Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Quản trị môi trường: Chính sách công và quản trị vì sự phát triển bền vững ở Thái Lan và Việt Nam”
Thứ năm, 16 Tháng 6 2022 10:17
992 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Quản trị môi trường: Chính sách công và quản trị vì sự phát triển bền vững ở Thái Lan và Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 15-6-2022, trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế năm 2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Quốc vương KPI Thái Lan tổ chức Tọa đàm khoa học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến: “Quản trị môi trường: Chính sách công và quản trị vì sự phát triển bền vững ở Thái Lan và Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: LLCT

Chủ trì Tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội có: PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế. Tại điểm cầu Viện Quốc vương KPI, Băng Cốc, Thái Lan có: GS Vitavas Chaiparkpoom, Phó Tổng Thư ký Viện; TS Thawilwadee Bureekul, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và phát triển.

Tham dự Tọa đàm có Bà Morakot Janemathukorn, Phó Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Renaud Meyer, Đại diện thường trú UNDP tại Băng Cốc; đại diện lãnh đạo các vụ, viện chuyên ngành, các cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện Quốc vương KPI, Thái Lan.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan qua gần 5 thập kỷ, ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh… Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quốc vương KPI Thái Lan có mối quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, tư vấn chính sách giữa Học viện với các trường đại học và think-tank hàng đầu của Thái Lan từ những năm 1990. Các hoạt động hợp tác, trao đổi đoàn lãnh đạo và chuyên gia, học giả, tọa đàm và hội thảo khoa học quốc tế, xuất bản công trình nghiên cứu chung và chia sẻ thông tin… đã góp phần tích cực, hiệu quả và thiết thực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp và tư vấn chính sách của hai cơ quan, đồng thời góp phần thúc đẩy lòng tin chính trị và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước.

PGS, TS Dương Trung Ý nhấn mạnh, Tọa đàm khoa học “Quản trị môi trường: Chính sách công và quản trị vì sự phát triển bền vững ở Thái Lan và Việt Nam” là hoạt động trao đổi học thuật ý nghĩa, thiết thực, giúp các nhà hoạch định và thực thi chính sách hai nước chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm quý báu để tham mưu, tăng cường hiệu quả xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Thái Lan hiện nay.

Phát biểu đề dẫn “Quản trị vì sự phát triển bền vững”, ông Renaud Meyer, Đại diện Thường trú, UNDP tại Thái Lan khẳng định mục đích của Tọa đàm là chia sẻ thông tin và kiến thức về vấn đề quản trị môi trường, phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên, trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan về thực tiễn quản trị môi trường thành công và thách thức. Ông Meyer khẳng định UNDP luôn đồng hành cùng các quốc gia trong việc hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, thông tin về quản trị môi trường bền vững.

Năm bài tham luận được trình bày tại Tọa đàm: “Chính trị môi trường ở Thái Lan: Các diễn biến chính sách và quản trị vì sự phát triển bền vững” của bà Nittaya Ponok, chuyên gia Viện KPI; “Tổng quan về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững và quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; Báo cáo nghiên cứu: “Thúc đẩy đổi mới cách tiếp cận thông tin liên quan đến môi trường và y tế công cộng trên phạm vi toàn quốc (6/2018 - 6/2019)” của TS Chuthatip Maneepong, chuyên gia nghiên cứu độc lập; “Quản trị môi trường ở địa phương của Việt Nam qua khảo sát đánh giá của người dân” của PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công.

Tại Tọa đàm, 12 ý kiến trao đổi trực tiếp của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và Thái Lan, tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản: 1) Khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề môi trường và quản trị môi trường trên thế giới hiện nay, đây là vấn đề không chỉ của một quốc gia mà là vấn đề toàn cầu, có phạm vi rộng, đa dạng, đa chiều và đa lĩnh vực. 2) Trong quá trình ban hành chính sách, các quốc gia đều chú trọng đến vấn đề môi trường đồng thời, tham vấn ý kiến chuyên gia và người dân. Liên hợp quốc là tổ chức sớm quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường bằng nhiều chương trình cụ thể. Có thể nói, quản trị môi trường bền vững tới đây sẽ là một xu thế phát triển mới của nhiều quốc gia trên thế giới, báo hiệu một kỷ nguyên về quản trị môi trường bền vững. 3) Đề cao trách nhiệm của mỗi quốc gia trong vấn đề quản trị môi trường, trong đó, người dân đóng vai trò là chủ thể quan trọng tham gia vào các bước xây dựng, hoạch định chính sách về bảo vệ môi trường. 4) Giải quyết các vấn đề môi trường cần thực hiện hệ thống các giải pháp, trong đó có vấn đề quản trị quốc gia và quản trị quốc tế về môi trường, hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp…  

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý đánh giá cao những thành công bước đầu và những chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan trong vấn đề quản trị môi trường. Đối với Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định tầm nhìn và định hướng đến giai đoạn 2030 là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý và khai thác hợp lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, kiên quyết xử lý và loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đồng chí Phó Giám đốc Học viện trân trọng các ý kiến tham luận và thảo luận của các chuyên gia và học giả hai nước về các tình huống cụ thể trong quản trị môi trường và hoạch định chính sách công hướng tới phát triển bền vững cũng như phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên; đánh giá cao hoạt động chia sẻ thông tin và kiến thức, trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm của Việt Nam và Thái Lan về thực tiễn quản trị môi trường. Đồng chí mong muốn, Tọa đàm là sự khởi đầu cho các hoạt động nghiên cứu chung tiếp theo giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quốc vương KPI Thái Lan nói riêng và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Thái Lan nói chung.

BẢO NGỌC

TRẦN BÁ TĂNG

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền