Trang chủ    Thực tiễn    Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng mô hình tổ chức Đảng ở cơ quan chính quyền địa phương hiện nay
Thứ năm, 12 Tháng 11 2020 16:38
1807 Lượt xem

Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng mô hình tổ chức Đảng ở cơ quan chính quyền địa phương hiện nay

(LLCT) - Xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp. Mục tiêu của xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương là thiết kế mô hình tổ chức đảng phù hợp thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng đối với cơ quan chính quyền địa phương, phát huy vai trò năng động, sáng tạo của cơ quan chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Từ khóa: mô hình, tổ chức đảng, chính quyền, chức năng, nhiệm vụ.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả(số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017) đã đề ra mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2030: “Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế”(1). Để thực hiện mục tiêu này, việc nghiên cứu, đề xuất các mô hình tổ chức của các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, trong đó có mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương. Xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương là toàn bộ các hoạt động của cấp ủy có thẩm quyền, với sự tham gia của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, nhất là ban tổ chức, trong việc thiết kế các tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương bằng các sơ đồ, biểu đồ, chỉ dẫn về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc, cơ chế vận hành, các mối quan hệ công tác. Mục tiêu xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương nhằm thiết kế mô hình tổ chức đảng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng đối với cơ quan chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và cơ quan chính quyền địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện tốt các mối quan hệ công tác của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Muốn đạt được các mục tiêu trên, việc xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải giải quyết được các vấn đề sau:

Một là, xây dựng, thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương đáp ứng được yêu cầu chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, đủ năng lực lãnh đạo cơ quan chính quyền địa phương.

Đây là một công việc khó, cần tiến hành thận trọng. Đánh giá đúng thực trạng của các mô hình tổ chức đảng cơ quan chính quyền địa phương hiện có, xây dựng mô hình lý thuyết của tổ chức đảng cơ quan chính quyền địa phương, thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức đảng chính quyền địa phương (vận hành trong thực tế các mô hình lý thuyết), thực nghiệm các điều kiện bảo đảm cho mô hình tổ chức đảng chính quyền địa phương hoạt động, tiến hành tổng kết, lựa chọn mô hình ưu trội, từ đó có những điều chỉnh hợp lý đối với mô hình lý thuyết. Nhiệm vụ quan trọng là thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, các mối quan hệ công tác của các mô hình tổ chức đảng hiện có. Chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở ở các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh như: lãnh đạo cơ quan chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham mưu, đề xuất với cấp ủy cấp tỉnh về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở cơ quan chính quyền tỉnh... Tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan tham mưu của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan cấp tỉnh (hoặc Đảng ủy Khối cơ quan - doanh nghiệp cấp tỉnh) làm hạn chế năng lực lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng. Thực tế này cho thấy cần tăng thêm thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy đảng ở các cơ quan tham mưu của ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức đảng đủ năng lực lãnh đạo trực tiếp cơ quan thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quán triệt thực hiện chủ trương mỗi tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với chính quyền cùng cấp, chính quyền trực thuộc cấp nào thì tổ chức đảng trực thuộc cấp đó. Mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phù hợp với thực tiễn hiện nay khi thực hiện hợp nhất được các chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng, làm cho bộ máy tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm năng lực lãnh đạo cơ quan chính quyền địa phương. Khi tích hợp được các chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương hình thành được mô hình tổ chức đảng mới bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương đối với công tác quản lý hành chính, chuyên môn và công tác đảng, công tác tổ chức, cán bộ trong hệ thống các cơ quan chính quyền địa phương; thực hiện sự lãnh đạo thống nhất từ đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy ở các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải có tổ chức bộ máy gọn nhẹ nhất, thực hiện thống nhất vai trò của người đứng đầu cấp ủy với vai trò người đứng đầu cơ quan chính quyền địa phương; bố trí một số cán bộ chuyên trách làm công tác đảng, thực hiện kiêm nhiệm công tác đảng và công tác chính quyền; giải thể cơ quan lãnh đạo do chỉ định, tích hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này cho cơ quan lãnh đạo của tổ chức đảng mới... Khi thực hiện được việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, xóa bỏ được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhờ đó tổ chức bộ máy được tinh gọn và các mối quan hệ công tác của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương trở nên gọn nhẹ và rõ ràng hơn.

Hai là, xây dựng, thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phù hợp với việc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Thực trạng xây dựng các mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương ở nước ta trong thời gian qua cho thấy có sự chồng chéo trong thẩm quyền quản lý cán bộ. Hay nói cách khác, trong công tác quản lý cán bộ ở cơ quan chính quyền địa phương xuất hiện ý kiến khác nhau giữa các cấp ủy có thẩm quyền (đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ban thường vụ đảng ủy khối cơ quan tỉnh với ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh; đảng ủy chính quyền huyện với ban thường vụ huyện ủy...). Phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ ở cơ quan chính quyền địa phương vừa thể hiện sự chồng chéo vừa thể hiện sự bỏ trống. Công tác cán bộ của các mô hình tổ chức đảng ở các cơ quan chính quyền địa phương hiện tại cho thấy bất cập lớn là việc quyết định công tác cán bộ lại do một tổ chức đảng không được tập thể đảng viên bầu ra mà do cấp trên chỉ định; trong khi cơ quan lãnh đạo được tập thể đảng viên bầu ra lại không có thẩm quyền quyết định công tác tổ chức cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo của mình. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng công tác cán bộ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển của địa phương trong cả nước. Thực tế này đặt ra yêu cầu xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải thực sự bảo đảm trong công tác xây dựng đảng, trước hết là trong công tác cán bộ. Việc xây dựng, thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương trong thời gian tới phải bảo đảm cho tổ chức đảng đó thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng, thực hiện tốt nhất nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đối với cấp tỉnh, vấn đề đặt ra là khi nào tích hợp được chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, tiếp tục thực hiện và tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình Đảng bộ chính quyền cấp huyện.

Ba là, xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương nhằm giải quyết tình trạng tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương vừa lấn sân, bao biện, làm thay vừa buông lỏng lãnh đạo đối với cơ quan chính quyền địa phương.

Lãnh đạo cơ quan nhà nước vừa là nội dung lãnh đạo vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng, của các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước. Hay nói cách khác, phương thức lãnh đạo chủ yếu của các cấp ủy địa phương đối với các cơ quan chính quyền địa phương chủ yếu thông qua các tổ chức đảng ở các cơ quan chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng ở các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện tốt vai trò lãnh đạo cơ quan chính quyền địa phương khi được xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức vận hành, các điều kiện bảo đảm hoạt động...

Xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương là hoạt động thiết kế các mô hình tổ chức đảng có chức năng lãnh đạo trực tiếp các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về toàn bộ hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương. Do đó, mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải được thiết kế để khắc phục có hiệu quả cả hai xu hướng: tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương áp đặt, bao biện, làm thay công việc của cơ quan chính quyền địa phương và xu hướng buông lỏng lãnh đạo đối với cơ quan chính quyền địa phương, thậm chí bị cơ quan chính quyền địa phương “vượt mặt”. Muốn khắc phục được hai xu hướng tiêu cực trên thì xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải hướng vào mục tiêu vừa nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng vừa phát huy vai trò năng động, sáng tạo của các cơ quan chính quyền địa phương. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương do nhiều yếu tố quy định, trong đó yếu tố thể chế (quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc...), yếu tố về cơ cấu tổ chức bộ máy (tinh gọn, năng động), yếu tố về phong cách, tác phong, lề lối làm việc mang tính quyết định. Những yếu tố này cần được nhận thức và thực hiện ngay từ khâu thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương.

Bốn là, xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương nhằm khắc phục xu hướng hành chính, quan liêu trong công tác đảng.

Hành chính, quan liêu là căn bệnh khá phổ biến của bộ máy chính quyền các cấp. Hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương có xu hướng hành chính, quan liêu hay nói cách khác, chính con người trong bộ máy cơ quan chính quyền địa phương nhiễm bệnh hành chính, quan liêu. Bệnh hành chính, quan liêu có các biểu hiện như thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; cán bộ, công chức vô trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân giảm sút, mệnh lệnh hành chính, phong cách làm việc xa rời thực tế, lạm dụng chức, quyền để trục lợi cá nhân... Những biểu hiện đó của cơ quan chính quyền địa phương rất dễ nhiễm vào tổ chức đảng ở các cơ quan này. Tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương tập hợp các đảng viên đang công tác tại cơ quan chính quyền địa phương. Thực tế này đòi hỏi xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải phòng ngừa được các biểu hiện nêu trên. Hay nói cách khác, xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính trong Đảng, nhằm thúc đẩy đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương đủ năng lực lãnh đạo cơ quan chính quyền địa phương, đủ sức phòng, chống căn bệnh hành chính quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xác định rõ chế độ làm việc khoa học cho các mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương, phòng chống sự xâm nhập của tác phong quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Xây dựng tác phong lãnh đạo của các cấp ủy của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải thực sự dân chủ, coi trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, gần dân, trọng dân, học hỏi dân...

Năm là, xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương nhằm thực hiện kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người đứng đầu và quyền lực của các cơ quan chính quyền địa phương.

Kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan của mọi thể chế chính trị bởi lẽ nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là trung tâm quyền lực của hệ thống chính trị. Một mặt đảng cầm quyền lãnh đạo thực hiện kiểm soát nội bộ nhà nước, mặt khác đảng thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc giới thiệu đảng viên ứng cử giữ các chức vụ quan trọng của nhà nước, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nhà nước, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong bộ máy nhà nước... Do đó, một trong những vấn đề hệ trọng đặt ra trong xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương là phải thực hiện được sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người đứng đầu và quyền lực của các cơ quan chính quyền địa phương, chống mọi biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, quan liêu, hách dịch, gây sách nhiều, phiền hà... cho nhân dân. Trong thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương bắt buộc phải thiết kế được cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu cấp ủy của các loại hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương. Quyền lực của người đứng đầu cấp ủy của các loại hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương được kiểm soát khi thiết kế được nguyên tắc làm việc, chế độ làm việc phù hợp. Hay nói cách khác, trong xây dựng mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương cần làm rõ nguyên tắc làm việc, chế độ làm việc, thông qua đó, thực hiện sự kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy của tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương. Quyền lực của người đứng đầu cấp ủy của loại hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương được kiểm soát trong mối quan hệ công tác của người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy cùng cấp, với cấp ủy cấp trên, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Thiết kế mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền một cách rõ ràng để tổ chức đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy của cơ quan chính quyền và lãnh đạo hoạt động của cơ quan chính quyền. Mô hình tổ chức đảng ở cơ quan chính quyền địa phương phải có đủ năng lực lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền trong sạch, vững mạnh và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngăn ngừa mọi hành vi vượt quá thẩm quyền, các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

__________________

Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 47.

PGS, TS ĐINH NGỌC GIANG

TS LÊ THỊ MINH HÀ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền