Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới chính sách về dân số phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp ở Việt Nam
Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 10:37
5968 Lượt xem

Đổi mới chính sách về dân số phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp ở Việt Nam

(LLCT) - Dựa trên những số liệu dự báo về tốc độ gia tăng quy mô dân số, tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số nước ta và kết quả phân tích số liệu điều tra dân số cho thấy, Việt Nam đã đi vào thời kỳ có mức sinh thấp. Do đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách dân số phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước thời gian tới.

Thực trạng mức sinh thấp ở Việt Nam thể hiện rõ ở cả khu vực nông thôn và thành thị - Ảnh: vnanet.vn

Mức sinh ở nước ta trong hơn 10 năm qua tiếp tục xu hướng giảm. Từ những phân tích số liệu của Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong giai đoạn 2009-2019,  tổng tỷ suất sinh (TFR) ở Việt Nam đã giảm từ mức 2,03 con/phụ nữ xuống còn 1,85 con/phụ nữ(1); tỷ lệ nhóm người già (từ 65 tuổi trở lên (65+)) tăng khoảng 20%, trong khi quy mô dân số chung chỉ tăng khoảng 11%. Thực trạng mức sinh thấp đang tác động, làm gia tăng nhanh tốc độ già hóa dân số và cùng cộng hưởng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế quốc gia(2).

1. Mức sinh và tốc độ tăng quy mô dân số

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia, đồng thời phản ánh mức độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới(3). Đây là mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình có vừa đủ số con gái để “thay thế” họ trong quá trình tái sinh sản dân số; tương ứng với tổng tỷ suất sinh (TFR)/số con trung bình là 2,1 con/phụ nữ(4). Ở hầu hết các nước đang phát triển với mức thu nhập từ trung bình trở lên, đều có mức sinh tương đối thấp.

Quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người trong giai đoạn 2009-2019, với tỷ lệ tăng dân số trung bình là 1,14%/năm (giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm)). Tốc độ tăng quy mô dân số của nước ta đã giảm liên tục trong giai đoạn 1979-1989 (2,10%/năm) và 1989-1999 (1,7%/năm)(5). Tốc độ tăng quy mô dân số như vậy có mối liên hệ chặt chẽ với xu hướng giảm mức sinh liên tục từ năm 1989 đến nay. Tương ứng với mức sinh ở các năm 1989, 1999 và 2009, tổng tỷ suất sinh hay số con trung bình/phụ nữ lần lượt là 3,8; 2,33 và 2,03 con(6). Từ kết quả phân tích những số liệu cho thấy, tổng tỷ suất sinh ở nước ta đã giảm từ 2,03 xuống còn 1,85 con/phụ nữ trong giai đoạn 2009-2019. Mức sinh tiếp tục giảm nhanh trong những năm gần đây đã dẫn tới việc quy mô nhóm trẻ em từ 0-4 tuổi (7.819.326 người) ít hơn rõ rệt so với nhóm trẻ em từ 5-9 tuổi (8.332.719 người) tại thời điểm ngày 1-4-2019(7).

Xu hướng giảm mức sinh ở nước ta trong hơn 30 năm qua nằm trong quy luật chung về biến đổi mức sinh như ở các nước châu Á và trên thế giới. Mức sinh luôn có xu hướng giảm trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có hai nhóm yếu tố chính:

Thứ nhất, nhóm yếu tố liên quan tới quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế - xã hội. Những yếu tố này mang tính khách quan và luôn có tác động làm cho mức sinh giảm xuống. Nguyên do là các hành vi sinh đẻ của phụ nữ (hay các cặp vợ/chồng) bị chi phối bởi các giá trị, chuẩn mực xã hội về quy mô gia đình nhỏ, sinh ít con - những giá trị xã hội phổ biến trong xã hội hiện đại. Những giá trị, chuẩn mực xã hội tác động, làm biến đổi các hành vi sinh đẻ của phụ nữ từ sinh nhiều con chuyển sang sinh ít con.

Thực trạng mức sinh thấp ở nước ta hiện nay thể hiện rõ ở cả khu vực nông thôn và đô thị, cũng như mức sinh ở các vùng địa lý - kinh tế. Tổng tỷ suất sinh ở khu vực đô thị nước ta đã giảm xuống còn 1,51 con/phụ nữ; ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,06 con/phụ nữ.

Tổng tỷ suất sinh ở 5/6 vùng địa lý - kinh tế của nước ta năm 2019 đã giảm rõ rệt so với năm 2009. Chỉ có vùng trung du và miền núi phía Bắc, tổng tỷ suất sinh tăng nhẹ từ mức 2,24 con/phụ nữ lên 2,38 con/phụ nữ. Mức giảm sinh ở 5/6 vùng đã kéo mức sinh chung của cả nước từ 2,03 con/phụ nữ xuống còn 1,85 con/phụ nữ.

Thứ hai, nhóm yếu tố liên quan tới các mục tiêu và giải pháp của chính sách dân số. Các mục tiêu và giải pháp chính sách có thể được xây dựng nhằm hạn chế sinh đẻ hoặc khuyến khích sinh đẻ. Dựa vào diễn biến thực trạng mức sinh trong từng giai đoạn phát triển, mỗi quốc gia sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm thực hiện các mục tiêu dân số.

Trong giai đoạn 2009-2019, về cơ bản, các chính sách dân số ở nước ta hướng tới mục tiêu giảm sinh. Sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 về Công tác dân số trong tình hình mới, với chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ mục tiêu giảm sinh sang mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Như vậy, trong hơn mười năm qua, mức sinh ở nước ta đồng thời bị tác động kép theo xu hướng giảm cả hai nhóm yếu tố nêu trên.

Từ mối liên hệ chặt chẽ giữa tốc độ tăng quy mô dân số chậm với xu hướng giảm mức sinh, dự đoán tổng tỷ suất sinh của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 1,8 con/phụ nữ và có thể xuống mức 1,5 con/phụ nữ, (tương đương với mức sinh của Thái Lan năm 2020)(8).

Trong bối cảnh mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang ngày càng nhanh hơn đã và đang dẫn đến những áp lực đáng kể lên hệ thống an sinh xã hội, cũng như làm suy giảm nguồn cung ứng lao động cho nền kinh tế. Những thách thức này đặt ra yêu cầu về tiếp tục đổi mới chính sách dân số.   

2. Mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh

Mức sinh biến đổi theo xu hướng giảm ở nước ta trong hơn 30 năm qua không chỉ làm chậm lại tốc độ gia tăng quy mô dân số mà còn làm thay đổi cơ cấu độ tuổi của dân số theo xu hướng chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già - xu hướng già hóa dân số. Trong quá trình già hóa dân số, tỷ trọng của nhóm dân số trẻ em có xu hướng giảm liên tục. 

Tỷ trọng số trẻ em ở nước ta đã giảm từ 39,2% (năm 1989), xuống 24,3% (năm 2019)(9). Đồng thời với tỷ trọng số trẻ em giảm, tỷ trọng số người già trong dân số gia tăng nhanh. Tỷ trọng số người già (65+) đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 2009-2019, từ 6,4 % (năm 2009) lên 7,7% (năm 2019). Theo dự báo, với giả định mức sinh trung bình giai đoạn 2019-2069, tỷ trọng này sẽ tăng lên mức 11,51% vào năm 2029 và 15,14% vào năm 2039. Khoảng năm 2036, tỷ trọng người già sẽ vượt mức 14% và Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ già hóa dân số, bắt đầu bước vào thời kỳ có cơ cấu dân số già(10).

Theo số liệu của Liên hợp quốc (năm 2020), với quy mô số người già (65+) ở nước ta khoảng 7,5 triệu người, Việt Nam xếp thứ 18 về quy mô số người già trên thế giới, sau Thái Lan (xếp thứ 17) và Hàn Quốc (xếp thứ 16) với số lượng người già tương ứng là 7,6 triệu người và 7,8 triệu người(11).

Tỷ trọng nhóm dân số người già ở nước ta đang tăng nhanh do hai yếu tố chủ yếu là do mức sinh thấp (dẫn đến tỷ trọng nhóm dân số trẻ em giảm mạnh) và tuổi thọ trung bình của người dân đang được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của người dân ở nước ta liên tục tăng lên từ 65,2 tuổi (năm 1989), lên 68,2 tuổi (năm 1999) và đạt 73,6 tuổi (năm 2019). 

Thực tiễn mối quan hệ giữa mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh ở một số nước tại châu Á như Thái Lan hay Trung Quốc cho thấy, khi các quốc gia này bước vào thời kỳ mức sinh thấp với tổng tỷ suất sinh xuống dưới ngưỡng 2,1 con/phụ nữ, tỷ trọng số người già đã tăng lên nhanh trong cơ cấu dân số và thời kỳ già hóa dân số bị rút ngắn lại; việc cố gắng đưa tổng tỷ suất sinh tăng lên về quanh mức sinh thay thế bằng nhiều giải pháp chính sách khuyến khích sinh đẻ gần như là bất khả kháng. Trong hơn 10 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Thái Lan tiếp tục xuống thấp, từ mức khoảng 1,8 con/phụ nữ (năm 2010), xuống 1,6 con/phụ nữ (năm 2015) và còn 1,5 con/phụ nữ (năm 2020). Tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số Thái Lan đã tăng từ 8% lên 12% trong giai đoạn 2010-2020(12).

Trung Quốc cũng đã có tổng tỷ suất sinh ở mức thấp là 1,5 con/phụ nữ trong giai đoạn  2010-2015. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách dân số mới cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con, nhưng đến năm 2020, tổng tỷ suất sinh vẫn dừng ở mức 1,5 con/phụ nữ. Tỷ trọng số người già ở Trung Quốc đã tăng từ 8% lên 13% trong giai đoạn 2010-2020. Theo số liệu mới được công bố của Liên hợp quốc (năm 2021), tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ còn 1,3 con/phụ nữ(13). Tỷ trọng số người già ở quốc gia này có thể vượt ngưỡng 14%, và Trung Quốc đã bắt đầu thời kỳ cơ cấu dân số già. Như vậy, thời kỳ già hóa dân số ở Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 21 năm (2000-2021). Việc duy trì chính sách một con trong một thời gian tương đối dài (từ 1980-2015) và chậm thực hiện chuyển đổi sang chính sách hai con (chỉ từ năm 2016) đã làm cho Trung Quốc có thời kỳ già hóa dân số ngắn nhất so với các nước khác trên thế giới. Năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp mức sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm sâu(14). Đây là lý do buộc Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách sinh ba con từ năm 2021(15).

Việt Nam đang trong bối cảnh mức sinh thấp. Nếu diễn biến của quá trình già hóa dân số theo đúng như dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ kết thúc thời kỳ già hóa dân số vào năm 2036. Thời kỳ già hóa dân số ở nước ta chỉ kéo dài khoảng 25 năm (2012-2036). Việt Nam có thể vẫn ở trong nhóm các nước có thời kỳ già hóa dân số ngắn nhất. Cả quy mô và tỷ trọng số người già đều đang tăng nhanh hơn sẽ gây áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội ở nước ta trong những năm sắp tới.

3. Phương hướng đổi mới chính sách dân số nhằm khuyến khích sinh con ở người dân

Trong bối cảnh mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang ngày càng nhanh hơn đã và đang dẫn đến những áp lực đáng kể lên hệ thống an sinh xã hội, cũng như làm suy giảm nguồn cung ứng lao động cho nền kinh tế. Những thách thức này đặt ra yêu cầu về tiếp tục đổi mới chính sách dân số. Trong thư gửi ngành Dân số mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị nghiên cứu, đề xuất chiến lược dân số phù hợp với giai đoạn phát triển mới nhằm đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước(16).

Từ những yêu cầu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số...”(17); trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về xu hướng giảm sinh dưới tác động của các yếu tố đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng mức sinh thấp ở nước ta hiện nay và mối quan hệ biện chứng giữa mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh, bài viết đề xuất kiến nghị nhằm đổi mới chính sách dân số Việt Nam đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước. Từ mối quan hệ giữa mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta hiện nay, chỉ có thể cố gắng làm chậm lại tốc độ già hóa dân số bằng cách tích cực, chủ động chuyển trọng tâm chính sách dân số từ giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước một cách thống nhất.

Tổng tỷ suất sinh ở 2 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã ở mức rất thấp, từ 1,27 con/phụ nữ đến 1,5 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh ở vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đang ở mức sinh thay thế (2,04 con/phụ nữ và 2,11 con/phụ nữ). Tổng tỷ suất sinh ở 2 vùng còn lại là Tây Nguyên và trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn cao hơn mức sinh thay thế (2,32 con/phụ nữ và 2,38 con/phụ nữ). Như vậy, chênh lệch về mức sinh còn khá nhiều, nhất là giữa vùng Đông Nam bộ và vùng trung du và miền núi phía Bắc (1,27 con/phụ nữ và 2,38 con/phụ nữ). Mức sinh của cả 6 vùng địa lý - kinh tế ở nước ta sẽ tiếp tục giảm xuống thấp hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 dưới tác động của các yếu tố phát triển. Do đó, để kiểm soát giữ tổng tỷ suất sinh chung của cả nước không giảm xuống dưới 1,6 con (vào năm 2030), cần thực hiện khuyến khích sinh ở cả 6 vùng, không để cho mức sinh ở tất cả các vùng tiếp tục giảm xuống. Ở tất cả các vùng và các tỉnh, thành phố đều phải tích cực chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh.

Thực hiện mục tiêu không để cho mức sinh ở tất cả các vùng tiếp tục giảm, tích cực chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước; giữ tổng tỷ suất sinh chung của cả nước năm 2030 không giảm xuống dưới 1,6 con/phụ nữ, giải pháp về chính sách dân số cần thực hiện vận động các cặp vợ chồng sinh từ 2-3 con.

Thứ hai, bổ sung soạn thảo các quy định mới của Luật Dân số phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp ở nước ta hiện nay. Liên quan tới quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện bảo vệ sức khỏe sinh sản, họ cần có quyền đối với quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện làm việc, thu nhập và nuôi dạy con trên cơ sở bình đẳng giới(18). Những quy định mới của Luật Dân số cần được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, có hiệu lực thi hành đến giai đoạn sau năm 2030, khi đất nước sẽ bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già.

Thứ ba, gia tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động thực thi chính sách khuyến khích sinh. Từ quan điểm đầu tư cho công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản là đầu tư cho phát triển bền vững, mang lại hiệu quả trực tiếp về kinh tế, xã hội và môi trường, cần tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc xây dựng và thực thi các giải pháp chính sách về khuyến khích sinh đẻ như: phát triển dịch vụ trông giữ trẻ;  việc làm cho phụ nữ có con nhỏ; nhà ở cho người lao động; v.v..

Phát triển dịch vụ trông giữ trẻ: Một trong những rào cản, khó khăn đối với các cặp vợ chồng/phụ nữ trong việc sinh con, sinh thêm con ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp là thiếu các cơ sở trông giữ trẻ, nhất là với các nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các địa phương cần coi trọng việc bố trí đầu tư ngân sách cho xây dựng, phát triển các dịch vụ trông giữ trẻ em từ bậc tiểu học trở xuống, bao gồm cả nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhất là ở các đô thị và khu công nghiệp. Hệ thống các cơ sở dịch vụ này được phát triển tốt sẽ giúp cho người lao động yên tâm lao động sản xuất, đồng thời không trì hoãn hay ngại việc sinh con.

Việc làm cho phụ nữ có con nhỏ: Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi lao động ở nước ta đều có nhu cầu về việc làm ổn định. Việc chăm sóc, nuôi con nhỏ hay việc sinh thêm con là một yếu tố có thể cản trở tới việc làm ổn định của người lao động. Trong chính sách bảo hiểm xã hội cần có các quy định về tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ, tăng số ngày nghỉ có phép để chăm sóc con ốm, linh hoạt chế độ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi, v.v..

Nhà ở xã hội cho lao động: Một rào cản với việc khuyến sinh là các điều kiện về nhà ở còn hạn chế đối với người lao động, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp. Cần tăng đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội ở các đô thị lớn, khu công nghiệp cho các nhóm đối tượng này. Các giải pháp về khuyến khích kết hôn, sinh con trước tuổi 30 cần gắn với những hỗ trợ được thuê, mua nhà với giá ưu đãi.

Các mục tiêu và hệ thống các giải pháp chính sách về khuyến sinh cần được xây dựng đồng bộ và thực hiện thống nhất ở các địa phương. Không thể đi ngược lại với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhưng với việc xây dựng các giải pháp chính sách dân số phù hợp và kịp thời, chúng ta có thể kiểm soát không để mức sinh giảm quá thấp và làm chậm lại tốc độ già hóa dân số.

Việc tiếp tục đổi mới chính sách dân số nhằm khuyến sinh để thích ứng với quá trình già hóa dân số nhanh ở nước ta hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách để công tác dân số ở nước ta trong thời kỳ mới đạt hiệu quả lâu dài(19).

__________________

Ngày nhận bài: 31-3-2022; Ngày bình duyệt: 6-4-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022

 

(1) Hà Việt Hùng, Đặng Thị Minh Lý: “Thực trạng xu hướng biến đổi mức sinh hiện nay ở Việt Nam”, http://hdll.vn, truy cập ngày 3-2-2022.

(2), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.212, tr.151.

(3), (6) Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Thực trạng và các yếu tố tác động đến mức sinh tại Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021.

(4), (5), (9) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, Nxb Thống kê, 2019.

(7) Tổng cục Thống kê: Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.

(8), (18) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, http://chinhphu.vn, truy cập ngày 3-2-2022.

(9) Tổng cục Thống kê: Chuyên khảo Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069, http://vietnam.unfpa.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(8), (11) Population Reference Bureau (PRB), 2020: World Population Datasheet 2020, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(10) Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, http://vietnam.unfpa.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(12) Population Reference Bureau (PRB): World Population Datasheet 2010, 2015, 2020, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(13) Population Reference Bureau (PRB): World Population Datasheet 2021, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(14) Phương Linh: “Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, Trung Quốc cận kề khủng hoảng nhân khẩu học”, https://vneconomy.vn, truy cập ngày 3-2-2022.

(15) Phiên An: “Chính sách 3 con -hy vọng duy trì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc”, https://vnexpress.net, truy cập ngày 3-2-2022.

(16), (19) “Thư Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành dân số Việt Nam nhân dịp 60 năm truyền thống”, http://gopfp.gov.vn/, truy cập ngày 3-2-2022.

TS HÀ VIỆT HÙNG

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền