Trang chủ    Quốc tế    Bảo đảm an ninh xã hội ở Anh và một số gợi mở đối với Việt Nam
Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 09:54
1160 Lượt xem

Bảo đảm an ninh xã hội ở Anh và một số gợi mở đối với Việt Nam

(LLCT) - An ninh xã hội là trạng thái an toàn và bình yên của một cộng đồng xã hội, trong đó an ninh, trật tự, an toàn là thước đo quan trọng hàng đầu, phản ánh chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Hiện nay, cuộc sống bình thường của người dân ở nhiều nơi vẫn đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ hiện hữu, như xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, thiên tai, thảm họa môi trường, dịch bệnh... Bài viết khái quát quá trình hình thành và phát triển hệ thống an ninh xã hội ở Anh, từ đó đưa ra một số gợi mở về chính sách an ninh xã hội cho Việt Nam.

Quá trình phát triển chính sách an ninh xã hội ở Anh gắn liền với những biến đổi của nền kinh tế - xã hội - Ảnh: vnanet.vn

1. Quan niệm về an ninh xã hội

Thuật ngữ “an ninh xã hội” (tiếng Anh - social security) có nguồn gốc từ chính sách phúc lợi dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt trong thập niên 30 thế kỷ XX. Ngày 14-8-1935, Luật An ninh xã hội (Social Security Act) ra đời nhằm thiết lập một hệ thống trợ cấp, bao gồm lương hưu cho người lao động, trợ cấp cho nạn nhân tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp cho bà mẹ và trẻ em, người tàn tật; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo nghề và cung cấp các chương trình sức khỏe gia đình.

Năm 1948, “an ninh xã hội” chính thức được đưa vào là một trong các quyền con người tại Điều 22 trong Tuyên ngôn chung về quyền con người của Liên hợp quốc. Năm 1952, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa về an ninh xã hội trong Công ước 102: đó là sự bảo vệ mà xã hội dành cho các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công khai, chống lại sự khốn cùng về kinh tế và xã hội, mà nếu không có sự bảo vệ này sẽ gây ra sự ngừng trệ hoặc suy giảm đáng kể thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già và cái chết; đồng thời, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, và cung cấp trợ cấp cho các gia đình có trẻ em(1).

Có thể thấy, định nghĩa của ILO nhấn mạnh vai trò của an ninh xã hội trong việc giảm thiểu những rủi ro và bất ổn về thu nhập mà người dân phải đối mặt trong đời sống, đồng thời bảo vệ người dân trước nguy cơ suy giảm mức sống.

Trên thực tế, các nước phương Tây quan niệm an ninh xã hội là sự bảo vệ chủ yếu của chính phủ đối với cá nhân hoặc nhóm người để ứng phó với các rủi ro xã hội, chẳng hạn việc mất thu nhập khi tuổi già, bệnh tật, thai sản, thất nghiệp. Chính vì thế, chính phủ cần tập trung thực hiện các hình thức bảo vệ chủ yếu, như trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, một số học giả lại tiếp cận theo hướng nhấn mạnh vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc bảo đảm an ninh xã hội. Họ cho rằng mỗi xã hội đều có các chuẩn mực và giá trị được thể chế hóa về mặt văn hóa, buộc gia đình và cộng đồng phải bảo đảm an ninh, không chỉ cho nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người khuyết tật hay người già, mà còn cho tất cả các thành viên của cộng đồng. Những chuẩn mực và giá trị này có nguồn gốc lâu đời và được thể hiện khác nhau tùy thuộc vào từng nền văn hóa(2).

2. Quá trình hình thành hệ thống an ninh xã hội ở Anh

Quá trình phát triển chính sách an ninh xã hội ở Anh gắn liền với những biến đổi của nền kinh tế - xã hội. Quá trình chuyển đổi lâu dài và phức tạp từ chế độ phong kiến ​​sang chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến những biến đổi quan trọng về nghĩa vụ kinh tế và xã hội giữa người giàu và người nghèo. Năm 1601, Luật Cứu trợ người nghèo quy định người đứng đầu địa bàn dân cư có nghĩa vụ bảo đảm mức cứu trợ tối thiểu cho người dân nghèo địa phương nhằm ngăn chặn bất ổn xã hội.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa khiến quá trình di cư từ nông thôn đến các đô thị tiếp tục gia tăng không ngừng. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1826 tạo ra áp lực đối với chi tiêu của Chính phủ Anh nhằm cứu trợ người nghèo. Năm 1831, ngân sách quốc gia đã chi cứu trợ lên tới 7 triệu bảng Anh (trung bình 10 shilling/ người). Năm 1834, Luật về người nghèo thay thế Luật Cứu trợ năm 1601 nhằm thích ứng với những thay đổi của quá trình công nghiệp hóa.

Thập niên đầu thế kỷ XX ghi nhận một số cải cách đặt nền tảng cho những thay đổi trong hệ thống an ninh xã hội Anh. Năm 1908, Chính phủ đệ trình Luật Hưu trí. Năm 1909, Hội đồng Thương mại được thành lập nhằm  bảo đảm mức lương tối thiểu áp dụng cho một số ngành nghề cụ thể. Với việc ra đời Luật Bảo hiểm quốc gia năm 1911, lần đầu tiên nguyên tắc bảo hiểm được áp dụng trong hệ thống nhà nước Anh, bao gồm bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp dựa trên sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và nhà nước. Hệ thống này được đặc trưng bởi công thức “9d for 4d”, có nghĩa là cứ 4 xu do người lao động đóng góp, người sử dụng lao động sẽ thêm 5 xu, tạo thành tổng cộng 9 xu đóng vào quỹ bảo hiểm. Ban đầu, chế độ bảo hiểm này chỉ giới hạn trong ba ngành nghề: đóng tàu, kỹ thuật và xây dựng, sau này được mở rộng cho tất cả người lao động trong các ngành nghề(3).

Chính sách an ninh xã hội của nước Anh hiện đang hướng đến mục tiêu chính là bảo hiểm và chống lại một số rủi ro nhất định mà công dân Anh gặp phải. Đồng thời, chính mối quan tâm bảo đảm rủi ro thất nghiệp, ốm đau và nghỉ hưu đã và đang tạo ra động lực hết sức to lớn đối với sự phát triển của hệ thống an ninh xã hội ở quốc gia này.   Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đặt ra yêu cầu cải cách chế độ phúc lợi cho cựu binh để bù đắp những đóng góp và hy sinh của họ. Chính phủ đã đề ra chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho các cựu quân nhân, sau đó mở rộng chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với tất cả người lao động vào năm 1920. Năm 1925, Đạo luật Trợ cấp cho góa phụ, trẻ mồ côi và người già đã áp dụng chế độ bảo hiểm cho các góa phụ và trẻ mồ côi, đồng thời mở rộng nguyên tắc đóng góp đối với lương hưu cho người già.

Cuộc suy thoái kinh tế vào đầu những năm 1930 đã dẫn đến những khó khăn lớn cho quỹ bảo hiểm khi không đủ chi trả số lượng yêu cầu bảo hiểm. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp khá lớn trong giai đoạn này đã khiến cho hệ thống bảo hiểm bộc lộ những bất cập.

Năm 1959, trước những bất cập của chế độ lương hưu, Luật Bảo hiểm quốc gia đã thay đổi một số nguyên tắc cơ bản. Thay vì đóng góp theo tỷ lệ cố định, luật này đã quy định mức trợ cấp hưu trí dựa trên thu nhập. Những người có thu nhập cao hơn phải đóng góp nhiều hơn vào quỹ bảo hiểm để nhận được mức lương hưu cao hơn. Luật Bảo hiểm quốc gia năm 1965 có sự cải cách tương tự đối với tình trạng thất nghiệp, ốm đau và thương tật. 

Đảng Lao động trở lại nắm quyền vào năm 1964 đã đề ra nhiều kế hoạch cải cách hệ thống với mong muốn đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng đã đạt được ​​trong những năm 1950.

Năm 1966, Bộ An ninh xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Hỗ trợ quốc gia và Bộ Lương hưu và bảo hiểm quốc gia, cùng với đó là việc thông qua Luật An ninh xã hội năm 1966. Theo đó, quyền lợi của người lao động đã trở thành một quyền hợp pháp, người dân có quyền đòi hỏi quyền lợi chính đáng thay vì trông chờ cơ chế ban phát. Đồng thời, luật này cũng quy định trợ cấp bổ sung và lương hưu thay thế trợ cấp quốc gia cho người ốm đau và tàn tật, người thất nghiệp, góa phụ, bà mẹ có con nhỏ và người về hưu. Các khoản bổ sung liên quan đến thu nhập được kéo dài đến 6 tháng sau khi thất nghiệp, ốm đau hoặc thai sản. Luật An ninh xã hội năm 1966 đã giải quyết một số vấn đề do tái phân phối nghèo đói đặt ra, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để các vấn đề về hỗ trợ trẻ em và lao động nghèo.

Cuối những năm 1970, suy thoái kinh tế dẫn đến việc giảm chi an ninh xã hội. Phần lớn các khoản trợ cấp bảo hiểm quốc gia bị cắt giảm, các khoản bổ sung liên quan đến trợ cấp thất nghiệp và ốm đau bị bãi bỏ để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Vào thập niên 90 thế kỷ XX, hệ thống an ninh xã hội cho thấy không còn phù hợp với cấu trúc gia đình và việc làm trong khi tình hình kinh tế - xã hội nước Anh đã thay đổi đáng kể. Vì thế, nhiều cải cách nhằm hạn chế tốc độ tăng chi tiêu cho an ninh xã hội đã được ban hành. Chẳng hạn, giới hạn mức trợ cấp cho người mất khả năng lao động phải chịu thuế, quy định độ tuổi tối đa đối với người nhận trợ cấp và bổ sung yêu cầu xét nghiệm y tế nghiêm ngặt để xét duyệt đối tượng thụ hưởng bảo hiểm.

Sự quay trở lại nắm quyền của chính phủ do Đảng Bảo thủ lãnh đạo với chính sách “thắt lưng buộc bụng” vào năm 2010 đã dẫn đến những kết quả không bình đẳng về mặt không gian và ảnh hưởng nhất định đến người nghèo. Luật Cải cách phúc lợi năm 2012 hình thành hệ thống chi trả an ninh xã hội do địa phương đảm trách, theo đó, chính quyền địa phương được quyền thiết kế các phương án thay thế, bao gồm chương trình hỗ trợ phúc lợi địa phương - trao quyền quyết định một số chính sách nhất định và kế hoạch tài chính cho chính quyền địa phương; chương trình hỗ trợ thuế cộng đồng quy định nhóm đối tượng được miễn giảm và mức độ giảm trừ; chương trình chi trả nhà ở do chính quyền địa phương cung cấp cho các đối tượng được hưởng nhà ở xã hội(4).

Ngày 20-3-2020 (ba ngày trước thời điểm Anh phong tỏa do đại dịch Covid-19), Chính phủ Anh đã công bố khoản tiền bổ sung trị giá 7 tỷ bảng Anh cho hệ thống an ninh xã hội. Chính phủ Anh đã áp dụng ba nhóm giải pháp an ninh xã hội để ứng phó với đại dịch, bao gồm chương trình duy trì việc làm Coronavirus (CJRS), chương trình hỗ trợ thu nhập cho cá nhân tự kinh doanh (SEISS) và những thay đổi khẩn cấp đối với hệ thống an ninh xã hội. CJRS được đưa ra vào tháng 3-2020 nhằm hỗ trợ người lao động tạm thời không thể làm việc do đại dịch. Trường hợp này, Chính phủ hỗ trợ 80% tiền lương, mức chi trả tối đa là 2.500 bảng Anh mỗi tháng. Ban đầu dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6-2020, Chương trình được gia hạn hai lần và kết thúc vào ngày 31-3-2021. Từ tháng 5-2020 đến tháng 4-2021, chương trình SEISS cho phép người tự kinh doanh đăng ký hưởng khoản trợ cấp trị giá 80% lợi nhuận giao dịch trong ba tháng, mức chi trả tối đa là 7.500 bảng Anh(5).

Chính sách an ninh xã hội của nước Anh hiện đang hướng đến mục tiêu chính là bảo hiểm và chống lại một số rủi ro nhất định mà công dân Anh gặp phải. Đồng thời, chính mối quan tâm bảo đảm rủi ro thất nghiệp, ốm đau và nghỉ hưu đã và đang tạo ra động lực hết sức to lớn đối với sự phát triển của hệ thống an ninh xã hội ở quốc gia này.

3. Một số gợi mở đối với Việt Nam

Trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Quá trình hình thành và phát triển hệ thống an ninh xã hội ở nước Anh là những gợi mở để Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các hạt nhân hợp lý trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một là, liệt kê và phân loại các hình thức bảo đảm an ninh xã hội

Việc liệt kê và phân loại các hình thức bảo đảm có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động nhằm tăng cường an ninh xã hội. Bảo đảm an ninh xã hội bao gồm các hình thức cơ bản: đánh giá rủi ro, phòng ngừa, bảo vệ và bồi thường. Đánh giá rủi ro là việc xem xét, tính toán, đo lường các rủi ro mà các nhóm dân cư có thể gặp phải. Phòng ngừa bao gồm các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Bảo vệ hàm chứa những biện pháp làm giảm thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Bồi thường là việc cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc hiện vật cho những người gặp rủi ro.

Trong các hình thức nêu trên, đánh giá rủi ro được xác định là trung tâm, bởi lẽ đánh giá rủi ro rất quan trọng để xây dựng các chính sách, kế hoạch dựa trên quan điểm hướng tới tương lai về an ninh xã hội. Vì thế, xây dựng các phương pháp đánh giá rủi ro một cách khách quan, khoa học và toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với việc bảo đảm an ninh xã hội. Việc thông tin đánh giá rủi ro đến đông đảo người dân có tác dụng tăng cường nhận thức của mỗi cá nhân, giúp người dân thực hiện hành động ở cấp cá nhân, hộ gia đình hoặc cộng đồng, góp phần giảm thiểu tác động của rủi ro.

Hai là, thay đổi tư duy và hệ thống chính sách nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số

Người cao tuổi chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dân số Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2017, dân số từ 65 tuổi của nước ta đã chiếm 7,15% tổng dân số(6) và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, già hóa dân số tạo ra những tác động đa chiều, gây nên nhiều thách thức đối với quản trị quốc gia và phát triển bền vững.

Trước hết, cần khẳng định già hóa dân số là một thành tựu trong việc thực hiện các chính sách về an ninh xã hội. Khi người dân sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, già hóa dân số nên được xem như là một nguồn lực cho gia đình, cộng đồng, quốc gia. Bên cạnh đó, dân số già hóa là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế phục vụ người cao tuổi. Tuy vậy, già hóa dân số sẽ làm gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng nếu Chính phủ không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. 

Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, trong khi thời gian chuẩn bị thích ứng không còn nhiều. Do vậy, cần hoạch định các chiến lược, chính sách và chương trình về an ninh xã hội có tính thực tế và khả thi cao để thích ứng.

Thực tiễn ở Anh cho thấy, Chính phủ đã quan tâm đến thực trạng già hóa dân số và đã sớm có sự chuẩn bị các chính sách, chương trình hướng đến dân số già phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.

Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo hiểm

Ở Việt Nam, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là những chính sách an ninh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. Hệ thống chính sách bảo hiểm do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên và các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, ốm đau, bệnh tật... Tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, chiếm 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, chiếm 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Riêng trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (chỉ tiêu năm 2021 là 1%)(7).

Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm của Việt Nam còn tồn tại một số điểm cần khắc phục, như: quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững, quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đại dịch Covid-19, hệ thống bảo hiểm phản ứng chưa thực sự kịp thời, thủ tục hành chính còn rườm rà... khiến cho các nhóm yếu thế như lao động tự do, lao động bị mất việc làm trong khu vực phi chính thức gặp không ít khó khăn trước những tác động bất lợi của đại dịch.

Để vượt qua những hạn chế và hướng đến một hệ thống bảo hiểm bền vững, thích ứng kịp thời với những rủi ro tiềm ẩn, cần đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội và lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, hướng tới bảo đảm tất cả người dân được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cần chú trọng thiết kế các chương trình trợ giúp theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân chịu rủi ro thiên tai và dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ kịp thời người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, bảo đảm an ninh môi trường, ứng phó hiệu quả với thiên tai và dịch bệnh

Trong những năm gần đây, tình trạng thiên tai, dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. “Thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những nội dung có tầm ảnh hưởng lớn, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng được xác định là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Hiện tại, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam, gây nên các mối đe dọa an ninh sinh thái và an ninh môi trường. Do vậy, cần có các giải pháp khả thi và hiệu quả nhằm ngăn chặn và từng bước khắc phục sự suy thoái của môi trường tự nhiên, khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phải kiên quyết và kiên trì bảo vệ an ninh môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Đến nay, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống con người trên khắp thế giới. Số người chết, thất nghiệp, thiếu việc làm... chưa có dấu hiệu dừng lại. Ứng phó với đại dịch, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào hệ thống an ninh xã hội và quan tâm đến người lao động. Chẳng hạn, các chương trình khẩn cấp về an ninh xã hội trong giai đoạn Covid-19 được ban hành ở nước Anh đã cung cấp một cái nhìn sơ lược về cách thức đối phó với dịch bệnh của nhiều quốc gia hiện nay. Có thể thấy, trong thời kỳ đại dịch, chính sách về an ninh xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thu nhập đối với các hộ gia đình người lao động đã trải qua sự sụt giảm thu nhập đáng kể. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn giữa bảo đảm an ninh xã hội ngắn hạn và tính bền vững lâu dài. Vì thế, quản trị quốc gia cần hướng tới sự tích hợp hài hòa và hiệu quả giữa chương trình duy trì việc làm và hệ thống an ninh xã hội linh hoạt.

_________________

Ngày nhận bài: 4-12-2021; Ngày bình duyệt: 17-1-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022

 

(1) Frans Pennings: Social Security’ in Bent Greve, Routledge Handbook of the Welfare State, 2nd edition, Routledge, 2018.

(2) André Leliveld: Social security in developing countries - Some theoretical considerations, Vrije Universiteit Amsterdam, 1991.

(3) Stephen McKay, Karen Rowlingson:  Social

Security in Britain, Macmillan Press, 1999.

(4) Beatty C., Fothergill S.: Welfare reform in the United Kingdom 2010-16: Expectations, outcomes and local impacts, Social Policy & Administration 52, 2018, tr.950-968.

(5) Richard M: “COVID-19 and the temporary transformation of the UK social security system”,  41(4) Critical Social Policy, 2021, tr.651-662.

(6) World Bank: https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.65UP.TO.ZS?locations=VN.

(7) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, https://baohiemxahoi.gov.vn.

TS VÕ CÔNG KHÔI

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền