Trang chủ    Thực tiễn    Phòng, chống văn hóa phẩm độc hại trong đời sống văn hóa
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 13:55
5689 Lượt xem

Phòng, chống văn hóa phẩm độc hại trong đời sống văn hóa

(LLCT) - Quá trình hội nhập toàn cầu đem lại cho con người những cơ hội thuận lợi trong việc tiếp cận, thụ hưởng những xuất bản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú đến từ nhiều quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm hay, hữu ích là sự xâm nhập của không ít sản phẩm có nội dung độc hại. Nhận diện để có giải pháp phòng, chống những sản phẩm đó là việc làm cần thiết để không ngừng kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện hiện nay.

Ngày sách Việt Nam năm 2019

Từ khóa: tác phẩm độc hại, đời sống văn hóa.

1. Hệ lụy từ những sản phẩm văn hóa độc hại

Hội nhập toàn cầu là xu thế tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình đó đem lại những cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Thời gian qua, bên cạnh việc tiếp nhận những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, hướng con người đến những giá trị tiến bộ, nhân văn, dân chủ, đoàn kết thì cũng có không ít những sản phẩm mượn danh văn hóa để truyền bá những tư tưởng, nội dung thiếu lành mạnh, hủy hoại đạo đức, nhân phẩm con người. Đặc biệt với sự hỗ trợ của internet, mạng xã hội, tình trạng xâm lăng của những sản phẩm độc hại diễn ra ngày càng tinh vi với những biểu hiện đa dạng, đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào không gian của gia đình, nhà trường, tác động lớn đến nhận thức, hành động của con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

Đối với các sản phẩm độc hại, hậu quả mà nó gây ra cho con người và xã hội có thể không trực tiếp và nhận biết được ngay, mà nó ngấm ngầm, ăn sâu và gặm nhấm suy nghĩ, tư tưởng của con người, và rồi khi bị tiêm nhiễm, đầu độc thì rất khó có thể gột rửa, loại trừ, tiềm ẩn những mối nguy hại lớn cho xã hội.

Sản phẩm của văn hóa rất đa dạng về loại hình nhưng chủ yếu là sách, báo, tạp chí, băng hình, phim ảnh, tác phẩm hội họa, trò chơi điện tử, trang phục, các hoạt động nghi lễ mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng,... Nhiều sản phẩm xấu độc vì tuyên truyền, ca ngợi lối sống gấp, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; sống không có tương lai, hoài bão, lý tưởng, reo rắc những tư tưởng bi quan, hoài nghi cuộc sống; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền. Một số tác phẩm do các thế lực thù địch tuyên truyền, phát tán trên mạng internet với những mưu đồ chính trị, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về sự lung lạc, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội,... Điều này đã được Đảng ta cảnh báo trong Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, Chỉ thị nêu rõ: “Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe doạ nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng”(1).

Cụ thể, một số xuất bản phẩm có nội dung sai trái, có những chi tiết nhạy cảm chính trị xâm nhập vào nước ta thời gian qua có thể kể đến một số tác phẩm điện ảnh được nhập khẩu từ Trung Quốc, như bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền được công chiếu trên các rạp ở nước ta vào năm 2018, trong đó 2 phút cuối của bộ phim là cảnh một vùng biển rộng lớn, với những chiếc chiến hạm tối tân, hiện đại của hải quân Trung Quốc đang bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ cho là “South China Sea”. Chi tiết này bị dư luận phản ứng vì cho rằng bộ phim cài cắm thông tin bất lợi về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không dừng lại ở đó, vào tháng 10 - 2019, bộ phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable) do Hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc cũng được nhập khẩu, công chiếu trên các rạp của nước ta với cảnh trong phim có đường lưỡi bò phi pháp.

Bên cạnh việc cài cắm những chi tiết, hình ảnh mang ý đồ chính trị về tranh chấp chủ quyền, lãnh hãi trong các thước phim điện ảnh, các xuất bản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc còn cài cắm trong các cuốn giáo trình dạy Hán ngữ (giáo trình Đọc sơ cấp 1 - Developing Chinese) được giảng dạy tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cuốn cẩm nang du lịch Trương Gia Giới (được phát cho du khách tại Công ty lữ hành Saigontourist), trong đó in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò ở Biển Đông. Những sản phẩm đó khi thâm nhập vào tư tưởng, suy nghĩ của con người sẽ gây những tác động lớn về nhận thức chính trị, về chủ quyền biển đảo quốc gia.

Ở trong nước, một số nhà xuất bản do không tuân thủ đúng những quy định chặt chẽ về thẩm định, in ấn, phát hành nên đã biên dịch và xuất bản một số tác phẩm có nội dung sai trái, như tiểu thuyết Thời của thánh thần của tác giả Hoàng Minh Tường, Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2008; cuốn Miếng ngon Hà Nội (tác giả Vũ Bằng, do Nxb Dân Trí liên kết công ty văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng thực hiện đã đưa vào một đoạn có tính chất sai phạm chính trị); tập thơ Thành phố dịu dàng của tác giả Trần Nhuận Minh, Nxb Hội Nhà văn xuất bản năm 2015 cũng bị thu hồi và tiêu hủy vì có một số bài thơ có cách viết mang tính chủ quan, không hợp lý; cuốn tiểu thuyết Mối chúa, Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 bị đình chỉ phát hành vì “phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn”(2); những sáng tác của thành viên nhóm Mở miệng (do Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán sáng lập vào năm 2000) với ngôn từ tục tĩu, biện pháp giễu nhại, xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ và Đảng Cộng sản Việt Nam,...

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành, “trong hai năm 2015-2016, Nxb Hội Nhà văn để xảy ra sai phạm đối với 70 xuất bản phẩm. Trong đó năm 2015 có 30 xuất bản phẩm và năm 2016 có 40 xuất bản phẩm sai phạm. Sai phạm về nội dung tư tưởng xảy ra ở 24 xuất bản phẩm, 13 xuất bản phẩm chưa chính xác về sự kiện lịch sử và nhầm lẫn ngày tháng, 24 xuất bản phẩm sai chính tả câu chữ, 9 xuất bản phẩm thực hiện không đúng các quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản về thông tin ghi trên xuất bản phẩm”(3).

Bên cạnh những tác phẩm được xuất bản trong nước có nội dung sai trái, thiếu lành mạnh thì hiện nay với sự hỗ trợ của mạng internet, sự tài trợ của các nhóm, tổ chức, nhà xuất bản ở hải ngoại, đã cho in và đăng tải trên không gian mạng nhiều tác phẩm thuộc dạng hồi ký, ghi chép của các tác giả người Việt, trong đó có nhiều nội dung, chi tiết gây tranh cãi, điển hình như các cuốn Đèn cù của Trần Đĩnh; Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên; Bên thắng cuộc của Huy Đức; Làm người là khó của Đoàn Duy Thành; Hồi ký của một thằng hèn của Tô Hải; Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh,... Đan cài trong những chi tiết, sự kiện mang tính chất tự thuật, hồi ức cá nhân là những đánh giá, nhận định chủ quan của các tác giả về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; những mâu thuẫn nội bộ trong đời sống chính trị; sai lầm của cải cách ruộng đất; về vụ Nhân văn giai phẩm; về góc khuất trong đời tư của một số tiền bối cách mạng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các giai đoạn với giọng văn thiếu tôn trọng. Hiện tượng đó gây nên nhận thức trái chiều trong công chúng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra những cái nhìn khác biệt về thể chế chính trị xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ở lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh những ca khúc, giai điệu ngợi ca quê hương, Tổ quốc, thì cũng có nhiều ca khúc, băng đĩa được các trung tâm âm nhạc hải ngoại thu âm, phát hành và tìm cách phổ biến trong nước với những ca khúc ngợi ca lính cộng hòa, hình ảnh cờ ba que cùng ca từ, giai điệu bi thương, chết chóc như VCD của Duy Khánh: Một cuộc đời, một dòng nhạc do Trung tâm Làng văn ở hải ngoại sản xuất; bộ DVD Bước chân Việt Nam với 22 bài hát của hai nhạc sĩ Trúc Hồ, Trầm Tử Thiêng sáng tác trước năm 1975 do Trung tâm băng nhạc Asia tại Hoa Kỳ phát hành, trong đó có nhiều ca khúc được minh họa hình ảnh và lời bình đả kích sai lệch chế độ ta, tuyên truyền cho chế độ Sài Gòn cũ...

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của hội nhập toàn cầu, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường thông qua những sản phẩm văn hóa, văn nghệ để tác động trực tiếp đến tư tưởng, suy nghĩ của con người, làm lung lay nền tảng tư tưởng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, “hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong, 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường đăng tải tin bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, xuyên tạc chống Việt Nam”(4). Vì thế việc nhận diện để có giải pháp phòng chống những tác phẩm có nội dung sai trái, bất lợi cho tình hình chính trị - xã hội, hủy hoại nhân cách con người là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

2. Một số giải pháp phòng, chống tác phẩm văn hóa có nội dung độc hại

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của các tác phẩm văn hóa, văn nghệ trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người. Bên cạnh đó cần luôn đổi mới tư duy, nhận thức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực, đối tượng quản lý để nhận diện, nắm bắt và đánh giá chính xác những hiện tượng sai trái, những tác phẩm có nội dung lệch lạc, độc hại trong đời sống văn hóa, văn nghệ để có những cảnh báo xã hội sớm; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, làm lành mạnh môi trường, không gian sáng tạo, tiếp cận và thụ hưởng những tác phẩm văn hóa của nhân dân. Muốn vậy cần tiếp tục triển khai có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư được thể hiện trong: Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 2-1-2009 của Ban Bí thư về Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-10-2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các sản phẩm văn hóa không chỉ đem lại môi trường sống lành mạnh, nhân văn, tiến bộ mà còn tích cực góp phần vào công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn, chuyên ngành cần nghiên cứu, hoàn thiện bổ sung cơ chế, chính sách và những đạo luật liên quan đến công tác in ấn, phát hành sản phẩm, loại hình văn hóa; đặc biệt cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm. Xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để các cơ quan, đơn vị liên quan cùng đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ và công chúng, độc giả có cơ sở, căn cứ pháp lý để phân biệt, nhận diện, đấu tranh với những xuất bản phẩm độc hại. Đổi mới, kiện toàn và nâng cao chất lượng của các cơ quan chuyên môn, các hội đồng thẩm định, các Hội văn học, nghệ thuật trong việc lựa chọn, thẩm bình, cấp phép, tiếp nhận, phổ biến những sản phẩm văn hóa, đặc biệt là những sản phẩm văn hóa đến từ bên ngoài theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhạy bén, thức thời, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng đa dạng của nhân dân.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông, của các nhà báo, nhà văn là rất lớn trong việc định hướng, tuyên truyền dư luận. Để ngăn chặn, đẩy lùi những tác phẩm có nội dung sai trái, độc hại, ngoài việc ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong việc dựng những “bức tường lửa” thì việc nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, ý chí cách mạng; trình độ, năng lực hiểu biết sâu rộng; khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, ứng xử với thế giới bên ngoài của các nhà báo, nhà văn, nhà xuất bản và các cơ quan thông tấn có ý nghĩa quyết định đến việc tạo dựng không gian văn hóa trên mạng xã hội một cách lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt các đề án, chiến lược, phong trào do Chính phủ ban hành như Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, Đề án phát triển văn hóa đọc, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống,... trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong các gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư bằng những ấn phẩm văn hóa, sách báo, phương tiện nghe nhìn phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân.

Thứ ba, sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra, đồng thời nhân dân cũng là người thụ hưởng và chịu sự chi phối của những sản phẩm đó. Vì thế để có những tác phẩm hữu ích cần chú trọng, quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ, lực lượng sáng tác, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức (dân gian và bác học). Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng người tài trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đảm bảo  vấn đề dân chủ, tự do trong sáng tạo đi đôi với ý thức trách nhiệm công dân và kỷ luật, kỷ cương của đất nước. Việc củng cố, tăng cường đội ngũ sáng tác hùng hậu, có chất lượng sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa tốt, những món ăn tinh thần bổ ích, tạo chất đề kháng để chống lại những sản phẩm phản văn hóa, độc hại. Bên cạnh đó, mỗi công chúng tiếp nhận cũng phải không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, tích lũy kinh nghiệm để nhận diện, phân biệt được đâu là tác phẩm tốt để lựa chọn, tiếp nhận; đâu là tác phẩm độc hại, có nội dung sai trái để phê phán, loại trừ.

Nhà văn M. Gorki từng viết: Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, nghĩa là mỗi tác phẩm văn hóa có ý nghĩa, giá trị đều góp phần giúp con người trưởng thành và ngày càng “Người” hơn. Trái lại, nếu tác phẩm đó ẩn chứa những nội dung sai trái, thiếu lành mạnh sẽ đầu độc tâm hồn, hủy hoại nhân cách con người, làm băng hoại nền tảng đạo đức - xã hội. Vì thế việc nhận diện, ngăn chặn và đẩy lùi những sản phẩm độc hại là việc làm cần thiết của các cấp, các ngành và mỗi người dân để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, dân chủ, vì sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.69, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.617.

(2) Cục Xuất bản, In và Phát hành: Văn bản số 914/CXBIPH-QLXB, ngày 13-9-2017 về việc đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung cuốn sách Mối chúa.

(3) http://kinhtedothi.vn/nxb-hoi-nha-van-ngung-hoat-dong-vi-thieu-ghe-giam-doc-285912.html.

(4) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/tinh-tao-chu-dong-dau-tranh-voi-thong-tin-xuyen-tac-bia-dat-bai-1-258318.

TS Nguyễn Huy Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền