Trang chủ    Quốc tế    Những biến đổi chính trị ở Indonesia hiện nay
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 10:01
10180 Lượt xem

Những biến đổi chính trị ở Indonesia hiện nay

(LLCT) - Là một quốc gia trong khu vực ASEAN, và cũng giành độc lập cùng thời kỳ với Việt Nam, kể từ khi ban hành bản hiến pháp đầu tiên (1945) và thành lập nền cộng hòa (1950), Indonesia đã đã trải qua nhiều bước thay đổi quan trọng trong đời sống chính trị và đạt được những thành công nhất định. Trên cơ sở những thay đổi ấy, ngày nay, Indonesia đang là nước có bước phát triển mạnh về tất cả các mặt của đời sống. Bài viết nghiên cứu làm rõ những biến đổi chính trị chủ yếu tại Indonesia.

Từ khóa: hiến pháp, dân chủ, đảng chính trị, quyền lực.

1. Khái quát thể chế chính trị Indonesia đương đại

Lập pháp: Nghị viện tham vấn nhân dân (Majelis Permusyawaratan Rakyat - MPR), là cơ quan có quyền xây dựng hoặc sửa đổi hiến pháp, bổ nhiệm hoặc luận tội tổng thống.

Nghị viện gồm hai cơ quan:

(1) Hội đồng đại diện nhân dân (Dewan Perwakilan Rakyat - DPR) tức Hạ viện, gồm 560 nghị sĩ, làm nhiệm vụ dự thảo và thông qua luật, hợp tác với tổng thống để xây dựng ngân sách hàng năm, giám sát hoạt động chính trị, nhiệm kỳ 5 năm và được bầu thông qua tổng tuyển cử.

(2) Hội đồng đại diện khu vực (Dewan Perwakilan Daerah - DPD tức Thượng viện, xây dựng dự luật và những vấn đề liên quan đến khu vực, vùng miền, tăng cường vai trò đại diện của khu vực ở tầm quốc gia. Mỗi tỉnh được bầu 4 đại biểu không đảng phái vào Hội đồng, nhiệm kỳ 5 năm. Indonesia có 33 tỉnh thành, vì vậy Hội đồng này gồm 132 nghị sĩ.

Hành pháp: Gồm Tổng thống, Phó Tổng thống và nội các. Tổng thống và Phó Tổng thống là một liên danh, nhiệm kỳ năm năm. Nhân thân của Tổng thống và Phó Tổng thống phải đảm bảo về tôn giáo, vùng miền và địa vị xã hội. Tổng thống Indonesia phải là người đạo Hồi, xuất thân từ vùng Java, Phó Tổng thống là người vùng khác, thuộc dân tộc khác. Sau khi đắc cử, Tổng thống sẽ thành lập nội các, gồm các thành viên của đảng mình, một số của các đảng liên minh, và các nhà kỹ trị không đảng phái.

Tư pháp: Tòa án có quyền lực cao nhất trong hệ thống tư pháp là Tòa án tối cao, hoạt động độc lập. Đây là tòa phúc thẩm cuối cùng, giải quyết bất đồng giữa các tòa án cấp dưới Tòa án Hiến pháp được lập năm 2003, có nhiệm vụ giám sát những quyết định của Nội các và Nghị viện để đảm bảo các quyết định phù hợp với Hiến pháp.

Các đảng phái: Indonesia hiện có hơn 40 đảng đang hoạt động. Một số đảng lớn như Đảng Dân chủ đấu  tranh PDI-P (là đảng cầm quyền của Tổng thống Widodo, cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri là Chủ tịch), Đảng Dân chủ (DP), Đảng Công chức (Golkar), Đảng Công lý thịnh vượng (PKS), Đảng Ủy quyền dân tộc (PAN), Đảng Phát triển thống nhất (PPP), Đảng Thức tỉnh dân tộc (PKB), Đảng Phong trào Đại Indonesia (Gerindra), Đảng lương tri nhân dân (PH), Đảng Dân chủ dân tộc (Nasdem)...

Đạo Hồi là quốc giáo. Khi nhậm chức, Tổng thống phải tuyên thệ trung thành với tôn giáo của mình.

Indonesia là quốc gia ASEAN theo chính thể cộng hòa tổng thống, nền cộng hòa này ra đời năm 1950. Hiến pháp hiện hành là Hiến pháp năm 1945, được sửa đổi và bổ sung năm 1999, 2000, 2001 và 2002. Hiến pháp quy định, quyền hành pháp được trao cho Tổng thống - do cử tri bầu trực tiếp trong cuộc bầu cử toàn quốc. Trường hợp không có cặp ứng cử viên nào được lựa chọn, người dân sẽ trực tiếp lựa chọn giữa 2 cặp ứng cử viên có số phiếu cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử, cặp ứng cử viên nào nhận được số phiếu cao nhất sẽ được bổ nhiệm làm Tổng thống và Phó Tổng thống(1).

Ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia phải là công dân Indonesia, chưa bao giờ nhập quốc tịch nước khác, không phản bội tổ quốc và có đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ. Họ phải tranh cử theo đảng phái, không chấp nhận ứng cử viên độc lập. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm, và chỉ được nắm giữ vị trí tối đa hai nhiệm kỳ. Tổng thống có nhiệm vụ và quyền hạn gắn liền với vị trí nguyên thủ quốc gia như thống lĩnh các lực lượng vũ trang, ban hành lệnh ân xá, thay mặt quốc gia ký kết các điều ước quốc tế, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm đại sứ tại nước ngoài và tiếp nhận đại sứ nước ngoài. Đối với một số nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện thì phải dựa trên ý kiến hoặc sự phê chuẩn của một cơ quan khác. Ví dụ, khi tuyên bố chiến tranh hay hòa bình, Tổng thống phải được sự phê chuẩn của DPR.

Tổng thống có quyền phủ quyết đối với các dự luật đã được cơ quan lập pháp thông qua. Hiến pháp quy định DPR có thẩm quyền ban hành luật, nhưng mỗi dự luật đều phải có sự thảo luận và thống nhất giữa Tổng thống và DPR. Sau khi đạt được thống nhất, Tổng thống mới ký xác thực, ngược lại, dự luật có thể không được bàn tới nữa. Tổng thống có thực quyền lớn, cụ thể là trong quá trình lập pháp, Tổng thống và DPR có vai trò ngang nhau, Tổng thống có quyền trình dự án luật ra DPR và ban hành các quy định dưới luật để thực hiện các luật khi cần thiết.

Tổng thống Indonesia, vì vậy, không chỉ nắm hành pháp và là nguyên thủ quốc gia mà còn nắm thực quyền trong lập pháp, điều này cho phép Tổng thống tham gia một cách chủ động và chi phối các hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, Tổng thống lại không có quyền giải tán MPR, và hoàn toàn có thể bị MPR phế truất nếu bị chứng minh là phản quốc, tham nhũng, có hành vi ô nhục hoặc bị chứng minh là không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Thủ tục luận tội bắt đầu bằng việc có ít nhất 2/3 thành viên DPR đồng ý luận tội Tổng thống trước Tòa án hiến pháp. Trong vòng 90 ngày, Tòa án này phải ra phán quyết về việc Tổng thống có thực sự bị phế truất như quan điểm của DPR hay không. Khi phán quyết là phế truất thì vụ việc sẽ được chuyển lên MPR để giải quyết trong vòng 30 ngày tiếp theo. Phiên họp của MPR để phế truất Tổng thống phải có ít nhất 3/4  tổng số thành viên tham gia, Tổng thống sẽ bị phế truất nếu có ít nhất 2/3 trong số đó đồng ý(2).  

2. Những đổi mới chính trị ở Indonesia

Tản quyền cho các địa phương

Sau thời Suharto, 5-1998, hầu hết các cải cách cơ bản về luật bầu cử và hiến pháp Indonesia đều đạt được những thành công nhất định. Indonesia đã chuyển đổi từ chế độ chuyên quyền bậc nhất Đông Nam Á trở nên tự do và dân chủ hơn. Hiện nay, người dân Indonesia được bầu cử tự do, công bằng và có tính cạnh tranh cao hơn với khoảng 40 đảng giành quyền lực trong MPR. Các đảng phải xây dựng đồng minh nhằm đạt đa số phiếu cần thiết để thông qua các luật. Ghế nghị viện được đánh giá rất cao, khiến các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh khốc liệt, trong trường hợp cần thiết, Tòa án Hiến pháp Indonesia sẽ phán xử nếu có các tranh chấp giữa các đảng trong quá trình bầu cử.

Sau khi Suharto từ chức giữa tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội, Indonesia bắt tay tiến hành một chương trình tản quyền, được gọi là “tự trị khu vực” (otonomi daerah). Habibie đã phát động tiến trình mà trong hơn một năm đã làm cho Indonesia trở nên dân chủ hơn. Trước đó, quyền lực chỉ tập trung chủ yếu vào chính quyền trung ương (pemerintah pusat). Chức năng chính của chính quyền địa phương - tại làng, xã, tỉnh, thành phố - là tuân theo các chính sách và chỉ thị quốc gia. Hệ thống này đã vấp phải sự chống đối mãnh liệt của nhân dân, nhiều tỉnh đã cho rằng cách thức kiểm soát kinh tế, quân sự và bộ máy quan liêu của Jakarta là quá khắc nghiệt, hầu hết các lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực ngoài cùng Indonesia đều chảy về bộ máy chính quyền trung ương. Các tỉnh, thành khác như West Papua và Đông Timor cho rằng, theo cơ sở lịch sử, họ không thuộc sự quản lý của Indonesia. Một số tỉnh như Aceh, Tây Papua, Đông Timor và Bali cho rằng họ khác biệt với những khu vực khác của Indonesia cả về mặt tư tưởng, văn hóa và tôn giáo, vì thế đều muốn tách ra khỏi Indonesia. Các hoạt động chống đối quyền kiểm soát của trung ương - như Phong trào Tự do Papua (OPM) và Phong trào Tự do Aceh (GAM) bị quân đội đàn áp, dẫn tới những cuộc nội chiến và đàn áp trong suốt hàng chục năm. Thông qua cơ chế quyền tự trị khu vực, Indonesia vẫn giữ được sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Xác lập phạm vi trách nhiệm các cấp địa phương

Hiến pháp Indonesia (sửa đổi năm 2002) tuy không ghi cụ thể nguyên tắc tam quyền phân lập nhưng chịu ảnh hưởng của nguyên tắc này khi quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Trong bộ máy nhà nước trung ương của Indonesia có cơ quan thực thi quyền lập pháp riêng so với hành pháp và tư pháp.

Chính quyền địa phương Indonesia cơ bản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc kết hợp giữa tập quyền và tản quyền, giữa tập trung với phi tập trung và tự quản, gồm có cấp tỉnh (vùng I), cấp huyện, quận (vùng II), cấp xã (cấp xã, phường) và cấp thôn. Ba cấp đầu thì tổ chức tương tự như hệ thống chính quyền địa phương Việt Nam. Tuy nhiên, cấp thôn ở Indonesia là một cấp chính quyền độc lập trong hệ thống chính quyền địa phương. Cơ chế bổ nhiệm đóng vai trò chi phối trong việc thiết lập bộ máy chính quyền địa phương, nhất là đối với các chức vụ chủ chốt trong bộ máy hành chính. Chính quyền cấp tỉnh có Thống đốc, Cơ quan hành chính và Hội đồng đại diện tỉnh. Thống đốc là người đứng đầu một tỉnh và đồng thời cũng là đại diện cho Tổng thống ở địa phương, có bộ máy công chức địa phương giúp việc bên cạnh cơ quan hành chính. Hai cơ quan này phối hợp với nhau trong việc ban hành luật lệ của địa phương và ngân sách của tỉnh. Hội đồng đại diện tỉnh đóng vai trò quyết nghị. Bên cạnh các cơ quan cấp tỉnh, huyện còn có cơ quan đại diện của các Bộ ở cấp trung ương đặt tại địa phương. Riêng chính quyền cấp xã ở Indonesia không có cơ chế tự trị, mà là cơ quan hành chính cấp dưới của quận, huyện hay thành phố. Trưởng phường, xã là người đứng đầu của phường, xã. Tại cấp này không có Hội đồng đại diện nhưng vẫn có các chi nhánh đại diện một số bộ. Riêng ở cấp thôn, hệ thống chính quyền cũng được tổ chức gần như cấp xã nhưng không đặt cơ quan đại diện của các Bộ Trung ương.

Quy định về bầu cử và luật về đảng chính trị của Indonesia

Hệ thống bầu cử Indonesia áp dụng theo cách đại diện theo tỷ lệ, khác với các nước khác trong ASEAN là dùng cách bầu đa số hoặc hỗn hợp. Luật bầu cử do Quốc hội soạn thảo và thông qua nhưng trong quá trình thảo luận thì các tổ chức xã hội, học giả và cơ quan nghiên cứu vẫn được góp ý kiến để hoàn thiện.

Bầu cử Nghị viện ở Indonesia là bầu cử theo đảng chính trị, hệ thống này không cho phép một đảng nào chiếm đa số trong Nghị viện, vì vậy, các đảng lớn thường phải thỏa hiệp với nhau để thành lập chính phủ liên minh. Lần bầu cử Nghị viện gần đây là vào 4.2019 với 16 đảng tham gia tranh cử. Trong đó, thắng lợi lớn nhất thuộc về PDI-P với 19,33%, Đảng Gerinda với 12,57%, các đảng tiếp theo lần lượt là Golkar, PKB, Nasdem và PKS. Điều đáng chú ý là ở một đất nước có 87% dân số theo đạo Hồi, các đảng theo xu hướng Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 20% số ghế trong Nghị viện.

Một đặc điểm của hệ thống bầu cử Nghị viện Indonesia là chỉ có khoảng 1/3 nghị sĩ trúng cử đã có kinh nghiệm hoạt động Nghị viện ở cấp độ quốc gia hoặc cả ở cấp độ quốc gia và địa phương. Tỷ lệ tái cử thấp đồng nghĩa phần lớn nghị sĩ là những người mới vào nghề, mới bắt đầu quy trình tìm hiểu chính trị ở cùng một điểm xuất phát. Ngoài ra, các nghị sĩ trúng cử cũng không nhất quán trong việc theo một đảng phái nào, đặc biệt là những đảng nhỏ và thiếu đường lối và quan điểm chính trị rõ ràng. Với cách thức như vậy, thực tế cho thấy cuộc bầu cử 2019 ở Indonesia có tới 193 triệu cử tri tham gia bầu cử DPR và DPD tại 805 nghìn điểm bỏ phiếu trên 6 nghìn hòn đảo lớn nhỏ và có tới 16 đảng chính trị khác nhau, vì thế, rất khó có đảng nào giành ưu thế tuyệt đối.

Đối với cơ quan hành pháp, việc bầu cử DPR rất quan trọng, qua đó để tìm ra ứng cử viên tổng thống nước này. Theo Luật Bầu cử tổng thống mới, chỉ những đảng hoặc liên minh các đảng giành được 25% trên tổng số 560 ghế trong DPR, mới được quyền đề cử ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống.

Thay đổi trong tiến trình dân chủ hóa

Những giai đoạn lịch sử quan trọng của

Indonesia cho thấy, việc cải cách theo hướng dân chủ, các đảng chính trị được tham gia nhiều hơn và có cơ hội bình đẳng cao hơn. Sau khi

Indonesia tuyên bố độc lập, quân đội Hà Lan quay trở lại nhằm thiết lập lại ách cai trị. Do đó, Indonesia phải trải qua 5 năm (1945 - 1950) vừa đấu tranh ngoại giao và vừa vũ trang để bảo vệ độc lập. Tháng 12-1949, Hà Lan công nhận Indonesia là quốc gia độc lập và chuyển giao chính quyền cho chính phủ liên hiệp Indonesia. Tháng 8-1950, chính phủ liên hiệp giải thể và nước Cộng hòa Indonesia thành lập, Indonesia chính thức bắt tay vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù đây là thời gian Indonesia phải tập trung vào cuộc đấu tranh chống thực dân Hà Lan, nhưng ngay trong quá trình đó, nhà nước Indonesia đã ra đời. Đặc biệt từ năm 1945,

Indonesia đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên với 5 nguyên tắc Pancasila nổi tiếng. Các nguyên tắc này dù còn có những hạn chế, song ở mức độ nhất định đã tạo nền tảng dân chủ cho Indonesia qua tư tưởng nhân văn và bình đẳng giữa các tôn giáo. Những tư tưởng cơ bản này đi theo suốt lịch sử Indonesia về sau, là cơ sở giúp Indonesia trở thành một nhà nước thế tục thay vì một nhà nước Islam giáo.

Cụ thể, với mô hình Dân chủ Tự do ở Indonesia kéo dài từ 1950 đến 1959, Indonesia đã thực hiện tự do bầu cử, tự do ngôn luận, báo chí của người dân, lực lượng quân sự chưa có vai trò thực sự quan trọng trong đời sống chính trị xã hội... Tuy nhiên, do không thực hiện việc phân quyền và do những khó khăn về kinh tế, xã hội, sự mâu thuẫn quá lớn giữa các lực lượng chính trị - xã hội trong nước và tham vọng mở rộng quyền lực của Soekarno và lực lượng quân sự, mô hình Dân chủ tự do đã thất bại.

Tiếp đó, từ thời kỳ Dân chủ chỉ đạo đến thời kỳ Trật tự mới, các quyền dân chủ, tự do của người dân bị hạn chế: bầu cử không được tổ chức, thiếu tự do báo chí các đảng chính trị và các tổ chức xã hội bị hạn chế hoạt động. Sự tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương được đẩy lên mức cao nhất. Mọi phong trào chống đối lại chính quyền trung ương đều bị đàn áp. Tuy nhiên, trong thời kỳ Trật tự mới, với chính sách phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, kinh tế Indonesia đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt so với các thời kỳ Dân chủ tự do và Dân chủ chỉ đạo. Chính sự tăng trưởng kinh tế cao đã mang lại tính hợp pháp cho chế độ Trật tự mới, là cơ sở để chế độ này tồn tại suốt hơn ba thập niên từ năm 1966 đến năm 1998. Thêm vào đó, sự chia rẽ nội bộ và sự ủng hộ của quốc tế ngày càng suy giảm đã khiến chính quyền thời Trật tự mới thiếu đi nền tảng tồn tại. Cuộc khủng hoảng năm 1998 khiến nền kinh tế - xã hội rối loạn. Phong trào đấu tranh biểu tình của sinh viên, công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị và một bộ phận giai cấp trung lưu dâng cao khiến tổng thống Suharto buộc phải từ chức vào tháng 5-1998. Chế độ Trật tự mới sụp đổ đã mở đường cho cải cách dân chủ ở Indonesia.

Sau khi chế độ Trật tự mới sụp đổ, phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ diễn ra dẫn tới hàng loạt cải cách chính trị - xã hội quan trọng. Những cải cách dân chủ đã được thực hiện như thay đổi cơ chế bầu cử, phát triển cơ chế giám sát và cân bằng trong bộ máy nhà nước, cải thiện các quyền cơ bản của người dân, thúc đẩy quá trình phân quyền cho các địa phương. Những cải cách này đã nâng cao trách nhiệm tham gia chính trị của người dân. Song song với đó, nền kinh tế Indonesia cũng đạt được những bước tăng trưởng vững chắc, vị thế của Indonesia ngày càng nâng cao trên trường khu vực và quốc tế. Với mô hình dân chủ tham gia được thiết lập như hiện nay, Indonesia đang được đánh giá là quốc gia dân chủ bậc nhất Đông Nam Á và là nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới (xét theo số dân).

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, Indonesia là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á, thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới và đang trở thành một thị trường tiêu dùng phát triển với tốc độ nhanh. Tốc độ tăng trưởng tuy có chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức 5,04-5,05% trong năm 2019(3). Đây vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhóm G20.

Tuy còn có những tranh luận về sự tăng trưởng của Indonesia là chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên, nhưng thực tế nền kinh tế của Indonesia không chỉ dựa vào đó. Hiện nay, Indonesia là một nền kinh tế ngày càng năng động và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Các nghiên cứu cho thấy, các tầng lớp trung lưu và giàu có của Indonesia sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 141 triệu người trong 5-6 năm tới. Lớp trẻ của Indonesia dám nghĩ dám làm, tự lực và đầy tham vọng, tầng lớp trung lưu của Indonesia đang là động lực thúc đẩy nền kinh tế. Các lĩnh vực như ngân hàng, du lịch, giải trí, thực phẩm và bán lẻ, dịch vụ của Indonesia cũng đang thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp gần một nửa tổng sản lượng của nền kinh tế. Nền kinh tế Indonesia đã đi một chặng đường dài kể từ năm 1998 và đã trải qua một sự chuyển biến đáng kể.

Indonesia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai, nhưng có thể nói nước này đã đi một chặng đường dài trong một khoảng thời gian ngắn và đã có những thay đổi thành công. Trong sự chuyển đổi ấy, vai trò quan trọng nhất là nền tảng hiến pháp, với một quốc gia có vị trí địa lý đặc thù với hàng nghìn hòn đảo, tổng diện tích quốc gia rộng lớn, đa dạng về các thành phần dân tộc và rất nhiều tôn giáo, sống vừa đan xen, vừa độc lập, thì việc tồn tại một hiện thực chính trị nhiều đảng là điều có thể giải thích được.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1), (2) Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân: Tuyển tập Hiến pháp một số quốc gia, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr.133-134, 134-135.

(3) Indonesia năm 2019 sẽ tăng trưởng thấp hơn mục tiêu, https://bnews.vn.

Tài liệu tham khảo:

1. Michael Yahuda: Các vấn đề chính trị quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.

2. Tô Văn Hòa: Nghiên cứu so sánh hiến pháp các quốc gia ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

3. Nguyễn Trường: Thế giới thời hậu Chiến tranh lạnh, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010.

4. Albert P.Blaustein, Jay A.Sigler: Các bản hiến pháp làm nên lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

TS Đoàn Trường Thụ

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền