Trang chủ    Thực tiễn    Cơ cấu dân số ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 15:39
16312 Lượt xem

Cơ cấu dân số ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách

(LLCT) - Cơ cấu dân số là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở phân tích thực trạng cơ cấu dân số phản ánh xu hướng phát triển dân số ở đồng bằng sông Cửu Long, bài viết đề cập những vấn đề như nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh, nữ hóa trong già hóa dân số và tác động của già hóa dân số, nguy cơ mất cơ hội dân số vàng ở đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách để giải quyết những nguy cơ, thách thức đó. 

Từ khóa: cơ cấu dân số, biến đổi dân số, già hóa dân số, dân số vàng, tỷ số giới tính.

1. Thực trạng cơ cấu dân số ở đồng bằng sông Cửu Long

Qua kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 17,3 triệu người, tăng 1 triệu người so với năm 2009(1). Cùng với sự biến đổi về quy mô dân số thì cơ cấu dân số cũng có những biến đổi nhất định. 

a) Cơ cấu dân số theo giới tính

Một trong những đặc trưng cơ bản của cơ cấu dân số theo giới tính là tỷ số giới tính của dân số và tỷ số giới tính khi sinh.

Về tỷ số giới tính, tỷ số này được tính bằng số nam giới trên 100 nữ(2). Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở (2009), (2019) cho thấy, tỷ số giới tính ở ĐBSCL không có sự thay đổi (99 nam/100 nữ) (xem Bảng 1). So với các vùng kinh tế - xã hội khác trong cả nước, tỷ số giới tính ở ĐBSCL ổn định trong 10 năm qua.

Bảng 1: Tỷ số giới tính của các vùng kinh tế - xã hội (nam/100 nữ)

(Nguồn: Phân tích số liệu từ Kết quả điều tra của Tổng cục thống kê, 2009, 2019)

Xét ở các nhóm tuổi tại Bảng 2 cho thấy, tỷ số giới tính dân số ở nhóm tuổi 0-14 tuổi là cao nhất (106,8 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm tuổi từ 80 trở lên (48,4 nam/100 nữ), giảm dần theo độ tuổi; tuy nhiên, tỷ số này lại cân bằng ở nhóm tuổi 15-64. Tỷ số giới tính của 2 nhóm tuổi này khá tương bằng nhau trong 2 thời điểm, năm 2009 và 2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhóm tuổi từ 80 trở lên có xu hướng giảm nhanh từ 63,7 nam/100 nữ (2009) xuống còn 48,4 nam/100 nữ (2019).

Bảng 2: Tỷ số giới tính dân số theo nhóm tuổi (nam/100 nữ)

(Nguồn: Phân tích số liệu từ Kết quả điều tra của Tổng cục thống kê, 2009, 2019)

Tỷ số giới tính ở ĐBSCL có xu hướng tương tự với cả nước, có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ)(3).

Về tỷ số giới tính khi sinh, tỷ số này được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106/100 trẻ em gái(4). Xét tỷ số giới tính khi sinh qua các năm của ĐBSCL trong giai đoạn 2009-2019 (Biểu 1) thì tỷ số này lên, xuống không ổn định. Điều này có nghĩa rằng, việc kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh ở ĐBSCL không bền vững.

b) Cơ cấu dân số theo độ tuổi

Cơ cấu dân số theo độ tuổi là một trong những đặc trưng cơ bản của cơ cấu dân số, cho phép đánh giá về khả năng xuất hiện tình trạng phụ thuộc của dân số cũng như cơ hội tận dụng dư lợi của dân số vàng và phản ánh tình trạng già hóa dân số thông qua chỉ số già hóa dân số.

Về cơ cấu dân số vàng, cơ cấu dân số của một quốc gia được coi là trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%(5). Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi ở ĐBSCL chiếm 22% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở chiếm 8,4%. Điều này có nghĩa là ĐBSCL đang trong thời kỳ dân số vàng. So với năm 2009, tỷ trọng dân số ở nhóm tuổi dưới 15 tuổi giảm 2,3% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng 2,4% (xem Bảng 3). Như vậy, đến nay, ĐBSCL vẫn duy trì được cơ cấu dân số vàng.

Về tỷ lệ phụ thuộc, được xem là chỉ tiêu đánh giá gánh nặng của dân số trong độ tuổi lao động. Chỉ tiêu này phản ánh tác động của mức sinh, mức chết đến cơ cấu tuổi và lực lượng lao động(6). Số liệu Bảng 4 cho thấy, tỷ lệ phụ thuộc trẻ em ở ĐBSCL giảm và tỷ lệ phụ thuộc chung tăng trong giai đoạn 2009-2019. Trong đó, tỷ lệ phụ thuộc già tăng nhanh từ 8,8% (2009) lên 14,4% của (2019). Điều này phản ánh thực tế rằng, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác và như vậy, tỷ lệ phụ thuộc già sẽ trở thành gánh nặng của dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Về chỉ số già hóa dân số, chỉ số này là tỷ số giữa dân số 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Chỉ số này là một trong những cơ sở để khẳng định sự già hóa dân số. Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, chỉ số già hóa toàn vùng là 58,5%(7), tăng 24,3% so với năm 2009 (34,2%)(8). Như vậy, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên ở ĐBSCL có xu hướng tăng nhanh hơn nhóm dân số dưới 15 tuổi. So với cả nước, ĐBSCL có chỉ số già hóa dân số cao nhất.

Xét theo các địa phương, số liệu Biểu 2 phản ánh chỉ số già hóa dân số ở các địa phương tại ĐBSCL. Theo đó, tỉnh Bến Tre là địa phương có chỉ số già hóa dân số cao nhất và thấp nhất là tỉnh Kiên Giang. Điều này phản ánh có sự khác biệt của quá trình già hóa dân số ở các địa phương. Vì thế, kiến nghị chính sách thích ứng đối với già hóa dân số cần phải được tính đến đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi địa phương cụ thể.

c) Cơ cấu dân số theo trình độ học vấn

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở 2019, có 94,2% dân số từ 15 tuổi trở lên ở ĐBSCL biết đọc, viết, tăng 2,6% so với năm 2009. So với các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, tỷ lệ này cao hơn vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và thấp hơn các vùng còn lại.

Xét về trình độ giáo dục cao nhất, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, bức tranh về tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ giáo dục cao nhất ở ĐBSCL có sự thay đổi không tích cực, cụ thể: Tỷ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học và chưa bao giờ đi học vẫn chiếm khá cao (So với năm 2009, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên). Trong khi đó, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tăng nhẹ 3,4% so với năm 2009(9). Sở dĩ tỷ lệ này không tích cực là do tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường chiếm khá cao (13,0%), cao nhất so với các vùng kinh tế - xã hội khác(10). Thực tế cho thấy, tình trạng trẻ em bỏ học ở ĐBSCL ngày càng nhiều bởi các em bị cuốn theo dòng di chảy di cư của người lớn. Di cư có thể gây nhiều tác động đối với trẻ em vì chúng phải đối mặt với sự chia ly, cuộc sống xa cách gia đình, quá trình học tập bị gián đoạn và thiếu các mạng lưới xã hội. Trẻ em nam chủ yếu lao động trong các ngành đòi hỏi phải có sức khỏe như xúc than hay đánh bắt thủy sản, hoặc buôn bán và buôn lậu ma túy, còn trẻ em nữ thường làm lao động giúp việc gia đình, một số em bị đẩy vào con đường mại dâm(11).

Xét về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên ở ĐBSCL được đào tạo chuyên môn chiếm 9,7% vào năm 2019, tăng 3,1% so với năm 2009(12). Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực về cơ cấu dân số được đào tạo. Tuy nhiên, so với các vùng kinh tế- xã hội, tỷ lệ này thấp và tăng chậm nhất so với cả nước (đồng bằng sông Hồng: 27,9%; Đông Nam Bộ: 20,8%; Trung du và miền núi phía Bắc: 18,1%, Tây Nguyên: 13,9%)(13). So với năm 2009, tỷ lệ này chỉ tăng lên 3,1%; trong khi đó đồng bằng sông Hồng tăng 8,5%, Đông Nam Bộ tăng 5,6%, Trung du và miền núi phía Bắc tăng 4,4%, Tây Nguyên tăng 4,1%(14).

Có thể nói, trong 10 năm qua, tỷ lệ dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL có thay đổi nhưng chậm hơn so với các vùng kinh tế - xã hội khác, cho nên trình độ chuyên môn của dân số ở ĐBSCL vẫn duy trì ở vị trí thấp nhất. Điều này có nghĩa rằng, ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” về trình độ giáo dục của cả nước.

2. Một số khuyến nghị chính sách

a) Một số nhận xét

Thứ nhất, trong 10 năm (2009-2019), tỷ số giới tính dân số và tỷ số giới tính khi sinh ở ĐBSCL tương đối ổn định và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Sở dĩ có điều này là do không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mà còn do định kiến sinh con trai, con gái ở ĐBSCL không quá khắt khe. Song Vùng vẫn có nguy cơ mất cân bằng giới khi sinh, thể hiện ở tỷ số giới tính khi sinh ở ĐBSCL không ổn định qua các năm. Do đó, việc chủ động kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh và giảm thiểu tác động của vấn đề này là một trong những nhiệm vụ của công tác dân số ở ĐBSCL trong tình hình mới.

Thứ hai, cơ cấu dân số về tuổi là một trong những tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Cấu trúc dân số, đặc biệt là cấu trúc tuổi có tác động thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”(15). Nếu dân số trong độ tuổi lao động tăng thêm 1% thì tăng trưởng kinh tế tăng thêm khoảng 0,5% và cứ tăng 1% dân số có việc làm của nhóm tuổi từ 15-59 và nhóm từ 60 tuổi trở lên thì GDP sẽ tăng tương ứng là 0,36% và 0,32%(16). ĐBSCL đang có lợi thế rất lớn về dân số vàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn chưa tận dụng lợi thế này bởi vì tình trạng thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động vẫn chiếm 2,51%(17), trong đó thất nghiệp ở nhóm tuổi 15-24 chiếm 9,24%(18). Trong khi đó, tỷ lệ dân số nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác trong 10 năm qua. Điều này cho thấy, già hóa đang diễn ra trong lực lượng lao động ở ĐBSCL. Cộng với tỷ lệ phụ thuộc già và chỉ số già hóa dân số tăng nhanh từ năm 2009 đến năm 2019 đã đặt ra một thách thức đối với ĐBSCL, đó là quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh và sớm.

Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng, vấn đề già hóa dân số là một thành tựu đáng kể của đất nước bởi vì nó chứng tỏ được điều kiện sống của con người đã được bảo đảm hơn, thu nhập khá hơn, dinh dưỡng tốt, hệ thống chăm sóc sức khỏe đầy đủ hơn(19), đồng thời nó cũng phản ánh thành tựu phát triển về kinh tế, xã hội, y tế và công tác dân số(20). Con người sống lâu hơn là do chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế ngày càng tốt hơn(21). Song, già hóa dân số tạo ra nhiều thách thức đối với tài chính và cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, làm gia tăng sự vô cảm đối với người cao tuổi trong xã hội... Có thể nói, vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế- xã hội ở ĐBSCL là làm thế nào để tận dụng lực lượng lao động dồi dào, hạn chế tình trạng thất nghiệp để không phải đánh mất cơ hội dân vàng. Trong khi đó, già hóa dân số là một tất yếu của quá trình phát triển và xu hướng này ở ĐBSCL đang diễn ra khá nhanh. Vì thế, nếu không tận dụng cơ hội này thì ĐBSCL sẽ rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”.

Thứ ba, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn của dân số ở ĐBSCL còn khá thấp so với các vùng kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, toàn hệ thống chính trị ở ĐBSCL đã có nhiều sự nỗ lực rất lớn đối với nâng cao trình độ cho người dân; song qua kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, ĐBSCL chưa thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Bởi lẽ, tình trạng trẻ em ngoài nhà trường, dân số chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao so với các vùng kinh tế- xã hội khác của cả nước. Tỷ lệ dân số ở trong độ tuổi đi học trung học phổ thông nhưng không đi học chiếm 37,5%(22); tỷ lệ này ở độ tuổi trung học cơ sở là 12,0%(23). Tỷ lệ dân số từ 15 trở lên không qua đào tạo chiếm 90,3%(24). Chính điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng của lực lượng lao động toàn vùng và tạo áp lực rất lớn về đào tạo trình độ chuyên môn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở ĐBSCL trong bối cảnh dân số vàng. 

b) Khuyến nghị chính sách

Một là, tiếp tục truyền thông về bình đẳng giới và các biện pháp giảm thiểu tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, có các chế tài và kiểm soát việc xử lý nghiêm hơn nữa đối với các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giảm tính dễ tổn thương của các cụ, đặc biệt là cụ bà. Tăng cường lồng ghép kiến thức bình đẳng giới vào các môn học ở các cấp bậc học và trong chương trình đào tạo lý luận chính trị.

Hai là, xây dựng hệ thống các giải pháp để thích ứng và làm chậm lại quá trình giá hóa dân số ở ĐBSCL. Trong đó chú ý đến nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tự rèn luyện sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn cho người cao tuổi; đẩy mạnh nghiên cứu liên quan đến người cao tuổi ở ĐBSCL...

Ba là, sử dụng và tận dụng một cách triệt để lợi thế của cơ cấu dân số vàng. Để làm được điều này, trước hết cần có giải pháp liên quan đến giáo dục- đào tạo để xóa bỏ “vùng trũng” về trình độ ở ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Đó là đầu tư giáo dục, đẩy mạnh phổ cập giáo dục... Tiếp đến, cần có các giải pháp tạo và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động được đào tạo như hỗ trợ vay vốn tín dụng tạo việc làm, thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn...

Bốn là, rà soát và hoàn thiện chính sách dân số. Chính sách dân số cần được xây dựng dựa trên quan điểm “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”(25).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) Tổng Cục thống kê: Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2009 và 2019.

(2), (3), (5), (6), (7), (9), (10), (12), (14), (17), (18), (22), (23), (24) Tổng Cục Thống kê: Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.57, 58, 62, 63, 64, 124, 120, 268, 233, 290, 293, 262, 260, 125.

(4) UNFPA (2010): Tỷ số giới tính khi sinh ở châu Á và Việt Nam: Tổng quan tài liệu nhằm hướng dẫn nghiên cứu về chính sách, Hà Nội, tr.7.

(8) Tổng cục thống kê: Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Nxb Thống Kê, Hà Nội, tr.139.

(11), (13), (16) UNFPA và Viện Nghiên cứu chiến lược: Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách, Báo cáo tóm tắt,  2017.

(15) http:// lyluanchinhtri.vn: Võ Thị Hồng Loan: “Biến đổi cấu trúc tuổi dân số và thị trường lao động”, ngày truy cập 22-2-2020.

(19) Lê Thi: “Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay và việc phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5, 2011, tr.57-65.

(20) Lê Văn Khảm: “Vấn đề về người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 (80), 2014, tr.77-86

(21) UNFPA và HelpAge Inernational: Già hóa trong thế kỷ XXI: Thành tựu và thách thức, Báo cáo tóm tắt, Hà Nội, 2012.

(25) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

ThS Phan Thuận

Học viện Chính trị Khu vực IV

ThS LÂM MINH HẬU

Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền