Trang chủ    Quốc tế    Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Triển khai sức mạnh của Mỹ ở Biển Đông
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 10:07
3103 Lượt xem

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Triển khai sức mạnh của Mỹ ở Biển Đông

(LLCT) - Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên công bố vào tháng 11- 2017 tại Đà Nẵng. Chiến lược này được xây dựng dựa trên một số trụ cột chính, trong đó, Biển Đông được xem là thành tố quan trọng của trụ cột an ninh. Theo đó, chính quyền Trump đã không ngừng triển khai sức mạnh tại Biển Đông: tăng cường hiện diện quân sự, hỗ trợ các nước khu vực tăng cường năng lực hàng hải và tiến hành thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải… Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp  và khó lường, việc nghiên cứu chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Từ khóa: Mỹ, Tổng thống Donald Trump, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông.

1. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã dịch chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm duy trì vị thế siêu cường thông qua việc can dự tích cực ở khu vực. Mặc dù đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau do những biến động của lịch sử cũng như tính toán chiến lược của mỗi nhà lãnh đạo, chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cơ bản được triển khai nhất quán trên những trụ cột cốt lõi từ Chính quyền Clinton đến Chính quyền Trump hiện nay.

Cụ thể, ngay từ khi lên nắm quyền, chính quyền Trump đã sớm tuyên bố chấm dứt Chiến lược “Tái cân bằng”, một động thái được xem là nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn duy trì sự quan tâm cao đối với khu vực thông qua “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Tổng thống Trump lần đầu tiên công bố tại Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Tổng thống Trump nhấn mạnh, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là “khu vực mà các quốc gia độc lập và có chủ quyền, với các nền văn hóa đa dạng và giấc mơ khác nhau, cùng phát triển thịnh vượng, hướng tới tự do và hòa bình”(1). Kể từ sau phát biểu của Tổng thống Trump, rất nhiều quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng đã tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo…, trong đó nhấn mạnh ASEAN tiếp tục duy trì là trọng tâm của tầm nhìn Mỹ đối với khu vực, coi ASEAN là “đối tác không thể thiếu và không thể thay thế”(2). Về địa lý, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Ngoại trưởng Mike Pompeo định nghĩa tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 7-2018 là khu vực trải dài từ bờ Tây nước Mỹ đến bờ Tây Ấn Độ.

Có thể hiểu một cách khái quát mục tiêu của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như sau: i) Duy trì sự lãnh đạo lâu dài của Mỹ tại khu vực và trên toàn cầu, trong bối cảnh Trung Quốc (và Nga) bị Mỹ công khai xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ trong Chiến lược An ninh quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng quốc gia 2018; ii) Thúc đẩy thương mại tự do, bình đẳng và có đi có lại.  Mỹ không chấp nhận tình trạng thâm hụt thương mại và lạm dụng thương mại bởi các quốc gia khác. Thay vào đó, Mỹ yêu cầu các nước đối tác thương mại hành xử một cách bình đẳng và có trách nhiệm với Mỹ; iii) Duy trì không gian biển và bầu trời mở trong khu vực; iv) Đương đầu một cách hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên; v) Đảm bảo tôn trọng luật lệ và quyền cá nhân.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chủ yếu xoay quanh các trụ cột sau:

Thứ nhất, Mỹ tiếp tục can dự tích cực vào các cơ chế đa phương chủ chốt trong khu vực như ARF, ADMM+, EAS cũng như APEC, các cơ chế ba bên (giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc) và đa phương (bộ Tứ giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản), trong đó ASEAN đóng vai trò trọng tâm.

Thứ hai, trong khi củng cố và làm sâu sắc mạng lưới đồng minh và đối tác, Mỹ tiếp tục yêu cầu các nước chia sẻ chi phí quốc phòng. Mỹ cũng tìm kiếm cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác mới với “các nước chủ chốt trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam” để “đương đầu với các thách thức chung, tăng cường năng lực và đầu tư quốc phòng khi cần thiết, thúc đẩy tính tương tác, chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới các đối tác có năng lực và cùng chung nhận thức”(3).

Thứ ba, với khẩu hiệu “an ninh kinh tế là an ninh quốc gia”(4), Chính quyền Trump mong muốn: i) Đạt thỏa thuận thương mại với bất cứ quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nào sẵn sàng trở thành đối tác của Mỹ và chịu sự ràng buộc bởi nguyên tắc thương mại bình đẳng và có đi có lại”(5); ii) Đàm phán lại các thỏa thuận thương mại song phương không có lợi cho Mỹ như NAFTA và KORUS; iii)  Tìm cách thúc đẩy cải cách các thể chế thương mại đa phương, đặc biệt là WTO; iv) Khuyến khích khu vực tư nhân đóng vai trò dẫn dắt tích cực hơn trong việc hỗ trợ khu vực, trong đó có lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, Mỹ ủng hộ các nước đồng minh và đối tác củng cố năng lực thực thi pháp luật nhằm đảm bảo trật tự và lợi ích hàng hải và hàng không, bao gồm việc “thúc đẩy việc cung cấp tài chính và các trang thiết bị quốc phòng vượt trội cho các đối tác an ninh của Mỹ”(6).

2. Định vị Biển Đông trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Mặc dù không phải là nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên, từ lâu nay, Mỹ đã khẳng định có lợi ích quốc gia cốt yếu ở vùng biển này.

Về kinh tế, các tuyến đường giao thương hàng hải của Mỹ ít phụ thuộc vào Biển Đông so với Trung Quốc và Nhật Bản chỉ chiếm hơn 14%(7). Tuy nhiên, là siêu cường năng lượng, Mỹ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng bên ngoài. Với 4,6% dân số thế giới, Mỹ tiêu thu 25% lượng dầu mỏ toàn cầu. Điều này đã dẫn tới việc Mỹ chịu “sự tổn thương chiến lược” và hạn chế về “khả năng theo đuổi chính sách đối ngoại và các mục tiêu an ninh”(8). Cú sốc dầu lửa vào năm 2008 đã làm rung chuyển giới tinh hoa ở Mỹ, khiến họ nhận thức rõ hơn về an ninh năng lượng đối với nền kinh tế Mỹ. Trong khi phát triển các nguồn năng lượng thay thế, như dầu đá phiến, thì dầu mỏ và khí tự nhiên vẫn nằm trong nhóm năng lượng có nhu cầu cao. Để đảm bảo ổn định năng lượng, Mỹ buộc phải vươn ra ngoài lãnh thổ Mỹ để cạnh tranh với các nước khác trong cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng ở bên ngoài, trong đó Biển Đông được đánh giá là có trữ lượng dầu lớn. Trong số các nước có yêu sách chủ quyền ở khu vực, Trung Quốc có yêu sách “đường 9 đoạn” lớn nhất song lại mập mờ nhất ở Biển Đông, chiếm tới gần 80% diện tích vùng biển. Tại cuộc hội thảo tại Manila vào tháng 2-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra rằng “các hoạt động quân sự và tôn tạo cấu trúc đất của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh và đời sống kinh tế của Philippines cũng như của chính Mỹ”(9).

Về quân sự, Biển Đông là tuyến đường biển đặc biệt quan trọng đối với mạng lưới quốc phòng và các liên kết an ninh của Mỹ. Một mặt, Mỹ cần đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh khu vực, bao gồm Philippines và Đài Loan, hai nước có yêu sách ở Biển Đông. Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng nâng cấp quân sự, Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực. Nhằm duy trì hiện diện sức mạnh ở khu vực, hàng năm, Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương, bao gồm cuộc tập trận lớn nhất là Hổ Mang Vàng. Do đó, bất cứ sự cản trở nào đối với các tuyến đường giao thương và quân sự tự do ở Biển Đông sẽ gây nguy hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Theo James Fanell, cựu quan chức tình báo Hải quân Mỹ, “đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đóng tới khoảng 550 tàu chiến - gần gấp đôi số tàu của Mỹ hiện nay”(10). Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tăng cường bồi đắp và tôn tạo các cấu trúc đất với tốc độ chưa từng có tiền lệ tại Biển Đông, mở rộng mới 3.200 héc ta diện tích. Nguy hiểm hơn, các tiền đồn này được quân sự hóa thông qua việc Trung Quốc lắp đặt các thiết bị cảm biến tầm xa, cơ sở hạ tầng biển, đường bay, các kho nhiên liệu và vũ khí kiên cố. Trong trao đổi tại Viện Brooking vào tháng 5-2019, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford cho rằng, gần đây, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông chậm lại là do Trung Quốc đã dần đạt được các mục tiêu quân sự. Theo các chuyên gia Mỹ, hiện tại, Trung Quốc đã có đủ năng lực quân sự “để giám sát các hoạt động trên không và trên biển của đối thủ” và các tiền đồn nhân tạo của Trung Quốc có thể được huy động để làm “cơ sở an ninh hàng hải” chống lại hoạt động khai thác dầu khí và đánh cá của các nước láng giềng”(11). 

Dưới Chính quyền Trump, Biển Đông được xem là một trong những thành tố quan trọng của trụ cột an ninh trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chiến lược An ninh quốc gia 2017(12) cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm “xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông” đang làm nguy hại “tự do thương mại”, đe dọa “chủ quyền của các nước khác” và làm xói mòn “ổn định khu vực”. Chiến lược này tái khẳng định “cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải và giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ và hàng hải phù hợp với luật lệ quốc tế”.

Báo cáo về Chiến lược Quân sự quốc gia năm 2018(13) chỉ ra rằng, việc trỗi dậy của các cường quốc như Trung Quốc và Nga đã tạo nên thách thức lớn nhất với Mỹ. Theo đó, Trung Quốc “đang tạo đòn bẩy về hiện đại hóa quân sự, gây ảnh hưởng thông qua các hoạt động trên thực tiễn cũng như kinh tế nhằm hăm dọa các nước láng giềng, tiến tới thiết lập lại trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Trung Quốc”(14).

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 13 vào tháng 11-2018, Phó Tổng thống Mike Pence tiếp tục nhấn mạnh trụ cột Biển Đông trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó khẳng định cam kết “duy trì tự do hàng hải và hàng không”(15), và cho rằng, “việc bành trướng lãnh thổ và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp và nguy hiểm”, đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và làm nguy hại sự thịnh vượng của thế giới(16). Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift nhấn mạnh “Trung Quốc đang thách thức nguyên tắc tự do tiếp cận không gian toàn cầu của các quốc gia” thông qua các thành tố của sức mạnh quốc gia: ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế”(17), cho rằng “tự do hàng hải nhằm tái khẳng định tính không thể xâm phạm của các không gian chung cũng như cam kết của Mỹ nhằm duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”(18).

Đáng chú ý, trụ cột này còn được củng bố thông qua Đạo luật Sáng kiến Tái trấn an châu Á (ARIA) năm 2018(19), theo đó nhấn mạnh cam kết không chỉ của Chính quyền mà còn cả sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với tự do hàng hải dựa trên luật lệ” và “giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải và chủ quyền”.

3. Triển khai sức mạnh của Mỹ ở Biển Đông

Năm 2017, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã đưa ra Tầm nhìn về tương lai của hải quân Mỹ, theo đó Mỹ “cần một lực lượng hải quân mạnh hơn, gồm 350 tàu thuyền”(20). Tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 11-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tuyên bố phân bổ 60% tàu hải quân, 55% lực lượng quân đội và khoảng 2/3 lực lượng thuộc hạm đội hải quân và 60% trang thiết bị chiến lược hải quân nước ngoài cho Tư lệnh Thái Bình Dương(21). Để ứng phó với các diễn biến mới tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tháng 5-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chính thức đổi tên Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ thành Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khoảng 375.000 nhân sự, mức cao nhất so với lực lượng chiến đấu của Mỹ ở các châu lục khác(22). Tháng 8-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Mỹ sẽ đầu tư vào nhiều cơ sở quân sự ở khu vực nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực”(23).

Với các đồng minh lâu đời nhất tại khu vực, dự kiến Mỹ sẽ tăng các hoạt động tập trận quân sự chung vào năm 2019 từ 262 lên 281(24). Đáng chú ý, chính quyền Trump lần đầu tiên công khai bảo đảm an ninh cho Philppines. Trong chuyến thăm Philippines vào tháng 2-2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định: “Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào lực lượng, tàu thuyền hay máy bay của Phippines ở Biển Đông sẽ khiến Mỹ triển khai cam kết quốc phòng theo Điều 4 của Hiệp định Tương trợ quốc phòng”(25). Đồng thời, chính quyền Trump cũng tăng cường nỗ lực xây dựng năng lực hàng hải cho các nước khu vực thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(26) và Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”(27). Lần đầu tiên, Mỹ tiến hành tập trận quân sự chung với ASEAN vào tháng 9-2019 nhằm tăng cường năng lực hải quân của các nước ASEAN trước các mối đe dọa hàng hải và thiên tai(28).

Đáng chú ý, Chính quyền Trump tiếp tục khẳng định quyền tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở khu vực kể từ khi nắm quyền. Chỉ huy Reann Mommsen, Phát ngôn viên Hạm đội 7, Hải quân Mỹ khẳng định “Mỹ  sẽ tiếp tục bay, căng buồm và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, cho rằng tự do hàng hải “không nhằm vào nước nào và cũng không nhằm mang lại thông điệp chính trị nào”(29). Thiếu tá Clay Doss, Phát ngôn viên Hạm đội 7, Hải quân Mỹ nêu rõ: “Lực lượng Mỹ hoạt động thường xuyên tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Tất cả các hoạt động này phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rằng Mỹ sẽ tiếp tục bay, căng buồm và hoạt động phù hợp với luật lệ quốc tế. Điều này đúng với khu vực Biển Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới”(30). Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (11-2018), Phó Tổng thống Mike Pence chỉ trích hoạt động quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “phi pháp và nguy hiểm”, tái khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục bay, căng buồm ở bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của Mỹ cần. Hăm dọa không cản trở chúng ta, chỉ làm quyết tâm của chúng ta được củng cố thêm”(31).

Tổng thống Trump đã cho tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (viết tắt là FONOP), chỉ bốn tháng sau khi nhậm chức. Vào tháng 11-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh, Mỹ đã “triển khai hoạt động FONOP trong năm 2019 nhiều hơn các Chính quyền Mỹ trước đó trong suốt hơn 20 năm qua”(32). Lần đầu tiên, Mỹ tiến hành FONOP vào tháng 1-2018 trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough Shoal kể từ năm 2012. Tháng 11-2019, hải quân Mỹ lần đầu tiên triển khai hai tàu tác chiến ven bờ, bao gồm tàu USS Gabrielle Giffords và USS Montegomery tới Biển Đông cùng lúc. Mỹ cũng huy động các nước đồng minh và đối tác khác của Mỹ cùng tham gia với Mỹ, trong đó có hoạt động chung với tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) vào tháng 11-2019.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm mạnh trong khi bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn quan trọng, Việt Nam càng cần phải theo sát các diễn biến liên quan đến cách thức Chính quyền Mỹ xử lý vấn đề này, từ đó chủ động và kịp thời phối hợp với các nước liên quan khác, đặc biệt trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1), (5) Nhà trắng Mỹ, Phát biểu của Tổng thống Trump tại Thượng đỉnh CEO APEC, tháng 11-2017, https://www.whitehouse.gov.

(2) Nhà trắng Mỹ, Phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence, tháng 11-2018, https://www.whitehouse.gov.

(3) Bộ Quốc phòng Mỹ, Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Đối thoại Shangri-La Dialogue, tháng 6-2018, https://www.defense.gov.

(4) Nhà trắng Mỹ, Tại sao an ninh kinh tế là an ninh quốc gia, tháng 12-2018, https://www.whitehouse.gov.     

(6), (26) Bộ Quốc phòng Mỹ, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tháng 6-2019, https://media.defense.gov.      

(7) Sức mạnh Trung Quốc CSIS, “Giao dịch thương mại ở Biển Đông như thế nào”, https://chinapower.csis.org.    

(8) Hội đồng Quan hệ đối ngoại, “Sự phụ thuộc năng lượng của Mỹ đang làm xói mòn an ninh quốc gia”, https://www.cfr.org.           

(9) Regine Cabato, Shibani Mahtani, “Pompeo cam kết can thiệp nếu Philippines bị tấn công trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa”, Tạp chí điện tử Washington Post, tháng 2-2019, https://www.washingtonpost.com.         

(10) Oren Dorell, “Việc Trung Quốc mở rộng quân sự đe dọa lợi ích của Mỹ thế nào?”, Tạp chí điện tử USA Today, tháng 5-2018, https://www.usatoday.com.        

(11) Steven Stashwick, “Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã đạt tới đỉnh điểm”, Tạp chí điện tử Foreign Policy, tháng 8-2019, https://foreignpolicy.com.

(12) Nhà trắng Mỹ, Chiến lược An ninh quốc gia, tháng 12-2017, https://www.whitehouse.gov.            

(13) Tổng Tham mưu trưởng liên quân, Chiến lược Quân sự quốc gia, tháng 6-2018 https://www.jcs.mil.     

(14) Bộ Quốc phòng Mỹ, Chiến lược Quốc phòng quốc gia, tháng 1-2018, https://dod.defense.gov.      

(15), (16) Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc, tháng 11-2018, https://kr.usembassy.gov.  

(17), (18) Hải quân Mỹ, Tương lai của châu Á, tháng 9-2017, https://www.cpf.navy.mil.

(19) CRS, Đạo luật Tái đảm bảo an ninh châu Á (ARIA), tháng 4-2019, https://fas.org. 

(20), (21) Các vấn đề hàng hải, Mỹ nâng cấp hải quân và châu Á dưới Chính quyền Trump, tháng 7-2017, http://www.maritimeissues.com. 

(22) PACOM, Khu vực trách nhiệm của Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, https://www.pacom.mil.

(23)Thời báo South China Morning Post, Cơ sở quân sự mới của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, tháng 8-2019, https://www.scmp.com. 

(24) Quỹ Di sản, Đánh giá môi trường hoạt động toàn cầu, tháng 8-2019, https://www.heritage.org.        

(25) Regine Cabato, Shibani Mahtani (2-2019), “Pompeo cam kết can thiệp nếu Philippines bị tấn công trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa”, Tạp chí điện tử Washington Post, tháng 2-2019, https://www.washingtonpost.com.       

(27) Bộ Ngoại giao Mỹ, Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tháng 11-2019, https://www.state.gov.

(28) Thời báo Navy Times (2019), https://www.navytimes.com.   

(29) Ryan Browne, Brad Lendon, “Tàu chiến Mỹ tiến gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc”, trang điện tử CNN, tháng 8- 2019, https://edition.cnn.com.                   

(30) Ben Werner, “2 tàu khu trục mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã tiến hành FONOP ở bãi đá Vành Khăn ở Biển Đông”, trang điện tử USNI, tháng 2- 2019, https://news.usni.org.         

(31) Nhà trắng Mỹ, Phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence tại phiên họp toàn thể EAS, tháng 11-2018, https://www.whitehouse.gov.         

(32) Hội đồng quan hệ đối ngoại, “Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở Biển Đông và Hoa Đông: Tình hình và kiến nghị với Quốc hội”, 26 November 2019, https://fas.org.  

Ths Phạm Minh Thu

Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền