Trang chủ    Quốc tế    Phát triển nhân lực ở các nước đang tiến vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Chủ nhật, 17 Tháng 7 2022 09:57
1353 Lượt xem

Phát triển nhân lực ở các nước đang tiến vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(LLCT) - Thực tế phát triển ở các nước công nghiệp hóa hàng đầu hay các nước phát triển như nhóm G7 cho thấy sự chủ động và tích cực tiến tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh nghiệm từ giai đoạn sau của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (ba thập niên cuối thế kỷ XX) đã gợi ý rằng, muốn chủ động đón các “làn sóng” cách mạng công nghiệp, thì chính sách về phát triển nhân lực phải được quan tâm hàng đầu và cần có tư duy chiến lược về vấn đề này. Bài viết khái quát một số động thái chủ yếu trong thập niên gần đây (2010-2020) để phát triển nhân lực, xây dựng giai cấp công nhân ở những nước đang tiến vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.    

Các nước muốn chủ động đón “làn sóng” Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chính sách phát triển nhân lực phải được quan tâm hàng đầu - Ảnh: internet

Thứ nhất, đã có nhiều nước phát triển chiến lược nhân lực hướng tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thập niên gần đây

Thực tế cho thấy, trong số các nước sớm đi vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ có những nước phát triển, có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý thị trường, tài chính... mà còn có cả những nước mới phát triển và đang phát triển. Đi đầu là nhóm các nước G7 với nền công nghiệp phát triển như Đức, Mỹ, Nhật, Anh, Pháp...; song có cả những nước mới phát triển và ở tốp G20 như Israel, Hàn quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Xinhgapo; và có cả nhiều nước đang phát triển cũng rất quan tâm và có chiến lược hướng tới cuộc cách mạng  công nghiệp này.

Nhận thức chung về lợi ích và tác động từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khá thống nhất: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo”(1). Hai yếu tố này đều liên quan trực tiếp đến nhân lực trình độ cao. 

Bên cạnh đó, có thể thấy rõ tình hình kinh tế - chính trị thế giới hiện nay chứa đựng nhiều bất ổn: sau khủng hoảng tài chính kinh tế 2008-2018, đại dịch Covid-19 tiếp diễn cùng khá nhiều biến động chính trị khác. Rõ ràng, những cơ chế điều tiết toàn cầu và khu vực hiện nay không phải là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các vấn đề của tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Biện pháp chủ yếu phải là tăng cường nội lực của nền kinh tế quốc gia (hoặc tập đoàn kinh tế) thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nội lực mới là yếu tố quyết định để phát triển và hội nhập có hiệu quả. Theo đó, cần mạnh dạn tiến vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ bằng đổi mới công nghệ sản xuất - dịch vụ mà quá trình quản trị phát triển cũng phải hướng tới nền quản trị số, chính phủ số. Và hiển nhiên, chuẩn bị nhân lực cho các quá trình này là việc phải được quan tâm hàng đầu.

Thứ hai, chính phủ hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất và đổi mới giáo dục - đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

“Giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra”(2). Quy luật hình thành, phát triển giai cấp công nhân do Mác khái quát vẫn đúng trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, hiện nay các chính phủ đều hỗ trợ đổi mới công nghệ trên mọi lĩnh vực để tạo ra “khuôn đúc” mới cho một lớp công nhân của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ Đức theo đuổi chiến lược “Industrie 4.0” (Công nghiệp 4.0) với các nội dung: đổi mới công nghệ, tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích phát triển nhân lực và nhập cư lao động trình độ cao. Trong giai đoạn 2015-2020, Chính phủ Đức đã chi khoảng 40 tỷ euro mỗi năm cho các mục tiêu: Tự động hóa sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực để giải quyết việc thiếu lao động và cạnh tranh với lao động giá rẻ từ những “công xưởng thế giới” bằng lao động có kỹ năng mới và năng suất cao.

Chính phủ Mỹ đã tăng tài trợ cho R&D trong sản xuất, thực hiện “tái công nghiệp hóa” để “một lần nữa tập trung phát triển công nghiệp”. Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ hiện đại (gọi là “internet công nghiệp”) để tác động vào những ngành công nghiệp truyền thống và ưu tiên hơn cho công nghiệp cơ khí.  Đồng thời từ năm 2012, Mỹ thành lập Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh (SMLC) để khuyến khích cộng tác phát triển ngành công nghiệp nền tảng, tiêu chuẩn hóa sản xuất theo công nghệ mới.

Chính phủ Hàn Quốc đã soạn thảo luật khuyến khích các sáng kiến tích hợp công nghệ thông tin vào những lĩnh vực chủ chốt như ô tô, đóng tàu và các trung tâm phát minh sáng tạo để giúp thúc đẩy phát triển nhân lực và công nghệ. Chính phủ có kế hoạch cung cấp vốn cho hơn hai nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy thành lập các nhà máy thông minh với dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối.

Trung Quốc đã khởi động chiến lược công nghiệp “Made in China 2025” với mục tiêu “một lần nữa trở thành công xưởng của thế giới” nhưng bằng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” thông qua xây dựng thương mại điện tử với hàng chục nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi(3). Các công nghệ tiên tiến như rôbốt, cảm biến và trí tuệ nhân tạo... đang giúp Trung Quốc cải thiện khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. 

Thứ ba, doanh nghiệp tiên phong về công nghệ hiện đại, người lao động nỗ lực tự đào tạo, chính phủ hỗ trợ để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Hiện nay đang có sự thay đổi về chủ thể sáng tạo công nghệ. Vài thập niên gần đây, hầu hết các công nghệ hiện đại đều do các doanh nghiệp tư nhân, các viện nghiên cứu của các tập đoàn lớn phát minh, sáng chế. Khối doanh nghiệp tư nhân là chủ thể sáng tạo, sở hữu và sử dụng đa số thành tựu công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước tiên cần phải thấy rằng lợi nhuận là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy những sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân. Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh trong tìm kiếm giá trị thặng dư, sự bùng nổ của những thành tựu khoa học và công nghệ, môi trường sáng tạo khá thuận lợi, chi phí khởi nghiệp khá thấp... là những nhân tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều hơn vào phát triển công nghệ cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ mới cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho mỗi người lao động. Nếu một công nhân bình thường có máy tính được nối mạng, có một số kiến thức lý thuyết cơ bản về nghề và ngoại ngữ thì cơ hội tiếp cận tri thức và nâng cao tay nghề khá rộng mở. Việc học tập, tự đào tạo thông qua các học liệu mở, các lớp trực tuyến, đào tạo từ xa chưa bao giờ dễ tiếp cận và vừa mức với thu nhập trung bình của người lao động như hiện nay. 

Nhìn chung, nỗ lực tự thân của người lao động, ý thức tự giác vươn lên trong bối cảnh mới cũng vẫn là một động lực bên trong để người công nhân phát triển. Đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhân lực vẫn là nhân tố thúc đẩy hàng đầu. “Lợi suất của kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng thúc đẩy hay bổ trợ cho quá trình số hóa, tự động hóa (bằng người máy hay bằng phần mềm - tức là trí tuệ nhân tạo có khả năng tự học) cũng tăng mạnh. Trong khi đó, các kỹ năng truyền thống đã từng có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước, song đang bị người máy thay thế, nên có lợi suất giảm mạnh”(4)

Trong tương lai, câu hỏi phỏng vấn của bộ phận tuyển dụng của một công ty, có thể sẽ không phải là: “Anh có kinh nghiệm nào về vị trí việc làm này không ?”; mà sẽ là: “Anh có kỹ năng lập trình cho công việc này không?”. Đó chính là một trong những khác biệt của nhu cầu nhân lực thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư so với trước đây.   

Chính phủ hỗ trợ về chính sách để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cho công nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được các chính phủ nhìn nhận là một chuỗi công nghệ tạo ra nhân lực, bao gồm các bước từ tạo nguồn đến đào tạo và sử dụng nhân lực, gồm: giáo dục tri thức kỹ năng cơ bản, định hướng nghề nghiệp sớm để tạo nguồn; đào tạo nghề theo yêu cầu của thị trường nhân lực và yêu cầu của phát triển công nghệ; quản lý nhân lực và tái đào tạo - phát triển nhân lực theo chu kỳ công nghệ....

Xu hướng chung là hài hòa giữa thực tế doanh nghiệp với tính học thuật của nhà trường và chú ý phát triển năng lực của người học nghề. Nhà nước tiên liệu nhu cầu nhân lực, xác định chiến lược tổng thể; thị trường xác định nhu cầu về số lượng - chất lượng nhân lực; người lao động tự giác, chủ động lựa chọn nghề theo sở thích; cơ sở đào tạo ký hợp đồng đào tạo liên thông với doanh nghiệp, người sử dụng nhân lực bảo đảm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về sử dụng lao động.... Tất cả các quan hệ này được điều tiết bằng cả “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”. Trong đó “bàn tay vô hình” - nhu cầu của thị trường lao động là cơ sở của đào tạo, “bàn tay hữu hình” -  nhà nước kiểm tra, điều tiết, hỗ trợ quá trình sử dụng lao động thông qua các luật về lao động và hệ thống an sinh xã hội.

Chính phủ Đức thực hiện “Chiến lược số hóa” để kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, người lao động trong đào tạo, sử dụng nhân lực. Thông qua internet, nhu cầu của thực tế sản xuất với hướng đào tạo của nhà trường và công việc mà người lao động lựa chọn đã diễn ra gần như tức thì. Có vài chục ngành nghề được nhà nước lựa chọn để tiếp cận sớm với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra gồm những chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ đủ để đáp ứng thực tế. Nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết cơ bản (để người lao động tự đào tạo trong tương lai) cùng với việc tăng tỷ lệ thực hành với công nghệ mới. Người học có thể lựa chọn hình thức đào tạo toàn bộ tại trường hoặc chỉ đào tạo cơ bản, sau đó đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu doanh nghiệp. Các công ty cung cấp kỹ năng thực tế phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại và có trách nhiệm đóng góp một phần chi phí trực tiếp cho việc đào tạo thực hành. Thời lượng thực hành của người học nghề theo tiêu chuẩn của Châu Âu, thường là trên 40%(5).

Chính phủ Xinhgapo đã khuyến khích học sinh chọn học nghề thay cho mục tiêu chỉ vào đại học. 65% học sinh đã chọn các trường nghề, viện kỹ thuật sau Trung học. Năm 2015, Xinhgapo khởi động chương trình quốc gia Skills Future (Kỹ năng tương lai), trong đó có quy chuẩn công nhận việc thành thạo một kỹ năng nhất định (nấu ăn, lập trình, sửa chữa - chế tạo máy...) mà người học đạt được cũng tốt như thành tích kiếm được một tấm bằng đại học.

Nhật Bản đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau trung học phổ thông. Vào đầu tháng 06-2016, chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua chương trình giáo dục mới dành cho học sinh phổ thông. Theo đó, tất cả học sinh cấp hai của các trường công tại Nhật Bản sẽ bắt buộc phải học lập trình ngay từ đầu cấp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được xây dựng bài bản, cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp(6).

Có thể thấy quy luật chung của các cuộc cách mạng công nghiệp là tính chủ động tăng dần, tính tự phát giảm dần theo thời gian. Hiện nay, những quốc gia có bước tiến dài vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thập niên vừa qua không chỉ bởi họ có tiềm lực công nghệ, tài chính... mà trước hết là do họ có ý thức rõ và có Chiến lược toàn diện cho cuộc cách mạng này. 

Thứ tư, chính Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tích hợp thêm nhiều điều kiện vật chất cho quá trình phát triển nhân lực và giải phóng lao động

Các vấn đề trong quan hệ lao động hiện đại, do tác động của quan hệ sản xuất TBCN hiện đang khá phổ biến trên thế giới hiện nay, vẫn tiếp diễn trong quá trình chuyển từ Cách mạng công nghiệp lần thứ ba sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng mỗi bước tiến của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ dường như cũng cung cấp thêm cho con người những luận cứ thực tiễn để tiến gần hơn đến mục tiêu giải phóng lao động. Từ thực tiễn kinh tế - chính trị hiện đại, người ta đang nhận thấy:  

Một là, trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, xã hội nào cũng tồn tại và phát triển thông qua quá trình sản xuất và tiêu thụ của cải vật chất. Giai cấp công nhân là giai cấp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội hiện đại bằng phương thức công nghiệp mang tính xã hội hóa cao. Với tư cách là giai cấp sản xuất vật chất, giai cấp công nhân có vai trò quyết định đối với tồn tại và phát triển xã hội. Chính từ quá trình sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp, giai cấp công nhân được xác định vị thế là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai(7). Trên thực tế, những nước phát triển đều là những nước đã công nghiệp hóa xong, luôn đi đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại. Và quan trọng hơn, là lao động công nghiệp - công nhân luôn chiếm tỷ lệ đại đa số trong lực lượng lao động xã hội. Giai cấp công nhân đang là lực lượng sản xuất hàng đầu của những nước công nghiệp phát triển.      

Thêm vào đó, tính chất xã hội hóa ngày càng tăng của sản xuất cũng làm nảy sinh những nhân tố mang tính chất xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Theo C.Mác, đây chính là yếu tố duy vật cho CNXH hiện đại, cái tính chất mà trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, chưa xuất hiện nhiều trên thực tế. Công nghiệp càng phát triển thì tính chất xã hội hóa này ngày càng rõ ràng. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, thứ ba và hiện nay là lần thứ tư đang tiếp nối làm rõ trên thực tiễn xu thế xã hội hóa đó. Nội dung kinh tế này là yếu tố sâu xa nhất khẳng định tính tất yếu của sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với quá trình phát triển của văn minh nhân loại. Thực hiện đầy đủ và thành công nội dung kinh tế này cũng là điều kiện vật chất để CNXH chiến thắng CNTB.          

Hai là, cũng từ quá trình sản xuất công nghiệp này, những nhân tố vật chất cho sự hình thành một xã hội mới cũng được tích lũy ngày một nhiều hơn. Quyền năng của người lao động đang tăng lên bằng tri thức, kinh nghiệm sản xuất, những sáng chế phát minh trong chuỗi sản xuất. Xu thế này dần phá vỡ độc quyền của nhà tư bản có được do sở hữu tư liệu sản xuất. Khi tri thức thực sự là một đầu vào của sản xuất hiện đại, thì người lao động với tri thức và kỹ năng vận hành công nghệ mới của mình sẽ tham gia vào quá trình sản xuất với một tư thế mới của người đồng sở hữu các tư liệu sản xuất.     

Khả năng tiếp cận các thông tin về nhu cầu của thị trường nhân lực, các đổi mới về pháp luật, về công nghệ trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng khiến cho người lao động và các tổ chức bảo vệ người lao động có thêm lợi thế để bảo vệ và tự bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Bình đẳng hơn về thông tin cần được nhìn nhận như một tiền đề thuận lợi để tích cực hóa quá trình cải thiện quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Thêm vào đó, chính những thay đổi trên thực tế và trong quan niệm về phát triển hiện đại cũng làm tăng lên vai trò của nguồn nhân lực so với tư liệu sản xuất. Do sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, không chỉ các lý luận cụ thể trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật thay đổi, mà hàng loạt lý thuyết về xã hội và con người cũng buộc phải thay đổi theo. Chẳng hạn, trước đây trong quá trình công nghiệp hóa, Liên Xô và các nước XHCN nói chung chỉ vận dụng lý luận ưu tiên phát triển khu vực I (sản xuất tư liệu sản xuất) so với khu vực II (sản xuất tư liệu tiêu dùng) nên chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Nhưng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư, thế giới đã chuyển sang vận dụng lý luận khu vực I (sản xuất con người) để quyết định khu vực II (sản xuất vật chất); lý luận về vai trò quyết định trong phát triển quốc gia của giáo dục và đào tạo và nhiều lý luận khác.

Hai lôgíc căn bản đó đang tiếp diễn với mức độ sâu sắc và rộng lớn hơn trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những nghiên cứu về cuộc cách mạng này đang xác nhận điều đó. Về đại thể, như dự báo của Klaus Schwab: “Những sáng tạo lớn về công nghệ sắp thổi bùng những thay đổi lớn lao trên khắp thế giới - như một tất yếu khách quan”(8).  

Thứ năm, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra một số thách thức mới với quá trình phát triển nhân lực và giải phóng lao động

Kinh nghiệm của một số nước phát triển sớm tiến vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, cơ cấu - cấu trúc nghề nghiệp đang và sẽ có thay đổi lớn, công nghệ mới đặt ra nhiều thách thức mới. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh ước tính sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống ở Anh và Mỹ bị mất việc trong khoảng 20 năm tới (chiếm khoảng 50% số lao động ở hai nước này)(9). Nhà tương lai học Thomas Frey(10) dự báo, khoảng hai tỷ việc làm, tương đương với 50% số công việc hiện nay sẽ “biến mất” vào năm 2030, điển hình là các nghề luật sư/ tư vấn pháp lý, tư vấn du lịch, lái xe taxi, công nhân khai thác than, kiểm soát không lưu... do bị rôbốt, dữ liệu lớn (big data) áp đảo và thay thế. Đồng thời, sẽ có thêm 80% số công việc mới được sinh ra vào thời gian tới. Với số lượng và tỷ lệ đổi mới lớn như vậy, luật về lao động, đào tạo nghề, an sinh xã hội, cơ chế hoạt động của các tổ chức bảo vệ người lao động... tất yếu phải có những điều chỉnh tương ứng, cùng với đó là những đổi mới trong quản trị quốc gia.

__________________

(1), (4) Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Báo cáo tổng hợp Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách với Việt Nam, 11-2016. 

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.457.

(3) Lộc Thị Thủy: Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sau 5 năm thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”, Tạp chí Cộng sản, 3-2021.  

(5) Mai Văn Tỉnh: Giáo dục đại học nghề nghiệp ở châu Âu có đặc trưng cấu trúc thế nào,Tạp chí Giáo dục Việt Nam, 2-2018.  

(6) Bộ Khoa học và Công nghệ: Báo cáo Cách mạng công nghiệp 4.0, bản trình Chính phủ, 2017.

(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, t.3, “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.34-59.  

(8) Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.24. 

(9) Trương Thị Thanh Quý: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục Việt Nam, Tạp chí Cộng sản,12-2017.

(10) Thomas Frey là tác giả các cuốn sách “Communicating with the Future” (2011) (Giao tiếp với tương lai) và “Epiphany Z: Eight Radical Visions for Transforming Your Future” (2017) (Tạm dịch: Hiển thị tám hình ảnh cơ bản về những thay đổi trong tương lai của bạn). 

PGS, TS NGUYỄN AN NINH

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền