Trang chủ    Quốc tế    Hoạt động hợp tác phát triển nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Mekong của Ủy hội sông Mekong quốc tế - thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 15:44
5468 Lượt xem

Hoạt động hợp tác phát triển nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Mekong của Ủy hội sông Mekong quốc tế - thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

(LLCT) - Sông Mekong chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào,Campuchia và Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của 6 nước trong lưu vực. Tuy nhiên, các quốc gia trong lưu vực lại có lợi ích khác nhau trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong. Việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng lưu đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các nước hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam. Năm 1995, Ủy hội sông Mekong quốc tế chính thức được thành lập với vai trò chính là thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia. Tuy nhiên, vai trò này chưa được thực hiện một cách hiệu quả và đầy đủ. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác để phát huy vai trò tích cực của Ủy hội trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Từ khóa: hợp tác, tài nguyên nước, Ủy hội sông Mekong quốc tế.

1. Khái quát về sông Mekong và Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC)

Với chiều dài 4.909km, Mekong là con sông dài thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 10 thế giới về tổng lượng dòng chảy (hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15.000m³/s). Sông Mekong bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và vào Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Lưu vực sông Mekong có tổng diện tích 795.000km2, trong đó phần nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là hạ lưu vực, chiếm trên 77%(1). Mekong là con sông có sự đa dạng sinh học thứ 2 trên thế giới (sau sông Amazon), với khoảng 800 loài. Con sông này có giá trị đánh bắt thủy sản khoảng 11 tỷ USD/năm(2). Khu vực hạ lưu sông Mekong là “ngôi nhà” của hơn 60 triệu người với trên 100 dân tộc khác nhau tạo thành một trong những vùng đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Khoảng 85% dân cư trong lưu vực là nông dân và ngư dân sống dưới mức nghèo(3).

Mặc dù Mekong là con sông quốc tế với sự đa dạng sinh học cao và đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân ở các quốc gia trong lưu vực nhưng việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước của các quốc gia ở phía thượng nguồn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ở khu vực hạ nguồn. Do đó, thực tế đặt ra yêu cầu cần có sự hợp tác giữa các quốc gia khu vực sông Mekong để phát triển nguồn tài nguyên nước sông Mekong một cách bền vững. Sự ra đời của Ủy hội sông Mekong quốc tế là một trong những nỗ lực để đáp ứng đòi hỏi bức thiết này.

Năm 1957, với sự bảo trợ của Liên Hợp quốc, Ủy ban Mekong được thành lập nhằm khai thác, khuyến khích và phối hợp phát triển nguồn nước sông Mekong giữa các quốc gia hạ lưu gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Hoạt động của Ủy ban tập trung vào việc huy động các nguồn vốn và kỹ thuật từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức quốc tế cho các nghiên cứu, khảo sát, đầu tư. Tuy nhiên, do chiến tranh nên kế hoạch khai thác bị ngừng trệ. Tháng 1-1975, các quốc gia hạ lưu đã thông qua Tuyên bố chung về các nguyên tắc sử dụng nước hạ lưu sông Mekong, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển thể chế hợp tác Mekong.

Năm 1977, Campuchia ra khỏi tổ chức vì lý do bất ổn chính trị, dẫn đến việc thành lập Ủy ban lâm thời sông Mekong vào năm 1978, bao gồm: Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 5-4-1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký Thỏa thuận về hợp tác vì sự phát triển bền vững khu vực sông Mekong (Agreement on Cooperation for Sustainable Development of the Mekong River Basin) ở Chiang Rai, Thái Lan. Theo thỏa thuận này, Ủy hội sông Mekong được thành lập và trách nhiệm quản lý thuộc về 4 nước thành viên. Cũng trong ngày 5-4-1995, các nước thành viên đã ký Nghị định thư thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Năm 1996, Trung Quốc và Myanmar trở thành đối tác đối thoại của MRC.

Ủy hội có vai trò thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và an sinh của cộng đồng bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách. Cơ cấu tổ chức của Ủy hội sông Mekong gồm: Hội đồng, Ủy ban Liên hợp và Ban Thư ký. Các nước thành viên đã thành lập các Ủy ban sông Mekong Quốc gia để hỗ trợ thêm cho Ủy hội thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các lĩnh vực hợp tác: Theo thỏa thuận về hợp tác vì sự phát triển bền vững khu vực sông Mekong, các quốc gia thành viên hợp tác trong tất cả các lĩnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mekong, bao gồm các lĩnh vực chính: tưới, thủy điện, giao thông thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu việc sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người.

Về hoạt động quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, trong Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ký năm 1995 tại Chiang Rai, Thái Lan (gọi tắt là Hiệp định Mekong 1995) đã thiết lập các nguyên tắc về sử dụng nước hệ thống sông Mekong một cách công bằng và hợp lý (Điều 5), hợp tác trong việc duy trì dòng chảy trên dòng chính (Điều 6), ngăn ngừa và ngừng ảnh hưởng có hại đối với môi trường, đặc biệt đối với chất lượng nước và số lượng nước (Điều 7) và Quy chế sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực (Điều 26).

2. Nội dung hợp tác phát triển nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Mekong của MRC

Để thực hiện vai trò quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước theo Hiệp định Mekong 1995, MRC đã đạt được một số thỏa thuận và hợp tác quan trọng, bao gồm:

Về thỏa thuận, năm 2001, Hội đồng MRC thông qua Thủ tục về trao đổi và chia sẻ dữ liệu và thông tin. Năm 2003, Hội đồng MRC thông qua Thủ tục về quản lý sử dụng nước và Thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận. Cũng trong năm 2003, Trung Quốc ký thỏa thuận về cung cấp dữ liệu thủy văn trong suốt mùa lũ. Năm 2005, MRC thành lập Trung tâm lũ khu vực. Năm 2006, Hội đồng MRC thông qua Thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính. Năm 2008, Trung Quốc ký thỏa thuận mở rộng cung cấp dữ liệu thủy văn trong suốt mùa lũ. Năm 2011, các nước thành viên thông qua Chiến lược phát triển lưu vực Mekong đầu tiên, đồng thời Hội đồng MRC cũng thông qua Thủ tục về chất lượng nước và nhất trí về sự cần thiết đối với việc nghiên cứu xa hơn về tác động của sự phát triển dòng chính. Năm 2013, Trung Quốc đồng ý mở rộng cung cấp thông tin về dữ liệu thủy văn.

Về hợp tác, MRC đã thực hiện được một số chương trình hợp tác quan trọng như:

Thứ nhất, Chương trình quy hoạch và phát triển lưu vực (BDP) với 3 giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2015. Kết quả đạt được đó là giúp các quốc gia thành viên MRC nâng cao năng lực trong việc lập quy hoạch phát triển lưu vực trên cơ sở xem xét toàn diện các khía cạnh từ kinh tế, xã hội, môi trường đến việc sử dụng các công cụ hỗ trợ giúp đánh giá tác động của các kịch bản phát triển lưu vực; nâng cao nhận thức về việc lồng ghép tầm nhìn về phát triển lưu vực vào quy hoạch phát triển ở cấp quốc gia và tiểu vùng; tạo điều kiện, cơ hội cho các nước thành viên chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về pháp lý, kỹ thuật, chiến lược và chính sách.

Thứ hai, Dự án Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước Mekong của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MIWRMP) (Giai đoạn 2011-2015): với vai trò là một tổ chức lưu vực sông quốc tế, MRC đặc biệt quan tâm đến việc quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của các quốc gia trong lưu vực nhưng vẫn giữ được sự cân bằng trong lưu vực sông Mekong. Dự án được xây dựng dựa trên 3 hợp phần chính, đó là: hợp phần vùng - cung cấp khung hỗ trợ hợp tác vùng trong thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở hạ lưu vực sông Mekong; hợp phần xuyên biên giới - giúp tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia MRC trong thực hiện quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; hợp phần quốc gia - do các nước MRC quản lý để tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở chính nước mình.

Qua thời gian thực hiện, Dự án đã hỗ trợ việc thực hiện hợp tác quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên, trong đó có 2 dự án giữa Việt Nam và Campuchia về quản lý tổng hợp tài nguyên nước xuyên biên giới tại lưu vực sông Se San và đồng bằng châu thổ Mekong. Không chỉ vậy, Dự án còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho việc thực hiện các thủ tục pháp lý của MRC, đặc biệt là việc lần đầu tiên thực hiện quá trình tham vấn theo Thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) đối với đề xuất xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Từ năm 1995 đến cuối năm 2016, MRC đã nhận được tổng cộng 53 hồ sơ dự án sử dụng nước theo quy định trong Hiệp định Mekong và thủ tục PNPCA. Trong đó, 50 hồ sơ trình với mục đích thông báo và 3 hồ sơ trình với mục đích tham vấn trước(4). Năm 2018, Lào tiếp tục gửi thông báo đến MRC về kế hoạch triển khai dự án thủy điện Pak Lay.

Đáng chú ý là cả 4 trường hợp tham vấn trước đều liên quan đến các dự án thủy điện trên dòng chính thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trường hợp thứ nhất là thủy điện Xayaburi có công suất 1.285MW, nằm ở tỉnh Xayaburi (phía Bắc Lào). Trường hợp thứ hai là thủy điện Don Sahong có công suất 240MW gần biên giới Lào và Campuchia. Trường hợp thứ 3 là dự án thủy điện đập dâng, được xây dựng ở huyện Pak Beng có công suất thiết kế là 912MW thuộc tỉnh Oudomxay (phía Bắc Lào). Trường hợp thứ 4 là dự án đập thủy điện Pak Lay (nằm ngay dưới chân dự án Xayaburi) có công suất dự kiến là 770 MW thuộc tỉnh Sayaburi. Việc thực hiện thủ tục tham vấn trước đã tạo cơ hội cho các nước MRC cùng thảo luận và thẩm định các dự án phát triển của nước láng giềng và giải quyết các vấn đề liên quan đến lãnh thổ và lợi ích của nước mình. Bên cạnh đó, đối với trường hợp thủy điện Xayaburi, chính kết quả tham vấn đã tác động và thúc đẩy Chính phủ Lào và nhà đầu tư tiến hành đánh giá tác động môi trường từ dự án và quyết định đầu tư bổ sung 400 triệu USD để điều chỉnh thiết kế công trình nhằm giải quyết các vấn đề di cư của cá và vận chuyển phù sa.

Thứ ba, Chương trình quản lý và giảm nhẹ lũ (FMMP). Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm trên khu vực châu thổ sông Mekong. Lũ mang lại phù sa màu mỡ, nguồn lợi thủy sản phong phú, lượng nước ngọt dồi dào, duy trì hệ sinh thái đa dạng của vùng đồng bằng ngập lũ trong khu vực. Tuy nhiên, lũ cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với đời sống của người dân như làm thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng như đường xá, công trình, gây ảnh hưởng đối với đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trong khu vực. Xuất phát từ thực tế những trận lũ lịch sử trong khu vực đặc biệt là trận lũ năm 2000, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Chiến lược quản lý lũ của Ủy hội sông Mekong quốc tế được thông qua năm 2001, sau đó Chương trình Quản lý và Giảm nhẹ lũ được thực hiện từ năm 2004 với mục tiêu chung là “Ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người và của do lũ gây ra, nhưng vẫn duy trì được những lợi ích do lũ mang lại”.

Từ khi thực hiện đến nay, FMMP đã đạt được một số kết quả ban đầu như: Thành lập trung tâm lũ vùng tại Phnôm Pênh thực hiện các hoạt động cập nhật, trao đổi các thông tin quan trắc trên toàn lưu vực, phát triển được hệ thống dự báo, cảnh báo lũ tin cậy; Các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá, giảm thiểu rủi ro lũ và đề xuất các biện pháp công trình và sống chung với lũ cho các vùng dự án thí điểm được đề xuất; Xác định các vấn đề lũ xuyên biên giới có thể xảy ra trong lưu vực sông Mekong đồng thời phát triển một bộ tài liệu vận dụng các khía cạnh pháp lý của hiệp định Mekong 1995 để tăng cường hợp tác, năng lực điều phối và giải quyết trong các vấn đề quản lý lũ xuyên biên giới; Nâng cao năng lực quản lý lũ khẩn cấp thông qua các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ, cộng đồng dân cư về các kỹ năng (các lớp dạy bơi cho trẻ, chương trình trường học an toàn, lập kế hoạch phòng chống lụt bão...) đã đem lại hiệu quả thiết thực trong mùa lũ 2011; Giảm nhẹ lũ bằng biện pháp quy hoạch sử dụng đất hiệu quả thông qua hệ thống thông tin về lũ, 5 loại bản đồ thông tin về lũ đã được thực hiện cho 3 huyện thí điểm của Campuchia và 2 huyện của Việt Nam.

Thứ tư, Chương trình giao thông thủy (NAP). Sông Mekong có tiềm năng giao thông thủy to lớn và hiện nay hệ thống giao thông thủy ở đây đã phát triển nhanh chóng cùng với quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia lưu vực. Tuy nhiên, khi hoạt động giao thông thủy phát triển, cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy, MRC đã xây dựng Chương trình giao thông thủy với mục tiêu “Tăng cường tự do giao thông thủy và phát triển thương mại vì lợi ích chung của các nước thành viên MRC, hỗ trợ phối hợp và hợp tác trong việc phát triển vận tải an toàn và có hiệu quả, bền vững về môi trường đường thủy”.

Thứ năm, sáng kiến phát triển thủy điện bền vững (ISH). Với lượng nước phong phú và thế năng lớn từ dòng chảy nên lưu vực Mekong có tiềm năng về thủy điện rất lớn. Trong mấy thập niên vừa qua, các nước ở lưu vực sông Mekong đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của con sông này. Ở dòng chính, Trung Quốc hiện có 4 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành. Gần đây có thêm 11 đề xuất thủy điện đập dâng trên dòng chính thuộc các nước Thái Lan, Lào và Campuchia tiếp tục được đưa ra xem xét, trong số đó có dự án gây nhiều tranh cãi là Xayaburi. Trên các dòng nhánh, có 135 dự án (Lào chiếm 100 dự án), trong đó 25 dự án đang vận hành, 13 dự án đang xây dựng, 23 dự án được cấp phép và 74 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu(5). Mặc dù các dự án thủy điện sẽ có tác động tiêu cực đối với các nước hạ lưu nhưng những lợi ích kinh tế từ các dự án này đem lại cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của các nước có dự án nên nhiều nước trong lưu vực Mekong vẫn tiếp tục phát triển các dự án thủy điện.

Trước sự phát triển thủy điện một cách ồ ạt và thực tế những tác động tiêu cực từ các dự án đó đối với các nước hạ lưu, MRC đã đưa ra ISH với mục tiêu chính: “Hỗ trợ các nước thành viên trong việc quyết định phát triển và quản lý thủy điện trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực, thông qua các cơ chế được thiết lập của MRC và các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với Hiệp định Mekong 1995”. Nội dung hoạt động của ISH tập trung vào: tăng cường nhận thức và đối thoại về phát triển thủy điện bền vững. Tiến hành xem xét tính bền vững của các dự án thủy điện ở lưu vực sông Mekong; tăng cường năng lực kỹ thuật và cơ sở dữ liệu hỗ trợ đánh giá tính bền vững trong phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng công cụ phân tích và đánh giá tính bền vững trong lưu vực về phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng các cơ chế tài chính mới đặc biệt là Cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM) liên quan tới thủy điện ở hạ lưu vực Mekong.

Có thể nói, mặc dù MRC đã đạt được một số kết quả trong hợp tác quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước sông Mekong nhưng cả chiến lược phát triển thủy điện của Trung Quốc và Lào đã chứng minh MRC không thể giải quyết các vấn đề về nước mà đe dọa đến sông Mekong và sinh kế của 60 triệu người dân. Những trường hợp này đặt ra câu hỏi liệu khuôn khổ pháp chế đã thiết kế có đủ để thúc đẩy hợp tác trong sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn nước? Có đủ để ưu tiên các dự án, chương trình đảm bảo lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông? Có đủ để sử dụng nước của hệ thống sông Mekong một cách hợp lý và công bằng? Đây là vấn đề đặt ra đối với tất cả các thành viên của MRC và vấn đề đặt ra với Việt Nam thì cấp bách hơn nhiều.

Việt Nam là quốc gia cuối cùng mà sông Mekong chảy qua trước khi đổ ra Biển Đông. Việt Nam (đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long) được đánh giá là nhạy cảm và dễ tổn thương nhất trước việc khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong của các quốc gia phía trên đặc biệt là những nước thượng nguồn con sông này. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước của các nước thượng nguồn như việc xây dựng các đập thủy điện khiến cho lượng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh làm giảm sự màu mỡ của đất nông nghiệp, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu thì những công trình thủy điện trên sông Mekong còn làm gia tăng hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ kè, làm trầm trọng hơn vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, tăng nguy cơ mất đất ở những khu vực ven biển,... Bên cạnh đó, việc sử dụng nước của các công trình thủy lợi đặc biệt là hệ thống tưới của các nước khu vực phía trên có tác động mạnh về mặt môi trường trên dòng Mekong ở Việt Nam đồng thời làm giảm sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam trên dòng sông này. Do đó, tăng cường hợp tác phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong trong MRC là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Việt Nam hiện nay.

3. Giải pháp tăng cường vai trò của Việt Nam trong MRC

Thứ nhất, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên MRC và hai đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin nhất là những dữ liệu về việc sử dụng nước của các nước Mekong đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc rất hạn chế việc chia sẻ, trao đổi thông tin về việc vận hành các công trình thủy điện trên dòng chính. Vì thế, để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại để giảm thiểu những tác động tiêu cực xuống khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giúp Việt Nam chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực này.

Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường đối thoại với các nước MRC và hai đối tác đối thoại về quy chế pháp lý đối với nguồn nước sông Mekong. Giữa các nước Mekong cần có sự thống nhất về nhận thức về việc coi nguồn nước Mekong là một tài sản chung của các nước trong lưu vực và các nước ven sông đều có quyền tiếp cận công bằng và hợp lý đối với nguồn nước này. Trên cơ sở đó, Việt Nam nên chủ động đề xuất các quy chế mang tính pháp lý đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước để đảm bảo sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.

Thứ ba, Trung Quốc là nhân tố then chốt trong sự phát triển bền vững của sông Mekong nên Việt Nam cần phối hợp với các nước MRC để mở rộng hợp tác và kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc trong MRC với tư cách là thành viên. Tuy nhiên, hiện nay việc này là hết sức khó khăn nên trước mắt Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các thành viên MRC để củng cố vị trí của Ủy hội trong đối thoại với các nước thượng nguồn đặc biệt là Trung Quốc. Việc tăng cường và mở rộng hợp tác cần tiến hành từng bước. Trước hết là cải thiện việc chia sẻ và trao đổi thông tin, dữ liệu chính thức nhằm cân bằng lợi ích của các bên liên quan rồi tiến đến thực hiện sự quản lý chung. Sau đó, tiến tới thỏa thuận chi tiết về quản lý chung hoặc các nguyên tắc chung về sử dụng và chia sẻ nước.

Thứ tư, chúng ta cần nhận thức rằng việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong của các nước trong lưu vực là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và các nước ven sông có sự khác nhau về lợi ích quốc gia trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước này. Do đó, cần tôn trọng lợi ích quốc gia của các nước trong lưu vực. Việc chúng ta cần làm là cân bằng lợi ích của Việt Nam và các nước trong việc phát triển bền vững nguồn nước Mekong.

Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước trong MRC và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giúp các nước MRC khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, mặc dù tất cả các nước ở hạ lưu sông Mekong đều được tiếp cận các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú nhưng lợi ích có được từ các nguồn tài nguyên này lại phụ thuộc vào năng lực của từng quốc gia để sử dụng hiệu quả chúng vào việc phát triển kinh tế(6). Ví dụ, Thái Lan và Việt Nam đã phát triển kết cấu hạ tầng hiệu quả hơn dựa trên quy mô dân số và kinh tế - yếu tố quan trọng để tăng cường khả năng tăng trưởng kinh tế bền vững. Và trong trường hợp này, các nguồn tài nguyên nước phân bổ cho Thái Lan và Việt Nam đã được sử dụng hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời hỗ trợ việc bảo vệ hệ sinh thái, an ninh lương thực và sự giàu có của con người. Trái lại, Lào và Campuchia không có đủ nguồn lực tài chính và con người để sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nước. Ví dụ, những người trồng lúa có thể đối mặt với những chi phí cao hơn để tiếp cận nước phục vụ tưới mặc dù họ ở gần nguồn nước hơn(7). Do đó, việc hỗ trợ các nước chậm phát triển trong MRC là Lào và Campuchia để giúp các nước này sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước sông Mekong là điều rất quan trọng để giảm nhẹ các tác động tiêu cực từ việc sử dụng nguồn nước Mekong từ các nước này đến Việt Nam.

Thứ năm, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu về những tác động từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong đặc biệt là các tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Từ các kết quả nghiên cứu đó, Việt Nam cần tiến hành trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu với các nước trong lưu vực để các nước này cân nhắc và tính toán đến lợi ích của Việt Nam khi phát triển các dự án. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu đó cần được công bố một cách công khai, rộng rãi đến cộng đồng quốc tế. Từ đó, tích cực kêu gọi các tổ chức và các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc thích ứng với những tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện trên sông Mekong.

Tóm lại, Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong MRC và các đối tác đối thoại của MRC cũng như các đối tác hợp tác quốc tế của MRC để dần đạt được sự quản lý chung đối với nguồn nước sông Mekong và giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc sử dụng nước của các nước thượng lưu đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long(8).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1), (3) Cổng thông tin điện tử Ủy ban sông Mekong Việt Nam, http://vnmc.gov.vn/news/18.aspx. 

(2) Apisom Intralawan và tập thể tác giả (2019), Reviewing benefits and costs of hydropower development evidence from the Lower Mekong river basin, Tạp chí Wiley Interdisciplinary Reviews: Water.

(4) Ủy hội sông Mekong quốc tế: Các quy tắc về Thủ tục Ngoại giao Nước cho sông Mekong.

(5) Ủy ban sông Mekong Việt Nam: Sáng kiến phát triển thủy điện bền vững (ISH).

(6), (7) Serey Sok và tập thể tác giả (2019), Regional cooperation and benefit sharing for sustainable water resources management in the Lower Mekong Basin, Tạp chí Lakes and Reservoirs: science, policy and management for sustainable use, Số 24 (3), tr.218.

(8) Lê Hải Bình: Ủy hội sông Mekong - Thực tiễn và triển vọng, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7-2019.

ThS Đoàn Thị Quảng

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền