Trang chủ    Quốc tế    Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2009)
Thứ ba, 27 Tháng 9 2022 12:02
5664 Lượt xem

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2009)

(LLCT) - Những năm gần đây, Hàn Quốc là nhà đầu tư số một ở Việt Nam. Đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp chế biến, chế tạo, đến xây dựng, dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao - công nghiệp điện tử… Các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có những công ty lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009) và ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên - vnanet.vn

1. Hoạt động đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

Vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam: Từ những năm 1980, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn trên thế giới. Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tính đến năm 2008, có 2.114 công ty Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn lũy kế  là 18,952 tỷ USD(1).

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2009), vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, ở mức cao: năm 2013 đạt 3,8 tỷ USD; năm 2014, đạt hơn 6,1 tỷ USD(2) và trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 6,72 tỷ USD; năm 2016 là 7,0 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,49 tỷ USD; năm 2018 là 7,2 tỷ USD; năm 2019 là 7,92 tỷ USD(3) (chiếm 20,8% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam).

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD, và đến năm 2021 số vốn tăng trở lại, đạt 7,4  tỷ USD(4). Đến hết năm 2021, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc là hơn 74 tỷ USD với trên 9.200 dự án và tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam(5).

Về quy mô dự án đầu tư: Trước đây, các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ. Hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư của tập đoàn LG tại Hải Phòng.

Tập đoàn công nghệ điện tử Samsung có 6 dự án lớn (6 công ty - 6 nhà máy), với một số thông tin cơ bản sau:

Công ty

(Viết tắt)

Địa điểm

Năm thành lập

Vốn đầu tư (triệu USD)

Nhân lực

SEV

Bắc Ninh

2008

2.500

2.500

SEVT

Thái Nguyên

2013

5.000

65.000

SDIV

Bắc Ninh

2009

133

3.000

SDV

Bắc Ninh

2014

6.500

43.000

SEMV

Thái Nguyên

2014

1.230

6.500

SEHC

Tp.HCM

2014

2.000

7.000

Nguồn: Trung Hiền, Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng 26 lần trong 10 năm, tại trang https://vietnamplus.vn, ngày 20-4-2018.

Với quy mô của các dự án lớn như trên, Việt Nam đã trở thành “cứ điểm sản xuất chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Samsung.

Sau khi 2 nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hoạt động đầu tư của LG - Tập đoàn điện tử dân dụng nổi tiếng Hàn Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ với nhiều dự án lớn.

Tháng 9-2013, LG chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án LG Electronics Việt Nam ở khu công nghiệp Tràng Duệ với số vốn 1,5 tỷ USD, thu hút 20 nghìn lao động. Đây là dự án LG mở đầu “Đại kế hoạch” đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2016, LG tiếp tục đầu tư dự án LG Innotek, vốn đầu tư 550 triệu USD, đến tháng 3-2018 tăng vốn thêm 501 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 1,051 tỷ USD(6).

Cùng với dự án LG Innotek, vào tháng 4-2016, LG Display chốt khoản vốn đầu tại Việt Nam với 1,5 tỷ USD. Sau 7 lần điều chỉnh, với 4 lần tăng vốn, đến nay tổng vốn đầu tư của LG Display Việt Nam tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, tạo việc làm cho 14.000 lao động(7).

Như vậy, tại Việt Nam, LG sở hữu 3 nhà máy (3 công ty con) đều được đặt tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng với số vốn hơn 7 tỷ USD. Hải Phòng trở thành “thủ phủ” của LG tại Việt Nam.

Cùng với những dự án đầu tư lớn của Samsung và LG, các dự án của Hàn Quốc còn có nhiều dự án lớn khác tại Việt Nam, như: Dự án nhà máy sản xuất gang thép của Tập đoàn Posco đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại Giảng Võ và khu triển lãm Mễ Trì (Hà Nội), với tổng vốn 2,5 tỷ USD do Tập đoàn Kumho Asiana - Một trong 7 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Kumho Asiana còn xúc tiến tìm hiểu đầu tư một số dự án lớn khác như xây dựng cảng biển Vũng Tàu, đường cao tốc Thủ Đức - Nhơn Trạch; Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit.

Các lĩnh vực đầu tư: Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: công nghiệp chế biến, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, bán buôn bán lẻ, logistics, tài chính, ngân hàng v.v… Trong đó, lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ở lĩnh vực chế biến, chế tạo, giai đoạn đầu, Hàn Quốc là quốc gia số một trong đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam. Từ năm 1989 đến năm 2019 có 464 công ty dệt may của Hàn Quốc, chiếm hơn 25% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam(8). Gần đây là sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ cao như Samsung, LG vào Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao, trên dưới 70% vốn. Tính đến ngày 20-8-2021, lĩnh vực chế biến, chế tạo có 4.543 dự  án với 53,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 73,5% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Tiếp theo là các lĩnh vực xây với 917 dự án và hơn 2,89 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 4%. Còn lại là những ngành khác(9).

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2009), vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, ở mức cao: năm 2013 đạt 3,8 tỷ USD; năm 2014, đạt hơn 6,1 tỷ USD(2) và trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam... Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD, và đến năm 2021 số vốn tăng trở lại, đạt 7,4  tỷ USD(4). Đến hết năm 2021, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc là hơn 74 tỷ USD với trên 9.200 dự án và tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam(5).

  Cùng với thời gian, vốn đầu tư của Hàn Quốc mở rộng sang các lĩnh vực mới. Trong những năm gần đây, đầu tư của Hàn Quốc mở rộng sang lĩnh vực xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, bảo hiểm. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính như Shinhan, KB, Woori,…). Những tập đoàn này cung cấp các dịch vụ tài chính cho bản thân các doanh nghiệp Hàn Quốc và các tập đoàn lớn của Việt Nam. Họ đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, có mạng lưới khách hàng rộng lớn ở Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác trên thế giới, khả năng huy động vốn nhanh với giá thấp.

Về hình thức đầu tư: Đầu tư của Hàn Quốc gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, nhưng chủ yếu là đầu tư trực tiếp với 100% vốn FDI. Gần đây xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam. Ví dụ: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)… Đã có 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh… với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD(10).Địa bàn đầu tư: FDI của Hàn Quốc đã mở rộng trên hầu khắp các tỉnh trong cả nước: đến năm 2017 là 53 tỉnh thành, đến nay là 59 tỉnh thành, kể cả những vùng sâu, vùng xa, hạ tầng còn nhiều khó khăn. Địa bàn đầu tư trọng tâm của Hàn Quốc tại Việt Nam là các thành phố lớn, hoặc các địa phương kề cận với các thành phố lớn.

Thời gian đầu, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tập trung ở các tỉnh phía Nam, sau đó có xu hướng mở rộng ra phía Bắc đặc biệt là các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.

Các tỉnh thành trọng điểm của đầu tư Hàn Quốc là Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước. Trong đó, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu với 957 dự án, có tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam; thứ 2 là Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư lên đến 8,1 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư; thứ 3 là Thủ đô Hà Nội với 2.327 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,8 tỷ USD, chiếm 10,8%(11); xếp sau là các địa phương khác như Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước. Tính đến tháng 2-2021, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh với 1.892 dự án, chiếm gần 19% tổng số dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 5,2 tỷ USD,chiếm 10,8% vốn đầu tư của Thành phố(12). Hiện nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương được cách doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao.

Thực tiễn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian qua có những đặc điểm nổi bật sau: Một là, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam gia tăng liên tục và với số vốn lớn. Hai là, tính đa dạng trong lĩnh vực đầu tư, trong đó có sự chuyển biến tích cực từ lĩnh vực dệt may sang sản xuất hàng điện tử công nghệ cao. Ba là, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam mang tính lâu dài và ổn định.

2. Vốn đầu tư Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Một làhoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ thực tiễn, hoạt động của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc vào Việt Nam thuộc về ngành công nghệ cao, công nghệ điện tử với quy mô lớn. Từ khi Samsung đầu tư vào Việt Nam với những dự án lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như hoạt động đầu tư của LG tại Hải Phòng, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, dần có vị trí then chốt trong nền kinh tế. Ngành công nghiệp máy tính, điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, TV, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học(13). Sự hiện diện của Samsung, LG còn thúc đẩy sự ra đời, phát triển hệ thống các nhà kinh doanh, các cửa hàng điện tử ở khắp nơi trên toàn quốc; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số trên phạm vi toàn quốc nói chung, nhiều địa phương nói riêng.

Hai là, sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tạo ra các nhà cung ứng nội địa Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ là một trong lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm, chú trọng phát triển. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc thực hiện phát triển nhà cung ứng nội địa. Đó vừa là một nhu cầu vừa là một cam kết đối với Việt Nam. Điển hình trong số đó là Samsung, tập đoàn có số vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Năm 2014, Samsung có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (giao dịch trực tiếp với Samsung), đến năm 2019 là 42 doanh nghiệp, trong năm 2020 tănglên 50 doanh nghiệp(14).

Tính đến hết năm 2021, hệ thống nhà cung ứng của Samsung tại Việt Nam đã có 254 doanh nghiệp, bao gồm cả cấp 1 và cấp 2(15).

Khi các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng của Samsung, tập đoàn này có những chương trình bồi dưỡng những doanh nghiệp phụ trợ trong nước. Từ năm 2015, Chương trình tư vấn và cải tiến doanh nghiệp Việt Nam được Samsung tổ chức, thực hiện. Thông qua chương trình tư vấn nâng cao năng suất doanh nghiệp cùng chuyên gia Hàn Quốc, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được tư vấn và đạt được những cải tiến vượt bậc về việc tối ưu hóa vận hành thiết bị, giảm tỷ lệ hàng lỗi, hàng tồn kho trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh.

Như vậy, thông qua việc phát triển các nhà cung ứng nội địa Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ thống sản xuất toàn cầu, góp phần làm phong phú, đa dạng và sâu sắc các quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Ba là, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc góp phần bổ sung cho Việt Nam một lượng vốn đầu tư phát triển, giúp Việt Nam giải được bài toán thiếu vốn đầu tư. Trong các nguồn vốn thì vốn FDI của Hàn Quốc được đánh giá là rất quan trọng đối với Việt Nam.

FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Ước tính, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam(16). Trong đó, riêng Samsung ở Việt Nam chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với con số hàng chục tỷ USD mỗi năm (năm 2016 xuất khẩu của Samsung là 39,9 tỷ USD; năm 2017 là 54,4 tỷ USD, năm 2019 gần 59 tỷ USD, năm 2020 đạt 65,5 tỷ USD). Với tỷ lệ như vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc là chủ thể đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bốn là, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trực tiếp tạo ra trên một triệu việc làm và gián tiếp tạo ra nhiều việc làm cho lao động Việt Nam. Số lượng việc làm do các doanh nghiệp Hàn Quốc tạo ra khác nhau tùy thuộc vào thời điểm nhưng có xu hướng tăng lên theo thời gian. Năm 2006, các công ty Hàn Quốc tạo ra khoảng 150.000 việc làm ở Việt Nam, thì tới năm 2009 đã tạo ra khoảng 400.000 việc làm, chiếm 24% số lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài(17).

Tính đến tháng 11-2013, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 3.400 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam(18). Đến cuối năm 2021 có khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Các công ty này sử dụng hơn 1 triệu người lao động Việt Nam(19). Không chỉ tạo ra hơn một triệu việc làm trực tiếp, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm khác ở các lĩnh vực dịch vụ, giao thông,... 

Các công ty Hàn Quốc có ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước do đó có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đông đảo người lao động. Điều này được thể hiện rất rõ ở các địa phương nơi có sự hiện diện của các Công ty Samsung như Bắc Ninh, Thái Nguyên và các địa phương lân cận.

Năm là, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Riêng năm 2018-2019, Samsung phối hợp với Bộ Công thương tổ chức đào tạo 207 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Sau khi hoàn thành khoá học, đội ngũ chuyên gia này được Bộ Công thương Việt Nam bố trí sử dụng hiệu quả. Trong cam kết giai đoạn 2020-2023, Samsung tiếp tục đào tạo 200 kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực khuôn mẫu. Đây là công nghệ gốc rễ chủ chốt quyết định chất lượng thiết kế sản phẩm trong giai đoạn tới(20).

Ở góc độ khác, vốn đầu tư của Hàn Quốc còn góp phần đào tạo, nâng cao trình độ người lao động Việt Nam. Với tiêu chí coi hiệu quả làm việc là ưu tiên hàng đầu trong tuyển dụng và sử dụng lao động, các doanh nghiệp Hàn Quốc thường xây dựng được một đội ngũ công nhân, nhân viên lành nghề, có tác phong công nghiệp, có kỷ luật cao.

Đội ngũ lao động người Việt Nam tham gia quản lý hay phụ trách kỹ thuật trong các doanh nghiệp Hàn Quốc trưởng thành nhiều mặt. Phần lớn số lao động này được tham gia đào tạo, huấn luyện ở trong và ngoài nước, được tiếp thu những kinh nghiệm quản lý điều hành của các nhà kinh doanh nước ngoài. Đặc biệt, với hình thức doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc, Việt Nam tham gia quản lý cùng các nhà đầu tư nước ngoài nên có điều kiện tiếp cận và học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của Hàn Quốc về các mặt như: kinh nghiệm xây dựng và đánh giá dự án, kinh nghiệm tổ chức và điều hành doanh nghiệp, quản lý tài chính, kế toán, quản lý công nghệ, nghiên cứu thị trường, nghệ thuật tiếp thị, tổ chức mạng lưới dịch vụ, v.v..

Như vậy, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là các nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư có hiệu quả cao và góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Các khu vực kinh tế có vốn FDI của Hàn Quốc hình thành và phát triển đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút hơn một triệu lao động Việt Nam, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của một bộ phận đáng kể người dân. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục thu hút vốn đầu tư của Hàn Quốc hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

_________________

Ngày nhận bài: 16-9-2022; Ngày bình duyệt: 22-9-2022; Ngày duyệt đăng: 27-9-2022.                                    

 

(1) Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2010): Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới, Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ, tr.110.

 

(2) Cục đầu tư nước ngoài: Tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốchttps://fia.mpi.gov.vn, ngày 16-6-2016.

(3) Bùi Thị Hồng Ngọc, Đoàn Thị Thu Hương: Thực trạng và tác động của FDI Hàn Quốc vào Việt Nam trong bối cảnh mớihttps://tapchicongthuong.vn, ngày 09-12-2021.

(4) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Hàn Quốchttps://dangcongsan.vn, ngày 08-02-2022.

(5) Trần Thế: Hàn Quốc là đối tác đứng thứ 2 đầu tư vào tỉnh Bình Phướchttps://tinhuybinhphuoc.vn, ngày 12-01-2022.

(6) Nguyễn Đức - Thu Lê: Không có chuyện LG bán nhà máy tại Hải Phòng, tiếp tục chơi lớn tại Việt Namhttps://baodautu.vn, ngày 17-4-2021.

(7) Tạp chí thị trường Tài chính tiền tệ: LG rót thêm 1,4 tỷ USD vốn đầu tư tại Hải Phònghttps://thitruongtaichinhtiente.vn, ngày 01-9-2021.

(8) Uyên Hương: Việt Nam là đối tác lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, da giàyhttps://www.vietnamplus.vn, ngày 22-12-2021.

(9) Vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh bất chấp dịch Covid- 19https://tapchicongthuong.vn, ngày 21-11-2021.

(10) Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2020http://investvietnam.gov.vnngày 7-3-2022.

(11) Cục Đầu tư nước ngoài: Tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốchttps://ipcs.mpi.gov.vn.

(12) Hàn Quốc rót bao nhiêu tỷ USD đầu tư vào TP.HCM?https://danviet.vn, ngày 25-3-2021.

(13) An Bình: Điện tử - điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của Việt Namhttps://moit.gov.vn, ngày 28-10-2021.

(14) Việt Nam vẫn là “át chủ bài” quan trọng của Samsunghttps://vn.sputniknews.com, ngày 01-3-2021.

(15) Nhã Nam: Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho: Cảm ơn các nhân viên samsung Việt Nam!https://baodautu.vn, ngày 04-02-2022.

(16) Hoàng Nam: Samsung Việt Nam: Cùng Việt Nam phát triển thịnh vượnghttps://baoquocte.vn, ngày 07-2-2021.

(17) Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2010): Một số vấn đề chính trị - kinh tế nổi bật của Hàn Quốc giai đoạn 2011-2020, đề tài cấp Bộ, tr.26.

(18) Lê Đình Chỉnh (2016): Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (181), tr.58.

(19) Khánh Vân: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội làm sâu sắc thêm quan hệ Việt - Hàn, https://www.vietnamplus.vn, ngày 10-12-2021.

(20) Đức Duy: Samsung hỗ trợ Việt Nam đào tạo 200 kỹ thuật viên lĩnh vực khuôn mẫu, tại trang: https://www.vietnamplus.vn, ngày 14-7-2020.

              ĐOÀN THỊ TRÀ THU

                                              Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền