Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Chính phủ điện tử trong quản trị quốc gia và địa phương: Kinh nghiệm Phần Lan và gợi ý chính sách đối với Việt Nam”
Thứ năm, 05 Tháng 11 2020 14:18
1708 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Chính phủ điện tử trong quản trị quốc gia và địa phương: Kinh nghiệm Phần Lan và gợi ý chính sách đối với Việt Nam”

(LLCT) - Chiều ngày 3-11-2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chính phủ điện tử trong quản trị quốc gia và địa phương: Kinh nghiệm Phần Lan và gợi ý chính sách đối với Việt Nam” tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam và Helsinki, Phần Lan.

Chủ trì Tọa đàm có PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ngài Kari Kahiluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam; PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Phó Đại sứ và các đại biểu đến từ Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Việt Nam đang xây dựng và triển khai chính phủ điện tử từ tất cả các cấp, ở Trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong việc làm chủ công nghệ. Trong khi, Phần Lan là một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực xây dựng và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử vào quản trị quốc gia và địa phương. Vì vậy, Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi và làm rõ hơn quá trình xây dựng và triển khai chính phủ điện tử tại Phần Lan, những thành công và khó khăn, những lưu ý mà Việt Nam cần quan tâm khi thực hiện chính phủ điện tử để vừa tận dụng được những lợi thế mà công nghệ đem lại, vừa bảo vệ được thông tin và lợi ích quốc gia.

Ngài Kari Kahiluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ điện tử trong quản trị quốc gia và địa phương, nhất là bảo đảm sự vận hành chính phủ điện tử một cách hiệu quả trong công việc hàng ngày. Trong nhiều năm qua, Phần Lan đã tham gia sâu rộng vào quá trình số hóa và triển khai chính phủ điện tử với nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả và bổ ích vào các lĩnh vực khác nhau, phát huy được vai trò của khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Đại sứ tin tưởng, với những chia sẻ thực tế của hai diễn giả đến từ Chính phủ Phần Lan tại Tọa đàm, các đại biểu sẽ được cung cấp một bức tranh toàn cảnh về chính phủ điện tử của Phần Lan, từ đó có những gợi mở phù hợp với đặc điểm và thực tế Việt Nam.

Từ điểm cầu Helsinki, Phần Lan, bà Maria Nikkila, Trưởng phòng Số hóa, Bộ Tài chính Phần Lan - chuyên gia phụ trách bộ phận số hóa của Chính phủ Phần Lan đã có bài tham luận với chủ đề “Chính phủ điện tử và chuyển đổi số ở Phần Lan”. Bà Maria Nikkila cho biết, kể từ những năm 1990, Phần Lan đã và đang dẫn đầu trong việc khai thác công nghệ thông tin và truyền thông để đổi mới nền kinh tế và cải cách hành chính công. Phần Lan trở thành nhà cung cấp tiên phong và thành công các dịch vụ và thông tin chính phủ điện tử  cho các nước trên khắp thế giới.

Quản trị công tại Phần Lan được triển khai từ Trung ương, đến 6 cơ quan quản lý nhà nước cấp khu vực, 20 hội đồng khu vực và các hội đồng thành phố chung, 310 đơn vị địa lý hành chính trong cả nước.

Chương trình Xã hội thông tin của Phần Lan bao gồm tất cả các ngành, lĩnh vực hành chính. Mục tiêu của chương trình bao gồm: (i) Tăng khả năng cạnh tranh và năng suất; (ii) Thúc đẩy bình đẳng xã hội và khu vực; (iii) Cải thiện cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong toàn xã hội.

Các công nghệ và các hệ thống mới được sử dụng luôn đảm bảo khả năng tương thích nhằm cắt giảm chi phí thông qua việc sử dụng hài hòa và tiết kiệm nguồn lực cho sự phát triển chung của xã hội thông tin. Hợp tác quốc gia và quốc tế là một phần quan trọng của chương trình Xã hội thông tin.

Trả lời câu hỏi “Tại sao lại là Phần Lan?”, bà Maria Nikkila đưa ra các lý giải: do Phần Lan là quốc gia có chất lượng môi trường kinh doanh hàng đầu, là nơi có sự hiện diện tốt nhất của các công nghệ tiên tiến nhất, nơi khởi đầu nhanh nhất cho các hoạt động kinh doanh, nơi có nền kinh tế số tiên tiến nhất ở EU, môi trường khởi nghiệp đầy năng lượng, các chuyên gia có tính cạnh tranh, nhiều giải pháp sáng tạo, là quốc gia ổn định nhất trên thế giới và là nơi có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành tốt nhất thế giới.

Để trở thành quốc gia có “nền quản trị công tốt nhất trên thế giới”, bà Maria Nikkila khẳng định “Sự cởi mở của Chính phủ là một giá trị cơ bản tại Phần Lan” và theo đó công khai, minh bạch trong số hóa sẽ đảm bảo các kết quả đạt được bền vững. Dưới góc độ luật định, Chính phủ Phần Lan đã ban hành tám đạo luật công nghệ thông tin trong khu vực công, bao gồm: Đạo luật về việc cung cấp các dịch vụ số; Đạo luật về việc cung cấp các dịch vụ chia sẻ thông tin Chính phủ và Truyền thông Chính phủ; Đạo luật về các dịch vụ Hỗ trợ điện tử hành chính công thông thường; Đạo luật về Hóa đơn điện tử của các đơn vị ký kết và các nhà điều hành kinh tế; Đạo luật về Hệ thống thông tin dân số và Hệ thống chứng chỉ của Trung tâm đăng ký dân số; Đạo luật Quản lý đăng ký; Đạo luật về Quản lý hành chính công; Đạo luật về Cơ quan dịch vụ dữ liệu Dân số và Kỹ thuật số.

Theo bà Maria Nikkila, Chính phủ Phần Lan luôn hướng tới đảm bảo tính bảo mật và tính liên tục của các dịch vụ số. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ chuẩn bị kế hoạch phát triển kỹ thuật số trong tương lai để kiểm soát hành chính công (Chương trình phát triển an ninh kỹ thuật số hành chính công JUDO). Thay thế Virve, mạng vô tuyến của các cơ quan bằng dịch vụ mạng di động băng thông rộng. Virve vẫn được sử dụng trong các dịch vụ cứu hộ, trung tâm ứng phó khẩn cấp, dịch vụ y tế, cảnh sát, biên giới… Đồng thời, làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia sản xuất dịch vụ số trong hành chính công để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội về tính liên tục của hoạt động và lập kế hoạch dự phòng.

Với tham luận “Xu hướng mới trong chuyển đổi số tại Phần Lan: chính sách thông tin - một lĩnh vực chính sách mới”, ông Olli-Pekka Rissanen, chuyên gia về chính sách thông tin và chiến lược dữ liệu đến từ Bộ Tài chính Phần Lan  trình bày một số ý tưởng mới đối với các chính sách áp dụng trong chính phủ điện tử. Bốn thuật ngữ quan trọng có tính kết nối khi tiếp cận hệ thống chính phủ điện tử được ông đề cập là “Chuyển đổi số”, “Chính sách thông tin”, “Mô hình hợp tác” (giữa các thực thể Chính phủ, khu vực tư và người dân), và “AI” (trí tuệ nhân tạo). Theo đó, để triển khai tốt chính phủ điện tử, các quốc gia phải giải quyết thấu đáo bốn vấn đề lớn nêu trên.

Bàn về tương lai của mô hình chính phủ điện tử trong quản trị quốc gia, ông Olli-Pekka Rissanen khẳng định tương lai nhân loại sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ các vấn đề về trí tuệ nhân tạo, blokchain (chuỗi khối), thông tin, internet vạn vật IOT nhưng con người sẽ vẫn là trung tâm của sự phát triển. Trong bối cảnh đó, chính phủ của các quốc gia cần phải không ngừng mở rộng hợp tác với các chính phủ và đối tác quốc tế để thúc đẩy sự phát triển nền quản trị số quốc gia.

Trên cơ sở tham luận của các diễn giả đến từ Phần Lan, từ điểm cầu Hà Nội các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi, nêu lên thực trạng và những khó khăn trong quá trình thiết lập chính phủ điện tử tại Việt Nam. Các câu hỏi tập trung vào vấn đề làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được hệ thống thể chế, pháp luật hiệu quả như Phần Lan đã làm được? Dựa trên cơ sở nào để xác định được các đối tượng ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số? Làm thế nào để đảm bảo, an toàn, an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số v.v… Những vấn đề đặt ra đã nhận được sự giải đáp, chia sẻ thẳng thắn, tường minh của hai diễn giả đến từ Phần Lan.

Phát biểu kết luận, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao những kết quả đạt được tại Tọa đàm và cảm ơn những chia sẻ của hai diễn giả đến từ Phần Lan. Tọa đàm đã làm rõ những thuận lợi, khó khăn, giúp xác định các mục tiêu Việt Nam cần ưu tiên trong xây dựng chính phủ điện tử. Đồng thời khẳng định, Tọa đàm thành công không chỉ dưới góc độ khoa học mà còn là sự kiện quan trọng, mang tính kết nối và tăng cường hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác Phần Lan, đặc biệt với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền