Trang chủ    Quốc tế    Vị thế, vai trò của ASEAN ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: cơ hội trong thách thức
Thứ năm, 09 Tháng 6 2022 09:06
2914 Lượt xem

Vị thế, vai trò của ASEAN ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: cơ hội trong thách thức

(LLCT) - Trên cơ sở nghiên cứu những biến động địa chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bài viết làm rõ những khó khăn, thách thức vị trí, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực; đồng thời phân tích những cơ hội, điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực trong những năm tới.

ASEAN đã kiến tạo và dẫn dắt hàng loạt các sáng kiến, cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế, an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là tâm điểm của các sáng kiến, chiến lược của các cường quốc ở khu vực - Ảnh: nghiencuuquocte.org.vn

Sau Chiến tranh Lạnh, nhất là từ đầu thế kỷ XXI đến nay, ASEAN - một tổ chức khu vực tập hợp đa dạng 10 quốc gia vừa và nhỏ, đang phát triển đã định vị mình và được các đối tác, bao gồm các cường quốc thừa nhận và ủng hộ vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực. Trong thực tiễn cũng như trong chiến lược khu vực của các cường quốc, ASEAN là đối tác quan trọng trên tất cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại và an ninh - quốc phòng. ASEAN đóng vai trò là “người trung gian trung thực” giữa các cường quốc, thể hiện khả năng thu hút và kết nối các đối tác lớn trong và ngoài khu vực thông qua các cơ chế đa phương đa tầng nấc lấy ASEAN làm trung tâm. ASEAN là người đã kiến tạo và dẫn dắt hàng loạt các sáng kiến, cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế, an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là tâm điểm của các sáng kiến, chiến lược của các cường quốc ở khu vực.

Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của ASEAN trong định hình môi trường an ninh, cấu trúc hợp tác và trật tự khu vực cũng được thể hiện thông qua việc xây dựng những luật chơi, quy tắc và chuẩn mực ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế và bối cảnh đặc thù khu vực, bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. Do đó, được các bên, bao gồm các cường quốc trong và ngoài khu vực thừa nhận, tôn trọng. Qua đó, ASEAN đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết giữa các quốc gia, góp phần giảm thiểu những mâu thuẫn, khác biệt, xây dựng lòng tin và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

1. Vị thế, vai trò trung tâm của ASEAN đứng trước nhiều thách thức lớn và phức tạp bởi cả những yếu tố bên trong và bên ngoài

Một là, vị thế, uy tín, vai trò trung tâm của ASEAN có nguy cơ bị suy giảm vì sự thiếu đoàn kết, thống nhất nội bộ và khả năng thực hiện hành động tập thể nhằm đạt được các mục tiêu chung của cả cộng đồng

Nói về mối quan hệ giữa sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và vị trí trung tâm của ASEAN, Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long cho rằng, sự thống nhất là điều kiện tiên quyết để ASEAN đạt được thành công và nguyện vọng về duy trì vai trò trung tâm của mình ở khu vực(1).

Trên thực tế, thách thức lớn nhất đối với ASEAN và vị thế trung tâm của nó trong cấu trúc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không phải là thiết lập và quản lý quan hệ ổn định với các cường quốc bên ngoài mà bắt nguồn từ việc quản lý các mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên bên trong nhóm. Có không ít hoài nghi về khả năng ASEAN trong thập kỷ mới có thể tiếp tục hoạt động như một cộng đồng hiệu quả, gắn kết, trong đó các nước thành viên có thể dung hòa việc theo đuổi lợi ích quốc gia với lợi ích tập thể của nhóm, gắn lợi ích quốc gia với tinh thần, giá trị và bản sắc của chủ nghĩa khu vực, với trách nhiệm, nghĩa vụ chung đối với cộng đồng khu vực.

Về điều này, cựu Tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino đã chỉ ra rằng, điều còn thiếu hụt ở ASEAN là “cảm giác thân thuộc” (the feeling of belonging), gắn bó giữa các thành viên, là nhận thức và niềm tin giữa các thành viên, rằng mỗi thành viên quan trọng với nhau và quan trọng với nhóm, cũng như niềm tin rằng nhu cầu và lợi ích chính đáng của các thành viên sẽ được quan tâm, tôn trọng và đáp ứng thông qua cam kết của họ cùng bên nhau(2).

Là một khối các nước vừa và nhỏ với rất nhiều khác biệt, ASEAN đã luôn phải đối mặt với những thách thức từ sự thiếu thống nhất trong những quyết định lớn và ngày càng bộc lộ rõ hơn trong những năm gần đây. Đó là vấn đề an ninh nổi cộm của khu vực nhưng ASEAN đã không thể có tiếng nói đủ trọng lượng trong việc ủng hộ lập trường và lợi ích chính đáng của các thành viên trong vấn đề Biển Đông, không thể đưa ra lập trường đủ rõ ràng về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 do sức ép từ bên ngoài. Điều đó cho thấy hạn chế trong phương thức ra quyết định của ASEAN có thể bị lợi dụng để phục vụ lợi ích riêng.

Khi ASEAN khó khăn trong hành động vì những mục tiêu chung cũng như vì lợi ích chính đáng của các thành viên, ASEAN có nguy cơ giảm tầm quan trọng đối với các thành viên và ngày càng trở nên thiếu gắn kết khi các thành viên tìm kiếm các đối tác mới để đạt được mục tiêu bảo vệ lợi ích của mình. Trong trường hợp ASEAN tiếp tục thể hiện sự thiếu thống nhất hoặc lảng tránh việc đối mặt với các vấn đề địa chính trị quan trọng đang nổi lên, có thể sẽ dẫn đến việc ASEAN trở thành người ngoài cuộc ngay trên chính sân nhà.

Tổng thống Inđônêxia Jokowi đã khẳng định đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN là rất quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Ông cảnh báo rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự bất ổn đang xuất hiện trong chính khu vực của mình, không thể để các nước hùng mạnh ra lệnh cho ASEAN và quyết định vận mệnh an ninh và ổn định khu vực(3).

Để duy trì vị thế, vai trò trung tâm của mình, ASEAN cần đáp ứng sự quan tâm và lợi ích của cả ASEAN và của các cường quốc. Tuy nhiên, với tư cách là một cộng đồng đang nỗ lực định hình các giá trị chung, ASEAN cần quản lý cẩn trọng các mối quan hệ nội bộ như một yêu cầu cơ bản, trước hết cho vị thế cũng như sự tồn tại thể chế của mình.

Hai là, phương cách đặc thù của ASEAN - “ASEAN Way” với hai đặc trưng cơ bản là ra quyết định dựa trên sự tham vấn và đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, đã bộc lộ những kẽ hở, bất cập trong bối cảnh hiện nay

Phương cách ASEAN vốn đã tạo nên sự độc đáo của ASEAN trong quy trình ra quyết định, phù hợp với đặc thù của tổ chức khu vực này, giúp ASEAN xây dựng một cộng đồng thống nhất trong đa dạng gồm 10 quốc gia vừa và nhỏ. Tuy nhiên, cùng với tiến trình mở rộng, phát triển của tổ chức cũng như biến chuyển sâu sắc của môi trường an ninh và địa chính trị khu vực, “ASEAN Way” cũng bộc lộ rõ hơn những điểm yếu trong việc xử lý những vấn đề an ninh - chính trị phức tạp, nhạy cảm.

Mười quốc gia Đông Nam Á rất đa dạng và khác biệt về nhiều mặt, nên để đạt được sự đồng thuận chung sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nhất là trên những vấn đề phức tạp, liên quan đến các cường quốc bên ngoài, trong bối cảnh lợi ích quốc gia chi phối đời sống quốc tế. Khi ASEAN chưa định hình được những giá trị, chuẩn mực và bản sắc chung có tính bền vững, cố kết các nước thành viên, nhất là trong ứng xử với các vấn đề an ninh và đối ngoại, việc đạt được nhận thức chung là không dễ dàng.

Hơn nữa, ASEAN được thừa nhận đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực, tâm điểm của mạng lưới hợp tác, liên kết ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, ASEAN cũng đã thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, phát triển với Liên hợp quốc và hầu hết các cường quốc trên thế giới. Mối quan tâm, lợi ích ràng buộc, sự tương tác của thế giới, của các cường quốc với ASEAN càng rộng mở, nguyên tắc không can thiệp của ASEAN vì thế sẽ chịu tác động và sức ép ngày càng tăng từ các nước đối tác và cộng đồng quốc tế. Khi đó ASEAN sẽ khó khăn trong thực hiện vai trò môi giới của mình đối với các cường quốc cũng như vai trò dẫn dắt và vị thế trung tâm trong định hình cấu trúc và trật tự khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ba là, vai trò trung tâm và sức mạnh tập thể của ASEAN có nguy cơ bị xói mòn vì cạnh tranh cường quốc gia tăng

Thực tế cho thấy, thời kỳ ASEAN trở nên quan trọng nhất, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực, được các cường quốc thừa nhận trùng với thời kỳ bình ổn chiến lược tương đối sau Chiến tranh Lạnh, khi các cường quốc khu vực và thế giới có mối quan hệ tương đối tốt đẹp, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển.

Khi quan hệ Trung - Mỹ ở trạng thái cân bằng và không quốc gia nào tìm cách thay đổi hay đảo lộn trật tự khu vực, ASEAN đã theo đuổi một chiến lược “ràng buộc kép”, liên quan đến một nỗ lực có ý thức nhằm đưa cả hai cường quốc này vào các thể chế khu vực do ASEAN làm trung tâm.

Tuy nhiên, nằm ở tâm điểm của khu vực địa chính trị chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đông Nam Á hiện nay đang ở vị trí tiền tuyến của cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng khốc liệt. Điều này có thể khiến vai trò “người môi giới trung thực”, nơi gặp gỡ, điểm kết nối giữa các cường quốc gặp thách thức lớn, vị trí “trung tâm” của cấu trúc ngoại giao khu vực có nguy cơ bị mờ nhạt và quyền tự chủ có thể bị xói mòn.

Trước xu hướng cạnh tranh, đối đầu Mỹ - Trung tăng nhiệt, tập hợp lực lượng khu vực theo xu hướng phân tuyến, nguyện vọng “trung lập”, “không chọn bên” của ASEAN trở nên khó khả thi trên thực tế. Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong quan niệm và cách tiếp cận về cạnh tranh ở châu Á khiến cho chiến lược thích ứng với cạnh tranh Mỹ - Trung của ASEAN ngày càng rơi vào thế lưỡng nan. Trong khi Mỹ tập trung xây dựng và củng cố các liên minh và tập hợp lực lượng nhằm vào Trung Quốc, đặt trọng tâm vào khía cạnh an ninh - quốc phòng trong hợp tác khu vực, thì Trung Quốc đã theo đuổi cách tiếp cận tập trung vào cạnh tranh kinh tế, thể hiện hàm ý rằng trong cuộc cạnh tranh và tập hợp lực lượng ở khu vực, sức hút kinh tế mới là yếu tố dẫn dắt cuộc chơi.

Thực tế là việc Mỹ không có mặt trong bất cứ sân chơi và sáng kiến đa phương quan trọng nào về kinh tế - thương mại ở khu vực, trong khi Trung Quốc đang thống lĩnh mặt trận này với CAFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc), BRI, RCEP và thậm chí đã đệ đơn xin ra nhập CPTPP - cơ chế mà chính Mỹ đã dẫn dắt rồi lại rút bỏ đã cho thấy sự lép vế của Mỹ trong cuộc đua kinh tế với Trung Quốc ở khu vực, đồng thời làm sâu sắc hơn nguy cơ ASEAN ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.

Chiến lược rào giậu kiểu nước đôi “hedging” của ASEAN trước Mỹ và Trung Quốc có còn phù hợp và hiệu quả hay không sẽ được kiểm chứng trong những năm tới. Đặc biệt, nếu căng thẳng Trung - Mỹ ngày một leo thang. Hơn nữa, lập trường “không muốn đứng về phía nào” giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng thực tế là muốn “đứng về cả hai bên” đã khiến cho ASEAN có thể dấn sâu thêm vào cuộc cạnh tranh siêu cường. Bởi lẽ, thay vì nhiều quyền tự chủ hơn, chủ động hơn trong việc khẳng định quyền lực riêng của chính mình, ASEAN có thể trở nên bị động và ít quyền tự chủ hơn khi phải liên tục thích ứng và thay đổi vị trí của mình giữa hai trục Mỹ -Trung Quốc theo các quyết định mà hai cường quốc này đưa ra. Điều đó khiến ASEAN ngày càng khó khăn trong việc dẫn dắt và kiểm soát các vấn đề của khu vực; Mỹ và Trung Quốc sẽ can thiệp ngày càng sâu hơn vào các vấn đề khu vực(4).

Bốn là, vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực của ASEAN có nguy cơ bị xói mòn, suy yếu bởi xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác mới ở bên ngoài ASEAN

Trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc ngày một công khai và có xu hướng phân tuyến ở khu vực như hiện nay, không ít ý kiến cho rằng các thể chế đa phương hiện có dưới sự dẫn dắt của ASEAN sẽ trở nên kém hiệu quả trong việc ứng phó với các thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một nhân tố khiến ASEAN có vị thế quan trọng với các cường quốc và khiến các thể chế đa phương lấy ASEAN làm trung tâm, trở thành nòng cốt dẫn dắt hợp tác, liên kết và định hình cấu trúc hợp tác khu vực là bởi có được sự công nhận và hợp tác từ các cường quốc, khi vai trò “trung gian” của ASEAN và các cơ chế đa phương do ASEAN lãnh đạo phù hợp, thỏa mãn hoặc chí ít không phương hại đến các lợi ích và mục tiêu chiến lược của họ.

Tuy nhiên, sự vận động địa chính trị gần đây ở khu vực cho thấy xu hướng hình thành các cơ chế đa phương ngoài ASEAN. Đó là các hình thức liên kết mới không bao gồm ASEAN và các cơ chế đa phương lấy ASEAN làm trung tâm. Việc ASEAN thiếu khả năng xử lý thỏa đáng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thúc đẩy các nước bên ngoài khu vực bắt tay nhau khắc phục điều này(5).

Thời gian qua, Nhóm Đối thoại an ninh Bộ tứ (QUAD) gồm Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã nổi lên nhanh chóng như một cơ chế hợp tác an ninh ngày càng nổi bật ở khu vực. Với việc diễn ra 2 hội nghị thượng đỉnh trong năm 2021 và việc các lãnh đạo của nhóm đã quyết định họp thượng đỉnh thường niên cho thấy Nhóm Bộ tứ đang bước vào giai đoạn “hồi sinh” mới theo xu hướng thể chế hóa. Việc ra đời nhóm AUKUS(6) tháng 9 - 2021 và “Hiệp ước tiếp cận tương hỗ” về quốc phòng giữa Nhật Bản và Ôxtrâylia ngày 06-01-2022 một lần nữa cho thấy xu hướng mới trong hợp tác, liên minh, liên kết khu vực bên ngoài khuôn khổ ASEAN.

Với tầm quan trọng gia tăng của “Bộ tứ” và sự ra đời AUKUS, Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson đánh giá rằng, cấu trúc an ninh mới của châu Á trong những thập kỷ tới sẽ gồm ba trụ cột là ASEAN, QUAD và AUKUS(7).

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Marty Natalegawa cảnh báo rằng, sự hồi sinh của QUAD và sự trỗi dậy của AUKUS cần xem như là sự nhắc nhở cho ASEAN rằng có một số nhu cầu, kỳ vọng hoặc điều kiện mà ASEAN chưa thể đáp ứng.

Trong khi đó, Sebastian Strangio - biên tập viên kỳ cựu của tờ Diplomat phụ trách khu vực Đông Nam Á cho rằng, sự xuất hiện của AUKUS phản ánh thực tế là Mỹ và đồng minh phần nào thể hiện sự thất vọng với lập trường thiếu rõ ràng của ASEAN trước sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc cũng như sự thiếu hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong việc quản lý các hành vi của Trung Quốc ở khu vực(8).

Rizal Sukma, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), chi nhánh tại Jakarta, Inđônêxia cũng chỉ ra rằng: “QUAD và AUKUS xuất hiện vì ASEAN chưa thể giải quyết và quản lý hiệu quả các thách thức phát sinh trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy”(9).

Từ thực tế này cho thấy, dù các khuôn khổ an ninh hiện tại của ASEAN như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị ADMM+ và Cấp cao Đông Á (EAS) không hẳn sẽ bị gạt sang một bên, nhưng các cơ chế mới có thể sẽ trở thành những công cụ chủ đạo của Mỹ và đồng minh trong xử lý các vấn đề an ninh và địa chính trị khu vực.

Xu hướng hình thành các liên kết ngoài ASEAN sẽ đặt ra những thách thức đáng kể đối với chủ nghĩa đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, khiến khối này có nguy cơ trở thành “kẻ ngoài cuộc” và là “khán giả” trong sân khấu chính trị, ngoại giao và an ninh khu vực(10).

Hơn nữa, những cơ chế hợp tác mới theo xu hướng phân tuyến này còn có nguy cơ làm gia tăng những rạn nứt nội bộ trong ASEAN, tác động tiêu cực đến chính sách cân bằng quan hệ với các cường quốc mà ASEAN đang theo đuổi, đẩy ASEAN gần hơn vào tình thế chọn bên.

Trong khi việc bảo đảm an ninh và trật tự khu vực ngày càng phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh, đối tác, việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng kinh tế ở khu vực thông qua việc triển khai BRI, dẫn dắt hình thành RCEP và nộp đơn xin ra nhập CPTPP khiến xu hướng kinh tế, thương mại khu vực có nguy cơ bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc. Từ đó, một viễn cảnh khu vực có thể sẽ xảy ra là, trong khi môi trường, cấu trúc an ninh khu vực được bàn thảo và quyết định bởi các cơ chế do Mỹ dẫn dắt, sân chơi kinh tế khu vực nằm dưới sự cầm trịch và điều hướng của Trung Quốc thông qua các sáng kiến, cơ chế hợp tác do Bắc Kinh đề xướng hoặc chi phối.

2. Cơ hội và những điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục khẳng định và duy trì vị trí trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực

Trước hết, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực địa chính trị và địa kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, với những lợi thế vốn có về con người, tiềm lực kinh tế và tiềm năng phát triển, nguồn tài nguyên phong phú và thị trường rộng lớn, ASEAN tiếp tục sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và liên kết khu vực, là một đối tác mà các cường quốc khó có thể bỏ qua trong chiến lược của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trung Quốc không thể hiện thực hóa BRI và các sáng kiến hợp tác ở khu vực nếu không có sự tham gia của các nước ASEAN, trong khi các quốc gia “Bộ tứ” không thể hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu không công nhận vị trí và vai trò của ASEAN như được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu ASEAN tiếp tục duy trì được động lực phát triển, tăng cường đoàn kết và tính tự chủ, hội nhập nội khối sâu rộng, thích ứng năng động trước sự chuyển biến của thời cuộc, có khả năng gắn kết lợi ích của các thành viên với lợi ích chung của khu vực, đối phó một cách linh hoạt và bản lĩnh với thách thức từ cạnh tranh cường quốc trên cơ sở bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, ASEAN sẽ càng có cơ hội để phát huy vai trò như là nhân tố “hạ nhiệt”, “điều tiết”, “trung hòa” những mâu thuẫn, khác biệt, căng thẳng, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực.

Hai là, cạnh tranh cường quốc không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho ASEAN bảo vệ và phát huy các lợi ích của mình, đồng thời tiếp tục giữ vai trò trung tâm của hợp tác khu vực.

Trong cuộc cạnh tranh cường quốc, ASEAN là đối tượng chủ chốt mà Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác lôi kéo. Thực tế đó tạo ra lực ly tâm nhưng cũng tạo nên lực hấp dẫn cho ASEAN, hình thành những véc tơ lực kéo đẩy từ các cường quốc lấy ASEAN làm trung tâm, qua đó khiến ASEAN có thể tranh thủ tất cả các bên để phục vụ lợi ích và nâng cao vị thế của mình.

Hơn nữa, một ASEAN phát triển mạnh mẽ, năng động, tiếp tục đóng vai trò “trung gian môi giới”, “hòa giải”, là động lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực vẫn là lợi ích của tất cả các cường quốc thay vì một ASEAN suy yếu, bất ổn, kém phát triển và rơi vào hỗn loạn. Vì thế, trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, ASEAN cần tăng cường hợp tác với cả hai, nhưng cần sẵn sàng lên tiếng, bày tỏ quan điểm rõ ràng trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Mặt khác, cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang cũng mở ra cơ hội cho các nước ASEAN thúc đẩy lựa chọn thứ ba là tăng cường quan hệ với các cường quốc tầm trung khu vực và bên ngoài, nhất là với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Ôxtrâylia cũng như các cường quốc khác vốn cũng có những quan ngại nhất định với viễn cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt. Ở khía cạnh này, ASEAN có thể phối hợp với các cường quốc tầm trung xây dựng những cơ chế và chiến lược mới để giảm thiểu sự phụ thuộc về kinh tế, sự chi phối về chính trị, an ninh - quốc phòng từ Mỹ và Trung Quốc, đồng thời quản lý tình hình khu vực, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng hoặc chuyển hướng đối đầu Mỹ - Trung.

Trong khi đó, để khắc phục hạn chế của “phương cách ASEAN” trong xử lý những vấn đề an ninh quan trọng liên quan tới các cường quốc, các nước ASEAN có thể tính tới hình thành các cơ chế hợp tác tiểu đa phương “minilateral” giữa một số thành viên cũng như giữa họ với các nước bên ngoài có cùng lợi ích và mối quan tâm, ví như các cơ chế hợp tác đã có ở tiểu vùng Mê Kông giữa các nước Đông Nam Á lục địa với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ba là, cho đến hiện tại, các cường quốc đều vẫn khẳng định ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, không buộc ASEAN phải chọn bên. Cho dù những cử chỉ đó có thể chỉ nhằm xoa dịu lo lắng của các nước ASEAN vì họ quá hiểu lập trường “trung lập” của tổ chức này, nhưng các tuyên bố đó cũng cho thấy các cường quốc cần và coi trọng vai trò của ASEAN. ASEAN có lợi cho các mục tiêu chiến lược của họ, do đó, họ không muốn tổ chức này nghiêng về phía có lợi cho đối phương, để cho đối phương lợi dụng.

Giữa căng thẳng của cạnh tranh cường quốc ở khu vực mà bên nào cũng không muốn đi quá xa tới mức rơi vào đối đầu, chiến tranh hay xung đột, vẫn cần để ngỏ cánh cửa cho hợp tác thì một ASEAN đóng vai trò như người “trung gian môi giới trung thực” có thể là một “cánh cửa an toàn”, là “không gian hậu trường” cho những tình thế cần có đường lùi.

Bốn là, xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác mới ở khu vực có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN nhưng cũng có thể là bổ sung quan trọng cho những hạn chế hiện có của các cơ chế an ninh đa phương lấy ASEAN làm trung tâm.

Trong tình cảnh các cơ chế an ninh khu vực hiện có tỏ ra lúng túng, thiếu hiệu quả trong việc tiết chế tham vọng của Trung Quốc, các cơ chế kiểu QUAD và AUKUS có thể là nhân tố quan trọng nhằm cân bằng sức mạnh khu vực, răn đe, tiết chế các hành vi của Trung Quốc, thuyết phục nước này hành động thận trọng hơn. Trong khi đó, việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng kinh tế đối với khu vực thông qua các cơ chế hợp tác do nước này thúc đẩy và dẫn dắt có thể trở thành động lực kích thích và thuyết phục Mỹ cần quan tâm hơn tới nhu cầu kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược của mình, nếu không muốn bị Trung Quốc lấn lướt ở khu vực. Sự biến động nhanh chóng của tình hình khu vực hiện nay cho thấy, ASEAN khó có thể giữ vị thế độc tôn trong việc khởi xướng, dẫn dắt và thúc đẩy mọi tiến trình ngoại giao và hợp tác trong khu vực. Trong bối cảnh hiện tại, ASEAN có thể xem xét về những cơ chế hợp tác tiểu đa phương mới (minilateral mechanism) để bổ sung cho những cơ chế hợp tác hiện có, nhất là giữa các thành viên ASEAN có cùng lợi ích cũng như với các cường quốc tầm trung khu vực với tư cách là bên thứ ba trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. ASEAN cũng có thể cân nhắc tới các hình thức, cơ chế tương tác, hợp tác với các nhóm tiểu đa phương khu vực mới hình thành như QUAD, trước hết là trên những vấn đề an ninh phi truyền thống ít nhạy cảm mà hai bên song trùng lợi ích.

Tuy nhiên, với thực tế là ASEAN đã khởi xướng và dẫn dắt không ít các sáng kiến và cơ chế hợp tác khu vực, việc xây dựng thêm các cơ chế mới chưa hẳn đã là hướng đi phù hợp trước mắt, thay vào đó, ASEAN cần tăng cường củng cố, thể chế hóa những cơ chế đã có để bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng kịp thời, linh hoạt với bối cảnh mới.

 

(1) Balakrishnan Vivian: “Opening Remarks by Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan at Opening Ceremony of the 51st ASEAN Foreign Ministers’ Meeting and Related Meetings, 2 August 2018,” Ministry of Foreign Affairs of Singapore.

(2) Benjamin Ho: “The Future of ASEAN Centrality in the Asia-Pacific Regional Architecture”, Yale Journal of International Affairs, Vol.11, 2016.

(3) Tama Salim: “Indonesia stresses ASEAN unity”, The Jakarta Post, Sep 7, 2016, https://www.thejakartapost.com/.

(4), (5) David Hutt: “Is ASEAN at Fault for Rising Indo-Pacific Tensions”? The Diplomat, Oct 7, 2021, https://thediplomat.com/.

(6) Khối hợp tác quốc phòng ba bên giữa Ôxtrâylia, Vương quốc Anh, và Mỹ.

(7) Patrick M. Cronin: “The 3 Pillars of Asia’s New Security Architecture, Hudson Institute”, October 2, 2021, https://www.hudson.org/.

(8) Sebastian Strangio: “What Does the New AUKUS Alliance Mean for Southeast Asia?”, The Diplomat, Sep 17, 2021, https://thediplomat.com/.

(9) Quốc Đạt, Hải Anh: ASEAN giữa cuộc cạnh tranh của các cường quốc, Zingnews, 19-11-2021, https://zingnews.vn/.

(10) Natalie Sambhi, “Australia’s nuclear submarines and AUKUS: The view from Jakarta”, Brookings, accessed on October 21, 2021, https://www.brookings.edu.

TS NGÔ CHÍ NGUYỆN

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền