cấp bách. Đây là sự đổi mới đồng bộ, toàn diện tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện trung tâm và các học viện khu vực. Đổi mới trên nền tảng kế thừa và đổi mới, đặc biệt không xa rời bản chất, bản sắc trường Đảng. Việc đổi mới phải hiệu quả, hữu ích cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. PGS, TS Nguyễn Duy Bắc đề nghị: một là, thực hiện nghiêm chất lương, hiệu quả các chương trình đã có; hai là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giảng viên phải là người đi trước, thích ứng, làm chủ chương trình mới; ba là, tham gia đóng góp, hoàn thiện chương trình hiện có và suy nghĩ việc đổi mới chương trình trong thời gian tới; bốn là, đổi mới chương trình là công việc cấp thiết, quan trọng liên quan đến toàn bộ hoạt động của Học viện, tất cả các đơn vị cần tham gia với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo.

T.T

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền