Trang chủ    Thực tiễn    Liên kết xã hội ở các khu đô thị mới ở nước ta hiện nay
Thứ sáu, 20 Tháng 11 2020 13:19
2255 Lượt xem

Liên kết xã hội ở các khu đô thị mới ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Liên kết xã hội là một nhu cầu khách quan của bất kỳ một cộng đồng dân cư nào. Tuy nhiên, liên kết xã hội tại các đô thị mới ở nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng liên kết xã hội ở các khu đô thị mới.

Câu lạc bộ yoga tại Thủ đô Hà Nội

1.Quan niệm chung về khu đô thị mới

Các đô thị được hình thành khi xã hội phát triển. Để thuận tiện cho các hoạt động nghề nghiệp phi nông nghiệp, người dân sống tập trung tại các địa bàn thuận lợi về giao thông, giao lưu trao đổi hàng hóa. Quá trình hình thành và phát triển của các đô thị là sự thu hút ngày càng nhiều người dân từ nơi khác đến định cư, tìm kiếm công ăn, việc làm. Những khu đô thị mới trong lòng đô thị được đầu tư, xây dựng có xu hướng không ngừng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, hạ tầng, giao thông…

Từ những góc độ tiếp cận khác nhau, có nhiều quan niệm về khu đô thị mới, tuy nhiên có thể khái quát: “Khu đô thị mới là một khu vực trong đô thị, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở”(1). Khu đô thị mới có không gian tương đối độc lập, đáp ứng nhu cầu nhà ở, giao thông, thương mại, dịch vụ nhất định.

Mức độ đô thị hóa, xây dựng các khu đô thị mới là một tiêu chí quan trọng biểu thị sự phát triển của xã hội, tăng trưởng kinh tế. Trong xã hội đô thị, người dân có nhiều cơ hội làm việc, cống hiến, thăng tiến và định vị bản thân. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa cũng tạo ra vị thế, vai trò cho đô thị là đầu tàu, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của các khu vực khác của quốc gia.

Các khu đô thị mới ở nước ta hình thành và phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Quá trình hình thành các khu đô thịđãthu hútnhiềungười dân đến sinh sống, lao động, học tập, hình thành những thói quen, tập quán, lối sống phương thức sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động cộng đồng của người dân đô thị theo hướng công nghiệp hoá, đa thành phần, đa dạng dịch vụ theo kinh tế thị trường. Sự biến đổi văn hoá đô thị tại các khu đô thị mới đang thúc đẩy, xác lập các quyền và nghĩa vụ của các nhóm dân cư trong sáng tạo, phát huy, bảo tồn và hưởng thụ văn hoá, giá trị văn hóa.

Sự phát triển về đời sống vật chất đã làm gia tăng mức hưởng thụcũng như khả năng lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người dân đô thị. Nhu cầu văn hóa của người dân đô thị không chỉ được đáp ứng về số lượng các loại hình dịch vụ văn hoá khác nhau mà ngày càng chú trọng đến chất lượng. Mặc dù đến từ nhiều địa phương, vùng miền, ngành nghề khác nhau nhưng trong quá trình tổ chức đời sống cộng đồng, cư dân khu đô thị đã dần khắc phục đượcnhữnghạn chế của tác phong sinh hoạt tự do, cá nhân vị kỷ,hình thành tác phong hiện đại với việc gia tăng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, đề cao ý thức công dân và ý thức cá nhân.

Kinh tế thị trườngphát triển mạnh mẽlàm thay đổi thái độ đối với lao động của người dân đô thị: tất cả phải vươn ra thị trường, kiếm được việc làm, có thu nhập, không trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Kinh tế thị trường biểu hiện sinh động tại các đô thị, đã kích thích tiềm năng sáng tạo và tính tích cực của con người, hình thành các nhân cách độc lập, phát triển tính tự chủ của cá nhân. Để có được việc làm ở đô thị, cần không ngừng trau dồi tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của bản thân. Thái độ đối với gia đình, bạn bè, xã hội cũng có sự thay đổi theo hướng hiện đại, đó là sự thông cảm, sẻ chia và tôn trọng tự do cá nhân.

Tuy nhiên, trong các khu đô thị mới cũng nảy sinh một số mặt trái. Kinh tế thị trường thúc đẩy mọi ngườitìm kiếmcơ hội vàlợi nhuận tối đa nên dẫn đến khuynh hướng ít quan tâm đến những nhu cầu của những người xung quanh, đồng thờilà mảnh đất màu mỡ cho sự nảy sinh và phát triển chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Tạikhu đô thị mới, ít thấy các gia đình truyền thống 3-4 thế hệ chung sống. Phần lớn là các gia đìnhhạt nhân, hiện đại với quy mô ngày càng thu nhỏ: bố, mẹ đơn thân, thậm chí sống độc thân, không muốn sinh con, sinh con ngoài giá thú(2)…Một bộ phận cư dân đô thị có biểu hiệnđề cao cái tôi, đề cao vật chất quá mức, ít coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống,suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó có cả cán bộ, công chức và thanh niên, học sinh, sinh viên. Những biểu hiệnmặt trái nêu trên xuất phát nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động từ của kinh tế thị trường ở các đô thị diễn ra trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực đã góp phần làm thay đổi các quan niệm về giá trị, chuẩn mực, tình cảm và tâm lý của cư dân đô thị(3).

2.Các hình thức liên kết xã hội trong các khu đô thị mới

Liên kết xã hội là liên kết các cộng đồng xã hội, từ các đơn vị gia đình, tổ dân cư, khu phố theo các hình thức gắn kết bằng quản lý hành chính, tham gia các nhóm xã hội tự nguyện như các hội, câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích...Theo nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim, đoàn kết xã hội (liên kết xã hội) để chỉ các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với nhóm xã hội. Nếu không có sự liên kết xã hội thì các cá nhân riêng lẻ, biệt lập không thể tạo thành xã hội với tư cách là một chỉnh thể.

Có thể nhận thấy tại các khu đô thị mới hiện nay, có một số hình thức liên kết xã hội cơ bản sau:

Thứ nhất, liên kết thông qua hoạt động quản lý hành chính của chính quyền địa phương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường,bao gồm: Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn phường; Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội…

Hình thức liên kết xã hội cơ bản đầu tiên của cư dân khi chuyển đến sinh sống tại các đô thị mớilà chấp hành các quy địnhvà chịu sự quản lývề cư trú. Người dân ở khu đô thị mới cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Qua hoạt động khai báo đó, các mối liên kết về dân cư, dữ liệu được hình thành, tạo điều kiện pháp lý cho các hoạt động của người dân.

Thứ hai, liên kết xã hội qua tham gia vào hoạt động của tổ dân phố, ban quản trị khu đô thị mới. Các tổ dân phố tại khu đô thị mới, ban quản trị khu đô thị, tòa nhà là những là tổ chức trực tiếp kết nối với người dân, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm lý, tình cảm của người dân. Khu đô thị mới không phải là một cấp hành chính, mà là tổ chức tự quản và là hình thức liên kết giữa các hộ dân ở gần nhau về mặt không gian trên địa bàn, là hệ thống chân rết của chính quyền xã, phường, thị trấn, giúp chính quyền cơ sở thực hiện một số công việc có tính chất hành chính do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ủy nhiệm và thực hiện những công việc khác của khu dân cư. Vì vậy, thực hiện tự quản thông qua xây dựng tập thể các quy định trong sinh hoạt hàng ngày sẽ hiệu quả, thuận tiện và linh hoạt. Hoạt động tự quản thông qua quy chế của tổ dân phố, ban quản trị là một tiền đề gia tăng các liên kết xã hội.

Tính tự quản tại các khu đô thị mới được hình thành do yêu cầu khách quan của cuộc sống. Như đã đề cập ở trên, pháp luật không thể điều chỉnh tất cả hành vi cũng như các quan hệ xã hội của con người. Do vậy, ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, con người còn tự điều chỉnh và bị điều chỉnh hành vi của mình theo quy tắc, tập quán, đạo đức, dư luận xã hội... Tự điều chỉnh hành vi của mỗi người chính là cơ sở tự quản. Khu đô thị mới hiện nay tự quản một số hoạt động như: nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ khu, tự bàn biện pháp bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng như: hố ga, cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường, sân chơi thể thao công cộng…tất cả đều góp phần hình thành và thúc đẩy các liên kết xã hội tại khu đô thị mới, môi trường vốn được coi là liên kết lỏng lẻo.

Thứ ba, liên kết xã hội quacác loại hình câu lạc bộ. Đâylàhình thứctập hợp, liên kếttheo nguyên tắc tự nguyện của những người cùng sở thíchvề một hoặc những lĩnh vực hoạt động như học tập, dạy con cháu học, du lịch, công tác xã hội,thể dục thể thao,vui chơi, giải trí,...

Các loạihìnhcâu lạc bộ này thường được tổ chức sinh hoạt tạikhông gian chung của các khu đô thị mới trên tinh thần tự nguyện, tự quản. Người dân khu đô thị mới thông qua các hoạt động chung như họp tổ dân phố, họp với Ban quản trị khu đô thị tiếp cận, giao lưu, thể hiện sở thích, đam mê và cùng chia sẻ, thành lập các hội, nhóm. Người dân sử dụng hình thức liên hệ câu lạc bộ chủ yếu thông qua mạng xã hội, thông tin điện thoại, bảng tin, gặp gỡ trực tiếp…Tổ chứccáccâu lạc bộ tại các khu đô thị mớithu hútkháđông cư dân tham gia một cách tích cực theo tinh thần vui khỏe, góp phầngiải tỏa căng thẳng trong cuộc sống đô thị. Thông qua hoạt động các câu lạc bộ tự nguyện, người dân được gia tăng cơ hội tiếp cận trực tiếp với thông tin đa dạng, phong phú, nâng cao hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực mình quan tâm, đồng thời mở rộng, tăng cường giao lưu, gắn kết các thành viên trongkhu đô thị để hướng tới các hoạt động chung, sâu rộng, thiết thực hơn (nhân đạo, từ thiện…).

3. Đánh giá chung về sự liên kết xã hội tại các khu đô thị mới

Về ưu điểm

Một là, các hình thức liên kết xã hội ngày càng phát huy vai trò, tạo được sự gắn kết, đồng thuận của người dân khu đô thị mới để cùng thực hiện các nhiệm vụ chung, mục tiêu chung. Liên kết xã hội khu đô thị mới tăng cường ý thức công dân, lối sống lành mạnh, vì tập thể, mặc dù các thành phần dân cư  có thể rất khác nhau và đến từ nhiều vùng miền. Thông qua quá trình quản lý của chính quyền cơ sở, tự quản của người dân và các ban quản trị, ý thức chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không ngừng được nâng cao.

Hai là, tính cộng đồng của người dân được phát huy trong quá trình cùng chung sống trong khu đô thị. Tính cộng đồng liên kết các thành viên trong khu đô thị với nhau trên cơ sở các mối quan tâm chung đối với các vấn đề liên quan đến đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính cộng đồng đòi hỏi các thành viên trong khu dân cư bên cạnh việc chăm lo cho bản thân và gia đình còn phải chú ý đảm bảo lợi ích chung của các thành viên khác.

Tính cố kết cộng đồng góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trong văn hóa của người Việt Nam, tính cố kết cộng đồng là một giá trị đặc sắc, được hình thành từ truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và được duy trì cho đến nay, là gốc của các mối quan hệ “tình làng, nghĩa xóm”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Ba là, liên kết xã hội ở các khu đô thị mới là cơ sở xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó góp phần bảo đảm trật tự an ninh an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong bối cảnh thành phần dân cư đa dạng.

Hạn chế

Mặc dù liên kết xã hội tại các khu đô thị mới có xu hướng gia tăng nhưng trên thực tế, việc nắm bắt tình hình mọi mặt của đời sống trong khu đô thị mới chưa thực sự hiệu quả bởi tính chủ động trong liên hệ với chính quyền địa phương của ngươi dân chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cư dân tại các khu đô thị mới, do điều kiện sống và làm việc mang tính chất tạm thời nên không mặn mà tham gia vào các hoạt động cộng đồng, không tham gia các đoàn thể, tạo ra khó khăn cho chính quyền trong quản lý hành chính.

Những thay đổi trong các khu đô thị nhất là các khu chung cư cao cấp đã cho thấy một xã hội đô thị đa dạng, năng động và tiện nghi hơn so với các khu đô thị khác. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhận thấy khu đô thị mới này có xu hướng tạo ra sự phân hóa, tách biệt lớn với cộng đồng xung quanh. Những khu này chủ yếu phục vụ phục vụ cho tầng lớp giàu có. Đây là xu hướng khó có thể đảo ngược trong một xã hội đang phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực đối với vấn đề đảm bảo công bằng xã hội và phúc lợi xã hội trong quan hệ với các khu vực dân cư khác.

Việc phát triển các khu đô thị mới mang lại những giá trị tích cực, như góp phần làm cuộc sống năng động, đa dạng, hiện đại và sáng tạo hơn, làm đa dạng bản sắc về kiến trúc và văn hóa đô thị. Để phát huy những giá trị bản sắc trong phát triển hiện đại, các nhà hoạch định chính sách, người quyết định và nhà đầu tư cần lắng nghe tiếng nói của người dân, của các chuyên gia, cùng nhau tạo ra những khu đô thị đáng sống hơn, nơi mà người dân cảm thấy sự liên hệ gắn bó với nhau nhiều hơn và không quá tách biệt với thiên nhiên.

Nguyên nhân của tình trạng trên, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Chính quyền địa phương, tổ dân phố, ban quản trị chưa phát huy tốt vai trò trong tổ chức, quản lý, hướng dẫn các hoạt động liên kết xã hội tại các khu vực này. Nhiều khu đô thị mới nằm trên địa giới hành chính của nhiều địa bàn khác nhau, nên công tác quản lý các mặt hoạt động còn chồng chéo, kém hiệu quả. Có khu đô thị, tòa nhà không thành lập được ban quản trị hoặc ban quản trị thành lập ra lại xảy ra tranh chấp với người dân khu đô thị.

Quá trình chuyển đổi, đô thị hóa, kinh tế thị trường tạo ra nhiều thách thức mới, nhịp độ sống hối hả, tấp nập khiến cho một số giá trị văn hóa bị chuyển đổi, phá vỡ, đòi hỏi phải có những giá trị, chuẩn mực văn hóa mới trong các liên kết xã hội tại khu đô thị mới.

Các hoạt động liên kết xã hội còn tự phát, chưa thực chất, chưa đi vào chiều sâu, mạnh ai nấy làm, đôi khi mang đậm ý kiến chủ quan của một vài cá nhân nên chưa thu hút được đông đảo người dân khu đô thị mới tham gia.

Để tăng cường liên kết xã hội ở các đô thị mới cần phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng văn hóa đô thị văn minh, hiện đại. Có thể thấy, sự ổn định và phát triển của mỗi địa phương, cơ sở được bắt nguồn từ sự ổn định và phát triển ở các khu dân cư. Vì vậy, phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hộitrong xây dựng chế độ tự quản ở khu đô thị mới góp phần gia tăng liên kết xã hội. Tập trung phát triển các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh,...trong các khu đô thị mới. Có sự phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên nòng cốt của tổ chức tham gia hoạt động tự quản trong khu dân cư ngay nơi gia đình mình sinh sống.

Xây dựng đội ngũ những người tham gia công tác vận động quần chúng nhân dân ở khu đô thị mớicó ý thức chính trị tốt, gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có trách nhiệm và nhiệt tình, tận tụy với công việc, có khả năng tập hợp, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tăng cường tính chủ động của người dântrong các liên kết xã hội tại khu đô thị mới. Cần xây dựngcác cơ chế phù hợp để thu hút người dân phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và cảm hứng trong các hoạt động liên kết xã hội tại khu đô thị mới là một giải pháp cơ bản. Người dân được chủ động thực hiện các hoạt động, tăng cường gắn kết cộng đồng, liên kết xã hội trong khuôn khổ các quy định pháp luật, nội quy khu đô thị do chính người dân tham gia xây dựng sẽ tạo được sự lan tỏa, thu hútđược sự tham gia của đông đảo cư dân, từ đó tạo tâm lý phấnkhởi, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và khu đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

(1) Khoản 2, Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009

(2) Lê Ngọc Văn: Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.69.

(3) Nguyễn Duy Bắc: Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008, tr.117.

                Nguyễn Việt Anh

               Viện Văn hóa và Phát triển

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền