Trang chủ    Thực tiễn    Quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số ở tỉnh Bắc Ninh
Thứ năm, 22 Tháng 9 2022 14:55
1106 Lượt xem

Quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số ở tỉnh Bắc Ninh

(LLCT) - Bắc Ninh là một trong những địa phương có lực lượng lao động lớn và đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Xác định vai trò của các đối tượng quản lý phát triển xã hội về dân số và nhận diện thực tiễn hoạt động của các chủ thể này trong công tác dân số ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay là cơ sở xác định các giải pháp khả thi trong nâng cao chất lượng dân số cũng như hiệu quả quản lý phát triển xã hội về dân số của tỉnh.

Thành phố Bắc Ninh - Ảnh: dangcongsan.vn

Dân số và phát triển có mối quan hệ hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. "Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển". Sự phát triển không tương ứng hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu của lực lượng dân số hiện tại mà làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của dân số tương lai thì phát triển sẽ không bền vững.

Quản lý sự phát triển xã hội tổng thể, bao gồm “quản lý phát triển kinh tế, quản lý phát triển hệ thống chính trị, quản lý phát triển văn hóa, quản lý phát triển xã hội theo nghĩa hẹp, quản lý phát triển con người, quản lý nguồn lực vật chất nhân tạo, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”(1). Dân số là một trong những lĩnh vực của quản lý phát triển xã hội. Theo cách hiểu chung nhất, quản lý phát triển xã hội là sự tác động có chủ đích của hệ thống quản lý hay chủ thể quản lý (trực tiếp là nhà nước, hoặc các tổ chức ngoài nhà nước) lên hệ thống bị quản lý hay khách thể quản lý (đời sống xã hội), bằng các nguồn lực trong xã hội và các công cụ, phương thức tác động đa dạng, nhằm hướng sự vận hành và phát triển của đời sống xã hội theo các mục tiêu đặt ra”(2).

Từ cách hiểu này, quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số có thể được đánh giá trên các đối tượng: (1) Chủ thể quản lý là các tổ chức, nhóm xã hội có liên quan đến thực thi chính sách dân số; (2) Khách thể quản lý là vấn đề kết quả thụ hưởng chính sách dân số; (3) Phương tiện quản lý là các chính sách dân số, công tác triển khai thực hiện các chính sách này.

1. Thực trạng quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số ở tỉnh Bắc Ninh

Trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số. Chủ thể tham gia quản lý phát triển xã hội đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để điều chỉnh hành vi dân số của người dân, góp phần hỗ trợ người dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chính sách dân số.

Về chủ thể quản lý

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân số có hiệu quả

Xác định công tác dân số có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của địa phương, Tỉnh ủy, UBND Bắc Ninh đã quán triệt và kịp thời ban hành nhiều chương trình hành động trên tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới”.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 680/QĐ-UBND ngày 30-11-2017 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 4-6-2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Kế hoạch 510/KH-UNBD về hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Bắc Ninh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch 382/KH-UBND về thực hiện đồ án kiểm soát mất cânbằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Ninh (giai đoạn II) với mục tiêu: khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong bối cảnh tỷ trọng người già của địa phương gia tăng nhanh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 356/KH-UBND ngày 4-6-2021 về thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 với mục tiêu: chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và thích ứng với già hóa dân số ở địa phương.

Thứ hai, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tham mưu các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân số hiệu quả

Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số, như: Kế hoạch 355/KH-UBND ngày 4-6-2021 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Kế hoạch 356/KH-UBND ngày 4-6-2021 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030; Kế hoạch 529/KH-UBND ngày 12-8-2021 thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Kế hoạch số 382/KH-UBND ngày 30-6-2021 thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Ninh (giai đoạn II). Đồng thời, Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tiếp thị xã hội các phương tiền tránh thai… Sở Y tế đã phát huy vai trò tích cực trong công tác tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các chính sách dân số.

Thứ ba, sự tham gia của người dân trong thực hiện chính sách dân số

Qua các chương trình truyền thông dân số của Trung ương và tỉnh Bắc Ninh, người dân đã có nhận thức tích cực và thực hiện tốt các biện pháp tránh thai, kiểm soát mức sinh. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh sử dụng biện pháp tránh thai giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 66,4%,tăng so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, tình trạng định kiến giới trong sinh sản, sở thích sinh con trai vẫn còn diễn ra, khiến tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh còn khá cao so với tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên (115,5 bé trai/100 bé gái).

Về khách thể quản lý

Thứ nhất, hệ thống y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh được nâng cấp, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Các chương trình hoạt động nâng cao sức khỏe được tăng cường thực hiện, góp phần phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Đến năm 2018, 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân tại trạm y tế được thực hiện bài bản, hệ thống; diện bao phủ bảo hiểm y tế mở rộng, đạt 93,5% (năm 2021); tuổi thọ bình quân của người dân tăng, đạt 74,4 tuổi (năm 2021)(3).

Thứ hai, chất lượng công tác dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng được nâng lên. Hiện tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở tỉnh còn dưới 10%. Tỉnh cũng thực hiện tốt các hoạt động chẩn đoán, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, góp phần kiểm soát tốt tốc độ tăng dân số tự nhiên, từng bước kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng và cơ cấu dân số được cải thiện(4). Hiện tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 65,5%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 73,7%; tỷ lệ nam, nữ thanh niên tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 35,7% (nhóm tuổi 15-24); tỷ lệ người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại cơ sở y tế đạt 46%(5).

Thứ ba, Bắc Ninh vẫn còn lợi thế cơ cấu dân số vàng, đây là lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Thực trạng hoạt động của các chủ thể quản lý và kết quả thụ hưởng chính sách dân số ở Bắc Ninh cho thấy, thời gian qua địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quản lý phát triển xã hội về dân số. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác này như: người dân vẫn còn mang nặng định kiến giới trong hành vi sinh sản, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu dân số; tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì ở mức cao hơn so với tỷ số tự nhiên; tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2021 đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra; tuổi thọ trung bình có cao hơn so trung bình của cả nước nhưng chất lượng tuổi thọ không tương ứng với tuổi thọ trung bình; già hóa dân số diễn ra nhanh đã tạo nhiều thách thức đối với phát triển của tỉnh; lực lượng lao động nhập cư lớn cũng tạo ra nhiều áp lực cho địa phương(6).

2. Phương hướng nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số ở tỉnh Bắc Ninh

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội đối với lĩnh vực dân số ở tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động của các đối tượng quản lý trong công tác này, đề xuất một số phương hướng, giải pháp sau:

Đối với chủ thể tham gia quản lý

Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc ban hành các kế hoạch, chương trình, thực hiện có hiệu quả công tác dân số trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát đối với các cơ quan chuyên môn trong việc lồng ghép yếu tố dân số vào xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường công tác giám sát đối với các cơ quan chuyên môn trong thực hiện lồng ghép dân số vào phát triển ở địa phương. 

Thứ hai, tăng cường vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực dân số, đặc biệt là Sở Y tế. Do đó, tỉnh cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân số, bình đẳng giới đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu chính sách dân số. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ hiểu rõ tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững ở địa phương; tập huấn các kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu về công tác dân số và thực hiện chính sách dân số ở địa phương. 

Thứ ba, phát huy tính tích cực của người dân tham gia thực hiện chính sách dân số. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giới và bình đẳng giới để thay đổi hành vi của người dân trong thực hiện chính sách dân số. Đặc biệt, ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

Đối với khách thể quản lý

Thứ nhấttận dụng và phát huy lợi thế dân số vàng

Tỉnh Bắc Ninh cần có giải pháp liên quan đến giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển giáo dục như: đẩy mạnh phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, công tác định hướng nghề nghiệp; tăng cường công tác phân luồng trong đào tạo một cách có hiệu quả… Thực hiện biện pháp tạo và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động được đào tạo như hỗ trợ vay vốn tín dụng tạo việc làm, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới… Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm; triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tăng cường thực hiện các giải pháp thích ứng với già hóa dân số

Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội cho người cao tuổi có chất lượng cao; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tự rèn luyện sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm an toàn cho người cao tuổi; đẩy mạnh nghiên cứu liên quan đến người cao tuổi ở tỉnh…

Triển khai xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp thích ứng với già hóa dân số dựa trên thực trạng và những tác động của tình trạng già hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và các chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là năng suất lao động đối với nhóm người cao tuổi và cận cao tuổi.

Các chương trình, chính sách thích ứng với già hóa dân số ở tỉnh cần tính đến yếu tố giới. Tỉnh cần tiếp tục truyền thông về giới để thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giảm tính dễ tổn thương của người cao tuổi; thực hiện lồng ghép yếu tố giới vào các chương trình, chính sách dành cho người cao tuổi.

Tiếp tục phát huy vai trò của người già trong phát triển kinh tế và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người cao tuổi có thể tham gia vào thị trường lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động giúp nhân công của họ thích nghi với độ tuổi. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nhiều người già đã thành công trong việc điều chỉnh sự phù hợp và thích ứng tốt hơn giữa quá trình lão hóa và áp dụng tiến bộ công nghệ.

Thứ ba, giải quyết những vấn đề xã hội do nhập cư

Trong công tác quản lý phát triển xã hội đối với vấn đề nhập cư, tỉnh Bắc Ninh cần đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát tình trạng di biến động dân số cơ học để có cơ sở xây dựng các biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội do nhập cư tạo ra. Nghiên cứu, áp dụng thực hiện các mô hình nhà ở xã hội cho lực lượng công nhân và người nhập cư có thu nhập thấp, giúp họ ổn định cuộc sống. Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ chỗ trọ và bảo đảm an toàn cho lực lượng lao động nhập cư. Thực hiện bảo đảm hệ thống giáo dục mầm non nhằm giúp cho người lao động an tâm làm việc. Tăng cường thiết chế xã hội vào công tác quản lý trật tự xã hội. Phát huy sự tham gia của người dân vào quản lý trật tự xã hội. Đẩy mạnh mô hình khu phố, xóm trọ tự quản. Tăng cường số hóa trong quản lý dân cư…

Thứ tư, thúc đẩy bình đẳng giới

Cần tiếp tục truyền thông về bình đẳng giới và các biện pháp giảm thiểu tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh trong mọi tầng lớp nhân dân. Cần tăng cường việc kiểm soát và xử lý nghiêm hơn nữa đối với các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giảm tính dễ tổn thương của phụ nữ, trẻ em. Tăng cường lồng ghép kiến thức bình đẳng giới vào các môn học ở các cấp bậc học.

_________________

(1), (2) Phạm Ngọc Thanh: Quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên trong xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội và y tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 24, 24.

(3), (4) Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập tỉnh (1997-2021).

(5), (6) Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh: Báo cáo Kết quả thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

PGS, TS ĐẶNG THỊ ÁNH TUYẾT

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS ĐINH QUANG HÀ

Học viện Cảnh sát nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền