Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm xử lý tin giả của Vương quốc Anh và Nhật Bản
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2020 10:31
1715 Lượt xem

Kinh nghiệm xử lý tin giả của Vương quốc Anh và Nhật Bản

(LLCT) - Trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin, tin giả (fake news) không còn là vấn nạn của riêng quốc gia nào. Tin giả gây nhiều hệ lụy cho xã hội: tạo bất ổn chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm xói mòn niềm tin, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của các tổ chức, cá nhân... Chính bởi vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm các biện pháp hạn chế tin giả, trong đó phổ biến nhất là xây dựng hành lang pháp lý và lập hàng rào công nghệ. Bài viết dưới đây giới thiệu kinh nghiệm xử lý tin giả của Vương quốc Anh và Nhật Bản, được tiến hành bởi các tác giả Clare Feikert-Ahalt và Sayuri Umeda (Mỹ).

Từ khóa: tin giả, Vương quốc Anh, Nhật Bản.

1. Kinh nghiệm xử lý tin giả của Anh

Tại Vương quốc Anh, từ năm 1688, Hội đồng Cơ mật đã ban hành một sắc lệnh cấm truyền bá thông tin sai lệch. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, khi các kênh thông tin truyền thống dần bị thay thế bằng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội, tin giả ngày càng phổ biến và trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 1688.

Chính phủ Anh đã lưu ý rằng, trong thời đại tin tức giả và nội dung xuyên tạc giữa các quốc gia thù địch gia tăng như hiện nay, ủng hộ tự do truyền thông cũng có nghĩa là chống lại những làn sóng tin giả này. Chưa có thời đại nào mà thông tin được xuất bản dễ dàng như lúc này, nhưng cũng hơn bất kỳ lúc nào, những lời dối trá và thuyết âm mưu cũng được truyền bá dễ dàng như hiện nay. Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã vô tình góp phần tạo nên sự thù hận và kích động bạo lực nhằm chống lại các cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương.

Theo thời gian, thuật ngữ tin tức giả mạo đã mang nhiều ý nghĩa hơn. Để hiểu rõ ràng và nhất quán hơn, Ủy ban Công nghệ, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh đã khuyến cáo Chính phủ không nên sử dụng thuật ngữ tin tức giả mạo, mà thay vào đó sử dụng “thông tin không đúng sự thật” và “thông tin sai lệch”. Ngay sau đó, Chính phủ đã quy định các điều khoản về vấn đề này như sau: Thông tin không đúng sự thật là thông tin được tạo ra và chia sẻ nhằm cố tình lừa dối công chúng, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố tình thao túng vì mục đích cá nhân, tài chính, hay vì mục đích chính trị khác. Tương tự như vậy là thông tin sai lệch.

Mặc dù hiện tại chưa có luật cấm xuất bản tin tức giả mạo trên internet, nhưng Chính phủ Anh vẫn đang xem xét mức độ nghiêm trọng cũng như phân tích, điều tra tác động của tin tức giả đến xã hội và có khả năng đưa thêm điều khoản pháp lý cho vấn đề này vào luật.

Thực tế tại Anh, các nền tảng truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số đang lên ngôi. Điều này vô tình làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với các nguồn tin trên kênh truyền thống, và thời đại của cái gọi là “tin tức giả” lên ngôi. Việc dân chủ hóa thông tin và sự khai thác thông tin bởi các phương tiện truyền thông đại chúng đã cho phép các đối tượng thù địch phát huy sức ảnh hưởng, cạnh tranh không lành mạnh với những thông tin tích cực có ích cho cộng đồng.

Nếu tin tức giả mạo được chấp nhận và trở nên phổ biến hơn, sẽ gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nhất là ảnh hưởng đến thái độ của công chúng về quá trình dân chủ hóa hay dấy lên những hành vi tiêu cực trong xã hội. Rủi ro sẽ tăng lên cùng với sự tăng trưởng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Vấn đề thực sự chính là việc mất niềm tin từ phía xã hội và niềm tin tưởng vào cuộc sống ngày càng suy giảm, bất kể thông tin sai lệch ấy có từ đâu hay là gì đi chăng nữa.

Chính phủ Anh cho rằng thông tin không đúng sự thật hay thông tin sai lệch là mối đe dọa thứ tư và cần phải chuẩn bị nhiều phương án để chống lại mối đe dọa này. Chính phủ cũng lưu ý rằng, cộng đồng người Hồi giáo cần có các biện pháp phòng thủ và đáp trả lại những thông tin sai lệch trong không gian mạng, điều này là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao nhận thức của xã hội, có thể thông qua luật pháp và các biện pháp thực thi. Ở một diễn biến khác, trước sự bất đồng của Nga sau vụ đầu độc Sergei Skripal và những người khác ở Anh, sau khi Chính phủ và tòa án nhà nước Nga đã cáo buộc ít nhất có 38 câu chuyện sai lệch xung quanh hành vi phạm tội này, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố rằng các cơ quan tình báo có trách nhiệm xác định các thông tin không đúng sự thật hay thông tin sai lệch trên nền tảng truyền thông xã hội ứng dụng theo Học thuyết Fusion được giới thiệu gần đây. Học thuyết này cho rằng: Chính phủ phải chuẩn bị đầy đủ các biện pháp đối phó với các tình huống liên quan đến an ninh, kinh tế, ngoại giao và mức độ ảnh hưởng nhằm đảm bảo an toàn an ninh quốc gia. Điều này có nghĩa là công tác thông tin chiến lược sẽ được xem xét ngang hàng với các lựa chọn thiết yếu khác như tài chính hoặc quân sự.

Vương quốc Anh có kinh nghiệm trong vấn đề chống lại việc tuyên truyền thông tin sai lệch trên internet hay cùng với các đối tác quốc tế cho ra đời Phòng truyền thông Counter-Daesh vào năm 2015 với mục đích tiêu diệt Daesh (Tên gọi của Nhà nước Hồi giáo cực đoan). Năm 2017, Chính phủ tuyên bố, nhờ vào hoạt động của Phòng truyền thông, số lượng thông tin sai lệch đã giảm khoảng 75%. Trước làn sóng bùng nổ các chiến dịch chống thông tin giả mạo, năm 2018, Chính phủ đã tuyên bố sẽ mở rộng thêm Phòng truyền thông An ninh Quốc gia.

Vương quốc Anh hiện không có luật áp dụng cho tin tức được cung cấp độc quyền trên nền tảng trực tuyến. Một số cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban bầu cử, Văn phòng Truyền thông (OFCOM) và Ủy ban Công nghệ, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, cũng như các tổ chức đánh giá độc lập đã được giao nhiệm vụ điều tra tác động của tin tức giả và cung cấp khuyến nghị về cách đảm bảo rằng công dân có quyền truy cập vào thông tin chính xác, thực tế.

Vương quốc Anh không có một cơ quan quản lý giám sát các nền tảng truyền thông xã hội và quản lý nội dung văn bản trực tuyến. Cơ quan quản lý để giải quyết các loại vấn đề kiểu này là OFCOM, được thành lập theo Luật Truyền thông 2003 nhằm thực thi các yêu cầu đáp ứng về tiêu chuẩn nội dung bao gồm các quy định về tính chính xác và khách quan trên các đài truyền hình, đài phát thanh, các công ty truyền thông và viễn thông. OFCOM đã lập luận rằng các quy định bắt buộc phát sóng trên truyền hình và đài phát thanh nhưng lại thiếu quy định về nội dung trên nền tảng trực tuyến đã dẫn đến “sự lách luật” của các phương tiện truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông xã hội đã tận dụng kẽ hở này. OFCOM đã kêu gọi xây dựng thêm quy định nhằm vào các nền tảng trực tuyến mà cụ thể là Facebook, YouTube và Twitter, yêu cầu các nền tảng này phải loại bỏ nhanh chóng đối với nội dung không phù hợp hoặc sẽ bị phạt. OFCOM cũng đề xuất cần tăng tính minh bạch trên tất cả các nền tảng cho phép khán giả hiểu lý do tại sao họ lại nhìn thấy những nội dung này. Cả OFCOM và Ủy ban Công nghệ, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đều đề xuất Chính phủ nên sử dụng các quy tắc được đưa ra bởi OFCOM theo Đạo luật Truyền thông để thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn về nội dung cho các đài truyền hình và đài phát thanh, bao gồm các quy tắc liên quan đến tính chính xác và khách quan, như là cơ sở để thiết lập các tiêu chuẩn cho nội dung trực tuyến.

Hiện Vương quốc Anh đang cân nhắc có nên đưa ra đạo luật để điều chỉnh tính chính xác của thông tin trên các nền tảng trực tuyến hay không. Chính phủ đang hoàn thiện tài liệu về những tác hại trực tuyến, trong đó sẽ đặt ra một khuôn khổ mới đảm bảo sự minh bạch của thông tin, đồng thời tôn trọng tự do ngôn luận và thúc đẩy đổi mới.

Chính phủ Anh tuyên bố có ba thách thức cần phải đối mặt để giải quyết vấn đề tin tức giả mạo:

- Xác định thông tin không đúng sự thật và thông tin sai lệch

- Phản ứng lại với các thông tin đó

- Đảm bảo rằng thông tin chính thức của Chính phủ luôn sẵn sàng và có thể công bố cho người dân được biết để bảo đảm lợi ích công dân về các vấn đề sự kiện, thay vì chỉ bác bỏ thông tin sai lệch.

Chiến lược của Chính phủ đối với việc xử lý tin tức giả có hai khía cạnh: Một là, phản ứng trước nhằm chống lại thông tin sai lệch xung quanh các sự kiện có thể dự đoán trước được, ví dụ như bầu cử; Hai là, chuẩn bị các phương án cho các sự kiện không lường trước.

Trong khi các quy định về việc xử lý thông tin sai lệch hiện đang được xem xét, thì sau một loạt các câu chuyện sai lệch được đăng tải trực tuyến gây tổn hại cho Đảng Bảo thủ và chính quyền, Văn phòng Nội các đã thành lập Đơn vị phản ứng nhanh vào tháng 4-2018 để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc yêu cầu đòi trưng cầu dân ý.

Đơn vị phản ứng nhanh hoạt động từ bên trong nhánh hành pháp của Chính phủ, bao gồm các chuyên gia, nhà phân tích, biên tập viên, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia truyền thông và kỹ thuật số. Vai trò của Đơn vị phản ứng nhanh là theo dõi tin tức, thông tin được chia sẻ và sẵn sàng online để xác định các vấn đề “nóng” một cách chính xác, khách quan và nhanh chóng nhất. Kết quả của việc giám sát này giúp Chính phủ hiểu được môi trường truyền thông hiện đại và đánh giá đúng hiệu quả phương pháp truyền thông của họ.

Đơn vị phản ứng nhanh đã phát triển một mô hình với tên viết tắt là FACT, nhằm xác định và phản hồi lại các nội dung trên internet dễ gây hiểu lầm:

Tìm: Liên tục theo dõi các nguồn tin tức trực tuyến và các bài báo đăng trên phương tiện truyền thông xã hội nhằm xác minh các chủ đề, cuộc thảo luận, quảng cáo thông tin sai lệch và gây hiểu lầm liên quan đến HMG (Chính phủ Hoàng gia). Xác thực lại thông tin nếu là thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin sai lệch.

Đánh giá: Đánh giá các nhóm cộng đồng và các nhà xuất bản liệu có đáp ứng đúng các yêu cầu về nội dung hay không nhằm giảm thiểu rủi ro không cần thiết. Thông báo tới các văn phòng báo chí và các cố vấn truyền thông về cách phản ứng và kiềm chế. Hầu như các bên không bao giờ phản bác lại với các yêu cầu này từ FACT.

Tạo: Tạo nội dung phù hợp với mục đích tường thuật lại và truyền thông các thông tin chính thức của HMG. Đây có thể là một dòng văn phòng báo chí, một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc tạo ra một sản phẩm thông tin mới.

Mục tiêu: Đảm bảo nội dung thông tin về HMG được dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng truy cập công khai.

Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, Đơn vị phản ứng nhanh không phải là đơn vị phản bác lại tin tức giả mạo, mà sẽ tập trung vào việc tìm kiếm các xu hướng mới, các thuật ngữ mới được tìm kiếm nhiều; hoạt động để tối ưu hóa các trang web của Chính phủ nhằm làm nó xuất hiện nhiều hơn trong kết quả tìm kiếm, hoặc sẽ ra mắt các nội dung truyền thông xã hội, giúp cân bằng thông tin và trấn an lại thông tin về chủ đề có nhiều người quan tâm. Chính phủ đã cung cấp một ví dụ về trường hợp mà Đơn vị phản ứng nhanh thực hiện sau khi phát hiện thông tin sai lệch:

Sau các cuộc không kích ở Syria, Đơn vị này đã xác định rằng một số tường thuật không đúng sự thật từ các nguồn tin không xác định đang thu hút được sự quan tâm trên mạng internet. Các nguồn tin tức này dựa trên suy luận chủ quan và có sử dụng yếu tố giật gân hơn là thực tế để thu hút sự quan tâm.

Do cách thức hoạt động của các thuật toán trên công cụ tìm kiếm, khi mọi người tìm kiếm thông tin về các cuộc tấn công, những nguồn tin không đáng tin cậy này đã xuất hiện đầu tiên, trên cả thông tin chính thức của chính phủ Anh. Trên thực tế, không có thông tin chính thức nào từ Chính phủ xuất hiện trên 15 trang đầu tiên của kết quả Google. Chúng ta biết rằng, tìm kiếm là một thuật toán tuyệt vời nhằm tiên đoán được xu hướng quan tâm. Tuy nhiên, thuật toán này có thể không phân biệt được đâu là thông tin chính thức, đâu là thông tin từ nguồn không chính thống.

Do đó, Đơn vị đã đảm bảo những người sử dụng công cụ tìm kiếm nhận ra được thông tin giả, với biểu tượng lá cờ giả, được Chính phủ Vương quốc Anh phản hồi và bác bỏ lại thông tin sai lệch này. RRU (Đơn vị phản ứng nhanh) đã cải thiện thứ hạng từ dưới 200 lên số 1 trong vài giờ. Thông tin về hành động này của UKAID ngay lập tức được khuếch đại và tiếp cận đến các khán giả trong khu vực nhằm thể hiện mức độ quan tâm cao nhất của Chính phủ Anh về các vấn đề nhân đạo ảnh hưởng đến dòng người Syria di cư.

Vương quốc Anh có một hệ thống xử lý thông tin giả mạnh mẽ, có khả năng xuất bản các thông tin chính thức trên nền tảng trực tuyến. Hệ thống cung cấp các tài liệu luật pháp trực tuyến miễn phí thông qua trang Legislation.gov.uk, các tòa án và tòa án tối cao cung cấp các bản án trực tuyến. Nghị viện cũng cung cấp các bản sao về dự luật đang được thảo luận trước Quốc hội, các biên bản tranh luận trong Nghị viện và các ủy ban, và các báo cáo khác của Chính phủ. Đây là cơ sở để Chính phủ và người dân kiểm chứng thông tin tin cậy.

2. Kinh nghiệm xử lý tin giả của Nhật Bản

a. Đạo luật Phát thanh truyền hình

Đạo luật Phát thanh truyền hình của Nhật Bản (gọi là Đạo luật số 132, được ban hành năm 1950; được sửa đổi bởi Đạo luật số 96, năm 2014) đặt ra các quy định cho các đài truyền hình và thiết lập một hệ thống quy định để các chương trình phát sóng không bóp méo sự thật. Đạo luật cũng quy định, các đài truyền hình phải thiết lập một cơ quan cố vấn cho các chương trình phát sóng để đảm bảo tính chính xác, phù hợp của thông tin. Đài truyền hình phải đề ra kế hoạch cơ bản cho các tiêu chuẩn nội dung và biên tập chương trình. Khi có ý định sửa đổi quy định, các nhà đài phải tham khảo ý kiến của cơ quan cố vấn.

Trong một số trường hợp, nội dung của chương trình phát sóng sai sự thật và nhà đài bị than phiền, thì trong vòng ba tháng kể từ ngày phát sóng, đài truyền hình phải điều tra ngay xem liệu thông tin phát sóng có xác thực hay không. Nếu nhận thấy các sự việc không đúng với thực tế thì trong vòng hai ngày kể từ ngày phát hiện, nhà đài phải đính chính trên truyền hình hoặc thu hồi nội dung một cách thích hợp thông qua cùng một thiết bị phát sóng như thiết bị được sử dụng trong chương trình phát sóng bị chỉ trích. Người vi phạm có thể bị phạt tiền không quá 500 nghìn yên (khoảng 4.500 đô la Mỹ).

Khi một đài truyền hình chủ động phát hiện ra các chi tiết sai lệch sự thật trong nội dung các chương trình phát sóng của mình, họ cần có những biện pháp trừng phạt tương tự. Ngoài ra, Nippon Hoso Kyokai (NHK), một kênh truyền hình công trực thuộc Chính phủ, được thành lập dựa trên Đạo luật Phát thanh nhằm mục đích cung cấp các chương trình chất lượng phục vụ công chúng.

b. Bộ luật Hình sự

Bộ luật Hình sự có các điều khoản có thể được sử dụng để trừng phạt những người đăng tin giả.

Với một điều khoản liên quan đến sự phỉ báng, khi một người công khai bôi nhọ người khác bằng cách viện ra những bằng chứng thì có thể bị phạt tù không quá ba năm hoặc phạt tiền không quá 500 nghìn yên, bất kể bằng chứng đó đúng hay sai. Nếu nhận thấy hành động đó có liên quan đến các vấn đề lợi ích công cộng, được thực hiện chỉ vì lợi ích của cộng đồng, và nếu những bằng chứng được viện ra được chứng minh là đúng sự thật, người này sẽ không bị trừng phạt. Tương tự như vậy, khi những bằng chứng này liên quan đến một viên chức nhà nước hoặc một ứng cử viên cho cuộc bầu cử được chứng minh là xác thực, người đó sẽ không bị phạt.

Bộ luật Hình sự cũng được áp dụng cho hành vi lan truyền tin giả gây cản trở việc buôn bán. Người gây tổn hại đến tín dụng hoặc cản trở việc kinh doanh của người khác bằng việc lan truyền tin đồn sai lệch sẽ bị phạt tù không quá ba năm hoặc phạt tiền không quá 500 nghìn yên (khoảng 4.500 đô la Mỹ).

c. Luật Bầu cử

Luật Bầu cử công chức ở Nhật Bản quy định rằng bất kỳ ai tiến hành chiến dịch bầu cử qua internet đều phải cung cấp thông tin liên hệ trực tuyến của mình cho người xem hoặc người nhận thông tin. Mục đích của điều khoản này là để giảm sự lan truyền thông tin bôi nhọ danh dự và “lừa gạt” (tức là mạo danh thiết bị hoặc người dùng khác cho mục đích xấu).

Một người tìm cách khiến ứng viên chiến thắng hoặc thất bại trong cuộc bầu cử bằng cách sử dụng tên hoặc địa vị sai lệch sẽ bị phạt tù không quá hai năm hoặc phạt tiền không quá 300 nghìn yên (khoảng 2.700 đô la Mỹ). Tương tự như vậy, một người công khai thông tin sai sự thật về một ứng cử viên với mục đích giúp cho ứng viên thắng cử sẽ bị phạt tù không quá hai năm hoặc phạt tiền không quá 300 nghìn yên.

Nếu một người công khai thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo về một ứng cử viên khiến người này thất bại sẽ nhận hình phạt tù không quá bốn năm hoặc phạt tiền không quá 1 triệu yên (xấp xỉ 9 nghìn đôla Mỹ).

d. Luật cho các nhà cung cấp dịch vụ internet

Đạo luật giới hạn trách nhiệm của các nhà cung cấp internet nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin vi phạm của người khác. Trong một số trường hợp, khi nhà cung cấp có cơ sở hợp lý để tin rằng dịch vụ đưa tin của mình không phải nguyên nhân khiến người khác bị xâm phạm quyền lợi, họ có thể chặn thông tin và không chịu trách nhiệm về hành vi của người đã phát tán thông tin.

Ngoài ra, khi một người viện lẽ rằng các quyền lợi của họ bị xâm phạm bởi thông tin do một nhà truyền thông đăng tải, người đó cần yêu cầu nhà cung cấp thực hiện các biện pháp nhằm ngăn sự phát tán thông tin sai phạm. Nhà cung cấp phải yêu cầu người phát đi thông tin vi phạm phản hồi cho câu hỏi liệu anh ta hay cô ta có đồng ý với việc thực hiện các biện pháp ngăn sự lan truyền này không.

Giả sử không nhận được bất kỳ thông báo nào từ người phát đi thông tin sai phạm trong vòng bảy ngày, nhà đài sẽ không chịu trách nhiệm đối với người này cho bất kỳ thiệt hại nào gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn sự lan truyền tin tức sai lệch.

Thời gian chờ người loan tin phản hồi được rút ngắn từ bảy ngày xuống còn hai ngày trong trường hợp một ứng viên cuộc bầu cử yêu cầu bên đưa tin ngăn chặn sự phát tán thông tin chứa nội dung bôi nhọ danh dự. Nếu ứng viên này không có thông tin liên hệ của người gửi thông tin bôi nhọ, nhà cung cấp không có trách nhiệm điều tra người loan tin.

e. Chính phủ thảo luận về các biện pháp đẩy lùi tin giả

Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) đã thành lập Nhóm Nghiên cứu dịch vụ nền tảng và đã thu thập các chương trình nghị sự có liên quan từ công chúng vào tháng 10 - 2018.

Vào tháng 12-2018, nhóm nghiên cứu đã bổ sung vấn đề tin tức giả vào chương trình nghị sự. Trong báo cáo tạm thời, nhóm nghiên cứu tuyên bố họ sẽ tìm ra cơ chế tự xác thực thông tin, kiểm tra hệ thống kiểm chứng tính xác thực và nghiên cứu sự tình nguyện hợp tác giữa các dịch vụ nền tảng và các tổ chức xác minh tính xác thực. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch công bố báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2019.

Trang tin Chính phủ điện tử của Chính phủ Nhật Bản duy trì một cơ sở dữ liệu trực tuyến bao gồm luật pháp, các nghị định, pháp lệnh và quy định. Thông báo và thông tư của các cơ quan chính phủ hiển thị trên các trang web và trên trang tin Chính phủ điện tử. Nội dung của các công báo chính thức bao gồm văn bản pháp luật, có thể được tìm kiếm trên trang web của Cục in ấn Quốc gia. Cùng với đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tin tức sai lệch ở quốc gia này.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

Tài liệu dịch:

1. Initiatives to Counter Fake News in Selected Countries, Many authors, The Law Library of congress, Global Legal Research Directorate (United States), April 2019.

2. United Kingdom, Clare Feikert-Ahalt (Senior Foreign Law Specialist), published in “Initiatives to Counter Fake News in Selected Countries”, pg.100-108.

 

3. Japan, Sayuri Umeda (Foreign Law Specialist), published in “Initiatives to Counter Fake News in Selected Countries”, pg.51-56.

PGS, TS Trương Thị Kiên

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền