Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ ba, 30 Tháng 8 2022 13:55
841 Lượt xem

Phát huy vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Phát huy thế mạnh và tiềm năng của trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Bài viết phân tích quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực quan trọng này, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thảo luận “Đóng góp trí tuệ Việt ở nước ngoài cho sự phát triển của Việt Nam" - Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản ngày 16/11/2019 - Ảnh: vnanet.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, Người không chỉ trọng dụng đội ngũ trí thức trong nước, mà còn sử dụng và phát huy tài năng của trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Quan điểm Hồ Chí Minh về trí thức là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Người, luôn soi đường cho Đảng và Nhà nước làm tốt hơn nữa công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trí thức, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng cho sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài

Thứ nhất, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc

Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức là một bộ phận trong lực lượng cách mạng… Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân”(1). Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nhận thấy chính quyền thực dân tiến hành đào tạo những người trí thức Tây học, trong đó có một bộ phận được chọn lọc đi du học ở Pháp, nhằm mục đích phục vụ chế độ thực dân, thực hiện chính sách cai trị của chúng. Nhưng trên thực tế, trừ một bộ phận cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, số còn lại đều có ít nhiều tinh thần yêu nước, thương nòi và bất bình với chế độ thực dân phản động, tàn bạo. Chính vì vậy, Người chỉ rõ lực lượng cách mạng không chỉ là công nhân, nông dân, mà còn bao gồm cả những trí thức yêu nước, dù được đào tạo ở trong nước hay nước ngoài.

Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người chỉ ra rằng, sự nghiệp cách mạng muốn giành thắng lợi phải có kiến thức, phải hiểu biết, không được “xúi dân bạo động”, mà phải “bày cách tổ chức”. Do đó, phải có vai trò của trí thức. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập sẽ không hoàn thành được.

Trong những văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”(2).

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, dù mục tiêu có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng những người trí thức - trong đó có cả những trí thức Việt Nam ở nước ngoài - và giai cấp công nhân, giai cấp nông dân có điểm chung đều là những người lao động (lao động trí óc và lao động chân tay). Họ là những người chủ yếu làm ra của cải, vật chất cho xã hội; đồng thời là những người bị phân biệt đối xử, bị coi thường bởi mang thân phận người dân mất nước. Tuy nhiên, họ cũng là những người có sức mạnh lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xây dựng xã hội mới, là bộ phận của lực lượng cách mạng.

Người khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(3); và “Vì Đảng và Chính phủ biết là kháng chiến và kiến quốc thì phải cần trong mọi ngành: kinh tế, tài chính, quân sự, văn hóa có những người trí thức để giúp vào mới thành”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tập hợp mọi lực lượng, mọi người yêu nước, tiến bộ dưới ngọn cờ của Đảng. Người kêu gọi, động viên và khuyến khích nhân tài, trí thức, các nhà khoa học, người Việt Nam yêu nước đang sống ở nước ngoài, tham gia đóng góp vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Hòa vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã nhanh chóng trưởng thành và có những đóng góp quan trọng cho cuộc kháng chiến, trong số đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng. Một số trí thức đã về nước tham gia kháng chiến. Các trí thức yêu nước ấy đã trở thành những cánh chim đầu đàn trong các ngành công nghiệp, y tế, quốc phòng quan trọng của đất nước, đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Nói về sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với trí thức Việt Nam ở nước ngoài, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - trí thức về nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, tâm sự: “Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài mới về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu vào tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, ở cách mạng nhất định thắng lợi... Lời nói thân yêu của Bác đã cảm hóa và chinh phục trái tim chúng tôi”(5).

  Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, trí thức kiều bào đã góp phần thu hẹp khoảng cách về khoa học - công nghệ và tư duy quản lý giữa Việt Nam với các nước phát triển, tạo động lực giúp Việt Nam tăng tốc trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng với trọng tâm là huy động tổng hợp nguồn lực lao động, vốn, khoa học và công nghệ, cùng những nguồn lực mới về số hóa... 

Thứ hai, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng góp phần vào việc xây dựng xã hội mới

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm việc mời các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và cả chuyên gia nước ngoài cộng tác, làm việc. Trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã đưa ra nguyên lý cho sự phát triển của đất nước sau khi giành được độc lập: “Chương trình kiến thiết của Việt Nam bước đầu tiên là làm cho dân khỏi khổ, khỏi dốt. Muốn như thế thì chúng tôi phải ra sức tăng gia sản xuất, muốn tăng gia sản xuất rộng rãi và chóng có kết quả, thì chúng tôi cần có tư bản, trí thức và lao động… Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”(6).

Hồ Chí Minh lý giải vai trò của trí thức, trong đó có trí thức Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước: “Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khỏe của dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v.. Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).

Chính vì vậy, Người nói: “Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi… Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”(8).

Hồ Chí Minh tin tưởng trí thức Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Để phát huy vai trò của trí thức, Người yêu cầu: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(9).

Hồ Chí Minh cho rằng, cần có chính sách quan tâm trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Trước hết là hệ thống chính sách của Nhà nước đối với trí thức. Sau Cách mạng Tháng Tám, nền tài chính của nước nhà hết sức eo hẹp, Hồ Chí Minh rất trăn trở về vấn đề thu nhập, đời sống của trí thức. Ngày 8-11-1946, trong buổi tiếp Liên đoàn Giáo dục Việt Nam, Người nói: “Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên, là những người từ tầng lớp dưới đến tầng lớp trên lĩnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho đất nước”(10).

Những trí thức theo Hồ Chí Minh từ Pháp trở về nước, lên chiến khu đều hết sức cảm động khi thấy Người chỉ thị các cơ quan chăm lo bố trí chỗ ở cho họ. Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện để trí thức, nhân tài tập trung sức lực, trí tuệ vào công tác nghiên cứu, phát minh. Sự tin tưởng, trọng dụng, sự quan tâm chu đáo, tỉ mỉ của Hồ Chí Minh đối với trí thức còn được thể hiện ở chỗ Người rất chăm lo cuộc sống các gia đình của trí thức và ân cần chia sẻ với họ những vui buồn trong cuộc. Đó chính là một trong những lý do quan trọng lý giải sức cảm hóa của Người đối với đội ngũ trí thức, trong đó có trí thức việt Nam ở nước ngoài.

2. Phát huy vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình hiện nay

Vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có trí thức người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Quan điểm nhất quán đó đã thu hút được sự đóng góp của đồng bào vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về trọng dụng và thu hút trí thức ở nước ngoài, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức ở trong và ngoài nước vào công cuộc phát triển đất nước.

Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, trong đó nhấn mạnh: “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà; Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ… ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước…”(11).

Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, trong đó nêu nhiệm vụ và giải pháp: “Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(12).

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ ban hành các chương trình hành động, nghị định thực hiện nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22-9-2014 của Chính phủ quy định về “Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”. Nghị định đã nêu rõ các chính sách như: chính sách xuất nhập cảnh và cư trú; chính sách tuyển dụng, lao động, học tập; chính sách tiền lương; chính sách nhà ở, chính sách khen thưởng…

Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, số lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung trở về nước lao động và làm việc ngày càng nhiều. Chuyên gia, trí thức kiều bào đang tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước: chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ; huấn luyện, giảng dạy, đào tạo; tư vấn, thẩm định; cung cấp thông tin; làm cầu nối hợp tác khoa học, đào tạo, giúp tìm kinh phí; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư phát triển công nghệ…

Chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia hợp tác, đóng góp cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào khoa học nghiên cứu cơ bản, công nghệ hạt nhân, công nghệ thông tin - truyền thông, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế tài chính, y học… Tại các địa phương, các nhà khoa học tham gia hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nhiều trí thức - doanh nhân kiều bào, vừa có tri thức khoa học công nghệ vừa hiểu biết về quản lý, kinh doanh về nước đầu tư, thành lập công ty, phát triển ứng dụng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp liên doanh, có kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài đã tuyển chọn chuyên gia gốc Việt về làm việc tại Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều hội thảo chuyên ngành đã được các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Nhiều ý kiến phản biện tâm huyết và có giá trị khoa học, thực tiễn của trí thức kiều bào về các vấn đề như khai thác bôxít, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đường sắt cao tốc Bắc Nam, vấn đề biên giới lãnh thổ, sửa đổi Hiến pháp… đã được tập hợp và chuyển tới lãnh đạo cấp cao. Các cuộc hội thảo đã tạo cơ hội cho trí thức kiều bào liên kết với trong nước, thiết lập quan hệ, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các cơ quan trong nước cũng đã bổ nhiệm một số trí thức kiều bào làm Viện trưởng, Trưởng khoa trong một số viện nghiên cứu ứng dụng, trường đại học như: GS Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Toán cấp cao, GS Trương Nguyện Thành làm Giám đốc Trung tâm tính toán thành phố Hồ Chí Minh…

Đại dịch Covid bùng phát từ đầu năm 2020 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Kiều bào ta, dù cũng gặp vô vàn khó khăn ở nước sở tại, những vẫn đồng hành, chia sẻ, không chỉ về vật chất, sức mạnh tinh thần mà còn đóng góp ý kiến tâm huyết để tham mưu với Chính phủ, nhân dân trong nước trong việc phòng, chống, giảm nhẹ tác hại của dịch bệnh.

Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào đã tích cực đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin, chia sẻ kinh nghiệm và có nhiều khuyến nghị chính sách. Bác sỹ kiều bào ở nhiều nơi tình nguyện trở về nước tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại quê nhà, tiêu biểu là bác sĩ Vũ Ngọc Khuê (kiều bào Mỹ), bác sĩ Doan Viên (Mỹ) mong muốn đưa đoàn bác sỹ từ Mỹ về Thành phố Hồ Chí Minh.

Hàng loạt chương trình trao đổi, tư vấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của đồng bào trong nước giữa các bác sỹ kiều bào với cơ quan, người dân trong nước được tổ chức trên các nền tảng online.

Tiêu biểu là hội thảo “Kinh nghiệm triển khai hệ thống bác sĩ gia đình ở Italia trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 - tham vấn và hỗ trợ cấp cứu 118 Italia”; hội thảo “Mối nguy hiểm của biến thể Delta và cách phòng ngừa”; tọa đàm “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19” và đặc biệt là Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 10-2020)… Những hoạt động thiết thực này được các cơ quan, người dân trong nước bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận tình cảm của các chuyên gia, trí thức và bác sỹ kiều bào.

Hằng năm có khoảng 500 lượt chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ (chưa bao gồm số về Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn). Đồng thời, ngày càng nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia hợp tác trong các hoạt động giảng dạy, đào tạo nhân lực, kiến nghị chính sách, nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, trí thức kiều bào đã góp phần thu hẹp khoảng cách về khoa học - công nghệ và tư duy quản lý giữa Việt Nam với các nước phát triển, tạo động lực giúp Việt Nam tăng tốc trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng với trọng tâm là huy động tổng hợp nguồn lực lao động, vốn, khoa học và công nghệ, cùng những nguồn lực mới về số hóa.

Trí thức kiều bào tham gia ngày càng trực tiếp và sâu rộng, tham mưu Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra trong quá trình phát triển. Năm 2021, các chuyên gia kiều bào đã tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Bốn chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham giao vào Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, đã đưa ra những khuyến nghị, tư vấn chính sách hiệu quả với các vấn đề nổi bật như năng lượng sạch, công nghệ xanh, năng lượng tuần hoàn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tăng năng suất, chất lượng tăng trưởng...

Ngoài các lĩnh vực truyền thống, đóng góp của trí thức kiều bào ngày càng đi vào những vấn đề có tính thời sự, phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu và bám sát nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa trí thức ở trong và ngoài nước cũng như việc thu hút nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất nước còn chưa được phát huy tối đa.

Hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu mở có khả năng cập nhật hồ sơ cá nhân và chia sẻ thông tin, trở thành diễn đàn kết nối trí thức người Việt ở trong cũng như ngoài nước. Đây còn là một mạng lưới điều phối cũng như có các hoạt động để tăng cường hiệu quả liên kết giữa các thành viên. Điều này đặc biệt cần thiết vì hiện nay, trong nước đang rất cần các chuyên gia giỏi để phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao mà chúng ta đang ưu tiên như: công nghệ điện hạt nhân, vũ trụ, tự động hóa…

Thêm vào đó, các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu đều có nhu cầu thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào về hợp tác, làm việc nhưng chưa có các chương trình, dự án khả thi; vai trò của trí thức mới được đề cập chung chung trên các văn bản, các cuộc hội nghị, hội thảo mà chưa được triển khai trong thực tế hoặc các kiến nghị của kiều bào chưa được quan tâm, giải quyết thấu đáo. Các bộ, ngành, địa phương chưa xác định được nhu cầu sử dụng cũng như thiếu thông tin về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nên gặp khó khăn trong việc thu hút và sử dụng…

Mặt khác, việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học chưa đạt hiệu quả cao, việc sử dụng và trả lương cho người nghiên cứu chưa thực sự xứng đáng… cũng là những trở ngại đối với các chuyên gia, trí thứcngười Việt Nam ở nước ngoài.

Trong hoạt động khoa học, sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc cũng là rào cản đáng kể đối với các chương trình hợp tác làm việc chung. Vai trò của trí thức Việt kiều ở các trường đại học, viện nghiên cứu chưa được đề cao. Ngoài ra, tình trạng thiếu thốn các điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê kíp làm việc mạnh… cũng là những khó khăn không nhỏ.

Bên cạnh đó, vướng mắc trong xét, cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ và thiếu các chế độ đãi ngộ cụ thể đối với chuyên gia trí thức kiều bào đã và đang là cản trở lớn đối với việc huy động chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc.

Vì vậy, để xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, cần quán triệt sâu sắc, nhất quán chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được cơ chế “đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực kinh tế và tiềm năng trí tuệ của chuyên gia, trí thức kiều bào.

Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ cho họ.

Mặt khác, Nhà nước cần dành ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, đầu tư đúng mức cho giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển nhân lực trình độ cao.

Cần có biện pháp để thực thi hiệu quả những chính sách đã được ban hành như: tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào mua nhà ở, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính đối với kiều bào; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về tuyển dụng trí thức kiều bào vào vị trí quản lý tại các cơ quan trong nước; xây dựng cơ chế tiếp thu, giải đáp và phản hồi ý kiến, sáng kiến đểnhững đóng góp của trí thức kiều bào được áp dụng, triển khai trong thực tiễn.

__________________

Ngày nhận bài: 24-6-2022; Ngày bình duyệt: 2-8-2022; Ngày duyệt đăng: 28-8-2002.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.378.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t3, tr.3.

(3), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.275, 184.

(4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.59; 56, 59.

(5) Chúng ta có Bác Hồ, Nxb Lao động, Hà Nội, 1999, tr.93-94.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.71-72.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.43.

(9) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.365.

(10) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26-3-2004.

(12) Bộ Chính trị: Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

ThS NGUYỄN THỊ THU TRANG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền