Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” - Giá trị và ý nghĩa thời đại
Thứ hai, 28 Tháng 9 2020 14:51
2794 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” - Giá trị và ý nghĩa thời đại

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2020), ngày 26-9-2020 tại Hà Nội, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học: Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” - Giá trị và ý nghĩa thời đại.

Đồng chủ trì Hội thảo: Ngài Philip Degenhardt - Giám đốc Văn phòng Rosa Luxemburg Đông Nam Á,  PGS,TS Hồ Trọng Hoài - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, TS Phạm Thị Hoàng Hà - Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học. Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài Học viện. 

Sau lời phát biểu chào mừng của Ngài Philip Degenhardt, PGS,TS Hồ Trọng Hoài thay mặt ban tổ chức Hội thảo phát biểu đề dẫn của Hội thảo. Báo cáo đề dẫn đã làm nổi bật cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Ph.Ăngghen với phong trào giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, tạo điều kiện để con người phát triển tự do, toàn diện.

Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” là tác phẩm đã thể hiện trí tuệ và nhân cách lớn của Ph.Ăngghen được Ph.Ăngghen viết từ tháng 3 đến tháng 5 và xuất bản vào tháng 10 năm 1884.

Báo cáo đề dẫn đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ: Thứ nhất, phân tích, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn quan điểm của của Ph.Ăngghen về gia đình, chế độ tư hữu và vấn đề nhà nước và ý nghĩa của những quan điểm đó đối với Việt Nam trong bối cảnh mới của thời đại. Thứ hai, nhận diện những quan điểm đã bị lịch sử vượt qua để đề xuất các vẫn đề cần bổ sung, phát triển phù hợp với những biến đổi mới của thời đại và của đất nước.

Hội thảo đã nhận được hơn 30 bài viết và hơn 20 phát biểu tại hội trường. Các bài viết và phát biểu tại hội trường đã tập trung làm rõ các nội dung cốt lõi sau:

- Về vấn đề gia đình.Các bài viết và phát biểu đã tập trung làm rõ những luận giải của Ph.Ăngghen về cơ sở kinh tế - xã hội cho sự ra đời, biến đổi của các hình thức gia đình, giải thích một cách khoa học về các hình thức gia đình trong lịch sử. Nhiều bài viết và phát biểu đã phân tích các giải pháp kinh tế - xã hội theo tinh thần của Ph.Ăngghen để tiếp tục xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam với mục tiêu “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

- Về vấn đề sở hữu.Các bài viết và phát biểu đã chỉ ra phương pháp luận của Ph.Ăngghen khi nghiên cứu về vấn đề sở hữu. Theo đó, lập trường duy vật biện chứng được vận dụng nhuần nhuyễn bắt đầu từ việc phân tích cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội là quá trình sản xuất vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Bằng những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, Ph.Ăngghen đã phát hiện ra mối quan hệ biện chứng giữa chế độ sở hữu tư nhân và quá trình ra đời, biến đổi của gia đình trong lịch sử.

- Về vấn đề nhà nước.Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã tập trung luận chứng các vấn đề liên quan đến nhà nước như nguồn gốc, bản chất, đặc trưng và chức năng của nhà nước; đồng thời, Ph.Ăngghen cũng chứng minh sự tất yếu tiêu vong của nhà nước ở giai đoạn phát triển rất cao của phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Các tham luận cũng nhấn mạnh cần vận dụng sáng tạo những luận điểm của Ph.Ăngghen về vấn đề nhà nước để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh mới.

TĐT

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền