Trang chủ    Quốc tế    Vai trò của Tổng thống Nursultan Nazarbayev trong quá trình đổi mới chính sách đối ngoại của Kazakhstan 30 năm qua
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 15:50
1476 Lượt xem

Vai trò của Tổng thống Nursultan Nazarbayev trong quá trình đổi mới chính sách đối ngoại của Kazakhstan 30 năm qua

(LLCT) - Trong gần 30 năm lãnh đạo đất nước, Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã có công lao to lớn đưa Kazakhstan trở thành quốc gia phát triển và ổn định nhất khu vực Trung Á. Về mặt ngoại giao, dấu ấn của Tổng thống Nursultan Nazarbayev là rất rõ nét, được phản ánh qua chính sách đối ngoại hòa bình, tích cực, cân bằng, đa phương hóa trên cơ sở phát huy vị trí trung tâm của Kazakhstan ở lục địa Á - Âu. 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt Tổng thống Nursultan Nazarbayev trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2012

Từ khóa: Tổng thống Nursultan Nazarbayev, chính sách đối ngoại của Kazakhstan.

1. Vài nét về Tổng thống Nursultan Nazarbayev và đất nước Kazakhstan

Tổng thống Nursultan Nazarbayev sinh ngày 6-7-1940 ở vùng quê Chemolgan, gần thành phố Almaty (từng là thủ đô của Kazakhstan từ năm 1929 đến 1997). Nhờ những đóng góp to lớn, ông N. Nazarbayev được tín nhiệm và bầu vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền Kazakhstan từ khi nước này còn nằm trong Liên bang Xô Viết. Bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của N.Nazarbayev đến vào năm 1989, khi ông được bầu Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Kazakhtan, trở thành người đứng đầu nước cộng hòa lớn thứ hai thuộc Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô tan rã, Kazakhstan tuyên bố độc lập ngày 16-12-1991. Tại cuộc bầu cử dân chủ tại Kazakhstan ngày 1-12-1991, ông N.Nazarbayev giành chiến thắng áp đảo với 98,7% số phiếu và trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Kazakhstan độc lập. Trong các cuộc bầu cử sau đó vào các năm 1999, 2005, 2011, 2015, Ông tiếp tục đắc cử với tỷ lệ ủng hộ cao lần lượt là 79,78%, 91,15%, 95,5%, 97,7%(1).

Sau gần 30 năm cầm quyền, ngày 19-3-2019, Tổng thống  N.Nazarbayev tuyên bố từ chức. Sau khi từ chức, Ông được tín nhiệm tiếp tục giữ chức Chủ tịch Đảng Nur Otan và Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Kazakhstan. Do có những đóng góp to lớn cho đất nước nên ông được tôn vinh là lãnh tụ của dân tộc.

Kazakhstan là một quốc gia nằm ở trung tâm lục địa Á - Âu, diện tích 2.724.902km2 (thứ 9 thế giới), tiếp giáp với Liên bang Nga, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan, biển Caspian và biển Aran (cả Caspian và Aran đều là biển kín). Kazakhstan là quốc gia đa tộc người (130 tộc người), trong đó tộc người chính là Kazakh (chiếm 66,5%), người Nga (20,6%), dân số hiện nay trên 18 triệu người, dân cư chủ yếu theo đạo Hồi và Chính thống giáo. Điều kiện tự nhiên Kazakhstan không mấy thuận lợi: 60% diện tích là sa mạc và hoang mạc, khoảng 10% là núi, đất trồng trọt chỉ chiến 8%(2) và là quốc gia lớn nhất không có đường trực tiếp thông ra đại dương. Khí hậu Kazakhstan mang tính chất lục địa điển hình: mùa hè nóng, khô, mùa đông lạnh và băng tuyết. Tài nguyên đáng kể nhất của Kazakhstan các loại khoáng sản (kẽm, vonfram, barit, bạc, chì, crom, uran, đồng) và dầu khí.

Kazakhstan là một nước công - nông nghiệp. Công nghiệp dựa vào khai thác và chế biến tài nguyên, chế tạo máy xây dựng, máy kéo, máy nông nghiệp. Nông nghiệp chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt. Kazakhstan là quốc gia ổn định và phát triển nhất khu vực Trung Á. Thu nhập bình quân đầu người của Kazakhstan  cao gấp đôi so với các nước trong khu vực (Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan).

2. Những dấu ấn quan trọng của Tổng thống Nursultan Nazarbayev trong chính sách ngoại giao phát triển đất nước

Dưới sự dẫn dắt của Tổng thống N.Nazarbayev, Kazakhstan thực thi chính sách đối ngoại hòa bình, rộng mở, thiết lập quan hệ với các nước lớn, các quốc gia láng giềng và nhiều quốc gia khu vực khác, đồng thời thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, tạo môi trường thuận lợi và cơ sở để phát triển đất nước.

Chính sách đối ngoại hòa bình mang dấu ấn của Tổng thống N.Nazarbayev được thực hiện trước hết ở chủ trương phi hạt nhân hóa của Kazakhstan. Sau khi Liên Xô tan rã, Kazakhstan được thừa hưởng một lượng không nhỏ vũ khí hạt nhân, nhưng khác với quan điểm của một số nước sở hữu loại vũ khí này, coi đó là “con át chủ bài” để bảo vệ đất nước, thì chính quyền Kazakhstan, mà người đứng đầu là Tổng thống N.Nazarbayev đã dứt khoát và nhanh chóng đưa ra quyết định chuyển giao số vũ khí này cho nước Nga, đồng thời tiến hành phá bỏ các bệ phóng hạt nhân. Điều đó cho thấy Kazakhstan là quốc gia đầu tiên trên thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngay từ những năm đầu độc lập, Tổng thống N.Nazarbayev đã ký các Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là quốc gia phi hạt nhân.

Quyết định phi hạt nhân hóa có tác động tích cực xây dựng hình ảnh một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đồng thời nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở đó mở rộng quan hệ đối ngoại. Năm 1994, các nước lớn như Mỹ, Nga, Anh (sau đó có thêm Trung Quốc và Pháp) tuyên bố bảo đảm an ninh cho Kazakhstan, đổi lấy việc Kazakhstan từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, Kazakhstan cũng là một trong những nước tích cực nhất đấu tranh cho một thế giới không vũ khí hạt nhân. Năm 2006, Kazakhstan cùng các nước Trung Á ký Hiệp ước về khu vực Trung Á phi vũ khí hạt nhân. Tại Hội nghị An ninh hạt nhân thế giới (lần thứ nhất ở Mỹ năm 2010, lần thứ 2 tại Hàn Quốc năm 2012), Kazakhstan có nhiều sáng kiến  như kiến nghị 2 năm tiến hành 1 lần hội nghị; đề xuất tổ chức Hội nghị An ninh hạt nhân thế giới lần thứ 3 tại Astana vào năm 2014; tổ chức hội nghị quốc tế “Từ cấm thử vũ khí hạt nhân tiến tới thế giới không vũ khí hạt nhân”(3). Như vậy, bằng những hành động cụ thể, Kazakhstan đã đóng góp tích cực trong việc tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Từ đó, Kazakhstan có điều kiện tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, đồng thời triển khai nền ngoại giao hòa bình, đa phương hóa theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”.

Thứ hai, trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống N.Nazarbayev, Kazakhstan đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hài hòa, cân bằng  với tất cả các đối tác lớn trên thế giới, đặc biệt là đối với Nga, Trung Quốc, Mỹ và EU. Quan hệ ngoại giao Kazakhstan - Nga thiết lập ngày 22-10-1992, đến tháng 9-1997 nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 11-2013, Tổng thống V. Putin và Tổng thống N.Nazarbayev ký Hiệp định về láng giềng hữu nghị và liên minh trong thế kỷ XXI. Quan hệ Kazakhstan - Liên bang Nga phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, từ an ninh - chính trị đến kinh tế - thương mại - đầu tư. Quan hệ ngoại giao Kazakhstan với Trung Quốc được thiết lập ngày 3-1-1992, từ đó sự hợp tác hai bên phát triển nhanh chóng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong chuyến thăm Kazakhstan của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9-2013, hai nước ký Tuyên bố chung về phát triển sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mỹ cũng là đối tác quan trọng hàng đầu của Kazakhstan, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26-12-1992. Chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Kazakhstan đã trở thành cơ sở cho sự hợp tác giữa hai nước. Từ năm 2010 đến năm 2012, trong các cuộc gặp giữa Tổng thống N.Nazarbayev với Tổng thống B.Obama, nguyên thủ hai nước đã xác định trọng tâm hợp tác là an ninh khu vực, ổn định ở Afghanistan, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, khoa học, công nghệ. Năm 2012, hai bên thành lập Ủy ban hợp tác chiến lược. EU là một đối tác rất quan trọng về kinh tế, chính trị của Kazakhstan, chiếm trên dưới 50% tổng kim ngạch ngoại thương Kazakhstan.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Kazakhstan với các nước lớn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế (thương mại, đầu tư) và đảm bảo an ninh của Kazakhstan. Bên cạnh đó, việc đồng thời có mối quan hệ hữu nghị với các nước lớn đã tạo điều kiện để Kazakhstan tránh phụ thuộc vào bất kỳ một cường quốc nào như Nga, Trung Quốc, Mỹ(4), trên cơ sở đó triển khai và duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa của mình. Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng (cạnh tranh Nga - Mỹ, Nga - EU, Trung Quốc - Nga), Kazakhstan duy trì được trạng thái “cân bằng” trong quan hệ với các nước lớn là một thành công của chính quyền Tổng thống N. Nazarbayev. Điều đó tạo thuận lợi để Kazakhstan tranh thủ được những mặt tích cực, hạn chế tiêu cực do bối cảnh thế giới tạo ra, đồng thời qua đó củng cố và phát huy vai trò của mình.

Thứ ba, chính sách đối ngoại của Tổng thống N.Nazarbayev hướng đến việc Kazakhstan phát huy vai trò trung tâm ở khu vực Trung Á và kết nối Á - Âu. Tổng thống Nazarbayev đặc biệt coi trọng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng Trung Á, đồng thời quan tâm tới tình hình khu vực Tây Á và Nam Á, trục quan hệ Á - Âu. Năm 2000, Kazakhstan cùng các nước Nga, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan thành lập Cộng đồng Kinh tế Á - Âu (EurAsEC) để tái thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tạo lập một vùng thương mại tự do với một hệ thống thuế quan duy nhất. Năm 2005, Kazakhstan kêu gọi các nước láng giềng ủng hộ để thiết lập Liên đoàn Trung Á dựa trên cơ sở chia sẻ về đặc tính lịch sử, dân tộc, văn hóa, kinh tế, thách thức và lợi ích tương lai(5). Ngày 29-5-2014, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus là Alexander Lukashenko ký Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU), tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ba nước. Tổng thống N.Nazarbayev luôn dõi theo và đưa ra những biện pháp nhằm tái thiết và củng cố tình hình an ninh ở Afghanistan, Iraq nói riêng, khu vực và thế giới nói chung. Trong bài phát biểu ngày 5-2-2014, Ông đưa ra nhận định “Afghanistan là vấn đề then chốt của an ninh khu vực Trung Á”(6).

Chính sách đối ngoại của Kazakhstan đã góp phần xây dựng đường biên giới thân thiện và hợp tác, tạo môi trường hòa bình và điều kiện để Kazakhstan phát triển đất nước và nâng cao vị thế của mình ở khu vực. 

Để phát huy vai trò tích cực trong việc kết nối Á - Âu, Kazakhstan đã tham gia nhiều tổ chức khu vực, liên khu vực và các tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu. Tháng 11-2006, lần đầu tiên Kazakhstan được bầu vào Hội đồng kinh tế xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOS) với số phiếu ủng hộ là 187/192 thành viên Liên Hợp quốc(7). Năm 2010, Kazakhstan được bầu làm Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Chính sách kết nối Á - Âu đóng vai trò then chốt trong chiến lược đối ngoại của Kazakhstan, góp phần duy trì sự cân bằng giữa phương Đông và phương Tây, qua đó củng cố hòa hình, an ninh khu vực, tạo những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Thứ tư, Tổng thống N.Nazarbayev có nhiều sáng kiến để thúc đẩy duy trì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tổng thống N.Nazarbayev là người khởi xướng thành lập tổ chức quốc tế Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Tại khóa họp thứ 47 Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 5-10-1992, Tổng thống Nazarbayev đưa ra sáng kiến thành lập một diễn đàn trao đổi với mục tiêu cơ bản là củng cố hợp tác, đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á. Cơ cấu tổ chức của CICA gồm: 1) Hội đồng các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên (Hội đồng họp 4 năm 1 lần); 2) Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao (họp 2 năm 1 lần); 3) Ủy ban các quan chức (họp 1 năm 1 lần); 4) Ban Thư ký có trụ ở Almaty (Kazakhstan). Hoạt động của CICA đã đi vào thực tế, góp phần vào việc đảm bảo an ninh ở châu Á. Kazakhstan tham gia tích cực trong các tổ chức khu vực như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hồi giáo quốc tế (OIC)...; đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh OSCE, SCO và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn tại thủ đô Astana.

Để giải quyết các vấn đề quốc tế, Tổng thống N.Nazarbayev đã đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng. Trong bài phát biểu với các quan chức đứng đầu ngành ngoại giao ngày 2-3-2012, Ông nói rõ về ý tưởng cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế chứ không chỉ dựa vào các nước G8 hay G20: “Thực tế là cả G8 và G20 đều không còn đủ năng lực quản trị các vấn đề quốc tế. Đó là lý do tại sao tôi đã đề xuất một định dạng mới mà tôi gọi là G-GLOBAL (Nhóm toàn cầu), một nền tảng lớn hơn để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện tại của hệ thống tài chính toàn cầu và để phác thảo Hiệp ước chống khủng hoảng toàn diện của Liên Hợp quốc. G-GLOBAL là lời mời tới tất cả các quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ của nền chính trị toàn cầu, cũng như các chính trị gia, chuyên gia và học giả hợp tác và hợp tác. G-GLOBAL gồm cả hình thức đối thoại ảo (thông qua internet) và đối thoại thực tế”(8). Sự tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế không chỉ góp phần bảo vệ môi trường hòa bình của Kazakhstan và khu vực mà còn góp phần nâng cao vị thế của Kazakhstan trên trường quốc tế.

Thứ năm, chiến lược ngoại giao của Tổng thống N.Nazarbayev góp phần quyết định đưa kinh tế Kazakhstan phát triển nhanh chóng, thịnh vượng trong thời gian qua. Năm 2010, Kazakhstan đưa ra chiến lược phát triển 10 năm 2010-2020 với mục tiêu tổng quát là đưa đất nước vào nhóm 50 nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất trên thế giới. Chính sách đối ngoại của Kazakhstan do Tổng thống Nursultan Nazarbayev đứng đầu đã từng bước đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ. Năm 2011, GDP tăng trưởng 7,7%, thu nhập bình quân đầu người trên 11.000 USD, gấp 16 lần so với năm đầu độc lập (700 USD). Chính sách đối ngoại rộng mở của Tổng thống Nazarbayev đã thu hút được nguồn đầu tư lớn từ bên ngoài. Năm 2012, Kazakhstan đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn tất cả các quốc gia gia Trung Á láng giềng, với con số kỷ lục 28,8 tỷ USD. Kazakhstan xếp vào nhóm 20 quốc gia hàng đầu thu hút vốn FDI(9). Tháng 10-2012, Trung tâm “Legatum Institute” (Luân Đôn, Anh) dựa trên 8 tiêu chí: sức mạnh kinh tế, môi trường, hiệu quả quản lý, hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, an ninh và luật pháp, tự do cá nhân, tư bản xã hội, đánh giá sự phồn thịnh của 144 quốc gia và xếp Kazakhstan ở hạng 44/144, đứng đầu trong các nước SNG, Trung Á(10). Năm 2012, GDP Kazakhstan đạt 208 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 nghìn USD. Năm 2013, GDP đạt 236,63 tỷ USD (năm đạt mức cao nhất đến nay), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 13 nghìn USD.

Những tiền đề kinh tế kinh tế vững chắc của Kazakhstan sau hơn 20 năm đổi mới là cơ sở để năm 2013, tại Đại hội XV của Đảng Nur Otan đề ra Cương lĩnh chính trị khẳng định sứ mệnh lịch sử của Đảng trong thế kỷ XXI là lãnh đạo nhân dân Kazakhstan thực hiện thành công “Chiến lược Kazakhstan 2050”, đưa Kazakhstan gia nhập nhóm 30 nước phát triển nhất thế giới vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu đó, Kazakhstan tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực và rộng mở. Ngày 21-1-2014, Tổng thống Nursultan Nazarbayev ký sắc lệnh 741 về chính sách đối ngoại của Kazakhstan trong giai đoạn 2014-2020 nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đảm bảo xây dựng nhà nước Kazakhstan hiện đại; củng cố hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; thiết lập trật tự thế giới công bằng, dân chủ trong khuôn khổ Liên Hợp quốc; phát triển bền vững và đưa Kazakhstan vào nhóm 30 nước phát triển nhất thế giới(11).

Trong phát triển đất nước, chính quyền của Tổng thống N. Nazarbayev cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt kinh tế và một số nguy cơ an ninh. Là quốc gia có ngân sách phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ (chiếm tới 44% ngân sách quốc gia), nên việc giá dầu giảm mạnh trong những năm qua tác động tiêu cực tới nền kinh tế Kazakhstan. Bên cạnh đó, khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây, kéo theo việc đồng ruble của Nga mất giá, nền kinh tế Kazakhstan cũng hứng chịu thiệt hại không nhỏ trước sự “tấn công” ồ ạt của hàng hóa giá rẻ từ quốc gia láng giềng. Chính vì vậy, GDP của Kazakhstan đã giảm mạnh từ 236,63 tỷ USD vào năm 2013 xuống 184,39 tỷ USD vào năm 2015 và 137 tỷ USD vào năm 2016(12). Để giải quyết các vấn đề này, Kazakhstan đã chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, trong đó tập trung phát triển kinh tế công nghệ - dịch vụ. Nhờ đó đã đem lại những kết quả tích cực, từ năm 2017, GDP của Kazakhstan tìm lại đà tăng trưởng, năm 2017 GDP đạt 162,89 tỷ USD, năm 2019 đạt 168,5 tỷ USD(13).

Hiện nay, Kazakhstan đang được thừa hưởng những thành quả từ chính quyền của Nazarbayev và tiếp tục phát triển ổn định, để lại những kinh nghiệm quý báu về một mô hình chuyển đổi thành công cho nhiều quốc gia khác.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1) “Nursultan Nazarbayev: First president of Kazakhstan”, https://www.aa.com. Năm 1995, Kazakhtan không tổ chức bầu cử, quyền của Tổng thống Nursultan Nazarbayev được kéo dài đến năm 2000 như là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý quốc gia.

(2) Didar Kassymova, Zh. B. Kundakbaeva, Ustina Markus: Historical Dictionary of Kazakhstan,  the Scarecrow Press, UK, 2012, p.2.

(3), (10) Trần Hiệp: Vai trò Ca-dắc-xtan ở Trung Á trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1(92), 3/2013,  tr.216 -217, 212.

(4) Serdar Yilmaz: “The role of the leadership of Nursultan Nazarbayev in Kazakhstan’s stability”, International Journal of Liberal Arts and Social Science, vol.5 No.2, 2017, p.68.

(5), (7) Kazakhstan Country Study Guide Volume 1 Strategic Information and Developments, International Business Publications, USA, 2013, P.62-63, 62.

(6), (9) Richard Weitz: “President Nazarbayev Discusses Kazakhstan’s Foreign Policy Priorities” , https://jamestown.org, ngày 15-2-2014.

(8) Remarks by President Nursultan Nazarbayev at a meeting with heads of the diplomatic missions accredited in Kazakhstan, ngày 2-3-2012, http://www.akorda.kz.

(11) Trần Hiệp: “Đối ngoại Ca-dắc-xtan sau Chiến tranh lạnh”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (97), tr.222.

(12), (13) https://tradingeconomics.com/kazakhstan/gdp.

PGS, TS Nguyễn Thị Quế

TS Nguyễn Văn Chuyên

Viện Quan hệ quốc tế, 

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền