Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng văn hóa ứng xử cho công chức cấp xã
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 13:58
3869 Lượt xem

Xây dựng văn hóa ứng xử cho công chức cấp xã

(LLCT) - Cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị và hệ thống chính quyền của Việt Nam. Công chức cấp xã giữ vai trò quan trọng mang tính quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính quyền nói chung và cấp xã nói riêng. Là cấp gần dân nhất, trực tiếp đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, nên việc xây dựng văn hóa ứng xử của công chức cấp xã là yêu cầu tất yếu khách quan, là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình cải cách hành chính - cải cách nền công vụ và xây dựng đội ngũ công chức hành chính ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: văn hóa ứng xử, công chức cấp xã.

1. Công chức cấp xã và văn hóa ứng xử của công chức cấp xã

* Công chức cấp xã

Công chức cấp xã (xã, phường, thị trấn) được Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, công chức cấp xã gồm có các chức danh: trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy); chỉ huy trưởng quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.

 Luật Cán bộ, công chức cũng phân định công chức cấp xã với cán bộ cấp xã gồm: những người là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội.           

Công chức là một bộ phận hợp thành tất yếu của công sở (không có công chức bất thành công sở) nhưng là một bộ phận đặc biệt: là lực lượng sử dụng nguồn lực công và những quy định của pháp luật để thực thi công vụ giúp cho chủ thể hành chính và các chủ thể khác thực thi quyền lực nhà nước và cung ứng các dịch vụ công.

Công chức cấp xã có những vai trò cụ thể sau:

Thứ nhất, công chức cấp xã là những người tham mưu, giúp Ủy  ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan hành chính thẩm quyền chung thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ này đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên và chuyên nghiệp. Vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã cần có đội ngũ công chức tham mưu giúp việc đảm bảo cho hoạt động quản lý có hiệu quả và đúng pháp luật.

Hai là, công chức cấp xã là những người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước ở địa bàn cơ sở. Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất trong hệ thống hành chính. Đây là cấp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và công chức xã nói riêng.

Thứ ba, công chức cấp xã là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Công chức cấp xã là những người trực tiếp mang chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thực hiện; đồng thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước phản ánh cho Đảng và Nhà nước để có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

* Văn hóa ứng xử của công chức cấp xã

Văn hóa ứng xử có thể hiểu là cách thức thể hiện thái độ và hành vi của cá nhân khi tiếp xúc với các quan hệ bên ngoài (bao gồm cả quan hệ với xã hội và với môi trường tự nhiên).

 Đối với công chức hành chính, văn hóa ứng xử của công chức chính là cách thức thể hiện thái độ và hành vi của công chức đối với các quan hệ bên trong và bên ngoài công sở. Đó là thái độ, hành vi đối với công vụ (chức trách, nhiệm vụ của mình), đối với tổ chức, đối với đồng nghiệp, với lãnh đạo, người dân, đối với môi trường công vụ. Như vậy, văn hóa ứng xử là một bộ phận quan trọng của văn hóa công sở. Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức phản ánh diện mạo của văn hóa công sở.

Văn hóa ứng xử là dấu hiệu căn bản để nhận biết văn hóa của người công chức bởi vì nó là sự phản ánh tập trung các giá trị nhân cách con người gồm tri thức, đạo đức, lối sống và phong cách cá nhân. Theo giáo sư Lê Thi: “Cách ứng xử có văn hóa không phải là biểu hiện xã giao, bề ngoài mà chứa đựng những quan niệm đạo đức, văn hóa nhất định. Đó là phương thức cơ bản, nhằm tạo ra sự thoải mái trong quan hệ giao tiếp xã hội, giúp cho mỗi cá nhân gia nhập một cách hài hòa vào đời sống chung. Cách ứng xử có văn hóa là một nghệ thuật chung sống. Nó thể hiện việc cần phải làm nhằm thực hiện những quy định của nền văn minh nhân loại về mặt đạo đức”(1).

Đối với công sở, văn hóa ứng xử phản ánh các giá trị về thái độ, nền nếp, kỷ luật, phong cách của công sở đó. Điều quan trọng nhất là văn hóa ứng xử tạo lập ra môi trường giao tiếp, tương tác liên quan trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ. Ứng xử với đồng nghiệp không tốt sẽ phá vỡ quan hệ đoàn kết, đồng thuận trong cơ quan. Ứng xử với khách hàng không tốt sẽ mất đi niềm tin và sự tôn trọng, yêu quý của khách hàng. Ứng xử không tốt với môi trường, cảnh quan nơi công sở sẽ làm tổn hại đến không gian sống và điều kiện làm việc của mọi người.

2. Nội dung và giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử cho công chức cấp xã

* Nội dung xây dựng văn hóa ứng xử cho công chức cấp xã

Xây dựng văn hóa ứng xử cho đội ngũ công chức hành chính cấp xã là quá trình tương tác tích cực, chủ động giữa tác động bên ngoài (chủ thể lãnh đạo, quản lý, các quan hệ xã hội...) với sự tiếp nhận của cá nhân. Quá trình xây dựng này phải xác định trên cơ sở những chuẩn mực nhất định. Những chuẩn mực này phù hợp với những yêu cầu về chính trị, đạo đức, văn hóa được cộng đồng chấp nhận. Những chuẩn mực này cũng mang tính tương đối ở những giai đoạn khác nhau hay không gian văn hóa khác nhau.

Hiện nay, các công sở hành chính trong cả nước triển khai Quyết định số 1847/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 -12 - 2018 về việc phê chuẩn Đề án văn hóa công vụ. Quyết định này quy định về bốn chuẩn mực văn hóa công vụ bao gồm:

a, Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức

b, Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

c, Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức

d, Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức

Chuẩn mực ứng xử của công chức, viên chức được quy định tại mục b của Quyết định, gồm:

- Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

- Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

- Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.

Như vậy, đối với công chức cấp xã (với đặc điểm là chỉ thực thi công vụ chuyên môn theo chức danh chứ không giữ vị trí lãnh đạo - tức là không làm cán bộ) thì phải thực hiện những quy định ứng xử với người dân, với đồng nghiệp và với lãnh đạo. Thực tế thì tại công sở, ngoài 3 quan hệ cơ bản trên, công chức cấp xã còn xử lý các mối quan hệ khác như với công việc, với môi trường làm việc, giao tiếp với bên ngoài qua điện thoại, thư điện tử.

Với những chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc điểm của công sở cấp xã và công chức cấp xã, có thể cụ hóa điểm c của Quyết định về việc phê chuẩn Đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ thành những quy định chuẩn mực văn hóa ứng xử của công chức cấp xã thành những nội dung sau đây:

Thứ nhất, trong giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân

a) Khi giao tiếp để giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

b) Không được có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và công dân; không được thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi.

c) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải nghiêm túc, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của tổ chức, công dân để hướng dẫn, tham mưu giải quyết thấu đáo theo đúng quy định của pháp luật.

d) Hướng dẫn công khai quy trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy trình thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các đề nghị của tổ chức và công dân được giải quyết đúng pháp luật.

đ) Không được từ chối giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; không được làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan.

e) Trường hợp hồ sơ giải quyết có sai sót, chậm, muộn phải thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi theo quy định.

Thứ hai, giao tiếp và ứng xử giữa cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp

- Tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không né tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng.

- Trong giao tiếp và khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cấp dưới phải có thái độ lịch sự, tôn trọng cấp trên; chủ động, thẳng thắn, chân thành đóng góp ý kiến với cấp trên để kịp thời khắc phục tồn tại hạn chế, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng cơ quan, đơn vị; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín, danh dự của cấp trên.

- Chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp

- Phải có tinh thần, thái độ hợp tác, phối hợp, tương trợ lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ; không bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị.

- Phải tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp; cởi mở, chân thành, thân thiện; lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của đồng nghiệp, của tập thể; thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, khách quan; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp.

Thứ tư, giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử công vụ và trên mạng xã hội

 a) Khi giao tiếp qua điện thoại, công chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; âm lượng vừa đủ nghe, không gắt gỏng hay nói trống không, không ngắt điện thoại đột ngột.

b) Quản lý và sử dụng hộp thư điện tử công vụ theo đúng quy định; thực hiện việc gửi, trả lời thư điện tử công vụ kịp thời, lịch sự.

c) Không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ; không sử dụng, lợi dụng mạng xã hội để nói sai sự thật về tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đơn vị, cơ quan.

d) Không phát tán, đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh mang tính nội bộ của cơ quan lên các trang mạng xã hội.

đ) Không sử dụng trang thiết bị, điện thoại cơ quan, thư điện tử công vụ để giải quyết việc riêng.

* Giải pháp xây dựng đội ngũ công chức cấp xã hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về văn hóa công sở và văn hóa ứng xử nơi công sở

Để hình thành và hoàn thiện văn hóa ứng xử giao tiếp nơi công sở, trước tiên cán bộ, công chức phải có nhận thức đúng. Nhận thức là cơ sở để hình thành niềm tin và dẫn dắt, thúc đẩy hành vi của con người, dần dần trở thành thói quen, phong cách.

Để nâng cao nhận thức cho công chức cơ sở, cấp ủy và Ủy ban nhân dân cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền cho công chức nhận thức rõ ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công sở, hiểu biết và thực hành các quy định về chuẩn mực văn hóa công sở nói chung và văn hóa ứng xử, giao tiếp nói riêng.

Cần làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức cấp xã nhận thức rõ trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp là yêu cầu tất yếu của mỗi cá nhân góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải làm thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt của các đoàn thể. Cần đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, của công chức lớn tuổi và chú ý giáo dục, rèn luyện cho công chức trẻ.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa công sở

Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công sở trong các văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghiên cứu, sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công sở.

Công sở các xã, phường, thị trấn cần vận dụng các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên để xây dựng những quy định phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Đây là những chuẩn mực để công chức và cán bộ xã, phường, thị trấn thực hiện và để cơ quan quản lý (Ủy ban nhân dân) giáo dục và đánh giá cán bộ, công chức.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công chức cấp xã trong việc thực hiện văn hóa công sở và văn hóa ứng xử nơi công sở

Kiểm tra, giám sát là những công cụ cần thiết của chủ thể lãnh đạo, quản lý để phát hiện và kịp thời tác động điều chỉnh để ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn. Ở cấp cơ sở, các công cụ kiểm soát công chức gồm có hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, của các đoàn thể chính trị - xã hội và hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra của chính quyền. Hệ thống này cần hoạt động thường xuyên và có sự phối hợp, thống nhất tạo thành những tác động đồng bộ để giúp cho mọi công chức, cán bộ ý thức được trách nghiệm thực hiện các quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở. Kết quả của hoạt động kiểm tra, giám sát là một trong những kênh thông tin để các chủ thể quản lý, lãnh đạo sử dụng trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, đảng viên hằng năm.

Thứ tư, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống công vụ hành chính cho đội ngũ công chức cấp xã

Trách nhiệm, phận sự của công chức là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo chức danh do luật định. Để thực hiện được chức trách này, ngoài kiến thức nghiệp vụ đã được đào tạo và được chấp nhận qua thi tuyển, công chức cần tự rèn luyện và cũng cần cập nhật, bồi dưỡng bởi các cơ quan chức năng (cơ quan quản lý công chức, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng). Công chức tự cập nhật để nắm vững pháp luật và các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực công vụ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho công chức tham dự các khóa bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ do quận, huyện hay tỉnh, thành phố tổ chức.

Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống công vụ là giải pháp quan trọng giúp cán bộ, công chức, đặc biệt đối với những bộ phận liên quan trực tiếp tới tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân tránh được những “rủi ro” mắc lỗi trong khi thực hành công vụ. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính cần biên tập tài liệu Kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống công vụ hành chính cấp cơ sở để bồi dưỡng công chức cấp xã.

Thứ năm, phát huy vai trò giám sát và đánh giá của người dân

Người dân vừa là chủ thể quyền lực nhà nước (ủy quyền cho chính quyền nhà nước thực thi quyền lực của mình). Người dân xây dựng lên bộ máy cơ quan nhà nước và nuôi dưỡng bộ máy đó. Bởi vậy, khi đến công sở hành chính cấp xã, người dân trở thành đối tượng được phục vụ bởi các công chức và cơ quan công quyền. Cán bộ, công chức phải có trách nhiệm, nghĩa vụ phục vụ người dân. Với tư cách là người chủ quyền lực nhà nước, là đối tượng được phục vụ, người dân có quyền yêu cầu công chức đáp ứng yêu cầu phù hợp với pháp luật, đồng thời người dân có quyền giám sát, đánh giá công chức trong quá trình thực hành công vụ.

Việc giám sát, đánh giá của người dân giúp cho công chức nâng cao ý thức, thái độ và hành vi trong hoạt động công vụ. Các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan chính quyền cơ sở nói riêng nên cụ thể hóa yêu cầu về nội dung đánh giá trong đó có đánh giá về văn hóa ứng xử của công chức.

Xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp cho đội ngũ công chức là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình cải cách hành chính - cải cách nền công vụ và xây dựng đội ngũ công chức hành chính. Đây chính là nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại mang tính phục vụ xã hội cao. Quá trình xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp cho công chức cấp xã là quá trình lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cấp xã và bản thân công chức. Quá trình này phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò quản lý của chính quyền cấp xã và vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là vai trò của người dân, với tư cách là chủ thể thực sự của quyền lực nhà nước đồng thời là khách hàng, là đối tượng được phục vụ của chính quyền cấp xã.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1)  Lê Thi: Văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 (96) - 2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Thị Ái Thi: Văn hóa công sở, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012.

2. Huỳnh Văn Thới (Chủ biên): Văn hóa công vụ ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.

3. Vũ Hoàng Công: Hệ thống chính trị ở cơ sở - Đặc điểm, xu hướng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

TS Nguyễn Thọ Ánh

Khoa Xây dựng Đảng, 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền