Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những rào cản và giải pháp khắc phục
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 17:09
9667 Lượt xem

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những rào cản và giải pháp khắc phục

(LLCT) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu hướng tất yếu, đã và đang tạo ra động lực mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, phát triển NNCNC ở nước ta vẫn còn gặp những rào cản cần sớm được tháo gỡ để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

1. Tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

NNCNC là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng của NNCNC, ngày 29-1-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Để hiện thức hóa Đề án, ngày 17-2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển NNCNC, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Thực hiện quyết định trên, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Đến tháng 6-2017, cả nước có 29 khu NNCNC, trong đó có 3 khu NNCNC được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, các khu NNCNC còn lại do UBND tỉnh thành lập. Các khu NNCNC được xác định là hạt nhân công nghệ để nhân rộng ra các vùng sản xuất NNCNC. Nhiệm vụ của khu NNCNC bao gồm: nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực CNC trong nông nghiệp; sản xuất, dịch vụ; ươm tạo doanh nghiệp NNCNC. Bên cạnh đó, các vùng NNCNC cũng được các địa phương trong cả nước bước đầu quy hoạch như: vùng rau, vùng cây ăn quả, vùng chè, vùng cà phê, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản... Đây là những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Tuy vậy, cuối năm 2017, cả nước mới có hai vùng NNCNC được công nhận, đó là: vùng sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Kiên Giang và vùng hoa Thái Phiên (Lâm Đồng). Trong và ngoài các khu, vùng NNCNC trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất như: mô hình trồng rau khí canh, trồng rau thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà kính; mô hình trồng hoa trong nhà kính; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng nền đệm lót sinh học... Các mô hình NNCNC chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư. Đến nay cả nước có 35 doanh nghiệp NNCNC được công nhận(1), chiếm 0,69% số doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù mới thực hiện trong thời gian ngắn, chưa có số liệu thống kê song việc đẩy mạnh phát triển NNCNC thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Chỉ riêng giai đoạn 2011-2015, hơn 100 giống cây trồng mới đã được nghiên cứu, tạo ra, do đó tỷ lệ diện tích cây trồng cả nước sử dụng giống mới khá cao: lúa trên 90%, ngô 80%, mía 60% và điều 100%. Đến năm 2016, cả nước đã có 327 xã sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây con, chiếm 3,6% tổng số xã trong cả nước với diện tích 5.897,5 ha, chiếm 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm và đất nuôi trồng thủy sản(2). Một số tỉnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại kết quả vượt trội so với sản xuất truyền thống. Chẳng hạn, ở Lâm Đồng mô hình sản xuất rau cao cấp doanh thu đạt 500 triệu đồng/ha/năm; rau thủy canh đạt từ 8-9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp từ 20-30 lần so với trước..., góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm(3) và hiện nay giá trị sản xuất NNCNC đạt 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới doanh thu đạt từ 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha, gấp từ 2 - 3 lần so với canh tác truyền thống. Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc... với mô hình sản xuất giống cây, chăn nuôi lợn, gà quy mô công nghiệp theo công nghệ Nhật Bản đã mang lại thu nhập gấp 2 lần cho người sản xuất so với sản xuất truyền thống(4). Tỉnh Bạc Liêu với mô hình nuôi tôm trong nhà kính đã giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh nên mang lại hiệu quả cao, ổn định và bền vững(5)... Đạt được kết quả đó là do tính ưu việt của các công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, NNCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ đèn LED, công nghệ cảm ứng, internet vạn vật... vào sản xuất giúp người sản xuất chủ động trong kế hoạch sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, tránh được rủi ro thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. 

Tuy nhiên, với các kết quả đã đạt được, vẫn rất khó hoàn thành được mục tiêu theo Quyết định 176/QĐ-TTg đề ra đến năm 2020 mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phải có từ 7-10 doanh nghiệp và 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; mỗi vùng sinh thái có từ 1-3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

2. Những rào cản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

Một là, rào cản về vốn

Phát triển NNCNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị. Thực tế cho thấy, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình NNCNC, chi phí gấp từ 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống; đầu tư một hecta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng(6); sử dụng thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá thành lên đến gần 10.000 USD(7)... Vì vậy, thiếu hụt vốn đầu tư đang là rào cản lớn nhất trong phát triển NNCNC.

Hai là, rào cản về nhân lực

Nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển NNCNC, song hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2017 chiếm 2,5% tổng quy mô tuyển sinh. Lao động nông nghiệp chiếm hơn 40% lao động toàn xã hội nhưng mới chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong đó, 3,58% đã qua đào tạo nhưng không có bằng, chứng chỉ; 1,87% sơ cấp nghề; 1,24% trung cấp và trung cấp nghề; 0,69% cao đẳng, cao đẳng nghề và 0,46% đại học trở lên(8). Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo. Trình độ thấp khiến cho phần lớn lao động trong nông nghiệp không đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Mặt khác, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập: nặng về lý thuyết, nội dung chưa bao trùm hết những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về NNCNC, thiếu kiến thức hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, kinh doanh, thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin...

Ba là, rào cản về đất đai

Để sản xuất NNCNC cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông. Ở nước ta hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, cả nước hiện có trên 11 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp với 78 triệu mảnh ruộng và trên 8,58 triệu hộ nông lâm thủy sản(9), trong đó, 70,4% hộ có tổng diện tích dưới 0,5 ha và 3,4% số hộ có diện tích trên 3 ha(10). Quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn bất cập, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thủ tục thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều thủ tục gây phiền hà; việc cấp quyền sử dụng đất ở một số địa phương chưa xong gây khó khăn cho thuê, chuyển nhượng hoặc góp đất. Tâm lý giữ đất, dự phòng đất đai để tái sản xuất khi gặp bất ổn. Vì vậy, có tới 63% doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong tiếp cận đất.

Bốn là, rào cản về thị trường tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định đến thành bại trong phát triển NNCNC. Bởi vì, sản xuất NNCNC sẽ tạo ra khối lượng nông sản lớn, thị trường tiêu thụ thuận lợi sẽ giúp cho sản xuất hiệu quả và ngược lại. Hiện nay ở nước ta thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Nguyên nhân do nhiều loại nông sản chưa có thương hiệu; dự báo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm NNCNC chưa có hoặc chưa đầy đủ; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo; nông sản xuất khẩu phần lớn ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp; giá bán sản phẩm NNCNC còn cao so với mức thu nhập của người tiêu dùng. Những bất cập này đang là rào cản khi đầu tư vào NNCNC.

Năm là, rào cản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Mục tiêu lớn nhất của NNCNC là năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao nên vấn đề CNC phải đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy, năng lực nội sinh lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp NNCNC muốn được các cơ sở sản xuất trong nước cung cấp một phần các thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm giá thành, song không được đáp ứng. Phần lớn các giống cây, con; các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp canh tác NNCNC, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài. Trong khi đó, do thiếu tính định hướng cũng như chưa nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp NNCNC nên nhiều sản phẩm công nghệ của các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp mới dừng lại ở thử nghiệm, không đưa vào sản xuất được. Như vậy, bất cập trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ cũng đang là rào cản làm hạn chế phát triển NNCNC ở nước ta.

Sáu là, rào cản về chính sách

Chính sách liên quan đến phát triển NNCNC ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển NNCNC với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án NNCNC dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này. Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, có tới 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận tín dụng. Chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh NNCNC khó tiếp cận. Các chính sách như đào tạo nhân lực nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, quản lý thị trường, hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp... còn nhiều nút thắt cũng đang là rào cản làm chậm quá trình phát triển NNCNC của Việt Nam.

3. Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian tới

Giải pháp về vốn. Để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển NNCNC đòi hỏi nhà nước phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức khoa học công nghệ đầu tư vào NNCNC. Muốn vậy, về phía Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất NNCNC (tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước) tiếp cận các nguồn lực; cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu...) trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Về phía các địa phương phải nhanh chóng cấp giấy xác nhận doanh nghiệp NNCNC dựa trên các tiêu chí; cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC. Về phía các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để các chi nhánh trong hệ thống thực hiện.

Giải pháp về nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nhất là nhân lực NNCNC, các Bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải lồng ghép kiến thức về NNCNC, nông nghiệp sạch vào hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông nhằm từng bước nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi và hình thành tư duy ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân. Thông qua các khóa đào tạo này cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trước mắt, cần đào tạo nghề ngay đội ngũ lao động tham gia các khâu trong dây chuyền sản xuất áp dụng NNCNC. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu về NNCNC; gắn lý thuyết với thực hành. Liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền NNCNC như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel...

Giải pháp về đất đai. Để các cơ sở sản xuất NNCNC tiếp cận đất thuận lợi, cần phải đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa ở các địa phương hình thành nên các cánh đồng lớn; mở rộng hạn điền và thời gian thuê. Đồng thời, Nhà nước cần đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền đổi thửa; hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp; phát triển ngành nghề ở nông thôn, chuyển đổi nông dân sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn.

Giải pháp về thị trường tiêu thụ. Để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá đưa ra dự báo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm NNCNC; các cơ sở sản xuất NNCNC phối hợp với các nhà khoa học, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở sản xuất kinh doanh NNCNC cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến, giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, qua đó, tạo thương hiệu bền vững. Bên cạnh đó, cần coi trọng thị trường trong nước bằng cách giảm giá bán sao cho đại đa số người tiêu dùng đều có thể mua được. Thực tế cho thấy, giá bán sản phẩm NNCNC khá cao, gấp hai thậm chí gấp ba đến bốn lần giá nông sản thông thường, trong khi dù có bỏ vốn đầu tư lớn song lợi nhuận thu được khá cao.

Giải pháp về khoa học công nghệ

Để sản phẩm của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp trong nước đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất NNCNC, tạo động lực để nông dân ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, trước hết các tổ chức này phải nâng cao năng lực, liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu, trong đó, ưu tiên những nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng CNC, công nghệ sạch, công nghệ sinh học; quy trình và giải pháp ứng dụng CNC vào sản xuất; nhân tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với nhu cầu thị trường; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; tăng cường đầu tư vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao ... Các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức khoa học công nghệ cần đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện để doanh nghiệp rút ngắn thời gian tiếp cận các sản phẩm công nghệ nông nghiệp. Các địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn tạo điều kiện cho việc đưa CNC vào sản xuất.

Giải pháp về chính sách

Để chính sách thực sự trở thành “bà đỡ” cho NNCNC phát triển, các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào NNCNC như: đơn giản hóa thủ tục cho vay; hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp NNCNC theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển NNCNC; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất; sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của các dự án NNCNC nhằm giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh NNCNC thực hiện vay vốn ngân hàng; sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển NNCNC theo hướng chuyên sâu, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh NNCNC; rà soát và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trong nước các sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất NNCNC như máy móc, thiết bị, nhà kính, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu vi sinh...; hoàn hiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm NNCNC; hoàn thiện chính sách dự báo thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng sản phẩm bảo hiểm, thủ tục tham gia thuận tiện. Các địa phương chủ động ban hành các chính sách tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC...

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch nghiên cứu và chuyển giao công nghệ năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Hà Nội, ngày 4-1-2018.

(2), (8), (9) Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương: Báo cáo tóm tắt kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, tr.26, 81, 56.

(3) Mai Văn Bảo: Công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại Lâm Đồng, nhandan.com.vn.

(4) Ngô Thanh Tứ: Áp dụng công nghệ cao trong nền nông nghiệp - hướng đi đột phá của nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 2016.

(5) Ngọc Dân: Nuôi tôm trong nhà kính đạt hiệu quả kinh tế cao, http://www.sggp.org.vn.

(6) Ngọc Sơn, Chí Vịnh và Bảo Phương: Đòn bẩy “công nghệ cao” trong phát triển nông nghiệp, Báo Nhân dân số ra ngày 12-4-2017.

(7) Anh Thơ: Nông nghiệp 4.0: Áp dụng một cách linh hoạt và phù hợp, http://kinhtenongthon.vn.

(10) Nguyễn Tuân: Còn nhiều bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai,http://infonet.vn.

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền